Trĩ là một trong những bệnh lý vùng hậu môn phổ biến hàng đầu hiện nay. Chữa trĩ hiệu quả dứt điểm để tránh các biến chứng khôn lường cũng như hạn chế gây ra những khó chịu làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bạn đang đọc: Chữa trĩ hiệu quả bằng các phương pháp phổ biến hiện nay
1. Trĩ và biến chứng của trĩ
1.1. Bệnh trĩ là gì?
Bệnh trĩ hay thường được biết tới tên dân gian là lòi dom, đây là tình trạng xảy ra khi các cụm tĩnh mạch bên trong vùng trực tràng và hậu môn bị sưng lên do liên tục chịu nhiều áp lực hoặc do các dây thần kinh ở hậu môn bị chèn ép quá nhiều.
Bệnh trĩ thường xuất hiện ở người có độ tuổi từ 45 – 60. Tuy nhiên, bệnh đang có dấu hiệu trẻ hoá bởi những người trẻ đang trong độ tuổi từ 25 – 30 cũng có nguy cơ mắc bệnh khá cao mà nguyên nhân chính thường xuất phát từ chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt thiếu khoa học.
1.2. Biến chứng của trĩ
– Thiếu máu do bị mất máu mạn tính qua các búi trĩ (khá hiếm xảy ra).
– Nghẹt búi trĩ khi búi trĩ sa và bị mắc kẹt làm cho các mạch máu máu cung cấp cho búi trĩ bị tắc. Khi đó triệu chứng đau sẽ rất rõ ràng, ấn nhẹ vào sẽ cảm giác cộm do có cục máu đông.
– Tắc mạch: Đây là tình trạng hình thành các cục máu đông bên trong mạch máu của búi trĩ. Tắc mạch trong trĩ ngoại thì vùng rìa hậu môn sẽ thấy có khối phồng nhỏ màu xanh, theo kèm cảm giác đau rát khi sờ. Tắc mạch trong trĩ nội sẽ có cảm giác đau và cộm ở trong sâu, triệu chứng sẽ không rầm rộ như trĩ ngoại.
– Viêm da quanh vùng hậu môn, viêm nhú và viêm khe khi vùng da giữa các búi trĩ bị loét khiến người bệnh ngứa ngáy, nóng rát rất khó chịu.
2. Các phương pháp chữa trĩ hiệu quả
Hiện nay, có nhiều phương pháp chữa trĩ được áp dụng dựa theo tình trạng bệnh cụ thể của từng người nhưng đều tuân thủ một nguyên tắc chung nhất:
– Không điều trị trĩ triệu chứng trừ khi đã có biến chứng.
– Chỉ điều trị trĩ khi xuất hiện những rối loạn ảnh hưởng tới sinh hoạt, lao động và sức khỏe. Dựa theo thương tổn cụ thể của trĩ mà sẽ áp dụng phương pháp điều trị thích hợp.
2.1. Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa sẽ được áp dụng đối với trĩ độ I và đa số là trĩ độ II.
– Thực hiện chế độ ăn nhiều chất xơ (rau quả tươi, bột mì, ngũ cốc), uống nhiều nước và các chất làm mềm phân.
– Tránh việc rặn khi đi tiêu để giúp hạn chế sự sa trĩ.
– Nên ngâm hậu môn với nước ấm đều đặn ngày 2-3 lần, mỗi lần khoảng 10 phút. Dùng các loại thuốc đặt hậu môn, thuốc tăng cường thành mạch.
– Đối với bà bầu nên vận động đúng cách, không ngồi quá lâu hoặc nằm ì cả ngày.
Tìm hiểu thêm: Triệu chứng trào ngược dạ dày nặng: Bạn chớ chủ quan
2.2. Điều trị ngoại khoa giúp chữa trĩ hiệu quả
Các can thiệp thủ thuật
– Thắt dây chun là phương pháp phổ biến và tốt nhất cho trĩ nội độ I và II (không áp dụng cho trĩ ngoại). Bác sĩ sẽ thông báo trước cho bạn khi trĩ rụng, từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 10 có thể sẽ bị chảy máu nhẹ. Nếu bạn bị đau, sốt, bí tiểu thì cần đến khám lại ngay để loại trừ một số hội chứng nhiễm trùng của đáy chậu.
– Tiêm xơ chỉ định áp dụng cho trĩ độ I và độ II, nhất là với người bệnh bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh đông máu. Thủ thuật này sẽ thực hiện bằng cách bơm từ 1 – 2 ml chất làm xơ dưới lớp niêm mạc của búi trĩ.
– Quang đông hồng ngoại áp dụng với trĩ độ I, II.
– Đốt laser búi trĩ được chỉ định cho trĩ độ II.
Lưu ý: Các can thiệp thủ thuật này cần được thực hiện tại các bệnh viện uy tín do các bác sĩ chuyên khoa trực tiếp tiến hành.
Phẫu thuật Longo
Đây là loại phẫu thuật cắt trĩ rất phổ biến và được chỉ định cho trường hợp trĩ nội độ II, III và trĩ vòng. Nguyên tắc là sử dụng một loại công cụ khâu vòng để cắt đi một khoanh niêm mạc với kích thước từ 2 – 5cm trên đường lược, sau đó đặt các đinh rập để khâu niêm mạc lại. Các mạch máu đến các búi trĩ cũng bị khâu cắt nhờ đó làm cho búi trĩ teo nhỏ lại.
Ưu điểm: Rất ít đau (vì phía trên đường lược không có nhiều các cơ quan cảm thụ cảm giác), thời gian xuất viện sớm chỉ 1-2 ngày sau mổ, và nhanh chóng trở lại với sinh hoạt bình thường.
Nhược điểm: Khó áp dụng với các trường hợp trĩ hỗn hợp và sa niêm mạc trực tràng quá nhiều.
>>>>>Xem thêm: Giải mã về đau thần kinh dạ dày
3. Những lưu ý trong điều trị và chăm sóc người bệnh trĩ
Đối với người bệnh trĩ, việc hàng đầu cần quan tâm đó là quá trình chăm sóc đúng cách cùng việc áp dụng chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh một cách tốt nhất, và không quên chủ động thăm khám với bác sĩ để theo dõi sát sao tình diễn biến của bệnh. Cụ thể như sau:
– Bệnh trĩ cần được phát hiện và thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa.
– Xác định mức độ tổn thương của bệnh trĩ để lựa chọn hướng điều trị thích hợp.
– Biến chứng bệnh trĩ cấp tính có thể gây đau rát, nhiễm trùng, chảy máu và bí tiểu. Nếu để lâu và không can thiệp điều trị sớm thì biến chứng sau này càng khó kiểm soát.
– Không nên tự ti vì là bệnh ở vùng kín mà dấu bệnh không chịu đi khám.
– Thực hiện chế độ ăn khoa học (bổ sung thêm chất xơ, uống nhiều nước,..) cùng chế độ luyện tập thể dục thể thao đều đặn, đúng cường độ.
– Chủ động thăm khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh nếu có.
Như vậy, việc đầu tiên mà người bệnh trĩ cần quan tâm là việc thăm khám ngay khi nhận thấy các dấu hiệu của trĩ để tìm rõ nguyên nhân, tình trạng bệnh mới có thể đưa ra phương án chữa trĩ hiệu quả. Đừng vì bất cứ lý do nào mà trì hoãn việc điều trị, chủ động thăm khám sớm để tránh những rủi ro không đáng có, thoát trĩ an toàn dứt điểm, nâng cao chất lượng cuộc sống.