Chụp bể thận – niệu quản ngược dòng (retrograde pyelogram) là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng thuốc cản quang tiêm vào đường tiết niệu của người bệnh để thu được hình ảnh X-quang rõ nết hơn về hệ tiết niệu. Hệ tiết niệu gồm có thận, bàng quang, niệu quản và niệu đạo.
Chụp bể thận – niệu quản ngược dòng được thực hiện khi nào?
Chụp bể thận – niệu quản ngược dòng cũng tương tự như chụp thận có thuốc cản quang qua đường tĩnh mạch (intravenous pyelography). Chụp thận có thuốc cản quang qua đường tĩnh mạch được thực hiện bằng cách tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch của người bệnh, sau đó chụp X-quang. Chụp bể thận – niệu quản ngược dòng được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi bàng quang, trong đó ống nội soi được đưa qua niệu đạo vào bàng quang, sau đó tiêm thuốc cản quang trực tiếp vào đường tiết niệu.
Mục đích của chụp bể thận – niệu quản ngược dòng
Chụp bể thận – niệu quản ngược dòng thường được thực hiệnn để kiểm tra tắc nghẽn đường tiết niệu, chẳng hạn như tắc nghẽn do khối u hoặc sỏi. Tình trạng tắc nghẽn thường xảy ra ở thận hoặc niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận vào bàng quang). Tắc nghẽn khiến nước tiểu ứ lại trong đường tiết niệu và điều này có thể dẫn đến các biến chứng.
Bác sĩ cũng có thể đề nghị chụp bể thận – niệu quản ngược dòng nếu người bệnh bị tiểu ra máu. Chụp bể thận – niệu quản ngược dòng giúp xác định nguyên nhân gây ra triệu chứng này. Chụp bể thận – niệu quản ngược dòng đôi khi được thực hiện trước khi phẫu thuật để bác sĩ đánh giá hệ tiết niệu của người bệnh.
Chuẩn bị trước khi chụp bể thận – niệu quản ngược dòng
Có một số điều mà người bệnh cần lưu ý trước khi chụp bể thận – niệu quản ngược dòng:
- Nhịn ăn vài giờ trước thủ thuật: người bệnh có thể sẽ phải nhịn ăn từ 4 – 8 tiếng trước khi chụp bể thận – niệu quản ngược dòng.
- Uống thuốc nhuận tràng: người bệnh được cho dùng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc xổ để làm sạch đường tiêu hóa trước khi tiến hành thủ thuật.
- Sắp xếp nghỉ làm: quá trình chụp bể thận – niệu quản ngược dòng chỉ mất vài giờ, sau đó người bệnh có thể ra về ngay. Tuy nhiên, thủ thuật này cần gây mê toàn thân và do đó, người bệnh sẽ ngủ trong suốt quá trình thực hiện. Sau khi hoàn tất, người bệnh sẽ vẫn còn bị lơ mơ, không tỉnh táo. Do đó, cần có người đưa về và xin nghỉ làm hết ngày hôm đó.
- Ngừng dùng một số loại thuốc: nếu đang dùng thuốc chống đông máu hoặc một số loại thực phẩm chức năng, thảo dược ảnh hưởng đến sự đông máu thì người bệnh cần tạm ngừng một vài ngày trước thủ thuật.
Người bệnh cần cho bác sĩ biết nếu:
- đang dùng bất kỳ loại thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược nào
- đang mang thai hoặc nghi ngờ đang mang thai
- có tiền sử dị ứng với thuốc cản quang hoặc i-ốt
- dị ứng với các loại thuốc, kim loại hoặc vật liệu được sử dụng trong thủ thuật, chẳng hạn như cao su latex hay thuốc gây mê.
Quy trình thực hiện
Trước khi tiến hành thủ thuật, người bệnh cần:
- tháo toàn bộ trang sức và thay sang quần áo của bệnh viện
- nằm thẳng trên bàn với hai chân co lên
Sau đó, người bệnh sẽ được gây mê. Thuốc mê được đưa vào qua tĩnh mạch ở cánh tay.
Quá trình chụp bể thận – niệu quản ngược dòng được thực hiện như sau:
- Đưa ống nội soi vào niệu đạo
- Đẩy ống nội soi từ từ, nhẹ nhàng qua niệu đạo đến bàng quang. Lúc này, bác sĩ cũng có thể đưa ống thông vào bàng quang của người bệnh.
- Bơm thuốc cản quang vào đường tiết niệu
- Sử dụng phương pháp nội soi huỳnh quang động để chụp X-quang đường tiết niệu
- Tháo ống nội soi (và ống thông nếu có) ra khỏi cơ thể người bệnh
Phục hồi sau chụp bể thận – niệu quản ngược dòng
Sau khi thủ thuật hoàn tất, người bệnh sẽ ở trong phòng hồi sức cho đến khi tỉnh dậy và nhịp thở, nhịp tim, huyết áp trở lại bình thường. Bác sĩ sẽ theo dõi nước tiểu của người bệnh xem có máu hay dấu hiệu của biến chứng hay không.
Tiếp theo, người bệnh có thể ra về. Sau thủ thuật, người bệnh có thể sẽ bị đau và khó chịu khi đi tiểu. Bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau, chẳng hạn như acetaminophen để giúp giảm nhẹ cảm giác đau. Không dùng thuốc giảm đau aspirin vì loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
Người bệnh nên chú ý theo dõi nước tiểu trong vòng vài ngày sau thủ thuật. Hãy đến bệnh viện khám ngay nếu nhận thấy bất kỳ biểu hiện bất thường nào sau đây:
- sốt cao (38°C hoặc 101°F trở lên)
- chảy máu hoặc sưng quanh lỗ niệu đạo
- đau đớn dữ dội khi đi tiểu
- nước tiểu có máu
- tiểu khó
Rủi ro của chụp bể thận – niệu quản ngược dòng
Mặc dù chụp bể thận – niệu quản ngược dòng là một thủ thuật an toàn nhưng vẫn có một số rủi ro, chẳng hạn như:
- Tiếp xúc với bức xạ do chụp X-quang
- Thai nhi bị dị tật bẩm sinh nếu chụp trong thời gian mang thai
- Phản ứng dị ứng nghiêm trọng, chẳng hạn như sốc phản vệ, với thuốc cản quang hoặc các vật liệu được sử dụng trong thủ thuật
- Phản ứng viêm toàn thân (nhiễm trùng máu)
- Buồn nôn và nôn mửa
- Chảy máu trong
- Thủng bàng quang do các dụng cụ được sử dụng trong thủ thuật
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
Tóm tắt bài viết
Chụp bể thận – niệu quản ngược dòng là một công cụ chẩn đoán hình ảnh nhanh chóng giúp phát hiện những bất thường trong đường tiết niệu, ngoài ra còn giúp bác sĩ thực hiện các thủ thuật hay phẫu thuật tiết niệu một cách an toàn.
Mặc dù nhìn chung là an toàn nhưng giống như các thủ thuật cần gây mê khác, chụp bể thận – niệu quản ngược dòng vẫn tiềm ẩn một số rủi ro. Người bệnh nên trao đổi kỹ với bác sĩ về tình trạng sức khỏe tổng thể và tiền sử bệnh trước khi thực hiện Chụp bể thận – niệu quản ngược dòng để tránh phát sinh biến chứng về lâu dài.