Chụp X quang là biện pháp được sử dụng phổ biến trong việc hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh. Chụp X quang là gì, có gây hại cho sức khỏe không, khi nào nên thực hiện.. là vấn đề mà nhiều người quan tâm. Để đi tìm câu trả lời cho vấn đề này, mời bạn đọc tham khảo thông tin trong bài viết sau.
Bạn đang đọc: Chụp X quang là gì, có gây hại cho sức khỏe không, cần lưu ý điều gì?
1. Chụp X Quang là gì?
Chụp X quang là phương pháp mang lại nhiều giá trị trong chẩn đoán và điều trị
Chụp X quang là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh hoạt động bằng cách sử dụng tia bức xạ X. Những tính chất của tia X bao gồm: tính truyền thẳng và đâm xuyên, tính bị hấp thụ, tính hóa học, tính quang học,…. Nhờ những tính chất này, người ta chiếu tia X đi xuyên qua cơ thể người bệnh. Từ đó, có được những hình ảnh cần thiết, mang lại giá trị to lớn trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng rất phổ biến. Hiện nay, phương pháp này còn có thể chụp phim tại giường. Điều này giúp ích rất nhiều cho những bệnh nhân không thể di chuyển khỏi phòng bệnh.
2. Chụp X quang khi nào?
Phương pháp chụp X quang được chỉ định trong các trường hợp sau:
– Những bệnh liên quan đến răng, cơ xương khớp. Ví dụ: chấn thương xương khớp, viêm xương, u xương, thoái hóa khớp, viêm khớp ….
– Những bệnh về hô hấp: tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, viêm phổi, lao phổi, u phổi,…
– Các bệnh về tim mạch, bệnh lý sỏi tiết niệu và rất nhiều các bệnh lý khác.
– Ngày nay, chụp X-quang còn được chỉ định trong các trường hợp tầm soát bệnh lý định kỳ, ví dụ như sàng lọc bệnh lý phổi, xương khớp.
3. Chụp X quang có gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe không?
Tia X là tia bức xạ. Vì vậy khi truyền qua cơ thể nó có thể gây một số tác dụng sinh học. Tác dụng này có thể gây 1 số ảnh hưởng đến cơ thể nếu thực hiện không đúng cách. Những cơ quan dễ bị ảnh hưởng nhất bởi tia X là da, tủy xương, tuyến giáp, bộ phận sinh dục.
Tuy nhiên hiện nay, lượng tia X được sử dụng trong kỹ thuật chụp là trong giới hạn an toàn. Thêm vào đó, phòng chụp có những thiết bị hấp thụ tia tán xạ. Vì vậy giúp giảm tối đa những tác hại xấu mà tia X có thể ảnh hưởng đến người chụp. Do đó, người bệnh không nên quá lo lắng khi thực hiện phương pháp này vì chụp X quang thông thường không gây tác động xấu lên sức khỏe.
4. Phụ nữ mang thai có nên chụp không?
Tìm hiểu thêm: Chụp cắt lớp là gì, quy trình thực hiện như thế nào?
Phương pháp chẩn đoán này không chỉ định với phụ nữ có thai nếu không thực sự cần thiết
Phương pháp chẩn đoán này thường không được chỉ định chụp ở phụ nữ đang có thai hoặc đang cho con bú. Vì khi tiếp xúc với tia X quá nhiều có thể gây nên các dị tật, nguy hiểm ở thai nhi cũng như gây tác động xấu sức khỏe thai phụ. Tuy nhiên nếu thật sự cần thiết, để chẩn đoán các vấn đề về sức khỏe của mẹ và bé, sản phụ vẫn phải được chụp để chẩn đoán theo chỉ định của bác sĩ. Lúc này bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và tác hại của việc chụp X quang.
Bên cạnh đó, với sự phát triển của khoa học công nghệ, hiện nay sau khi chụp, các máy chụp hiện đại sẽ cho chúng ta biết liều chiếu xạ vào thai phụ và thai nhi là bao nhiêu? Mức chiếu xạ này có an toàn cho sức khỏe của mẹ và bé hay không? Vì vậy các mẹ không cần phải quá lo lắng về việc phải thực hiện phương pháp chẩn đoán hình ảnh này khi đang mang thai và cho con bú.
Nếu nghi ngờ mang thai hoặc đang mang thai hoặc đang cho con bú bạn phải thông báo ngay với bác sĩ để có sự điều chỉnh hạn chế tối da liều tia. Điều này giúp giảm thiểu thấp nhất những ảnh hưởng của tiêu cực của tia X lên sức khỏe của mẹ và bé. Tránh những dị tật bẩm sinh có thể xảy ra ở thai nhi.
5. Trẻ em có nên chụp X quang?
Việc chụp X quang nếu được thực hiện đúng cách và đúng quy trình sẽ không gây hại đến sức khỏe của trẻ. Hiện nay trên thế giới có rất nhiều máy chụp hiện đại. Bên cạnh đó, khi chụp X-quang cho trẻ em các kỹ thuật viên sẽ điều chỉnh liều tia chụp rất thấp và khu trú vào vùng cần khảo sát, không chiếu trực tiếp vào tuyến giáp hay sinh dục. Cộng thêm thời gian chụp rất nhanh nên chụp Xquang cho trẻ khá an toàn khi thực hiện tại các cơ sở uy tín.
Ngoài ra, cha mẹ nên thực hiện một số lưu ý sau để phòng ngừa nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ cho trẻ:
– Chỉ cho trẻ chụp khi có chỉ định của bác sĩ và không được tự ý đưa trẻ đi chụp.
– Cung cấp thông tin cho bác sĩ về lần chụp gần nhất của trẻ. Từ đó, tránh trẻ tiếp xúc với tia X nhiều lần trong thời gian ngắn.
– Thông báo về cân nặng và chiều cao chính xác của trẻ. Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều tia xạ phù hợp với trẻ
6. Cần chuẩn bị gì trước khi chụp X-quang?
>>>>>Xem thêm: Nội soi dạ dày gây mê có thể phát hiện ung thư không?
Cần lựa chọn địa chỉ uy tín khi thăm khám
Hầu hết người bệnh không cần chuẩn bị gì khi chụp X quang. Tuy nhiên để quá trình diễn ra thuận lợi bạn cần lưu ý những điều sau:
– Cởi quần áo ở vị trí cần chụp để dễ bộc lộ tổn thương.
– Bỏ đồ trang sức, các vật dụng bằng kim loại có thể ngăn cản tia X xuyên qua cơ thể, gây ảnh hưởng đến quá trình thực hiện kỹ thuật.
– Trường hợp cần phải sử dụng thuốc cản quan, người bệnh cần tiêm hoặc uống thuốc cản quan trước khi chụp.
– Nếu chụp vùng ruột, bạn cần phải thụt tháo và làm sạch ruột.
– Một số kỹ thuật chụp đặc biệt người bệnh cần có sự chuẩn bị theo yêu cầu của bác sĩ.
Chụp X quang có một số ảnh hưởng nhất định lên cơ thể người. Tuy nhiên, nhìn chung tác hại của nó không đáng kể. Nếu đặt lên bàn cân giữa lợi ích và tác hại thì rõ ràng X quang giúp ích rất nhiều cho chúng ta.