Tác động của chế độ ăn kiêng Keto đến nam giới và phụ nữ sẽ không hoàn toàn giống nhau.
Chế độ ăn Keto có hiệu quả cho phụ nữ không?
Chế độ ăn Keto là một chế độ ăn kiêng rất ít carb, nhiều chất béo và có lượng protein vừa phải, trong những năm gần đây được rất nhiều người thực hiện vì hiệu quả giảm cân nhanh chóng.
Ngoài ra, chế độ ăn này còn có nhiều lợi ích khác cho sức khỏe, gồm có cải thiện khả năng kiểm soát mức đường huyết, sự trao đổi chất, giảm nguy cơ tiểu đường và bệnh tim mạch.
Tuy nhiên, tác động của chế độ ăn Keto đến nam giới và phụ nữ có thể sẽ không hoàn toàn giống nhau.
Dưới đây là những lợi ích cũng như là tác động tiêu cực của chế độ ăn Keto ở phụ nữ.
Chế độ ăn Keto có hiệu quả cho phụ nữ không?
Chế độ ăn Keto là một phương pháp hiệu quả để điều trị hoặc cải thiện một số vấn đề sức khỏe.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn này giúp giảm mỡ thừa trong cơ thể và giảm lượng đường trong máu, thậm chí còn là một phương pháp hỗ trợ điều trị một số bệnh ung thư.
Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện ở riêng phụ nữ hoặc ở cả nam và nữ nhằm so sánh tác động của chế độ ăn kiêng Keto đến hai giới.
Ở phụ nữ, chế độ ăn Keto mang lại một số lợi ích dưới đây.
Giảm cân
Một trong những lý do chính khiến nhiều phụ nữ thực hiện chế độ ăn Keto là để giảm cân và giảm mỡ thừa trong cơ thể.
Một số nghiên cứu chứng minh chế độ ăn này thực sự có tác dụng giảm mỡ rất hiệu quả ở phụ nữ.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc cắt giảm lượng carb xuống mức rất thấp và tăng lượng chất béo kích thích cơ thể đốt cháy mỡ, giảm lượng calo nạp vào cũng như là giảm nồng độ các hormone gây cảm giác đói như insulin. Tất cả đều giúp giảm cân và giảm mỡ.
Ví dụ, một nghiên cứu ở 45 phụ nữ bị ung thư buồng trứng hoặc ung thư nội mạc tử cung cho thấy những người thực hiện chế độ ăn Keto trong 12 tuần có tổng lượng mỡ trong cơ thể ít hơn đáng kể và giảm mỡ bụng nhiều hơn 16% so với những người theo chế độ ăn ít chất béo, nhiều chất xơ.
Một nghiên cứu khác ở những người béo phì, trong đó có 12 phụ nữ đã chứng minh rằng việc thực hiện chế độ ăn Keto rất ít calo trong 14 tuần đã làm giảm đáng kể lượng mỡ trong cơ thể, giảm cảm giác thèm ăn và cải thiện chức năng tình dục của phụ nữ.
Ngoài ra, một bản đánh giá tổng hợp kết quả của 13 thử nghiệm lâm sàng có đối chứng (loại thử nghiệm tiêu chuẩn trong nghiên cứu lâm sàng) với 61% tổng số người tham gia là phụ nữ đã kết luận rằng những người ăn kiêng Keto đã giảm được nhiều hơn gần 1kg sau 1 đến 2 năm so với những người ăn ít chất béo.
Mặc dù nghiên cứu chứng minh rằng chế độ ăn Keto là cách hiệu quả để giảm mỡ trong thời gian ngắn nhưng hiện tại vẫn còn thiếu các nghiên cứu về tác động lâu dài của chế độ ăn kiêng rất ít carb này đối với việc giảm cân.
Một số bằng chứng cho thấy hiệu quả giảm cân của chế độ ăn Keto giảm xuống sau 5 tháng, có thể là do lượng carb quá thấp.
Hơn nữa, theo một số nghiên cứu thì các chế độ ăn kiêng có lượng carb cao hơn vẫn đem lại hiệu quả tương đương mà lại dễ duy trì được lâu dài hơn.
Ví dụ, một nghiên cứu với 52 phụ nữ tham gia đã cho thấy rằng chế độ ăn kiêng ít carb và có lượng carb vừa phải (carb chiếm 15% và 25% tổng lượng calo) cũng giúp giảm mỡ và giảm số đo vòng eo sau 12 tuần tương đương với chế độ ăn Keto (chưa đầy 5% calo đến từ carb).
Ngoài ra, các chế độ ăn kiêng không quá ít carb sẽ bền vững hơn.
Kiểm soát mức đường huyết
Chế độ ăn Keto thường giới hạn lượng carb tiêu thụ ở mức 10% tổng lượng calo hoặc thấp hơn. Vì thế nên chế độ ăn kiêng này còn được thực hiện ở những phụ nữ có chỉ số đường huyết cao, bao gồm cả những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Một nghiên cứu kéo dài 4 tháng ở 58 phụ nữ bị béo phì và tiểu đường tuýp 2 cho thấy rằng chế độ ăn Keto rất ít calo giúp giảm cân và giảm đáng kể chỉ số đường huyết lúc đói cũng như là chỉ số HbA1c (hemoglobin A1c) so với chế độ ăn ít calo thông thường.
HbA1c là một chỉ số phản ánh khả năng kiểm soát mức đường huyết trong vài tháng tiếp theo.
Một case study (nghiên cứu về trường hợp có thật trong thực tế) vào năm 2019 ở một phụ nữ 65 tuổi có tiền sử 26 năm mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và trầm cảm đã chứng minh rằng sau khi thực hiện chế độ ăn Keto trong 12 tuần, kết hợp với liệu pháp tâm lý và tập thể dục cường độ cao thì chỉ số HbA1c đã giảm và không còn nằm trong phạm vi bệnh tiểu đường.
Chỉ số đường huyết lúc đói và các dấu hiệu trầm cảm lâm sàng cũng trở về bình thường. Về cơ bản, nghiên cứu này cho thấy rằng chế độ ăn kiêng Keto đã đảo ngược được bệnh tiểu đường tuýp 2.
Một nghiên cứu ở 25 người, trong đó có 15 phụ nữ cũng cho kết quả tương tự. Sau 34 tuần thì 55% những người ăn kiêng Keto đã có chỉ số HbA1c dưới mức tiểu đường trong khi tỷ lệ này ở nhóm theo chế độ ăn kiêng ít chất béo là 0%.
Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về hiệu quả kiểm soát lượng đường trong máu cũng như là tính an toàn về lâu dài của chế độ ăn Keto.
Thêm nữa, nhiều chế độ ăn kiêng khác có lượng carb cao hơn, ví dụ như chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải, đã được nghiên cứu trong suốt nhiều thập kỷ và được chứng minh độ an toàn cũng như là tác dụng đối với việc kiểm soát đường huyết và sức khỏe tổng thể.
Hỗ trợ điều trị ung thư
Chế độ ăn kiêng Keto đã được chứng minh là giúp hỗ trợ điều trị một số bệnh ung thư .
Một nghiên cứu ở 45 phụ nữ bị ung thư nội mạc tử cung hoặc ung thư buồng trứng cho thấy rằng chế độ ăn Keto làm tăng nồng độ xeton trong máu và giảm nồng độ yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 (insulin-like growth factor 1 – IGF-I) – một loại hormone có thể thúc đẩy sự di căn của tế bào ung thư.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng sự thay đổi này cùng với sự giảm lượng đường trong máu ở những người ăn kiêng Keto đã tạo ra một môi trường không thuận lợi cho các tế bào ung thư, nhờ đó có thể ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của chúng.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy chế độ ăn rất ít carb và nhiều chất béo này có thể cải thiện chức năng thể chất, tăng mức năng lượng và giảm cảm giác thèm ăn ở những phụ nữ bị ung thư nội mạc tử cung và ung thư buồng trứng.
Chế độ ăn Keto còn cho thấy nhiều hứa hẹn khi được sử dụng để hỗ trợ các phương pháp điều trị như hóa trị liệu cho các bệnh ung thư khác thường xảy ra ở phụ nữ, gồm có u nguyên bào thần kinh đệm đa dạng – một loại ung thư ảnh hưởng đến não.
Tuy nhiên, do lượng carb ở mức quá thấp và hiện tại chưa có đủ nghiên cứu chứng minh nên chế độ ăn này vẫn chưa được khuyến nghị làm phương pháp hỗ trợ điều trị chính thức cho hầu hết các bệnh ung thư.
Tóm tắt: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn kiêng Keto giúp giảm cân và cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết ở phụ nữ. Ngoài ra, chế độ ăn này còn có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh ung thư.
Tác động tiêu cực của chế độ ăn Keto ở phụ nữ
Một trong những lo ngại lớn nhất về các chế độ ăn kiêng có lượng chất béo cao và rất ít carb như Keto là những tác động tiêu cực đối với sức khỏe tim mạch.
Trong khi một số bằng chứng cho thấy chế độ ăn Keto có thể làm tăng một số yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch, gồm có LDL cholesterol (cholesterol xấu) thì một số nghiên cứu khác lại khẳng định rằng chế độ ăn này có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Một nghiên cứu nhỏ được thực hiện ở 3 nữ vận động viên Crossfit đã cho thấy sau 12 tuần ăn kiêng Keto thì nồng độ LDL cholesterol đã tăng lên khoảng 35% so với những người ăn uống bình thường.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu ở những phụ nữ bị ung thư nội mạc tử cung và ung thư buồng trứng thì việc thực hiện chế độ ăn Keto trong 12 tuần không hề làm tăng mỡ máu hay lipid máu khi so sánh với chế độ ăn ít chất béo, nhiều chất xơ.
Tương tự như vậy, các nghiên cứu khác cũng cho ra nhiều kết quả trái ngược nhau.
Một số chỉ ra rằng chế độ ăn Keto làm tăng nồng độ cholesterol HLD (cholesterol tốt) – loại cholesterol giúp bảo vệ tim mạch và giảm nồng độ cholesterol toàn phần cũng như là LDL cholesterol, trong khi một số khác lại cho thấy chế độ ăn này làm tăng đáng kể nồng độ LDL cholesterol.
Như vậy là tùy thuộc vào loại thực phẩm tiêu thụ mà chế độ ăn Keto sẽ có tác động khác nhau đến các yếu tố nguy cơ liên quan đến sức khỏe tim mạch.
Ví dụ, chế độ ăn Keto với một lượng lớn thực phẩm giàu chất béo bão hòa sẽ làm tăng LDL cholesterol nhiều hơn so với chế độ ăn gồm chủ yếu các nguồn chất béo không bão hòa.
Mặc dù chế độ ăn Keto được cho là có thể làm tăng một số yếu tố nguy cơ nhất định của bệnh tim mạch nhưng vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác nhận điều này và hiểu rõ hơn về tác động lâu dài đối với sức khỏe tổng thể.
Chế độ ăn Keto sẽ không phù hợp với một số phụ nữ
Do lượng carb rất thấp, tỷ lệ các chất dinh dưỡng đa lượng (carb, protein và chất béo) chênh lệch lớn và rất khó duy trì trong thời gian dài nên chế độ ăn kiêng Keto sẽ không phù hợp với một số người.
Những người không nên ăn kiêng Keto gồm có:
- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú
- Những người bị suy gan hoặc thận
- Những người bị rối loạn sử dụng rượu hoặc ma túy
- Người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1
- Người bị viêm tụy
- Người bị các rối loạn ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa chất béo của cơ thể
- Những người bị một số dạng thiếu hụt, ví dụ như thiếu hụt carnitine
- Những người bị rối loạn chuyển hóa porphyrin
- Những người không thể bổ sung đủ chất dinh dưỡng
Ngoài danh sách những người không nên ăn kiêng Keto nói trên thì còn có những yếu tố khác cần cân nhắc trước khi thử chế độ ăn này.
Ví dụ, chế độ ăn Keto có thể gây ra các hiện tượng khó chịu, được gọi chung là cúm Keto trong giai đoạn đầu khi cơ thể đang thích ứng với việc ăn kiêng.
Các hiện tượng này gồm có khó chịu, buồn nôn, đau đầu, táo bón, mệt mỏi, nhức mỏi cơ, cáu gắt, khó ngủ,…
Mặc dù cúm Keto thường tự giảm dần sau một tuần hoặc lâu hơn nhưng nếu có ý định ăn kiêng thì vẫn nên chuẩn bị trước.
Tóm tắt: Hiện vẫn chưa rõ tác động về lâu dài của chế độ ăn kiêng Keto đối với sức khỏe tim mạch và sức khỏe tổng thể do đến nay chưa có nhiều nghiên cứu về chủ đề này. Chế độ ăn Keto không phù hợp với một số người và có thể gây ra các hiện tượng khó chịu như đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi,…
Có nên thử chế độ ăn Keto không?
Việc có nên thử chế độ ăn kiêng Keto hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Trước khi bạn bắt đầu bất kỳ sự thay đổi lớn nào trong chế độ ăn uống thì đều phải cân nhắc kĩ lưỡng những mặt lợi và hại cũng như là xem xem có an toàn cho tình trạng sức khỏe hiện tại của mình hay không.
Ví dụ, chế độ ăn Keto có thể là một giải pháp thích hợp cho những người bị béo phì, tiểu đường hoặc không thể giảm cân, kiểm soát lượng đường trong máu bằng các chế độ ăn kiêng khác.
Ngoài ra, chế độ ăn này cũng hiệu quả đối với những phụ nữ thừa cân hoặc béo phì và mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Các nghiên cứu cho thấy ăn kiêng Keto có thể giúp phụ nữ bị buồng trứng đa nang giảm cân, cải thiện sự mất cân bằng nội tiết tố và tăng khả năng sinh sản.
Tuy nhiên, do chế độ ăn Keto hạn chế carb rất nghiêm ngặt và còn thiếu các nghiên cứu dài hạn chứng minh tính an toàn và hiệu quả nên các chế độ ăn kiêng khác có lượng carb không quá thấp sẽ là lựa chọn phù hợp hơn cho hầu hết phụ nữ.
Trước khi thử ăn Keto thì nên tìm hiểu cả các lựa chọn khác, ít nghiêm ngặt hơn để cải thiện sức khỏe hoặc đạt được mục tiêu giảm cân.
Tốt nhất nên xây dựng một chế độ ăn uống gồm chủ yếu các loại thực phẩm tự nhiên, giàu dinh dưỡng để duy trì về lâu dài.
Vì chế độ ăn Keto có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ các chất dinh dưỡng đa lượng và hiệu quả phụ thuộc vào việc duy trì trạng thái ketosis nên nếu đang có vấn đề về sức khỏe thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện.
Tóm tắt: Mặc dù Keto có thể đem lại những thay đổi tích cực về sức khỏe nhưng đây là một chế độ ăn rất nghiêm ngặt. Tốt nhất phụ nữ vẫn nên lựa chọn các chế độ ăn kiêng có lượng carb cao hơn, giàu chất dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe về lâu dài.
Tóm tắt bài viết
Chế độ ăn kiêng Keto có nhiều lợi ích cho sức khỏe của phụ nữ, trong đó có giảm cân và kiểm soát lượng đường trong máu.
Tuy nhiên, chế độ ăn này cũng có một số nhược điểm, ví dụ như còn thiếu các nghiên cứu về tác động lâu dài đến sức khỏe và sự mất cân bằng thành phần dinh dưỡng đa lượng.
Thêm nữa, chế độ ăn Keto sẽ không an toàn cho một số nhóm phụ nữ, bao gồm phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú.
Mặc dù nhiều người sẽ giảm cân thành công hay cải thiện sức khỏe khi ăn kiêng Keto nhưng tốt nhất phụ nữ vẫn nên lựa chọn các chế độ ăn kiêng khác nhẹ nhàng hơn và cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và có thể duy trì được dài lâu.