Chụp cắt lớp vi tính (CT) là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được chỉ định trong các bước khám cận lâm sàng. Vậy kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính là gì? Phương pháp này có ý nghĩa gì trong chẩn đoán và điều trị mà lại được các bác sĩ chỉ định. Hãy cùng tìm hiểu về phương pháp chụp CT qua bài viết sau đây.
Bạn đang đọc: Chụp cắt lớp vi tính là gì, ý nghĩa trong chẩn đoán và điều trị
1. Chụp cắt lớp vi tính là phương pháp gì?
1.1 Phương pháp chụp CT ra đời khi nào?
Chụp cắt lớp vi tính (Computed Tomography – CT) là phát minh của 2 nhà vật lý người Anh là Godfrey Hounsfield và bác sĩ Allan Cormack vào năm 1972. Trải qua thời gian, phương pháp chẩn đoán hình ảnh này ngày càng được ứng dụng và khẳng định ý nghĩa trong nền y học hiện đại. Cũng nhờ phát minh này mà 2 nhà vật lý được nhận giải Nobel vào năm 1979.
Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh cung cấp những hình ảnh rõ nét, chi tiết tổn thương tại nhiều vùng trên cơ thể
1.2 Nguyên lý của phương pháp chụp cắt lớp vi tính là gì?
Cấu tạo của máy CT gồm một bóng phát tia X và bộ phận thu nhận tín hiệu, được đặt trong một khoang máy hình tròn. Hai bộ phận này ở vị trí đối diện nhau giúp chùm tia X có thể quay quanh cơ thể bệnh nhân.
Khi máy chạy, chùm tia X phát ra từ bóng sẽ xuyên qua một phần cơ thể theo chiều ngang và được tiếp nhận bởi bộ phận thu nhận tín hiệu. Sau đó, hệ thống máy tính sẽ biến đổi các thông tin lượng hóa thành hình ảnh 2D hoặc 3D của vị trí cần chụp.
Các bộ phận của cơ thể có mức độ cản tia nhiều như xương, răng, sỏi, máu xuất huyết…sẽ có màu trắng. Vùng cản tia ít như mỡ, dịch, phổi, khí… sẽ có màu tối.
Dựa vào hình ảnh được hiển thị trên phim, các bác sĩ có thể xác định những bất thường tại cơ quan được chụp.
2. Ý nghĩa của phương pháp chụp cắt lớp vi tính là gì?
2.1 Chụp CT giúp ích gì cho việc chẩn đoán và điều trị?
– Kiểm tra khi nghi ngờ chấn thương: chấn thương sọ não, đa chấn thương chấn thương cổ, cột sống, lồng ngực, gãy xương, vỡ xương, lún xẹp đốt sống,…
– Phát hiện các bệnh lý ở mô mềm: ổ viêm, khối u, dị vật, áp-xe ở nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể như não, màng não, phế quản, khí quản, phổi, gan, tụy, lách, thận,…
– Chẩn đoán tai biến mạch máu não, các bệnh lý thần kinh, tăng áp lực nội sọ, lao não – màng não.
– Chẩn đoán lao cột sống, vôi hóa dây chằng.
– Chẩn đoán các bệnh lý về phổi: lao phổi, giãn khí quản, phế quản, tràn dịch màng phổi, kén màng phổi…
– Phát hiện các loại sỏi: sỏi mật, sỏi thận, sỏi tiết niệu, kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng.
– Bệnh đường ruột: tắc ruột, xoắn ruột, viêm ruột thừa, u đại tràng.
– Các bệnh phụ khoa như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, viêm tử cung, viêm tiền liệt tuyến.
– Các bệnh về mạch máu: phình mạch, tắc động mạch phổi, bệnh mạch vành, mạch chủ ngực, mạch chủ bụng, mạch máu chi dưới,…
– Các bất thường bẩm sinh ở xương: gù, vẹo cột sống, dính đốt sống, bất sản đốt sống,…
– Theo dõi sự tiến triển của các khối u não, u gan, thận, phổi, bàng quang, tử cung,…
– Định hướng thực hiện các thủ thuật như sinh thiết, xạ trị hay phẫu thuật.
Tìm hiểu thêm: Đẻ chỉ huy bằng truyền oxytocin tĩnh mạch
Khi chụp cắt lớp vi tính, người bệnh cần tuân theo các hướng dẫn của kỹ thuật viên
2.2 Ưu điểm của phương pháp chụp cắt lớp vi tính là gì?
– So với chụp X-quang, phương pháp chụp CT cho hình ảnh rõ nét, không có hiện tượng xếp chồng lên nhau.
– Hình ảnh tái hiện đa chiều hơn, giúp quan sát rõ các tổn thương ở nhiều góc độ khác nhau đặc biệt là tại các mô mềm, mạch máu, xương,… Nhờ vậy, dễ dàng chẩn đoán các bệnh lý.
– Có khả năng phân giải với xương cao, được đánh giá là phương pháp lý tưởng để khảo sát các vấn đề ở xương.
– Có thể chỉ định đối với các bệnh nhân không thể chụp cộng hưởng từ.
– Thời gian thực hiện nhanh chóng, có giá trị cao trong khảo sát, đánh giá các trường hợp cấp cứu.
3. Cần lưu ý điều gì khi chụp cắt lớp vi tính?
– Tuy có giá trị cao trong chẩn đoán và điều trị chụp CT vẫn còn một số hạn chế: khả năng phát hiện tổn thương ở mô mềm bằng phương pháp chụp CT không cao bằng chụp MRI; khó tổn thương tại sụn khớp, dây chằng hoặc tủy sống; có gây nhiễm xạ do sử dụng tia X, tuy nhiên mức độ nhiễm xạ mỗi lần chụp nằm trong giới hạn quy định.
– Trong một số trường hợp cần tiêm thuốc cản quang, người bệnh phải nhịn ăn từ 4 – 6 tiếng trước khi tiến hành chụp CT.
– Trước khi chụp cần tháo hết các đồ dùng cá nhân bằng kim loại như kính mắt, vòng tay, vòng cổ,… ra khỏi vùng chụp.
– Người bệnh cần nằm yên trong suốt quá trình chụp. Đối với trẻ em, có thể sử dụng thuốc an thần để giữ bé nằm yên, giúp hình ảnh cho được rõ nét, không bị mờ.
>>>>>Xem thêm: 5 hiểu lầm phổ biến về nhịp tim
Kết quả chụp CT có thể giúp bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh của bệnh nhân.
Hi vọng qua những thông tin trên đây bạn đã hiểu được chụp cắt lớp vi tính là gì và ý nghĩa của phương pháp này trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý. Để quá trình thực hiện nhanh chóng, thuận lợi và cho kết quả chụp CT chính xác nhất, bạn nên đến các cơ sở uy tín để thực hiện dịch vụ này.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.