Sỏi tiết niệu là bệnh lý cần được điều trị kịp thời bởi kích thước sỏi càng lớn sẽ gây cản trở sự lưu thông của nước tiểu. Lâu ngày sẽ khiến bệnh nhân gặp nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe . Lựa chọn phương pháp điều trị sỏi tiết niệu nói chung sẽ phụ thuộc vào kích thước, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân. Một trong những phương pháp điều trị ít xâm lấn ưu thế hơn so với mổ hở truyền thống là phẫu thuật nội soi sau phúc mạc lấy sỏi. Đây là phương pháp mở bể thận hoặc niệu quản trên để lấy sỏi thông qua nội soi phúc mạc, và đưa sỏi ra ngoài bằng ống trocar.
Bạn đang đọc: Chỉ định phẫu thuật nội soi sau phúc mạc lấy sỏi
1. Chỉ định và chống chỉ định đối với mổ nội soi sau phúc mạc lấy sỏi
Nội soi sau phúc mạc lấy sỏi (phẫu thuật nội soi lấy sỏi) là một phương pháp điều trị ít xâm lấn, có nhiều ưu thế hơn đối với những trường hợp sỏi niệu quản 1/3 trên, sỏi bể thận đơn thuần mà kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể và tán sỏi nội soi ngược dòng bằng ống soi cứng hoặc ống bán cứng thất bại.
1.1 Đối tượng chỉ định
– Sỏi niệu quản ⅓ trên có kích thước >1cm
– Sỏi bể thận đơn thuần có kích thước >2cm nằm tại vị trí trung gian hoặc ngoài xoang thận
– Sỏi niệu quản đoạn cao và sỏi bể thận đơn thuần điều trị tán sỏi ngoài cơ thể và nội soi tán sỏi ngược dòng thất bại
– Bệnh nhân có sỏi bể thận đi kèm với hội chứng hẹp khúc nối bể thận – niệu quản hoặc niệu quản nằm sau tĩnh mạch chủ dưới
Phẫu thuật nội soi sau phúc mạc áp dụng cho sỏi bể thận, sỏi niệu quản trên
1.2 Đối tượng chống chỉ định
– Nếu bạn có sỏi bể thận nằm ở vị trí trong xoang, thì bạn là một trong những đối tượng không được sử dụng phương pháp này
– Bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật nội soi lấy sỏi, đã từng can thiệp vào khoang sau phúc mạc cùng bên. Hoặc bệnh nhân đã từng thực hiện phẫu thuật lấy sỏi thận, sỏi niệu quản
– Người bệnh có chống chỉ định gây mê như suy tim, bệnh mạch vành
– Người mắc 2 loại sỏi trên có tình trạng rối loạn đông máu
– Bệnh nhân có mắc nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn thành bụng chưa được điều trị dứt điểm
– Bệnh nhân có tình trạng hẹp đường tiết niệu dưới sỏi niệu quản, hẹp niệu quản…
2. Quy trình thực hiện phẫu thuật nội soi lấy sỏi sau phúc mạc
2.1 Công tác chuẩn bị và thực hiện phẫu thuật nội soi sau phúc mạc lấy sỏi
Trước khi tiến hành phẫu thuật lấy sỏi bệnh nhân được làm đầy đủ các xét nghiệm, siêu âm, chụp đánh giá chức năng thận, điều trị nhiễm khuẩn đường niệu nếu có, điều trị và nâng cao thể trạng đối với người bệnh cơ thể yếu, giải thích nguy cơ cho bệnh nhân và người nhà…
Sau khi đã hoàn tất các thủ tục và hẹn ngày phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện lấy sỏi như sau:
– Bệnh nhân được gây mê, và đặt ống thông niệu đạo trước mổ nội soi. Bác sĩ để bệnh nhân nằm nghiêng theo tư thế thuận lợi cho quá trình phẫu thuật nội soi sau phúc mạc
– Bác sĩ tiến hành tạo khoang phúc mạc, đặt 3 trocar để phục vụ quá trình nội soi tiếp cận đến vị trí có sỏi
– Phẫu tích tìm sỏi niệu quản – sỏi bể thận và lấy sỏi: Sau khi xác định vị trí của sỏi, bác sĩ sẽ mở dọc niệu quản trên sỏi và mở rộng vị trí mở niệu quản để lấy sỏi thuận lợi đối với sỏi niệu quản. Dùng kẹp giữ sỏi trong bể thận, mở bể thận lấy sỏi đối với trường hợp sỏi có tại bể thận .
Sỏi sẽ được lấy qua lỗ trocar 10mm. Với sỏi kích thước lớn không lấy được qua lỗ trocar thì dùng túi lấy bệnh phẩm để cho sỏi vào, phá vỡ sỏi trong túi, sau đó đưa sỏi qua lỗ trocar.
– Luồn sonde JJ từ thận xuống bàng quang để đảm bảo lưu thông nước tiểu sau phẫu thuật, tránh rò rỉ nước tiểu, không làm hẹp niệu quản. Sau đó khâu lại chỗ mở lấy sỏi bằng chỉ tiêu.
– Trong trường hợp bệnh nhân gặp các bệnh lý như hẹp khúc nối bể thận – niệu quản hay niệu quản sau tĩnh mạch chủ dưới, bác sĩ sẽ chỉ định tạo hình lại bể thận và niệu quản.
– Kiểm tra lại vùng mổ nội soi sau phúc mạc lấy sỏi. Rút hết các ống trocar, đặt ống dẫn lưu tại vị trí mổ, khâu lại các lỗ đặt trocar, và kết thúc giai đoạn phẫu thuật nội soi.
Tìm hiểu thêm: Sỏi thận rơi xuống niệu đạo: Triệu chứng, điều trị, dự phòng
Bác sĩ đặt sonde JJ từ thận xuống bàng quang để đảm bảo lưu thông nước tiểu sau phẫu thuật
2.2 Chăm sóc và theo dõi sau phẫu thuật nội soi sau phúc mạc lấy sỏi
Sau khi được trở về phòng bệnh, bệnh nhân được theo dõi sau mổ cẩn thận để kịp thời xử lý biến chứng nếu có, trước khi khỏe mạnh, đủ điều kiện xuất viện.
– Theo dõi số lượng, màu sắc dịch chảy qua ống dẫn lưu sau phúc mạc
– Theo dõi chảy máu sau mổ qua lượng nước tiểu, màu sắc nước tiểu bằng ống thông niệu đạo
– Thông thường bệnh nhân sẽ giảm đau sau một vài ngày điều trị nội khoa – sử dụng thuốc sau phẫu thuật nội soi
– Bệnh nhân có thể được rút ống dẫn lưu sau 2-3 ngày nếu không còn dịch ra, rút ống thông niệu đạo sau 5 ngày
– Trước khi ra viện bệnh nhân sẽ được tư vấn chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động, kèm đơn thuốc và hẹn tái khám.
3. Các biến chứng và xử trí biến chứng trong nội soi lấy sỏi sau phúc mạc
3.1 Các biến chứng gặp trong quá trình mổ
Trong cuộc phẫu thuật nội soi, người bệnh sẽ được theo dõi chặt chẽ về mạch, huyết áp, động mạch,lượng máu mất, lượng máu cần truyền, nồng độ O2 và CO2… Tuy nhiên bệnh nhân vẫn có thể gặp một số vấn đề như sau:
– Rách phúc mạc: Do quá trình chọc trocar hoặc phẫu tích. Xử lý bằng cách đặt thêm trocar để đẩy phúc mạc hoặc khâu phúc mạc rách…
– Rách màng phổi, thủng cơ hoành, các tạng như tá tràng, ruột non bị tổn thương do quá trình chọc trocar hoặc phẫu tích. Tiến hành nội soi khâu lại màng phổi và cơ hoành. Nếu không xử lý bằng nội soi chuyển sang mổ mở để xử lý kịp thời. Trường hợp các tạng bị tổn thương cần mổ mở để điều trị
– Tổn thương tĩnh mạch chủ dưới, động mạch tĩnh mạch thận, tĩnh mạch sinh dục gây chảy máu do kẹp mạch máu tuột hoặc phẫu tích. Nếu không được cầm máu bằng phương pháp nội soi sẽ chuyển sang mổ mở.
– Bệnh nhân không thể tiếp tục phẫu thuật nội soi bởi có một số yếu tố như mạch thận bất thường, viêm xơ dính bể thận, sỏi bể thận di chuyển vào đài thận… khiến khó khăn cho quá trình thực hiện. Do đó bác sĩ sẽ chuyển sang mổ mở để lấy sỏi.
3.2 Các biến chứng sau quá trình mổ
– Bệnh nhân chảy máu ổ bụng nhiều không cầm được. Lúc này bệnh nhân cần được thực hiện phẫu thuật lại ngay lập tức để tránh xuất huyết nặng.
– Xuất hiện tình trạng tụ dịch, áp xe: Bệnh nhân cần được trích dẫn lưu hoặc mổ mở để xử lý.
– Xảy ra tình trạng rò nước tiểu sau mổ: Người bệnh sẽ được lưu ống niệu đạo chứ không được rút ra sớm như các bệnh nhân khác và điều trị nội khoa. Nếu sau 1-2 tuần tình trạng không cải thiện sẽ tiến hành đặt lại ống thông niệu đạo.
>>>>>Xem thêm: Tìm hiểu thoát vị bẹn triệu chứng là gì và cách điều trị
Theo dõi và chăm sóc bệnh nhân sau nội soi sau phúc mạc loại bỏ sỏi
Nội soi sau phúc mạc lấy sỏi là phương pháp yêu cầu kỹ thuật cao, chính vì vậy bạn cần tìm hiểu và lựa chọn bệnh viện chất lượng, bác sĩ chuyên môn giỏi, trang thiết bị máy móc hiện đại… để hạn chế tối đa những biến chứng có thể xảy ra.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.