Chữa bệnh HP dạ dày bằng nghệ liệu có hiệu quả?

Xoay quanh việc chữa bệnh HP dạ dày bằng nghệ có rất nhiều ý kiến trái chiều. Đâu mới là phương pháp điều trị HP chuẩn và liệu rằng việc dùng nghệ có thực sự mang lại hiệu quả tốt để tiêu diệt vi khuẩn HP không. Hãy tìm hiểu ngay.

1. HP dạ dày là gì?

HP dạ dày là loại vi khuẩn có tên đầy đủ là Helicobacter pylori, hoạt động và phát triển tại lớp nhầy bảo vệ thành dạ dày. Có khoảng 5% trong số các chủng vi khuẩn HP là nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý thường gặp ở đường tiêu hóa trên như là viêm dạ dày, loét dạ dày – hành tá tràng, ung thư dạ dày. Vì vậy, người bệnh nhiễm vi khuẩn HP dương tính có các dấu hiệu như đau thượng vị, chán ăn, khó tiêu, buồn nôn, nôn,… thì cần thực hiện điều trị đúng cách kịp thời.

Hơn nữa, khả năng lây nhiễm HP trong cộng đồng rất cao thông qua 3 đường lây chính bao gồm: đường miệng – miệng, đường phân – miệng, đường dạ dày – dạ dày. Vì vậy, việc tìm hiểu các thông tin về điều trị bệnh đúng cách cũng như phòng bệnh hiệu quả là rất quan trọng đối với mỗi người.

Chữa bệnh HP dạ dày bằng nghệ liệu có hiệu quả?

Hoạt động của vi khuẩn HP là nguyên nhân gây ra các vấn đề tiêu hóa ở dạ dày.

2. Chữa bệnh HP dạ dày bằng nghệ có hiệu quả không?

2.1. Công dụng tốt từ nghệ với hệ tiêu hóa

Nghệ từ lâu được biết đến như một bài thuốc hữu hiệu trong chữa các bệnh về dạ dày, tốt cho tiêu hóa. Bởi trong thành phần của nghệ có chứa loại hợp chất mang tên curcumin (2-7%), chất này có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm tốt, kích thích tiết mật, giải độc gan.

Riêng đối với dạ dày nhất là ở người bệnh viêm loét dạ dày, nghệ có tác dụng giúp tăng cường lớp màng bảo vệ, giảm nhanh các triệu chứng như khó tiêu, đầy bụng, buồn nôn, ợ chua, ợ hơi,… và còn tham gia hỗ trợ làm lành các ổ loét.

2.2. Có nên chữa bệnh HP dạ dày bằng nghệ không?

Công dụng của nghệ với đường tiêu hóa đã được khẳng định, song với việc tiêu diệt HP dạ dày thì cho đến hiện nay vẫn chưa có tài liệu chứng minh về hiệu quả điều trị mà nghệ mang lại.

Theo các chuyên gia y tế, nghệ có thể có tác dụng giúp thuyên giảm các triệu chứng bệnh HP dạ dày những để tiêu diệt thành công vi khuẩn, người bệnh phải thực hiện đúng phác đồ thuốc được chỉ định. Nói cách khác, nghệ không có khả năng thay thế thuốc điều trị vi khuẩn HP, chỉ là phần phụ trợ có thể sử dụng sau khi đã điều trị bệnh ổn định bằng thuốc.

Trong một số trường hợp, người bệnh khi gặp các vấn đề về tiêu hóa nhưng không thực hiện thăm khám mà tự ý sử dụng các sản phẩm từ bột nghệ. Hậu quả là bệnh không được điều trị tốt mà còn âm thầm trở nặng. Nghiêm trọng hơn nữa ở nhiều ca bệnh bác sĩ còn phát hiện khối dị vật tại dạ dày là lượng nghệ kết dính lâu ngày tạo thành. Điều này đặc biệt nguy hiểm nên người bệnh khi sử dụng nghệ cần tham khảo đúng chỉ dẫn của bác sĩ về cách dùng và liều dùng hợp lý.

Chữa bệnh HP dạ dày bằng nghệ liệu có hiệu quả?

Sử dụng nghệ không có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn HP.

3. Điều trị HP dạ dày đúng cách

Điều trị HP dạ dày thành công cần thực hiện dựa theo nguyên tắc 3 đúng sau đây:

– Chẩn đoán đúng bệnh

– Thực hiện đúng phác đồ điều trị chuẩn

– Tuân thủ đúng chỉ định

Cụ thể như sau:

3.1. Chẩn đoán đúng bệnh

Người bệnh khi nghi ngờ các dấu hiệu bệnh HP dạ dày, cần chủ động thăm khám tại chuyên khoa tiêu hóa uy tín để được chẩn đoán bệnh chính xác. Sau khi có kết quả HP dương tính mới được tiến hành điều trị.

Hiện nay có 4 phương pháp chẩn đoán HP dương tính được thực hiện phổ biến nhất bao gồm:

– Test hơi thở (C13 và C14)

– Xét nghiệm máu

– Xét nghiệm mẫu phân

– Sinh thiết tìm vi khuẩn HP qua nội soi dạ dày

Mỗi một phương pháp sẽ có ưu điểm chẩn đoán riêng, bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa trên tình trạng bệnh lâm sàng để chỉ định phương pháp phù hợp nhất.

3.2. Lên đúng phác đồ chữa bệnh HP dạ dày

Điều trị tiêu diệt vi khuẩn HP sẽ được thực hiện bằng thuốc theo đúng phác đồ cụ thể. Điều đáng chú ý ở phác đồ điều trị là vi khuẩn HP ngày một có đề kháng tốt hơn với các loại kháng sinh điều trị thông dụng hiện nay. Vì vậy, để đưa ra phác đồ đúng, bác sĩ sẽ cần kiểm tra tính tương thích giữa chủng HP và kháng sinh để có hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn là cao nhất.

Về phác đồ điều trị sẽ áp dụng các phác đồ được Bộ Y tế công bố bao gồm:

– Phác đồ liệu pháp 3 thuốc

– Phác đồ liệu pháp 4 thuốc

– Phác đồ điều trị nối tiếp

– Phác đồ điều trị kết hợp.

Trong quá trình dùng thuốc điều trị HP có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn, thường gặp nhất là người mệt mỏi, tiêu chảy. Nhưng những tác dụng phụ này sẽ tự hết khi quá trình điều trị hoàn thành nên người bệnh cứ yên tâm thực hiện đúng phác đồ theo chỉ định của bác sĩ. Thông thường, thời gian điều trị ở các phác đồ thường kéo dài trong khoảng 10-14 ngày.

Chữa bệnh HP dạ dày bằng nghệ liệu có hiệu quả?

Người bệnh thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được chỉ định đúng phác đồ điều trị.

3.3. Tuân thủ đúng các chỉ định

Tính tuân thủ của người bệnh là yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả điều trị vi khuẩn HP. Như đã nói ở trên, vi khuẩn HP rất dễ tái nhiễm nếu điều trị sai cách và việc điều trị sẽ khó khăn hơn ở những lần tái nhiễm. Vì vậy, mỗi người bệnh cần thực hiện đúng theo các yêu cầu sau đây:

– Uống đúng đơn kê của bác sĩ, không tự ý mua thuốc hay thay đổi loại thuốc kể cả là thuốc có tác dụng tương tự.

– Uống đúng liều dùng, đúng hướng dẫn sử dụng và trong thời gian được chỉ định. Tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc hoặc uống ngắt quãng.

– Theo dõi tình trạng sức khỏe trong quá trình uống thuốc, thông báo ngay cho bác sĩ nếu gặp phải các triệu chứng nặng như sốt, nôn ói liên tục, đau bụng dữ dội,…

– Ăn uống khoa học, nghỉ ngơi điều độ, kiểm soát căng thẳng mệt mỏi.

– Tái khám sau điều trị HP theo lịch hẹn của bác sĩ.

– Đặc biệt, kể cả khi việc điều trị HP đã thành công, người bệnh vẫn cần tuân thủ cách phòng chống bệnh hiệu quả để không bị tái nhiễm.

Như vậy, chữa bệnh HP dạ dày bằng nghệ sẽ không mang lại hiệu quả. Trên hết, người bệnh cần chủ động thăm khám, chẩn đoán đúng bệnh, điều trị đúng phác đồ và tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ để có được kết quả tiêu diệt thành công vi khuẩn HP.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *