Chụp CT dạ dày là chẩn đoán hình ảnh hiện đại được ứng dụng phổ biến, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp phát hiện và xử trí kịp thời các bất thường tại cơ quan này. Kỹ thuật này được thực hiện khi nào và cần lưu ý những gì, câu trả lời có trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Chụp CT dạ dày được thực hiện khi nào và cần chú ý gì?
1. Những điều cần biết về dạ dày
1.1. Dạ dày nằm ở đâu?
Dạ dày nằm ở vùng thượng vị, tầng trên của mạc treo kết tràng và ô dưới hoành trái. Phía trên dạ dày là thực quản, được phân cách qua lỗ tâm vị. Phía dưới nó nối với phần đầu ruột non thông qua lỗ môn vị. Dung tích bình thường của dạ dày là từ 4 đến 5 lít nước.
Vị trí và hình dạng của dạ dày sẽ thay đổi tùy theo dung lượng thức ăn nạp vào. Nhìn chung, hình dạng cơ bản của nó khá giống chữ J trong bảng chữ cái Latin. Sự phức tạp trong cấu tạo và mối liên kết với các cơ quan khác trong ổ bụng khiến dạ dày có khả năng co bóp mạnh.
1.2. Dạ dày có chức năng gì?
Bộ phận này đảm nhận 2 chức năng chính trong cơ thể gồm: thấm dịch vị để nghiền cơ học thức ăn; và phân hủy thức ăn bằng enzyme tiêu hóa trong dịch vị.
Sau khi được phân hủy một phần khi nhai, thức ăn sẽ đi xuống dạ dày qua thực quản. Lúc này, dạ dày sẽ nhào trộn, nghiền nát thức ăn với dịch vị. Sau đó hỗn hợp này tiếp tục được đưa xuống ruột non để tiêu hóa, hấp thu và đào thải.
1.3. Cấu tạo của dạ dày
Các thành phần cấu tạo của dạ dày bao gồm:
– Tâm vị: Phân cách thực quản và dạ dày bằng một nếp niêm mạc. Tại đây có lỗ tâm vị thông với thực quản, không có cơ hoặc van thắt.
– Đáy vị: Nằm trên mặt phẳng đi qua lỗ tâm vị, là nơi chứa khí.
– Thân vị: Nằm dưới đáy vị, chứa rất nhiều tuyến bài tiết acid dịch vị, có nhiệm vụ co bóp và tiêu hóa thức ăn.
– Môn vị: Thông với tá tràng bởi lỗ môn vị, nằm bên phải đốt sống thắt lưng 1. Bộ phận này gồm ống môn vị (có cơ rất phát triển) và hang môn vị (tiết ra gastrin).
– Thành dạ dày: Bao gồm thành trước và thành sau dạ dày.
– Bờ cong vị bé: Nối dạ dày với tá tràng và gan bởi mạc nhỏ.
– Bờ cong vị lớn: Chứa các động mạch vị ngắn, là đoạn tiếp nối dạ dày với lách.
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu mẹo chữa viêm hang vị dạ dày hiệu quả
2. Phương pháp chụp CT dạ dày
2.1. Thế nào là chụp CT dạ dày?
Chụp CT còn được gọi là chụp cắt lớp vi tính, ghi lại hình ảnh các cơ quan bằng tia X. Hình ảnh cắt ngang 2 chiều hoặc 3 chiều của dạ dày sẽ được ghi lại trực tiếp. Nhờ đó, bác sĩ có thể kết luận chính xác về tình trạng tổn thương tại cơ quan này. Chụp cắt lớp vi tính được ứng dụng phổ biến hiện nay để sàng lọc các bất thường liên quan đến dạ dày.
Dạ dày là cơ quan đặc biệt quan trọng với cơ thể, đồng thời cũng là bộ phận nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Các bất thường tại cơ quan này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Chụp cắt lớp dạ dày là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để phát hiện các vấn đề, bệnh lý dạ dày. Đây cũng là giải pháp thăm khám trong trường hợp dạ dày bị thủng, không thể áp dụng các phương pháp chẩn đoán khác.
2.2. Trường hợp nên tiến hành chụp CT dạ dày
Hiện nay có rất nhiều kỹ thuật chẩn đoán khác nhau được sử dụng để kiểm tra các bệnh lý dạ dày như nội soi, siêu âm,… Các trường hợp được chỉ định chụp CT bao gồm:
– Cần phát hiện các bệnh lý xung quanh dạ dày và thành dạ dày một cách nhanh chóng, như: ổ viêm, tổn thương, loét,…
– Xác định vị trí, kích thước, mức độ tổn thương của khối u; đánh giá sự phát triển của khối u và mức độ xâm lấn của tế bào ác tính.
– Quan sát các bộ phận xung quanh dạ dày có nguy cơ ảnh hưởng bởi tế bào ung thư.
– Kiểm tra dị vật trong túi dạ dày; xác định vị trí, tình trạng chảy máu, cục máu đông trong dạ dày.
– Chẩn đoán viêm, loét dạ dày, thủng dạ dày không thể phát hiện được qua siêu âm, X quang.
– Sàng lọc phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư dạ dày. Mặt khác chụp CT cho phép xác định vị trí, kích thước, mức độ phát triển của tổ chức ung thư. Đồng thời bác sĩ có thể theo dõi quá trình điều trị, định hướng phẫu thuật ung thư dạ dày.
– Trường hợp không thể áp dụng phương pháp chẩn đoán khác.
>>>>>Xem thêm: Trào ngược dạ dày biến chứng như thế nào?
3. Những lưu ý cần biết khi chụp CT dạ dày
Chụp cắt lớp dạ dày chỉ được thực hiện sau khi bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa đã thăm khám và chỉ định. Bên cạnh đó, người bệnh chụp CT cần chú ý:
– Tìm hiểu kỹ để lựa chọn địa chỉ chụp CT uy tín nhằm đảm bảo chất lượng hình ảnh và chẩn đoán bệnh lý.
– Trước khi chụp cắt lớp vi tính, người bệnh cần nhịn ăn ít nhất 4 tiếng.
– Người bệnh chụp cắt lớp dạ dày có thể cần sử dụng thuốc cản quang. Do đó, người bệnh cần thông báo với bác sĩ nếu đang có thai hoặc nghi ngờ có thai, cung cấp cho bác sĩ về các bệnh lý đang mắc phải, các loại thuốc đang sử dụng, tiền sử dị ứng của bản thân.
– Người bệnh không mang các vật dụng bằng kim loại trong quá trình chụp để tránh gây nhiễu làm giảm chất lượng hình ảnh.
– Trẻ em chỉ thực hiện chụp cắt lớp dạ dày với trường hợp thật sự cần thiết và được bác sĩ chỉ định. Lý do cần cân nhắc là bởi nguy cơ ảnh hưởng của bức xạ ở trẻ em cao hơn so với người lớn.
– Nếu chụp CT có dùng thuốc cản quang, người bệnh cần tăng cường bổ sung nước cho cơ thể để nhanh chóng đào thải thuốc ra khỏi cơ thể.
Trên đây là các trường hợp cần thực hiện và các chú ý khi chụp CT dạ dày. Phương pháp này sẽ được bác sĩ tư vấn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người. Chính vì vậy, khi có triệu chứng bất thường về dạ dày, người bệnh nên đến gặp bác sĩ Tiêu hóa để được thăm khám và chỉ định phương pháp phù hợp.