Hãy cùng điểm qua những thành tựu mà nhân loại đã đạt được trong cuộc chiến đấu chống lại HIV.
Chúng ta đã đạt được những gì trong cuộc chiến chống HIV?
Biện pháp phòng ngừa hiện có
Mặc dù chưa có vắc-xin phòng ngừa HIV nhưng vẫn có nhiều cách khác để tránh bị lây nhiễm virus này. HIV lây truyền qua sự trao đổi chất dịch của cơ thể. Điều này có thể xảy ra qua nhiều con đường khác nhau, gồm có:
- Quan hệ tình dục: Khi quan hệ tình dục, HIV có thể lây truyền qua sự trao đổi chất dịch cơ thể, gồm có máu, tinh dịch hoặc dịch tiết âm đạo và hậu môn. Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục.
- Dùng chung bơm kim tiêm: Kim và ống tiêm mà người nhiễm HIV đã sử dụng có thể chứa virus, ngay cả khi không nhìn thấy máu.
- Mang thai, sinh nở và cho con bú: Người mẹ nhiễm HIV có thể truyền virus sang cho con trong thời gian mang thai, trong khi sinh và khi cho con bú. Nếu dùng thuốc điều trị HIV đều đặn thì nguy cơ này sẽ được giảm đáng kể.
Ngoài ra cũng có thể bảo vệ bản thân khỏi HIV bằng những biện pháp phòng ngừa khác như:
- Xét nghiệm HIV trước khi quan hệ tình dục với người mới
- Xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục định kỳ và điều trị nếu mắc. Yêu cầu bạn tình cùng đi xét nghiệm.
- Sử dụng các biện pháp bảo vệ như bao cao su khi quan hệ tình dục và phải sử dụng đúng cách.
- Luôn phải sử dụng kim tiêm mới, không dùng chung với người khác và không dùng lại kim tiêm đã sử dụng.
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP)
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) là phương pháp sử dụng thuốc kháng virus hàng ngày để giảm nguy cơ lây nhiễm HIV. Đây là một phương pháp có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa HIV cho những người chưa bị nhiễm và thuộc nhóm có nguy cơ cao. Nhóm này gồm có:
- Nam giới quan hệ tình dục đồng giới vì quan hệ tình dục qua đường hậu môn là hình thức có nguy cơ lây truyền HIV cao hơn so với quan hệ qua đường âm đạo và đường miệng.
- Nam giới và phụ nữ thường xuyên quan hệ tình dục mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ như bao cao su
- Người có bạn tình bị HIV hoặc có nguy cơ cao nhiễm HIV
- Những người tiêm chích ma túy
- Những có nhiều bạn tình
- Người mắc một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác
- Người làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, ví dụ như bác sĩ, điều dưỡng
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), PrEP có thể làm giảm khoảng 99% nguy cơ lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục ở những người có nguy cơ cao. Để PrEP phát huy hiệu quả thì phải uống thuốc đều đặn hàng ngày. Tất cả những người có nguy cơ nhiễm HIV đều nên sử dụng PrEP.
Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP)
Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) là phương pháp dùng các loại thuốc kháng virus khẩn cấp sau khi đã tiếp xúc hoặc nghi ngờ đã tiếp xúc với HIV. Bác sĩ chỉ định PEP trong các trường hợp như:
- Một người nghi ngờ mình bị nhiễm HIV khi quan hệ tình dục (ví dụ như bao cao su bị rách hoặc không sử dụng bao cao su)
- Dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma túy.
- Người bị tấn công tình dục
PEP chỉ nên được sử dụng như một phương pháp phòng ngừa khẩn cấp. Phải bắt đầu dùng thuốc trong vòng 72 tiếng kể từ khi bị phơi nhiễm với HIV và càng sớm càng tốt. Thường sẽ cần tiếp tục dùng thuốc PEP trong một tháng sau đó.
Phương pháp chẩn đoán
Chẩn đoán sớm HIV/AIDS là một bước quan trọng để ngăn ngừa sự lây truyền. Theo Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), khoảng 25% người nhiễm HIV trên toàn thế giới không biết mình đã nhiễm virus. Cách duy nhất để biết về tình trạng của mình là làm xét nghiệm. Có một số phương pháp xét nghiệm máu để sàng lọc HIV. Hiện nay, những người nghi ngờ nhiễm HIV có thể tự kiểm tra tại nhà. Các bộ dụng cụ xét nghiệm HIV tại nhà (ví dụ như OraQuick) cho phép mọi người có thể tự lấy mẫu nước bọt hoặc máu và kết quả sẽ có sau khoảng 20 phút. Điều này giúp đảm bảo sự riêng tư và có được kết quả nhanh chóng. Tuy nhiên, khi có kết quả dương tình thì vẫn nên đến bệnh viện làm xét nghiệm xác nhận.
Các phương pháp điều trị
Nhờ những tiến bộ của khoa học, HIV hiện nay là một căn bệnh mãn tính có thể kiểm soát được chứ không còn là “bản án tử” như trước nữa. Các loại thuốc kháng virus (thuốc ARV) cho phép người nhiễm HIV có thể duy trì sức khỏe và còn làm giảm nguy cơ lây truyền virus cho người khác. Theo UNAIDS, khoảng 59% tổng số người nhiễm HIV được điều trị. Các loại thuốc điều trị HIV có hai tác dụng chính là:
- Giảm tải lượng virus: Tải lượng virus là thước đo số lượng HIV trong máu. Mục tiêu của phác đồ điều trị bằng thuốc kháng virus là giảm lượng HIV xuống mức không thể phát hiện được.
- Khôi phục số lượng tế bào CD4 về mức bình thường: Tế bào CD4 là một loại tế bào bạch cầu có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại các mầm bệnh, trong đó có cả HIV.
Có nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị HIV, gồm có:
- Thuốc ức chế men (enzyme) phiên mã ngược không phải nucleoside (NNRTI): có tác dụng vô hiệu hóa một loại protein mà HIV sử dụng để tạo bản sao vật liệu di truyền của nó trong tế bào.
- Thuốc ức chế men phiên mã ngược nucleoside (NRTI): tạo ra các khối xây dựng bị lỗi cho HIV để virus không thể tạo ra bản sao của vật liệu di truyền trong tế bào.
- Thuốc ức chế protease: vô hiệu hóa một loại enzyme mà HIV cần để tạo ra các bản sao chức năng của chính nó.
- Thuốc ức chế xâm nhập hoặc ức chế hòa màng: ngăn không cho HIV xâm nhập vào tế bào CD4.
- Thuốc ức chế integrase: ngăn chặn hoạt động của enzyme integrase. Nếu không có enzym này, HIV không thể tự xâm nhập vào DNA của tế bào CD4.
Các thuốc này thường được dùng kết hợp để ngăn virus phát triển khả năng kháng thuốc. Bệnh nhân phải dùng thuốc một cách nhất quán để phác đồ điều trị có hiệu quả. Khi gặp tác dụng phụ hoặc nhận thấy thuốc không hiệu quả thì cần báo cho bác sĩ để điều chỉnh.
Tải lượng virus không thể phát hiện
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc đạt được và duy trì tải lượng HIV ở mức không phát hiện được bằng cách dùng thuốc kháng virus đều đặn giúp loại bỏ nguy cơ lây truyền bệnh cho người khác. Trong các nghiên cứu lớn, tất cả những người nhiễm HIV và ức chế thành công virus (tải lượng virus không thể phát hiện) đều không lây truyền sang bạn tình âm tính khi quan hệ tình dục mà không dùng bao cao su. Những nghiên cứu này đã theo dõi hàng ngàn cặp vợ chồng có một người nhiễm HIV trong thời gian vài năm. Như vậy, tải lượng virus không thể phát hiện đồng nghĩa với không lây truyền (undetectable = untransmittable). Để được như vậy thì điều trị để phòng ngừa (treatment as prevention – TasP) là rất quan trọng, có nghĩa là những người nhiễm HIV phải dùng thuốc một cách đều đặn để ngăn ngừa nguy cơ lây truyền. UNAIDS đã đề ra kế hoạch “90-90-90” để chấm dứt đại dịch AIDS. Cụ thể, đến năm 2020, kế hoạch này hướng tới mục tiêu:
- 90% những người bị nhiễm HIV biết về tình trạng của mình
- 90% những người đã bị chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus
- 90% những người điều trị bằng thuốc kháng virus sẽ ức chế virus thành công
Một số thành tựu nghiên cứu
Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các loại thuốc và phương pháp mới để điều trị HIV với mục tiêu tìm ra các giải pháp giúp kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người đang sống chung với loại virus này. Ngoài ra, tất cả đều đang hy vọng rằng sẽ chế tạo được một loại vắc-xin ngăn ngừa và thuốc chữa khỏi HIV. Mặc dù chưa biết đến khi nào thì mục tiêu này có thể thực hiện được nhưng công cuộc nghiên cứu đã đạt được một số bước tiến quan trọng, có thể kể đến như:
Phương pháp tiêm hàng tháng
Các nha khoa học dự kiến trong tương lai gần sẽ cho ra đời liệu pháp ức chế HIV bằng cách tiêm hàng tháng. Liệu pháp này kết hợp hai loại thuốc là cabotegravir (thuốc ức chế integrase) và rilpivirine (thuốc ức chế men sao chép ngược không phải nucleotide). Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy việc tiêm thuốc hàng tháng đem lại hiệu quả ức chế HIV tương đương với phác đồ điều trị hàng ngày bằng ba loại thuốc uống.
Nhắm mục tiêu đến các ổ chứa HIV
Một phần nguyên nhân khiến quá trình tìm ra thuốc chữa khỏi HIV gặp nhiều khó khăn là hệ miễn dịch không thể nhắm mục tiêu vào các ổ tế bào chứa HIV. Hệ miễn dịch thường không thể nhận ra tế bào nhiễm HIV và không thể loại bỏ các tế bào đang sản sinh ra virus. Thuốc kháng virus cũng không loại bỏ được các ổ chứa HIV. Các nhà nghiên cứu đang phát triển hai phương pháp chữa trị HIV và cả hai đều có khả năng phá hủy các ổ chứa virus. Phương pháp thứ nhất nhằm mục đích kiểm soát sự nhân lên của HIV khi không điều trị bằng thuốc kháng virus (functional cure). Phương pháp thứ hai là loại bỏ hoàn toàn những virus có khả năng nhân lên trong cơ thể (sterilizing cure).
Phá vỡ virus
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign đã sử dụng công nghệ mô phỏng bằng máy tính để nghiên cứu lớp vỏ capsid của HIV. Vỏ capsid là nơi chứa vật chất di truyền của virus. Lớp vỏ này bảo vệ virus không bị hệ miễn dịch tiêu diệt. Hiểu được cấu tạo của vỏ capsid và cách nó tương tác với môi trường sẽ giúp các nhà nghiên cứu tìm ra biện pháp để phá vỡ. Sau khi phá vỡ được lớp vỏ capsid, vật chất di truyền của HIV sẽ giải phóng vào cơ thể và bị hệ miễn dịch phá hủy. Điều này mở ra tương lai đầy hứa hẹn trong việc tìm ra thuốc chữa HIV.
Người đầu tiên được chữa khỏi HIV
Timothy Ray Brown, một người Mỹ từng sống ở Berlin (Đức), được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 1995 và bệnh bạch cầu vào năm 2006. Đây là một trong hai người được gọi là “bệnh nhân Berlin”. Vào năm 2007, Brown được cấy ghép tế bào gốc để điều trị bệnh bạch cầu và ngừng điều trị HIV bằng thuốc ARV. Sau khi tiến hành ca phẫu thuật thì các bác sĩ đã không còn phát hiện thấy HIV trong cơ thể của ông nữa. Các nghiên cứu về nhiều bộ phận trên cơ thể của Brown tại Đại học California, San Francisco đã cho thấy ông không còn bị nhiễm HIV. Đây là người đầu tiên được chữa khỏi HIV trên Thế giới. Vào tháng 3 năm 2019, nghiên cứu đã công bố thêm hai người khác cũng được chữa khỏi HIV. Hai người này cùng mắc cả HIV và ung thư, một người được gọi là “bệnh nhân London” và một người được gọi là “bệnh nhân Dusseldorf”. Giống như Brown, cả hai người đều được phẫu thuật cấy ghép tế bào gốc để điều trị bệnh ung thư. Cả hai cũng ngừng điều trị bằng thuốc ARV sau khi phẫu thuật. Vào thời điểm nghiên cứu được công bố, “bệnh nhân London” đã không còn HIV trong cơ thể trong 18 tháng liên tục sau khi ngừng điều trị và trạng thái này vẫn tiếp tục được duy trì cho đến nay. Vào thời điểm đó, “bệnh nhân Dusseldorf” đã khỏi bệnh được 3 tháng rưỡi và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu tái phát.
Vắc-xin phòng ngừa HIV
Đã có rất nhiều căn bệnh được đẩy lùi hoặc thậm chí xóa sổ hoàn toàn nhờ sự ra đời của vắc-xin. Tuy nhiên, cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra loại vắc-xin thực sự có tác dụng bảo vệ cơ thể con người khỏi HIV. Vào năm 2009, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Virology đã giới thiệu về một loại vắc-xin thử nghiệm ngăn ngừa được khoảng 31% số trường hợp mắc mới. Tuy nhiên, quá trình thử nghiệm sâu hơn đã bị dừng lại do rủi ro. Đầu năm 2013, Viện Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ (National Institute of Allergy and Infectious Diseases) cũng đã cho dừng thử nghiệm lâm sàng một loại vắc-xin có tên là HVTN 505. Dữ liệu từ thử nghiệm này cho thấy vắc-xin không ngăn ngừa được sự lây truyền HIV và cũng không thể làm giảm tải lượng virus trong máu. Công cuộc nghiên cứu tìm ra vắc-xin vẫn đang được tiến hành trên khắp thế giới và mỗi năm đều có những khám phá mới. Vào năm 2019, các nhà nghiên cứu tại Đại học Pittsburgh thông báo rằng họ đã phát triển một phương pháp điều trị đầy hứa hẹn, cho phép:
- điều chỉnh một số tế bào miễn dịch để kích hoạt lại HIV không hoạt động
- sử dụng một tập hợp các tế bào miễn dịch khác đã được chỉnh sửa để tấn công và loại bỏ các tế bào chứa HIV tái hoạt động
Phát hiện này sẽ là nền tảng quan trọng cho quá trình nghiên cứu vắc-xin HIV. Ngoài ra còn có các thử nghiệm lâm sàng khác vẫn đang được tiến hành.
Tóm tắt bài viết
Vào thời điểm cách đây 30 năm, các nhà nghiên cứu gần như không hiểu gì về HIV chứ chưa nói đến chuyện điều trị hay chữa khỏi. Qua nhiều thập kỷ, những tiến bộ trong công nghệ và y học đã cho ra đời nhiều phương pháp điều trị HIV hiệu quả. Các loại thuốc kháng virus hiện nay có thể ngăn chặn sự phát triển của HIV và giảm tải lượng virus của một người xuống mức không thể phát hiện được. Tải lượng virus không phát hiện được không chỉ giúp cải thiện sức khỏe của người nhiễm HIV mà còn loại bỏ nguy cơ lây virus cho người khác. Việc điều trị còn giúp những phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV không lây truyền virus sang cho con. Mỗi năm, hàng trăm cuộc thử nghiệm lâm sàng được thực hiện nhằm tìm ra những phương pháp điều trị mới với hy vọng một ngày nào đó sẽ có thuốc chữa trị khỏi hoàn toàn căn bệnh thế kỷ. Và đi kèm với đó là những biện pháp hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa lây truyền HIV.