Giác mạc là một trong hai bộ phận trực tiếp chịu trách nhiệm dẫn truyền ánh sáng vào mắt. Có hình thái là một màng mỏng trong suốt, giác mạc rất dễ tổn thương. Vậy, những thương tổn của giác mạc, mà cụ thể là bỏng giác mạc có nguy hiểm không? Thu Cúc TCI sẽ chia sẻ với bạn câu trả lời cho câu hỏi đó trong bài viết sau:
Bạn đang đọc: Chuyên gia giải đáp: Bỏng giác mạc có nguy hiểm không?
1. Tổng quan về bỏng giác mạc
1.1. Nguyên nhân bỏng giác mạc
Theo thống kê của Bộ Y tế: Trong những năm gần đây, bỏng giác mạc thường xảy ra ở lứa tuổi lao động, từ 18 – 25 tuổi (chiếm 49%), trẻ nhỏ và học sinh cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể là 30%. Trong đó, 85% người bị bỏng giác mạc là nam giới và 78% sống ở nông thôn.
Bỏng giác mạc có thể phát sinh do 4 nguyên nhân chính sau:
– Hóa chất: Bao gồm những chất có khả năng thay đổi độ pH (acid, bazơ), những chất không có khả năng thay đổi độ pH như hóa chất độc hại được sử dụng trong chiến tranh,… và những chất có khả năng tác động tiêu cực đến các tổ chức cơ thể (cồn, oxy già, iode,…)
– Nhiệt độ: Bao gồm nhiệt độ cao (nhiệt khô – lửa từ xăng, dầu, lửa từ điện,… và nhiệt ướt – nước sôi, hơi nước sôi,…) và nhiệt độ thấp – độ lạnh sâu (Nitơ lỏng, tuyết Carbonic,…)
– Các vụ nổ phóng xạ: Sản sinh 3 yếu tố có thể khiến giác mạc bỏng nghiêm trọng, là: Sóng nổ, tia xạ, sức nóng của ánh sáng.
– Nguyên nhân ít gặp khác, như: Tia lửa hàn, tia laser, tia cực tím,…
Bỏng giác mạc có thể là do tia lửa hàn
Theo đó, nguyên nhân gây bỏng giác mạc phổ biến nhất là nhiệt độ và nguyên nhân ít phổ biến hơn cả là hóa chất.
1.2. Bỏng giác mạc có nguy hiểm không?
Vậy, bỏng giác mạc có nguy hiểm không? Có, bỏng giác mạc là một cấp cứu nhãn khoa vô cùng nguy hiểm. Trường hợp nặng, bỏng giác mạc khiến người bệnh mất thị lực hoàn toàn – không có phương pháp điều trị phục hồi.
Những trường hợp còn lại, sau điều trị bỏng giác mạc, bệnh nhân có thể sẽ phải đối diện với một số biến chứng sau:
– Tăng nhãn áp: Chuyên gia nhãn khoa có thể điều trị biến chứng này cho bệnh nhân bằng phương pháp phẫu thuật cắt bè củng giác mạc kết hợp áp thuốc chống chuyển hóa. Nếu không cho kết quả tích cực, phương pháp quang đông thể mi bằng laser diode bước sóng 810nm có thể sẽ được áp dụng.
– Đục thủy tinh thể: Có thể được điều trị bằng phẫu thuật loại bỏ thủy tinh thể tự nhân, thay thế thủy tinh thể nhân tạo.
– Thủng giác mạc: Điều trị bằng phương pháp khâu phủ kết mạc hoặc ghép giác mạc.
– Viêm màng bồ đào: Sử dụng corticosteroid và atropin.
Ngoài ra, bỏng giác mạc còn để lại nhiều di chứng khó ưa như: Quặm mi, dính mi cầu, sẹo giác mạc, khô mắt,…. Trong đó, dính mi cầu và khô mắt là 2 di chứng khó khắc phục.
Tiên lượng khả năng phục hồi, biến chứng, di chứng phụ thuộc điều trị sớm hay muộn. Chính vì thế, phòng ngừa, sơ cứu và điều trị kịp thời bỏng giác mạc là vô cùng quan trọng.
2. Sơ cứu bỏng giác mạc
Việc đầu tiên phải làm là loại bỏ tác nhân gây bỏng khỏi mắt bằng cách rửa mắt với nước. Đây là biện pháp đơn giản giúp tác nhân gây bỏng không còn tồn tại trên bề mặt giác mạc, không tiếp tục xâm nhập vào các tổ chức khác bên trong nhãn cầu, huy hoại chức năng sinh lý của mắt. Sơ cứ bằng nước ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều trị bỏng giác mạc.
Tìm hiểu thêm: Những lưu ý khi điều trị bệnh viêm loét giác mạc
Rửa mắt với nước giúp tác nhân gây bỏng không còn tồn tại trên bề mặt giác mạc
Theo đó, cách rửa mắt đúng đắn là: Bệnh nhân ngâm mặt – mắt xuống nước và cố gắng chớp mắt nhiều lần để nước lưu thông trên toàn bộ bề mặt giác mạc. Hoặc mọi người có thể giúp bệnh nhân bị bỏng giác mạc rửa mắt bằng cách dùng dụng cụ đựng phù hợp để đổ nước vào mắt bệnh nhân trong tư thế nằm ngửa, mắt mở chủ động hoặc được mọi người giúp giữ mi. Lượng nước sử dụng tối thiểu phải là vài lít, thời gian rửa ít nhất là 10 – 15 phút.
Tuyệt đối không rửa mắt bằng dung dịch trung hòa acid hoặc dung dịch trung hòa bazơ, vì chúng sẽ làm gia tăng tình trạng bỏng giác mạc. Đối với trường hợp bỏng do vôi, phải gắp vôi ra khỏi mắt rồi mới rửa bằng nước.
Sau khi bệnh nhân được rửa mắt bằng nước, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa mắt uy tín gần nhất. Lưu ý, chống chỉ định dùng băng che mắt.
Ở bệnh viện, mắt bệnh nhân sẽ được rửa bằng dung dịch đặc biệt nhằm đảm bảo không còn một chút hóa chất nào sót lại trên giác mạc. Lưu ý, nếu bỏng giác mạc do hóa chất, khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện, mọi người nên mang theo chai lọ và nhãn mác hóa chất gây bỏng để bác sĩ nhận biết được hóa chất và xây dựng phương pháp xử trí nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
3. Điều trị bỏng giác mạc
Điều trị bỏng giác mạc được thực hiện như sau:
– Ngay khi đến bệnh viện, người bị bỏng giác mạc được đo pH mắt lập tức. Nếu pH chưa trung tính, bệnh nhân tiếp tục được rửa mắt bằng dung dịch đẳng trương. Việc rửa mắt chỉ dùng lại khi pH đạt mức 7. Trong trường hợp tổn thương đã sâu, có thể rửa mắt liên tục bằng nhỏ giọt thông qua hệ thống dây chuyền, kết hợp rửa lệ đạo, tránh viêm dính về sau.
– Chống viêm: Phản ứng viêm có thể làm tăng lượng men collagenase phá hủy collagen, dẫn đến tình trạng nhăn giác mạc. Vì vậy, phản ứng viêm cần được kiểm soát sớm và chặt chẽ. Theo đó, thuốc chống viêm được dùng nhiều nhất trong điều trị bỏng giác mạc là corticoid toàn thân và tại chỗ. Sau 10 ngày sử dụng corticoid, bệnh nhân được chuyển qua non-steroid, atropin 1%.
– Chống hoại tử giác mạc: Do các men phân hủy protein, hoại tử giác mạc có khả năng khởi phát 7 – 21 ngày sau bỏng. Vì vậy, thực hiện biện pháp ức chế men này là cần thiết. Để làm được điều đó, bệnh nhân phải sử dụng thuốc toàn thân hoặc tại chỗ.
– Chống nhiễm khuẩn: Sử dụng tetracyclin, vừa có tác dụng chống nhiễm khuẩn vừa có tác dụng ức chế men collagenase.
– Phòng dính mi cầu: Bằng cách tra mỡ kháng sinh, day nhiều lần trong ngày hoặc đặt khuôn chống dính vào ngày thứ 2 – 3 sau bỏng. Tuy nhiên, nếu bỏng giác mạc nặng, bệnh nhân phải chấp nhận dính mi cầu để tăng nguồn dinh dưỡng cho bán phần trước.
– Tăng cường dinh dưỡng cho giác mạc bằng cách nhỏ chế phẩm chứa vitamin nhóm A, B, C hoặc tiêm huyết thanh tự thân. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tăng cường dung nạp thực phẩm giàu vitamin và protein.
– Dùng thuốc giảm đau/an thần tại chỗ và toàn thân cùng các liệu pháp tâm lý để an ủi, động viên bệnh nhân
>>>>>Xem thêm: Những điều cần biết về thoái hóa hoàng điểm ở mắt
Đến ngay cơ sở y tế uy tín để được xử lý bỏng giác mạc
Trong trường hợp bỏng giác mạc quá nặng, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Như vậy, bỏng giác mạc rất nguy hiểm. Nếu không sơ cứu và điều trị kịp thời, khả năng người bệnh mù lòa vĩnh viễn là rất cao. Vì thế, hãy ghi nhớ những thông tin trên, bạn nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.