Chế độ dinh dưỡng bệnh thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em

Thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của bé. Nguyên nhân chính do bé không có đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu. Để cải thiện tình trạng này, cha mẹ cần đặc biệt quan tâm tới chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc.

1. Thiếu máu dinh dưỡng là gì?

Thiếu máu dinh dưỡng là tình trạng lượng hemoglobin trong hồng cầu thấp hơn so với ngưỡng quy định do thiếu một số chất dinh dưỡng trong quá trình tạo máu. Nguyên nhân thiếu các chất này chủ yếu do chế độ dinh dưỡng hoặc nhiều nguyên nhân khác.

Một số chất cần thiết cho quá trình tạo máu như sắt, axit folic, vitamin B12… Chúng được bổ sung dễ dàng trong các thực phẩm hàng ngày. Thiếu máu dinh dưỡng ở nước chiếm tỷ lệ cao, nhất là các vùng nông thôn và miền núi. Trong đó, trẻ em chiếm tỷ lệ cao nhất, 40-50% trường hợp.

Chế độ dinh dưỡng bệnh thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em

Trẻ bị thiếu máu dinh dưỡng hay mệt mỏi, da xanh xao, sức đề kháng kém

Khi bị thiếu máu, trẻ sẽ thường xuyên mệt mỏi, kém hoạt bát hơn, da xanh xao, tim đập nhanh khi vận động gắng sức, chán ăn, sức đề kháng kém nên dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp thông thường như viêm họng, ho, cảm cúm… Cha mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời, không làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của bé.

2. Nguyên nhân thiếu máu dinh dưỡng trẻ em

Thiếu máu dinh dưỡng trẻ em có thể do các nguyên nhân như sau:

– Do trẻ không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng hàng ngày.

– Do cơ thể bé không có khả năng hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng, khả năng hấp thụ của cơ thể kém.

– Trẻ bị mất chất dinh dưỡng do nhiễm ký sinh trùng đường ruột (giun móc), xuất huyết tiêu hóa.

Nguyên nhân phổ biến nhất là do bé thiếu nguồn cung sắt, axit folic và vitamin B12 hàng ngày. Trong dó, thiếu máu ở trẻ em do thiếu sắt chiếm tỷ lệ cao nhất.

2.1. Thiếu máu ở trẻ em do thiếu sắt

Sắt là thành phần cấu tạo của hemoglobin, myoglobin, protein, enzyme… trong cơ thể. Nó cũng có nhiệm vụ vận chuyển oxy trong máu đến các tế bào, tham gia giải phóng năng lượng, tham gia chuyển hóa DNA cùng nhiều chức năng khác. Thiếu sắt, cơ thể không có đủ nguyên liệu sản xuất hemoglobin gây thiếu máu dinh dưỡng.

Một số nguyên nhân gây thiếu máu ở trẻ do sắt gồm: Không cung cấp đủ trong khẩu phần ăn, lượng sắt cần thiết tăng trong quá trình phát triển của bé, trẻ sinh nhẹ cân, trẻ sinh thiếu tháng, suy dinh dưỡng bào thai, trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ, trẻ bị kém hấp thu sắt, trẻ mất máu do bệnh đường ruột…

2.2. Thiếu máu ở trẻ em do thiếu axit folic

Axit folic, Folacin, Folic hay Vitamin B9 là chất cần thiết trong quá trình hình thành tế bào trong cơ thể, trong đó có tế bào máu. Thiếu axit folic ảnh hưởng đến quá trình tạo máu, gây thiếu máu dinh dưỡng trẻ em.

Một số nguyên nhân chủ yếu gây thiếu axit folic gồm:

– Không cung cấp đủ trong khẩu phần ăn: Không bổ sung đủ thực phẩm chứa axit folic hoặc bị thất thoát do quá trình chế biến.

– Trẻ kém hấp thụ axit folic do mắc một số bệnh như sốt rét, tan máu, bệnh về đường tiêu hóa…

– Do tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc chống động kinh, thuốc chống co giật, thuốc giảm axit dạ dày, thuốc chống ung thư…

2.3. Thiếu máu ở trẻ em do thiếu vitamin B12

Giống axit folic, vitamin B12 cũng tham gia tổng hợp DNA, sự phát triển và phân chia tế bào, sự hình thành tế bào thần kinh. Thiếu vitamin B12 ảnh hưởng tới quá trình sản sinh hồng cầu, gây thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ. Mặt khác, thiếu vitamin B12 cũng ảnh hưởng đến sự phát triển hệ thần kinh của bé.

Nguyên nhân gây thiếu vitamin B12 ở trẻ chủ yếu do khẩu phần ăn thiếu thịt động vật, hao hụt trong chế biến (lên tới 50 – 60%), cơ thể kém hấp thụ do bé mắc các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, phẫu thuật dạ dày…

3. Trẻ bị thiếu máu dinh dưỡng nên ăn gì?

Chăm sóc trẻ bị thiếu máu dinh dưỡng, cha mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt, axit folic và vitamin B12.

3.1. Các thực phẩm giàu sắt

Nguồn bổ sung sắt cho trẻ em theo độ tuổi như sau:

– Với trẻ sơ sinh, hãy cho bé bú mẹ ít nhất đến 6 tháng tuổi. Sữa mẹ là nguồn cung cấp sắt cho bé hàng ngày. Nếu sử dụng sữa công thức, hãy ưu tiên các loại có thành phần sắt.

Chế độ dinh dưỡng bệnh thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em

Thực phẩm giàu sắt cho trẻ bị dinh dưỡng ở trẻ em

– Với trẻ từ 1 – 3 tuổi, nên bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt trong khẩu phần ăn dặm của bé. Các loại thực phẩm gồm có: ngũ cốc, thịt đỏ, rau củ quả.

– Với các bé lớn hơn, có thể bổ sung sắt qua các thực phẩm như các loại thịt đỏ và thịt sẫm màu, nội tạng động vật, cá, thủy sản có vỏ (trai, sò, ốc, hến…), ngũ cốc, bánh mì, rau xanh họ bắp cải (bông cải xanh, cải xoăn, cải rổ, củ cải xanh…), các loại đậu…

– Ngoài ra, nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C giúp thúc đẩy khả năng hấp thụ sắt tốt hơn. Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây như ổi, cam, kiwi, cà chua…

3.2. Các thực phẩm giàu axit folic

Một số thực phẩm bổ sung axit folic cho bé như sau:

– Với trẻ sơ sinh và trẻ em, bổ sung axit folic bằng các loại sữa có hàm lượng axit folic cao.

Chế độ dinh dưỡng bệnh thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em

Thực phẩm giàu axit folic cho trẻ bị dinh dưỡng ở trẻ em

– Những bé lớn hơn có thể bổ sung các nhóm thực phẩm giàu axit folic như bí đao, nấm, cây họ đậu, mùi tây, rau diếp, xà lách, mì ống, ngũ cốc, bánh mì, nhóm quả mọng, cam, chanh, bưởi, chuối, dưa hấu, cà chua…

3.3. Các thực phẩm giàu vitamin B12

Những thực phẩm bổ sung vitamin B12 cho bé như sau:

– Với trẻ sơ sinh đang bú mẹ, hãy bổ sung nhiều thực phẩm giàu vitamin B12 cho người mẹ.

Chế độ dinh dưỡng bệnh thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em

Thực phẩm bổ sung vitamin B12 cho bé bị thiếu máu dinh dưỡng

– Với trẻ nhỏ, có thể sử dụng các loại thực phẩm chức năng hay siro bổ sung vitamin B12 cho bé.

– Với trẻ lớn hơn, có thể ăn thức ăn, bổ sung vitamin B12 cho bé qua các loại thực phẩm giàu vitamin B12 như các loại thịt động vật (thịt bò), nội tạng động vật, cá (cá hồi, cá mòi…), ngao,  trứng, sữa và chế phẩm từ sữa, ngũ cốc…

4. Cha mẹ cần lưu ý điều gì khi chăm sóc trẻ bị thiếu máu dinh dưỡng?

Trẻ bị thiếu máu thường dễ mệt mỏi, cần cho bé vận động và nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc nặng hay vận động gắng sức.

Ngoài những chất dinh dưỡng kể trên, cha mẹ nên xây dựng chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho bé. Đồng thời, xây dựng thực đơn hợp lý hàng ngày, chia nhỏ bữa ăn, đảm bảo bé nạp đủ năng lượng cần thiết.

Hãy tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ về việc uống thuốc, thay đổi chế độ dinh dưỡng và vận động. Nên đưa bé đi khám định kỳ để bác sĩ có cơ sở đánh giá kết quả điều trị, thay đổi phương pháp phù hợp hơn.

Như vậy, thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em liên quan trực tiếp tới chế độ dinh dưỡng hàng ngày của bé. Ngoài việc đưa bé đến bệnh viện và thăm khám định kỳ, cha mẹ cần tham khảo những thực phẩm tốt cho trẻ thiếu máu dinh dưỡng, xây dựng chế độ ăn hàng ngày phù hợp cho con.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *