Chụp MRI hay chụp CT để có thể chẩn đoán nhanh nhất

Ngày càng nhiều công cụ chẩn đoán hình ảnh được ra đời như MRI, MSCT, X-quang,… điều này khiến nhiều người bệnh thắc mắc nên chụp MRI hay chụp CT để có thể chẩn đoán nhanh nhất và chính xác nhất. Vốn dĩ mỗi phương tiện lại có một thế mạnh riêng trong việc hỗ trợ chẩn đoán toàn diện hay từng bộ phận. Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin giúp bạn hiểu được ưu điểm khi chụp MRI, chụp CT đối với từng trường hợp cụ thể.  

Bạn đang đọc: Chụp MRI hay chụp CT để có thể chẩn đoán nhanh nhất

1. Chụp MRI hay chụp CT hiện đại hơn?

1.1 Chụp MRI

Chụp MRI – viết tắt của Magnetic Resonance Imaging (hay còn gọi là chụp cộng hưởng từ). Đây là một kỹ thuật dùng từ trường kết hợp với sóng vô tuyến quét qua các phần của cơ thể. Việc này nhằm ghi lại những hình ảnh chi tiết các cấu trúc bên trong, đặc biệt là của các mô, tổ chức mềm.

Bệnh nhân được chụp MRI ở tư thế nằm, trong khoảng thời gian thường từ 15 phút đến 1 giờ tùy thuộc vào vùng, bộ phận cần chụp. Bệnh nhân sẽ được đeo tai nghe để chống ồn vì khi chụp máy MRI có thể phát ra âm thanh gây ồn ào, việc đẹo tai nghe sẽ giúp bạn hạn chế được tiếng ốn.

1.2 Chụp CT

Chụp CT (Computed Tomography Scan) hay còn gọi là chụp cắt lớp vi tính là phương pháp ứng dụng tia X quét lên các khu vực khác nhau của cơ thể ở những góc độ khác nhau và theo từng lớp cắt khác nhau.

Các tia X sau khi đi qua cơ thể được thu lại và sẽ được xử lý bằng các phần mềm máy tính chuyên dụng. Nhờ đó mà chúng ta có được các hình ảnh, có thể là 2 chiều hoặc 3 chiều về các cơ quan trong cơ thể.

Có thể thấy rằng, máy chụp MRI và chụp CT hoạt động theo những nguyên lý khác nhau. Vì vậy, hình ảnh được tạo ra từ chúng cũng có những đặc điểm bổ trợ nhau cho chẩn đoán.

2. Chụp MRI hay chụp CT an toàn hơn?

Nhìn chung, việc chụp MRI/chụp CT cho bệnh nhân đều khá an toàn. Tuy nhiên, có một số vấn đề chúng ta cần phải lưu ý.

2.1 Chụp MRI

Chụp MRI không bị nhiễm tia X nên hoàn toàn an toàn với người bệnh kể cả trẻ em và thai phụ (trên 3 tháng). MRI còn có thể sử dụng để tầm soát dị tật thai nhi (thai trên 3 tháng). Những chống chỉ định với những bệnh nhân trong người có gắn các thiết bị bằng kim loại như kẹp dị dạng mạch máu não hay máy tạo nhịp, đạn trong cơ, hay các đồ vật trang sức bằng kim loại… Vì những vật dụng này có thể làm “nhiễu sóng” hình ảnh không sắc nét, có thể cho kết quả chẩn đoán sai lệch. Nếu muốn chụp MRI người bệnh cần tháo, gỡ, gắp bỏ những dị vật bằng kim loại này ra khỏi cơ thể. Những dị vật này sẽ bị tác động bởi từ trường của máy MRI, từ đó gây ra các biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân. Những người có tiền sử về bệnh lý tâm thần, động kinh, hội chứng sợ không gian hẹp cần thông báo với bác sĩ, bác sĩ sẽ cân nhắc chụp MRI nếu người bệnh có thể giữ được tâm trạng ổn định trong suốt quá trình chụp.

2.2 Chụp CT

Chụp MRI thì không bị ảnh hưởng bởi tia X. Chụp CT phải sử dụng một lượng tia X phù hợp để quét hình ảnh, do đó chụp CT người bệnh bị phơi nhiễm tia X (nhiễm tia X). Vì vậy, chụp CT không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ đang mang thai đặc biệt là giai đoạn đầu của thai kỳ. Với những trẻ em nhỏ cần thăm khám và điều chỉnh lượng tia X phù hợp khi chụp CT, cũng như tần suất chụp phù hợp.

Các bác sĩ sẽ quyết định  việc lựa chọn phương tiện chẩn đoán phù hợp và an toàn nhất trong trường hợp cho bệnh nhân dựa trên tình trạng bệnh, tình trạng sức khỏe và ý nguyện của người bệnh. Bệnh nhân cần cho bác sĩ biết rõ ràng về tình trạng thai nghén của bản thân trước khi bắt đầu các phương pháp đặc biệt là chụp X-quang, chụp CT.

Trong quá trình chụp cộng hưởng từ MRI hay chụp CT, bệnh nhân sẽ được đẩy vào bên trong lòng máy. Vì vậy, cũng cần xem xét cân nhắc đối với các bệnh nhân mắc chứng sợ không gian kín.

3. Vai trò của chụp MRI hay chụp CT quan trọng hơn?

MRI và CT đều là những phương tiện bổ trợ cho việc chẩn đoán của các bác sĩ, dựa trên việc ghi lại hình ảnh của các cơ quan cũng như các cấu trúc bên trong cơ thể người. Điểm khác biệt lớn nhất về nguyên lý hoạt động giữa chúng đó là MRI sử dụng từ trường kết hợp với sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh còn CT sử dụng tia X. Điều này dẫn đến việc ứng dụng chụp MRI/chụp CT để chẩn đoán bệnh có phần khác nhau.

Chi phí cho việc chụp MRI cao hơn chụp CT dẫn đến một quan niệm sai lầm trên các bệnh nhân rằng MRI là phương tiện chẩn đoán ưu việt hơn CT. Thực tế thì MRI và CT có thể được sử dụng độc lập hoặc đóng vai trò bổ trợ cho nhau để giúp các bác sĩ tìm ra được các nguyên nhân bệnh lý. Có những tổn thương mà trên MRI chúng ta không phát hiện được nhưng khi chụp CT lại dễ dàng nhận biết và ngược lại.

4. Khi nào cần đến MRI? Khi nào cần đến CT-Scan?

Bất kỳ khi nào chúng ta cần khảo sát về các cấu trúc bên trong cơ thể người, chụp MRI và chụp CT là hai phương tiện được nghĩ đến. Mỗi phương tiện thể hiện sự ưu thế của nó trên những đặc điểm thương tổn khác nhau.

4.1 Ưu thế khi chụp MRI

MRI cung cấp các hình ảnh về các mô mềm, đặc biệt là các mô mềm bao quanh xương một cách chi tiết hơn CT. Vì vậy, MRI thường được sử dụng để khảo sát, chẩn đoán các bệnh lý về khớp, dây chằng, não bộ, tuyến vú, mạch máu, thần kinh,…

Tìm hiểu thêm: Vai trò của chụp MRI phổi và những điều bạn cần biết

Chụp MRI hay chụp CT để có thể chẩn đoán nhanh nhất

>>>>>Xem thêm: Thực hiện chụp MRI có tác hại gì không?

Chụp cộng hưởng từ và chụp CT bổ trợ cho nhau trong chẩn đoán chấn thương khớp gối

4.2 Ưu thế khi chụp CT

Ngược lại, chụp CT ưu thế trong việc tái tạo các hình ảnh phần cứng như hộp sọ, hệ xương cũng như các tạng (phổi, gan, lách, thận,…). Do đó, chụp CT rất có giá trị trong chẩn đoán các tình trạng gãy xương, khối u, chảy máu trong và đặc biệt là theo dõi điều trị ung thư.

Việc lựa chọn sử dụng MRI và CT để hỗ trợ cho việc chẩn đoán sẽ được các bác sĩ xem xét kỹ lưỡng dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân khác nhau – gọi là cá thể hoá điều trị. Điều này nhằm đảm bảo việc chẩn đoán bệnh chính xác, cụ thể và an toàn nhất.

5. Có thể phát hiện ung thư bằng chụp MRI hay chụp CT không?

Về mặt nguyên tắc, chúng ta cần lưu ý rằng việc chẩn đoán xác định ung thư sẽ dựa trên xét nghiệm mô bệnh học trong hầu hết các trường hợp. Chụp MRI và chụp CT không phải là phương tiện chẩn đoán xác định chắc chắn bệnh ung thư.

Nhưng có thể thấy được lợi ích của chụp MRI và chụp CT trong việc giúp các bác sĩ nhận thấy được hình ảnh các khối bất thường trong cơ thể, mà rất có khả năng đó là khối u ung thư là điều không thể phủ nhận. Từ đó gợi ý cho các bác sĩ một định hướng điều trị phù hợp.

Chụp MRI cũng như chụp CT sẽ giúp các bác sĩ dễ dàng hơn trong việc tìm ra tư thế tốt nhất cũng như vị trí khối u để chọc hút làm giải phẫu bệnh, chẩn đoán ung thư. Đặc biệt hơn, các bác sĩ chuyên khoa ung bướu sẽ dựa vào hình ảnh chụp MRI/chụp CT để làm căn cứ phân loại ung thư, theo dõi sự di căn của khối u, cũng như việc đáp ứng với điều trị bệnh.

Nhìn chung, chụp MRI/chụp CT là hai phương tiện chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, không gây đau và đặc biệt có độ chính xác cực kỳ cao. Sự ưu việt của chúng trong việc hỗ trợ cho các bác sĩ chẩn đoán bệnh là điều không phải bàn cãi. Bên cạnh một số nguy cơ thì nhìn chung MR hay chụp CT đều rất an toàn và cũng chính điều này đã khiến hai công cụ chẩn đoán hình ảnh này ngày càng trở nên phổ biến.

Việc tham khảo lời khuyên của các bác sĩ về việc chụp MRI hay chụp CT sẽ rất hữu ích cho bệnh nhân trong việc hiểu đúng, hiểu tường tận về hai phương tiện chẩn đoán hình ảnh trên, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho mọi người bệnh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *