Chụp cắt lớp vi tính (CT) là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh rất hiệu quả trong việc phát hiện và theo dõi ung thư bàng quang.
Chụp CT có thể phát hiện ung thư bàng quang không?
Chụp CT có thể phát hiện ung thư bàng quang không?
Ung thư bàng quang là một loại ung thư đường tiết niệu, xảy ra ở lớp niêm mạc hoặc cơ của bàng quang do các tế bào phát triển bất thường.
Ung thư bàng quang phổ biến ở nam giới hơn phụ nữ. Các triệu chứng của ung thư bàng quang gồm có:
- Đau lưng
- Đau khi đi tiểu
- Đi tiểu nhiều lần
- Máu trong nước tiểu
Điều quan trọng là phát hiện và điều trị ung thư bàng quang càng sớm càng tốt để ngăn chặn ung thư di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Chụp cắt lớp vi tính (CT) là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh rất hiệu quả trong việc phát hiện và theo dõi ung thư bàng quang.
Cơ chế của chụp CT
Chụp CT là một công cụ rất hữu ích trong việc chẩn đoán ung thư bàng quang. Chụp CT là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất để chẩn đoán ung thư bàng quang và các bệnh ung thư đường tiết niệu khác. Bác sĩ có thể dựa trên ảnh chụp CT để xác định giai đoạn ung thư và theo dõi tình trạng bệnh theo thời gian.
Chụp CT sử dụng tia X và công nghệ máy tính để tạo hình ảnh mặt cắt ngang các cơ quan trong cơ thể. Tia X có thể phát hiện mô mềm và mạch máu. Sau đó, máy tính sẽ sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh ba chiều của khu vực đường tiết niệu.
Chụp CT còn được sử dụng để hướng dẫn sinh thiết bàng quang (thủ thuật lấy một mẫu mô nhỏ từ bàng quang).
Chụp CT có giúp chẩn đoán chính xác ung thư bàng quang không?
Chụp CT giúp phát hiện chính xác các bệnh ung thư đường tiết niệu. Một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy chụp CT tiết niệu có tỷ lệ chính xác là 91,5%. (1)
Một đánh giá hồi cứu vào năm 2021 đã phát hiện ra rằng chụp CT có tỷ lệ chính xác từ 96 đến 97% khi được sử dụng trong chẩn đoán ung thư đường tiết niệu trên, loại ung thư xảy ra ở ống ống nối giữa thận và bàng quang. (2)
Quá trình chụp CT bàng quang
Chụp CT là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh xâm lấn tối thiểu và không cần phải chuẩn bị gì đặc biệt.
Bác sĩ sẽ giải thích rõ về quy trình chụp CT trước khi tiến hành. Người bệnh có thể sẽ phải uống nhiều nước để làm căng bàng quang trước khi chụp CT.
Trước khi chụp CT
Người bệnh sẽ thay áo choàng bệnh viện và cởi bỏ tất cả đồ kim loại trên người. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch ở cánh tay người bệnh qua một ống thông hẹp. Ống thông này sẽ được giữ nguyên trong suốt quá trình chụp CT. Thuốc cản quang giúp thu được hình ảnh mô mềm rõ nét hơn.
Sau các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cần sử dụng thuốc cản quang, người bệnh có thể gặp phải một số hiện tượng như:
- Đỏ bừng mặt
- Miệng có vị kim loại
- Tiểu gấp
Quá trình chụp CT
Quá trình chụp CT sẽ diễn ra trong một thiết bị có dạng ống. Người bệnh sẽ nằm lên bàn và được di chuyển vào bên trong thiết bị. Kỹ thuật viên điều khiển thiết bị ở một phòng khác và liên lạc với người bệnh qua tai nghe. Người bệnh cần nằm yên và thực hiện theo hướng dẫn của kỹ thuật viên, thi thoảng sẽ phải nín thở. Quá trình chụp CT kéo dài khoảng 30 phút. Thiết bị sẽ phát ra tiếng ù nhẹ trong quá trình chụp.
Sau khi chụp CT
Sau khi quá trình chụp hoàn tất, kỹ thuật viên sẽ quay trở lại phòng và tháo ống thông truyền thuốc cản quang trên cánh tay người bệnh. Người bệnh sẽ phải ở lại bệnh viện một lúc để theo dõi xem có phản ứng với thuốc cản quang hay không. Nếu không có vấn đề gì, người bệnh có thể ra về và sinh hoạt như bình thường.
Kết quả chụp CT sẽ có sau một vài ngày hoặc vài tuần.
Rủi ro của chụp CT
Phụ nữ mang thai không nên chụp CT.
Một số rủi ro của chụp CT gồm có:
- Phản ứng dị ứng với thuốc cản quang
- Thuốc cản quang gây phản ứng ở thận
- Tiếp xúc với bức xạ
- Đau nhức, bầm tím và sưng ở vị trí tiêm thuốc cản quang
- Biến chứng do thuốc điều trị bệnh tiểu đường hoặc thuốc làm loãng máu
Chụp CT cho biết điều gì?
Chụp CT giúp kiểm tra thận, bàng quang và niệu quản (ống nối hai cơ quan này). Ảnh chụp CT giúp phát hiện khối u, gồm có kích thước, hình dạng và vị trí của khối u.
Chụp CT còn cung cấp hình ảnh các hạch bạch huyết ở bụng và vùng chậu. Ung thư bàng quang có thể khiến các hạch bạch huyết này sưng lên.
Các cách khác để chẩn đoán và theo dõi ung thư bàng quang
Ngoài chụp CT còn có các cách khác để chẩn đoán và theo dõi ung thư bàng quang.
- Chụp X-quang: Người bệnh có thể cần chụp X-quang để kiểm tra xem ung thư đã lan đến các bộ phận khác của cơ thể hay chưa.
- Siêu âm: Siêu âm sử dụng sóng âm cao tần để ghi lại hình ảnh các cơ quan bên trong cơ thể. Siêu âm hoàn toàn không sử dụng bức xạ. Siêu âm còn được sử dụng để hướng dẫn sinh thiết bàng quang.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI sử dụng từ trường từ nam châm và sóng radio thay vì tia X để tạo ra hình ảnh của các cấu trúc mô mềm trong vùng chậu. Chụp MRI có thể giúp xác định giai đoạn ung thư bàng quang chính xác hơn so với chụp CT. Tuy nhiên, chụp MRI không an toàn với những người đang mang vật thể kim loại trong cơ thể, ví dụ như máy tạo nhịp tim.
- Chụp thận tĩnh mạch: tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch ở cánh tay, sau đó chụp X-quang hệ tiết niệu.
- Chụp bể thận niệu quản ngược dòng: tiêm thuốc cản quang qua ống thông vào niệu đạo, sau đó chụp X-quang hệ tiết niệu.
Câu hỏi thường gặp về chụp CT chẩn đoán ung thư bàng quang
Xác suất chụp CT bỏ sót ung thư bàng quang có cao không?
Chụp CT đa phần rất chính xác, mặc dù vẫn có những trường hợp chụp CT cho kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả.
Một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy chụp CT có thể cho kết quả dương tính giả. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện 13 kết quả âm tính giả trong số 710 lần chụp CT. Lý do chính là do kỹ thuật chụp CT.
Cũng trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 43 kết quả dương tính giả trong 710 lần chụp CT ở những người có máu trong nước tiểu hoặc có tiền sử ung thư bàng quang. Một số nguyên nhân gây kết quả dương tính giả được cho là do:
- Phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới
- Thành bàng quang dày hơn bình thường
- Thay đổi phương pháp điều trị y tế
- Sự hiện diện của cục máu đông
- Viêm
Phương pháp nào chẩn đoán ung thư bàng quang chính xác nhất?
Có nhiều xét phương pháp chẩn đoán ung thư bàng quang. Chụp CT và MRI là những công cụ chính xác để chẩn đoán và theo dõi ung thư bàng quang. Ngoài ra còn có các phương pháp không sử dụng bức xạ như:
- Xét nghiệm nước tiểu
- Sinh thiết
- Nội soi bàng quang
Tóm tắt bài viết
Chụp CT là một công cụ hiệu quả trong việc chẩn đoán và theo dõi bệnh ung thư bàng quang. Chụp CT xâm lấn tối thiểu và không đòi hỏi chuẩn bị đặc biệt.
Ban đầu bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp chẩn đoán không sử dụng phóng xạ và sau đó chụp CT để có thêm thông tin về ung thư bàng quang. Người bệnh cũng có thể cần chụp CT trong quá trình điều trị để theo dõi tình trạng bệnh.