Chân răng có mủ là dấu hiệu nhận biết tình trạng nhiễm trùng tại chỗ hoặc nhiễm trùng lan tỏa, là biểu hiện cảnh báo răng miệng bạn đang gặp một hoặc một vài vấn đề nghiêm trọng, đe dọa biến chứng khó lường. Nếu chân răng bạn đang có mủ, bài viết này sẽ hữu ích với bạn.
Bạn đang đọc: Chân răng có mủ: Nguyên nhân và điều trị
1. Dấu hiệu nhận biết chân răng có mủ
Tình trạng chân răng chảy mủ thường đi kèm với các triệu chứng khác như:
– Đau răng: Đau lan khắp hàm, đến tai và cổ. Đau tăng khi ăn nhai. Đôi khi cảm giác đau dữ dội đến mức bệnh nhân không thể ăn nhai bằng bên răng bị đau,
– Lợi sưng to, đỏ, mềm, đau và có thể chảy máu khi ấn vào. Đôi khi quan sát thấy mủ ở bờ lợi,
– Bên mặt có răng đau cũng sưng, da căng, đỏ và nóng,
– Có thể có hạch ở dưới hàm và ở cổ. Hạch đau khi ấn vào,
– Sốt,
– Hôi miệng,
– Khi mủ chân răng vỡ, cảm giác đau sẽ thuyên giảm.
Tình trạng chân răng chảy mủ thường đi kèm các cơn đau
2. Nguyên nhân chân răng có mủ
Răng gồm 3 lớp: Lớp ngoài là men răng, lớp giữa là ngà răng và lớp trong là tủy răng. Lớp trong là một hốc rỗng, chứa các tổ chức mềm gồm mạch máu, dây thần kinh và mô liên kết. Mạch máu và dây thần kinh đi vào hốc này qua một lỗ ở đỉnh của chân răng. Đỉnh chân răng chứa lỗ gọi là cuống răng. Chúng ta không thể quan sát bằng mắt thường chân răng, bởi chúng nằm trong các hốc xương, gọi là xương ổ răng và các xương ổ răng lại được bao phủ bởi nướu răng hay lợi.
Chân răng có mủ thường là do 2 nguyên nhân chính sau:
2.1. Bệnh viêm quanh răng (hay còn được gọi là bệnh viêm nha chu)
Vệ sinh răng miệng kém: Không làm sạch thức ăn tồn đọng tại kẽ răng, khe lợi; ít hoặc không lấy cao răng, không sử dụng đúng khí cụ nha khoa (dùng tăm thay vì dùng chỉ nha khoa, tăm nước,…),… có thể dẫn đến bệnh lý viêm lợi (viêm nướu). Biểu hiện của bệnh lý này là: Lợi sưng, đỏ, phì đại, chảy máu tự nhiên hoặc chảy máu khi đánh răng, miệng hôi,…
Viêm nha chu hay viêm quanh răng là kết quả của tình trạng viêm lợi không được kiểm soát tích cực. Lúc này, lợi sẽ tụt, chân răng sẽ có mủ và xương ổ răng sẽ tiêu. Bệnh lý viêm nha chu nếu tiếp tục không điều điều trị hiệu quả, sẽ dẫn đến tình trạng lung lay và mất răng hàng loạt.
2.2. Bệnh tủy răng
Chấn thương răng, sâu răng hoặc viêm quanh răng không được giải quyết triệt để đều có thể dẫn đến tình trạng viêm tủy răng. Từ viêm tủy răng, nhiễm trùng có thể lan xuống cuống răng, dẫn đến tình trạng áp xe chân răng, chân răng chảy mủ.
Nhiễm trùng cuống răng diễn biến tiêu cực trong nhiều trường hợp sẽ dẫn đến tình trạng viêm chân răng lan tỏa, viêm xương ổ răng, khiến răng lung lay và rụng.
Ngoài 2 bệnh lý này, chân răng chảy mủ còn có thể phát sinh do răng mọc lệch, răng sai khớp cắn, thuốc, nội tiết tố, bệnh lý tiểu đường, suy giảm miễn dịch,…
Tìm hiểu thêm: Mấy tuần có tim thai – Mẹ bầu đã biết?
Sâu răng là nguyên nhân sâu xa khiến chân răng chảy mủ
3. Điều trị chân răng có mủ
Khi chân răng chảy mủ, bệnh nhân cần thăm khám với chuyên gia ngay để được chẩn đoán và chỉ định điều trị. Theo đó, nguyên tắc điều trị tình trạng chân răng chảy mủ là:
– Kiểm soát triệu chứng bệnh (giảm sốt, giảm đau, giảm sưng,…)
– Ổn định hóa ổ nhiễm trùng bằng thuốc kháng sinh,
– Loại bỏ ổ nhiễm trùng: Chuyên gia sẽ thực hiện thủ thuật thích hợp để xử lý ổ nhiễm trùng, khi tình trạng nhiễm trùng đã ổn định (nhờ dùng thuốc kháng sinh),
Theo đó, một số thủ thuật giải quyết ổ nhiễm trùng có thể sẽ được chuyên gia áp dụng là:
– Dẫn lưu khối mủ hay chích rạch áp xe: Chuyên gia cắt một đường nhỏ tại vùng sưng để dẫn lưu mủ ra bên ngoài.
– Điều trị bệnh lý viêm quanh răng: Chuyên gia sẽ lấy cao răng và nạo vét mảng bám xung quanh chân răng và dưới lợi,…
– Điều trị bệnh lý viêm tủy răng: Chuyên gia sẽ loại bỏ phần tủy răng viêm nhiễm và trám kín lỗ hổng trên bề mặt răng.
– Cắt cuống răng: Chuyên gia loại bỏ ổ nhiễm trùng ở cuống răng
– Nhổ răng: Trong trường hợp viêm nhiễm quá nghiêm trọng, chuyên gia sẽ nhổ răng và nạo vét toàn bộ vùng viêm nhiễm khu trú tại xương hàm.
– Trường hợp viêm nhiễm đã lan sang các răng lân cận hoặc lan vào xương hàm, cần điều trị cả răng nguyên nhân và răng liên quan cũng như vùng xương hàm chịu ảnh hưởng.
– Đối với các bệnh nhân chân răng có mủ do răng mọc lệch, răng sai khớp cắn, thuốc, nội tiết tố, bệnh lý tiểu đường, suy giảm miễn dịch,…, chuyên gia sẽ tiến hành điều trị nguyên nhân, như: Nắn chỉnh răng,… Nếu nguyên nhân gây chân răng chảy mủ không phải là các vấn đề răng hàm mặt, bệnh nhân cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia có chuyên môn tương ứng.
4. Phòng tránh chân răng có mủ
Nguyên nhân sâu xa chủ yếu gây chân răng chảy mủ là vệ sinh răng miệng không cẩn thận, kỹ lưỡng. Chính vì vậy, để phòng tránh tình trạng này, chúng ta cần thực hiện nghiêm chỉnh việc vệ sinh răng miệng.
– Đánh răng 2 – 3 lần mỗi ngày sau khi ăn 30 phút, mỗi lần đánh trong 2 – 3 phút: Sử dụng bàn chải mềm, kem đánh răng kháng khuẩn. Chải răng theo chuyển động tròn hoặc dọc. Đối với răng cửa, đặt bàn chải ngang và nghiêng một góc 45 độ so với viền nướu. Đối với răng hàm, đặt bàn chải song song bề mặt răng.
>>>>>Xem thêm: Mang thai sau sinh mổ 10 tháng có nguy hiểm không?
Vệ sinh răng miệng cẩn thận để phòng tránh chân răng chảy mủ
– Sử dụng chỉ nha khoa hoặc tăm nước để làm sạch kẽ răng – khu vực không thể làm sạch bằng bàn chải.
– Súc miệng với dung dịch kháng khuẩn hoặc nước muối sinh lý.
Ngoài vệ sinh răng miệng tại nhà, chúng ta cũng nên thăm khám định kỳ 6 tháng với chuyên gia nha khoa để được lấy cao răng và kiểm tra toàn diện sức khỏe răng miệng.
Về dinh dưỡng, nên hạn chế dung nạp thực phẩm nhiều đường và có tính acid (như bánh kẹo, hoa quả sấy,…) đồng thời tăng cường dung nạp thực phẩm giàu canxi và vitamin (như trứng, đậu, sữa, nấm,…). Thực phẩm quá nóng, quá lạnh hoặc quá cay cũng nên ăn ít.
Như vậy chân răng có mủ phần lớn là do viêm quanh răng hoặc viêm tủy răng. Tùy nguyên nhân và tình trạng bệnh, chuyên gia nha khoa sẽ chỉ định phương pháp điều trị cụ thể. Liên hệ Thu Cúc TCI để được tư vấn chi tiết và đặt lịch thăm khám – điều trị, bạn nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.