Chụp X quang vòi trứng là một kỹ thuật chẩn đoán, giúp bác sĩ quan sát được những bất thường trong vòi trứng. Có rất nhiều phụ nữ thắc mắc rằng kỹ thuật này diễn ra như thế nào, cần lưu ý gì khi thực hiện… Bài viết sau đây sẽ giúp tất cả các chị em phụ nữ có thêm thông tin cần thiết về kỹ thuật này.
Bạn đang đọc: Chụp X quang vòi trứng cần lưu ý những gì?
1. Chụp X quang vòi trứng để làm gì?
Vòi trứng (hay còn gọi là ống dẫn trứng) là một bộ phận nằm trong ổ bụng của phụ nữ, nối hai đầu tử cung đến hai buồng trứng. Để quan sát và phát hiện những vấn đề bất thường sâu bên trong vòi trứng, các bác sĩ thường sử dụng kỹ thuật chụp X quang. Đây là một kỹ thuật được sử dụng vô cùng phổ biến.
Ống dẫn trứng có vai trò là đường di chuyển tự nhiên của trứng và tinh trùng. Đồng thời, đây cũng là nơi tinh trùng di chuyển đi gặp trứng. Nếu trong ngày rụng trứng, tinh trùng gặp được trứng sẽ xảy ra quá trình thụ tinh. Nếu ống dẫn trứng có dị tật hoặc bị tắc nghẽn thì sẽ làm cản trở quá trình trứng và tinh trùng gặp nhau, dẫn đến giảm nguy cơ thụ thai và tăng nguy cơ thai ngoài tử cung. Nếu tình trạng tắc nghẽn kéo dài có thể gây vô sinh, hiếm muộn.
Do đó, chụp X quang ống dẫn trứng là vô cùng quan trọng. Thông qua hình ảnh thu được từ kỹ thuật chụp X quang, bác sĩ sẽ thu được những thông tin sau:
– Nắm được tình hình của vòi trứng như, chấn thương hoặc các bất thường trong cấu trúc vòi trứng.
– Phát hiện vòi trứng có bị tắc nghẽn chỗ nào không.
– Chẩn đoán nguyên nhân gây khó thụ thai, vô sinh.
– Chẩn đoán bất thường liên quan đến tử cung như vách ngăn, polyp, u xơ, các mô sẹo, dị dạng…
Chụp X quang vòi trứng là một kỹ thuật giúp các bác sĩ quan sát và nắm được tình trạng vòi trứng của phụ nữ
2. Những ai nên thực hiện chụp X quang vòi trứng?
Bác sĩ sẽ chỉ định kỹ thuật này với những đối tượng sau:
– Đã quan hệ vào ngày rụng trứng, không sử dụng bất cứ phương pháp tránh thai nào mà sau sáu tháng vẫn chưa có thai.
– Sảy thai nhiều lần.
– Từng phẫu thuật vòi trứng, thắt ống dẫn trứng.
Vì kỹ thuật này sẽ thông qua tử cung nên bác sĩ chống chỉ định phương pháp này với những chị em:
– Đang mang thai
– Viêm vùng chậu
– Xuất huyết tử cung nghiêm trọng ngay tại thời điểm làm xét nghiệm.
Nếu nhận thấy mình khó thụ thai hoặc sảy thai nhiều lần thì các chị em nên tiến hành chụp vòi trứng
3. Quy trình thực hiện chụp vòi trứng
3.1. Chuẩn bị trước khi chụp
– Thời điểm phù hợp để thực hiện kỹ thuật chụp là sau khi sạch kinh nhưng chưa rụng trứng để đảm bảo bạn chưa mang thai.
– Trao đổi kỹ với bác sĩ tình trạng sức khỏe hiện tại, các bệnh lý đang mắc (nếu có), loại thuốc đang dùng, có dị ứng với thành phần nào không…
3.2. Quá trình chụp
– Bác sĩ yêu cầu bạn nằm lên ghế, giơ hai chân lên cao, thả lỏng cơ thể.
– Bác sĩ sẽ dùng mỏ vịt, đưa vào âm đạo của bạn giúp mở rộng âm đạo, tạo điều kiện cho bác sĩ quan sát.
– Tiếp theo, bác sĩ sẽ luồn một ống nhỏ, mềm vào âm đạo đến vòi trứng, để bơm vào đó một lượng nhỏ dung dịch cản quang.
– Sau khi bơm dung dịch cản quang xong, bác sĩ sẽ tháo mỏ vịt và ống nhựa ra, di chuyển bạn đến máy chụp X quang và tiến hành chụp.
– Khi vòi trứng chứa đầy dung dịch cản quang, máy X quang sẽ chụp lại và phản chiếu hình ảnh cho bác sĩ theo dõi.
Tìm hiểu thêm: Lấy cao răng có hết hôi miệng hay không
Quá trình chụp vòi trứng diễn ra vô cùng nhanh chóng, an toàn.
3.3. Hướng dẫn cách đọc kết quả
Sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ thông báo cho bạn tình trạng của vòi trứng.
Kết quả bình thường là khi dòng chảy của dung dịch cản quang thông suốt, không bị gián đoạn, không thấy có mô sẹo hay tổn thương, vòi trứng có cấu trúc bình thường. Ngược lại nếu kết quả bất thường thì hình ảnh dòng chảy của chất cản quang đứt đoạn hoặc không thông suốt đến hết vòi trứng, báo hiệu vòi trứng của các bạn bị tắc nghẽn. Nguyên nhân có thể do vòi trứng có dị tật, có sẹo hoặc nguy cơ bệnh viêm nhiễm, lạc nội mạc tử cung. Nếu dung dịch cản quang bị rò ra ngoài, có thể vòi trứng bị rách hoặc có lỗ thủng.
Trong trường hợp kết quả cho thấy vòi trứng và các cơ quan sinh sản bất ổn, bác sĩ có thể chỉ định chị em thực hiện thêm một vài chẩn đoán hình ảnh khác như siêu âm, CT, MRI hoặc nội soi ổ bụng để có kết quả chính xác hơn.
4. Lưu ý khi chụp X quang vòi trứng
– Nên chuẩn bị trước một miếng băng vệ sinh để dùng ngay sau khi chụp, vì dịch cản quang sẽ chảy ngược ra theo đường âm đạo.
– Nên nghỉ lại tại bệnh viện tối thiểu 20 phút để đảm bảo sức khỏe đã ổn định.
– Bạn có thể gặp phải hiện tượng xuất huyết âm đạo trong vòng vài ngày sau đó. Tuy nhiên, nếu gặp phải tình trạng sau thì bạn lập tức phải tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt: Chảy máu âm đạo trầm trọng, kéo dài hơn 3 ngày, bụng co thắt, đau dữ dội, sốt, nôn, ngất xỉu
>>>>>Xem thêm: Các giai đoạn của ung thư gan biểu mô tế bào
Sau khi chụp X quang, các chị em nên nghỉ lại tại bệnh viện tối thiểu 20 phút để đảm bảo sức khỏe đã ổn định
5. Chụp X quang ống dẫn trứng có đau không?
Chụp X quang vòi trứng đau hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như trình độ chuyên môn của bác sĩ, khả năng chịu đau của chị em… Trong quá trình thực hiện kỹ thuật này, hầu hết các chị em sẽ thấy hơi căng tức bụng một chút, hoặc có xuất hiện chuột rút. Bên cạnh đó, phản ứng giữa thuốc cản quang vào ổ bụng sẽ gây ra cảm giác đau nhẹ phần bụng dưới nhưng thường không kéo dài. Tuy nhiên, cảm giác đau sẽ giảm đi nhiều lần nếu các chị em thả lỏng cơ thể, không co gồng để bác sĩ thao tác dễ dàng hơn. Đặc biệt cần lựa chọn một địa chỉ uy tín để thực hiện nhằm hạn chế rủi ro và các biến chứng đáng tiếc khác với sức khỏe.
Có thể nói, kỹ thuật chẩn đoán tình trạng vòi trứng bằng X quang không thể giúp khảo sát tổng thể tình trạng sức khoẻ của các cơ quan sinh sản. Cụ thể, nó chỉ giúp bác sĩ quan sát và theo dõi được những bất thường bên trong lòng vòi trứng. Tuy nhiên, đây vẫn là một kỹ thuật chẩn đoán khá an toàn, dễ thực hiện. Đồng thời, chụp X quang ống dẫn trứng cũng là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh vô cùng quan trọng, không thể thiếu trong quá trình khám và chữa trị vô sinh ở nữ giới.
Nếu cảm thấy sức khỏe sinh sản có vấn đề, bạn vẫn nên tới gặp bác sĩ để có những tư vấn phù hợp nhất. Đừng quên khám phụ khoa định kỳ để có thể kiểm soát tốt sức khoẻ và kịp thời điều những những bất ổn nếu có.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.