Chửa ngoài tử cung nguy hiểm thế nào và cách nhận biết sớm

Chửa ngoài tử cung là một biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ, có thể đe dọa tính mạng của người mẹ nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Ngay khi bị chậm kinh, chị em có thể theo dõi các biểu hiện trong cơ thể, nếu nghi ngờ thai làm tổ bên ngoài dạ con, cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị sớm.

Bạn đang đọc: Chửa ngoài tử cung nguy hiểm thế nào và cách nhận biết sớm

1. Chửa ngoài tử cung là gì?

Chửa ngoài tử cung hay mang thai ngoài dạ con là tình trạng trứng đã được thụ tinh làm tổ và phát triển ở bất kỳ vị trí nào ngoài buồng tử cung. Vị trí thai ngoài tử cung phổ biến nhất là ống dẫn trứng, còn lại xảy ra ở buồng trứng, cổ tử cung hoặc thậm chí là ổ bụng.

Tỉ lệ chửa ngoài tử cung ở Việt Nam và toàn Thế giới có xu hướng gia tăng. Một nghiên cứu của Stulberg tại Hoa Kỳ cho hay, tỉ lệ thai ngoài tử cung giai đoạn 1991-1992 là 1,97%. Đến năm 2000 – 2003, con số này tăng lên 2,07 – 2,43%. Tại Việt Nam, từ năm 2003 – 2013, tỷ lệ này tăng từ 6,67% lên 6,9% (theo nghiên cứu y khoa của Mai Trọng Dũng (2016).

Các chuyên gia Sản khoa cho rằng, các yếu tố như tuổi tác, tiền sử có chửa ngoài tử cung hoặc phẫu thuật vòi trứng, viêm nhiễm vùng chậu hoặc mắc bệnh lậu, chlamydia sẽ làm tăng nguy cơ chửa ngoài dạ con. Việc quan hệ với nhiều bạn tình hoặc sử dụng biện pháp hỗ trợ sinh sản, hút thuốc lá cũng làm tăng khả năng này. Bên cạnh đó, thai ngoài dạ con còn xảy ra khi ống dẫn trứng của mẹ bầu bị dị tật bẩm sinh. Các chị em thuộc nhóm đối tượng trên cần hết sức cảnh giác với tình trạng này.

2. Mức độ nguy hiểm của chửa ngoài tử cung

Mang thai ngoài tử cung được coi là biến chứng thai kỳ đặc biệt nghiêm trọng không chỉ bởi vì phải loại bỏ bào thai. Đối với người mẹ, thai ngoài tử cung hoàn toàn có thể lấy đi tính mạng sản phụ nếu không được xử lý kịp thời.

Chửa ngoài tử cung nguy hiểm thế nào và cách nhận biết sớm

Hình ảnh minh họa vị trí thai ngoài tử cung và thai trong buồng tử cung

2.1. Chửa ngoài tử cung gây vỡ ống dẫn trứng

Ống dẫn trứng (vòi trứng) có đường kính chỉ khoảng 1mm. Ở một thai kỳ bình thường, trứng được thụ thai ở 1/3 phía ngoài vòi trứng, sau đó di chuyển về buồng tử cung.

Vì lý do nào đó, trứng di chuyển chậm hoặc không thể ra ngoài vòi trứng, dẫn đến việc làm tổ tại ống dẫn trứng. Nó hình thành phôi và nhau thai, sau đó nhau thai bám vào thành ống dẫn trứng. Do cấu trúc nội mạc ống dẫn trứng không giống niêm mạc ở tử cung nên chân nhau thai sẽ làm xuất huyết và vỡ ống dẫn trứng khi thai đủ lớn.

Thông thường, vào tuần thứ 8 của thai kỳ, kích thước bào thai bắt đầu tăng nhanh và có thể làm vỡ ống dẫn trứng.

2.2 Mất khả năng sinh sản

Thai làm tổ ở ống dẫn trứng sẽ gây tổn thương cho bộ phận này. Khi thai càng lớn, tổn thương ở cấu trúc và chức năng của vòi trứng càng nghiêm trọng. Sau khi xử lý bào thai, nó có thể để lại sẹo hoặc làm tắc nghẽn ống dẫn trứng.

Ngoài ra có nhiều trường hợp, khi phẫu thuật loại bỏ thai ngoài tử cung, người mẹ đồng thời phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ ống dẫn trứng. Điều này đồng nghĩa với việc chức năng sinh sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu một trong hai hoặc cả hai ống dẫn trứng bị tổn thương, hoặc phải cắt bỏ, khả năng thụ thai tự nhiên sẽ giảm đi một nửa.

Hơn nữa, những chị em đã từng bị mang thai ngoài tử cung cũng sẽ có nguy cơ bị tái phát tình trạng này trong lần tiếp theo. Chức năng của ống dẫn trứng còn lại cũng bị ảnh hưởng do viêm nhiễm, tổn thương trong cấu trúc hệ sinh dục.

2.3. Chửa ngoài tử cung gây tử vong

Có không ít trường hợp mẹ bầu được phát hiện mang thai ngoài dạ con ở giai đoạn muộn. Lúc này, việc chẩn đoán và điều trị không còn kịp thời, bệnh nhân bị mất máu nghiêm trọng, dẫn đến tử vong. Thông thường, việc mang ngoài tử cung có thể đe dọa tính mạng chị em trong các trường hợp sau:
– Vỡ ống dẫn trứng: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của mang thai ngoài tử cung. Khi thai nhi phát triển, ống dẫn trứng có thể bị vỡ, gây xuất huyết nội nghiêm trọng.

– Xuất huyết nặng: Nếu thai ngoài tử cung không được phát hiện sớm, việc vỡ ống dẫn trứng có thể dẫn đến mất máu nhanh chóng và đe dọa tính mạng.

– Sốc giảm thể tích: Do mất máu nghiêm trọng, người bệnh có thể rơi vào tình trạng sốc giảm thể tích, dẫn đến suy các cơ quan và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

– Nhiễm trùng: Trong một số trường hợp hiếm gặp, thai ngoài tử cung có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng, có khả năng gây nhiễm trùng huyết và đe dọa tính mạng.

Tìm hiểu thêm: Đẻ mổ không đau và những điều sản phụ cần lưu ý

Chửa ngoài tử cung nguy hiểm thế nào và cách nhận biết sớm

Chửa ngoài tử cung gây xuất huyết cực nguy hiểm

Ngoài ra, chửa ngoài tử cung còn làm tổn thương các cơ quan xung quanh như ruột, bàng quang, các mạch máu lớn (thai càng to mức độ tổn thương càng nghiêm trọng). Về mặt tinh thần, việc mất đi thai nhi do chửa ngoài dạ con cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, khát khao làm mẹ của phụ nữ.

3. Nhận biết biểu hiện của chửa ngoài tử cung

Thường thì sau 5 – 10 ngày quan hệ, quá trình thụ thai sẽ được diễn ra. Nếu thuận lợi, túi thai được di chuyển vào buồng tử cung, người mẹ bắt đầu hành trình 9 tháng 10 ngày mang thai. Tuy nhiên nếu thai không di chuyển vào đúng chỗ, nó sẽ làm tổ ở ngoài từ tuần thứ 4, 5. Vì vậy, ngay khi chậm kinh, thử que 2 vạch, beta hcG tăng nhưng mẹ bầu có các biểu hiện sau thì nên nghi ngờ đến nguy cơ thai ngoài dạ con.

– Đau bụng: Khác với tình trạng đau lâm râm ở bụng dưới khi mang thai thông thường, khi chửa ngoài dạ con, chị em đau âm ỉ hoặc dữ dội ở một bên của bụng dưới.

– Chảy máu bất thường: Từ tuần thứ 4, 5 của chu kỳ, nếu bị chửa ngoài dạ con, chị em có thể có hiện tượng ra máu âm đạo màu nâu đỏ.

– Đau vai: Đi kèm với các dấu hiệu trên là tình trạng đau vai, đặc biệt là khi nằm xuống. Nguyên nhân của hiện tượng đau vai là do ổ bụng bị chảy máu.

– Chóng mặt: Mất máu do chửa ngoài dạ con cũng khiến chị em chóng mặt, ngất xỉu.

– Đau khi tiểu hoặc đi cầu: Triệu chứng thai ngoài tử cung này xuất hiện khi thai làm tổ gần ruột hoặc bàng quang.

4. Cách chẩn đoán, điều trị thai ngoài tử cung

4.1. Chẩn đoán thai ngoài tử cung

Chửa ngoài tử cung có nhiều đặc điểm tương đồng với khi mang thai bình thường. Để xác định chắc chắn vị trí của bào thai nằm trong hay ngoài tử cung, các bác sĩ cần tiến hành một số xét nghiệm sau:

– Xét nghiệm máu: Nhằm đo nồng độ beta-hCG để xác định sự xuất hiện của bào thai và theo dõi sự phát triển của thai.

– Siêu âm: Nhằm xác định chính xác vị trí của túi thai nằm ở đâu.

– Nội soi: Một số trường hợp, chị em cần được nội soi ổ bụng mới các định chính xác vị trí thai nằm ngoài tử cung là nằm ở đâu.

Chửa ngoài tử cung nguy hiểm thế nào và cách nhận biết sớm

>>>>>Xem thêm: 5 Mẹo tự lấy cao răng ở nhà và những lưu ý cần biết

Bằng cách siêu âm, có thể xác định chính xác vị trí thai nằm lạc chỗ

4.2. Cách xử lý thai ngoài tử cung

Thai làm tổ ngoài dạ con không thể giữ lại được. Các phương pháp điều trị đối với trường hợp này tập trung vào việc đưa bào thai ra ngoài và điều trị tổn thương cho người mẹ. Tùy vào tuổi thai, vị trí bào thai và mức độ nguy hiểm, kế hoạch sinh sản trong tương lai, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp xử lý phù hợp cho mẹ.

– Điều trị bằng thuốc: Chị em dùng methotrexate để ngăn chặn sự phát triển của tế bào thai và gây thoái triển thai.

– Phẫu thuật: Nếu thai đã phát triển lớn và có nguy cơ làm vỡ ống dẫn trứng, chị em cần được phẫu thuật đưa thai ra ngoài. Dựa trên tình hình thực tế, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật mổ nội soi chửa ngoài tử cung hoặc mổ mở.

Bên cạnh việc xử lý loại bỏ bào thai, các bác sĩ cũng giúp chị em trải qua giai đoạn này thuận lợi hơn bằng cách tác động tâm lý. Ngoài ra, chị em nên chủ động chia sẻ với người thân, bạn bè.

Để giảm nguy cơ mang thai ngoài dạ con, chị em cần khám phụ khoa định kỳ 3 – 6 tháng 1 lần nhằm phát hiện sớm và điều trị các bệnh phụ khoa, đồng thời duy trì lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá và nên quan hệ tình dục an toàn.

Chửa ngoài tử cung rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Chị em nên nhận biết sớm các biểu hiện của tình trạng này và liên hệ với bác sĩ để được khám, cứu chữa kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *