Chỉ số BMI cao là dấu hiệu cho thấy có quá nhiều mỡ thừa trong cơ thể, trong khi chỉ số BMI thấp lại biểu hiện cơ thể đang có quá ít mỡ.
Chỉ số khối cơ thể là gì? Tính bằng cách nào?
Chỉ số khối cơ thể là gì?
Chỉ số khối cơ thể (body mass index – BMI) là chỉ số ước tính lượng mỡ trong cơ thể dựa trên chiều cao và cân nặng. BMI không đo lượng mỡ một cách trực tiếp mà thay vào đó là sử dụng một công thức để cho ra kết quả gần đúng. Chỉ số khối cơ thể giúp xác định xem một người đang ở mức cân nặng khỏe mạnh hay bị thừa cân/thiếu cân.
Chỉ số BMI cao là dấu hiệu cho thấy có quá nhiều mỡ thừa trong cơ thể, trong khi chỉ số BMI thấp lại biểu hiện cơ thể đang có quá ít mỡ. Chỉ số BMI càng lớn thì càng có nguy cơ cao mắc một số bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tim mạch, cao huyết áp và tiểu đường. Chỉ số BMI quá thấp cũng có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề sức khỏe như mất xương, giảm chức năng miễn dịch và thiếu máu.
Mặc dù BMI là một chỉ số hữu ích trong việc đánh giá khối lượng và thành phần cơ thể ở cả trẻ em và người lớn nhưng cũng có một số điểm hạn chế. Chỉ số BMI có thể biểu hiện sai lượng mỡ cơ thể (quá cao) ở các vận động viên và những người có thân hình cơ bắp. Ngược lại, ở những người lớn tuổi và người bị mất khối lượng cơ, BMI cũng có thể không chính xác vì cho thấy lượng mỡ thấp hơn thực tế.
Công thức tính BMI
Chỉ số BMI được tính bằng cách chia cân nặng cho bình phương chiều cao.
Công thức:
Trong đó, a là cân nặng, b là chiều cao. Cân nặng được tính bằng kg và chiều cao được tính bằng m.
Ví dụ, một người có cân nặng 50kg và cao 1m61 thì chỉ số BMI là 19.3.
Bạn có thể vào trang web này và nhập chiều cao (height, tính bằng kg) cùng cân nặng (weight, tính bằng m) để biết chỉ số BMI của mình một cách nhanh chóng.
BMI được tính bằng cùng một công thức cho tất cả lứa tuổi nhưng kết quả ở người lớn và trẻ em sẽ được đánh giá theo cách khác nhau.
Chỉ số khối cơ thể của người lớn
Bảng dưới đây là ý nghĩa của các mức chỉ số BMI ở người lớn từ 20 tuổi trở lên, áp dụng cho cả nam giới và phụ nữ:
BMI | Tình trạng cân nặng |
Dưới 18.5 | Thiếu cân |
18.5 – 24.9 | Bình thường |
25.0 – 29.9 | Thừa cân |
30.0 trở lên | Béo phì |
Chỉ số khối cơ thể của trẻ em
Mặc dù sử dụng cùng một công thức để xác định BMI nhưng ở người dưới 20 tuổi, cách đánh giá chỉ số BMI sẽ khác với người trên 20 tuổi. Lượng mỡ trong cơ thể thay đổi theo thời gian và cũng khác nhau theo giới tính. Con gái thường tích mỡ sớm hơn và nhiều hơn so với con trai.
Đối với trẻ nhỏ và vị thành niên, CDC sử dụng biểu đồ tăng trưởng theo độ tuổi để biểu thị chỉ số BMI dưới dạng xếp hạng phần trăm. Mỗi phân vị thể hiện chỉ số BMI của một đứa trẻ so với những đứa trẻ khác ở cùng độ tuổi và giới tính. Ví dụ, một đứa trẻ sẽ bị coi là béo phì nếu chúng có chỉ số BMI bằng hoặc cao hơn phân vị thứ 95. Điều này có nghĩa là đứa trẻ đó có nhiều mỡ trong cơ thể hơn 95% trẻ em ở cùng độ tuổi và giới tính.
Bảng dưới đây là ý nghĩa của các phạm vi phân vị BMI ở trẻ nhỏ:
Phân vị | Tình trạng cân nặng |
Dưới 5 | Thiếu cân |
Thứ 5 đến 85 | Cân nặng bình thường |
Thứ 85 đến 95 | Thừa cân |
Thứ 95 trở lên |
Béo phì |
Chỉ số khối cơ thể và sức khỏe
Thừa cân và béo phì đang là vấn đề rất phổ biến hiện nay.
Nguyên nhân gây tăng cân là do mất cân bằng calo. Cơ thể cần một lượng calo nhất định từ thức ăn để duy trì hoạt động mỗi ngày. Khi lượng calo nạp vào từ chế độ ăn bằng lượng calo mà cơ thể cần hay lượng calo đốt cháy thì cân nặng sẽ không thay đổi. Và khi nạp nhiều calo hơn lượng calo đốt cháy thì dần dần sẽ tăng cân theo thời gian.
Mất cân bằng calo chắc chắn là một trong những yếu tố lớn nhất góp phần gây tăng cân. Tuy nhiên, khối lượng cơ thể chủ yếu được xác định bởi gen di truyền, ngoài ra còn có các yếu tố khác như chế độ ăn uống và mức độ hoạt động thể chất. Nếu có chỉ số BMI cao thì cần phải giảm xuống để có cân nặng khỏe mạnh. Chỉ số BMI cao sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Bệnh tim mạch
- Huyết áp cao
- Bệnh gan
- Viêm xương khớp
- Bệnh tiểu đường
- Đột quỵ
- Sỏi mật
- Một số bệnh ung thư, gồm có ung thư vú, ung thư đại tràng và ung thư thận
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới đây thì tỷ lệ mỡ trong cơ thể mới là yếu tố làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề sức khỏe này chứ không phải là chỉ số BMI.
Bạn có thể giảm mỡ trong cơ thể và đạt được cân nặng khỏe mạnh hơn bằng cách tập thể dục ít nhất 3 lần mỗi tuần. Ngoài ra cũng nên áp dụng một số quy tắc ăn uống, chẳng hạn như chỉ ăn khi đói, tập trung trong khi ăn, ăn chủ yếu các loại thực phẩm tự nhiên, hạn chế đồ ăn chế biến công nghiệp và các loại đồ ngọt,…
Chỉ số BMI quá thấp cũng có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe. Cơ thể có quá ít mỡ có thể dẫn đến mất xương, giảm chức năng miễn dịch, vấn đề tim mạch và thiếu máu do thiếu sắt,…
Nếu có chỉ số BMI thấp thì sẽ cần cố gắng ăn nhiều hơn mỗi ngày hoặc giảm mức độ tập luyện để tăng cân. Tốt nhất nên đi khám bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn cách tăng cân lành mạnh, hiệu quả.