Sụp mí là một vấn đề nhãn khoa không chỉ làm hệ thị giác không thể hoạt động bình thường mà còn làm gương mặt của chúng ta mất đi tính thẩm mỹ mà nó vốn có. Vậy, sụp mí mắt và cách khắc phục, bạn đã biết hay chưa? Nếu chưa, đọc bài viết sau của Thu Cúc TCI ngay.
Bạn đang đọc: Cơ bản về sụp mí mắt và cách khắc phục
1. Sụp mí: Khái niệm, phân loại, nguyên nhân và biến chứng
1.1. Khái niệm sụp mí
Sụp mí là tình trạng mí trên sa xuống thấp hơn vị trí bình thường của nó khi một người nhìn thẳng. Sụp mí có thể xuất hiện ở một hoặc hai bên mắt. Nếu xuất hiện ở hai bên mắt, mức độ sụp mí có thể cân xứng hoặc không.
Tình trạng mí trên sa xuống thấp hơn vị trí bình thường của nó gọi là sụp mí.
1.2. Phân loại sụp mí
Sụp mí không chỉ có 1 loại, sụp mí có tất cả 3 loại, được xác định dựa trên mức độ sụp của mí. Cụ thể, 3 loại sụp mí mà chúng ta có là:
– Sụp mí độ I: Sụp mí nhẹ. Sụp mí mức độ này chưa ảnh hưởng đến thị lực.
– Sụp mí độ II: Sụp mí trung bình. Sụp mí mức độ này đã cản trở một phần khả năng nhìn. Bệnh nhân sụp mí trung bình phải nâng cằm bất thường để quan sát xung quanh và cần điều trị.
– Sụp mí độ III: Sụp mí nặng. Sụp mí mức độ này ảnh hưởng trầm trọng đến thị lực, phải can thiệp càng sớm càng tốt, không trì hoãn.
1.3. Nguyên nhân sụp mí
Nguyên nhân phát sinh sụp mí vô cùng đa dạng. Cụ thể, sụp mí có thể khởi phát do:
– Bẩm sinh: Sụp mí do bẩm sinh xuất hiện ngay khi bệnh nhân chào đời. Chiếm khoảng 55 – 75% tổng số trường hợp sụp mí, sụp mí bẩm sinh được đánh giá là dạng sụp mí phổ biến nhất. Sụp mí bẩm sinh có thể tồn tại kèm một số bất thường khác vùng mắt, mặt như bất thường về khúc xạ, vận nhãn và dị dạng sọ mặt. Trong số những bệnh nhân sụp mí bẩm sinh, 75% là chỉ sụp mí một bên.
– Tuổi tác: Sụp mí tuổi tác xuất hiện ở người cao tuổi, khi cân cơ nâng mi – bộ phận đảm nhận trách nhiệm giúp mí cử động ở họ bị giãn hoặc rách đột ngột.
– Các tổn thương vật lý, do: Dụi mắt liên tục thời gian dài, sử dụng kính áp tròng chất lượng không đảm bảo, phẫu thuật mắt,…
– Các bệnh lý khác, như: U nang ở mắt, vấn đề về cơ, bệnh lý thần kinh,…
1.4. Biến chứng sụp mí
Như đã đề cập phía trên, sụp mí làm hệ thị giác không thể hoạt động bình thường. Một hệ thị giác không hoạt động bình thường trong thời gian dài có thể đi đến nhiều kết quả tiêu cực đáng tiếc, như nhược thị, lác,…
Ngoài ra, sụp mí còn có thể là biểu hiện của một số bệnh lý, như nhược cơ, liệt dây thần kinh sọ não số III do u não,… Đây là các bệnh lý nguy hiểm, có thể khiến bệnh nhân tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Tìm hiểu thêm: Viêm giác mạc sợi là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Bệnh nhân sụp mí thời gian dài có thể bị lác.
2. Sụp mí mắt và cách khắc phục: Thông tin cơ bản
Để hạn chế nguy cơ nhược thị, lác,… cũng như để đảm bảo nhược cơ, liệt dây thần kinh sọ não số III do u não (nếu có),… được phát hiện và kiểm soát hiệu quả, bệnh nhân sụp mí nên thăm khám và điều trị với chuyên gia tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt uy tín.
2.1. Chẩn đoán
Trước điều trị, bệnh nhân cần thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng để chẩn đoán nguyên nhân và mức độ sụp mí. Trong đó:
– Thăm khám lâm sàng: Chuyên gia sẽ khai thác cẩn thận một số thông tin sau của bệnh nhân: Tiền sử bệnh lý gia đình. Thời điểm sụp mí xuất hiện và diễn biến sụp mí. Các bất thường khác có thể đi kèm với sụp mí, như: Song thị, thị lực suy giảm, đau nhức mắt, đau nhức đầu, yếu bại cơ, nói ngọng, khó nuốt, bên tai có tiếng gió thổi,…. Danh sách các thăm khám cận lâm sàng đã thực hiện, danh sách các điều trị đã áp dụng và đáp ứng của mỗi điều trị. Các diễn biến trong và sau mỗi điều trị cụ thể,…
– Thăm khám cận lâm sàng: Chuyên gia có thể sẽ chỉ định một số thăm khám cận lâm sàng các vùng tai mũi họng, hàm mặt, nội tiết, lồng ngực, thần kinh,…
2.2. Điều trị
Để điều trị sụp mí, chúng ta có nhiều phương pháp. Bệnh nhân nào áp dụng phương pháp gì, phụ thuộc vào mức độ và nguyên nhân sụp mí. Tuy nhiên, không phân biệt bệnh nhân hay phương pháp, điều trị sụp mí luôn luôn phải tuân thủ 3 nội dung sau: Thứ nhất, điều trị nguyên nhân sụp mí. Thứ hai, điều trị tình trạng sụp mí (hay phẫu thuật nâng mí sụp), điều trị biến chứng sụp mí và các tổn thương kèm theo do sụp mí (như tổn thương nhãn cầu, rối loạn vận nhãn,…).
Hiện tại, có 2 nhóm phẫu thuật nâng mí sụp chính chuyên gia có thể chỉ định cho bệnh nhân là:
– Phẫu thuật làm ngắn mí trên: Những phẫu thuật thuộc nhóm này được chỉ định cho bệnh nhân có chức năng cơ vận mí tốt hoặc khá. Phẫu thuật làm ngắn mí trên có ưu điểm là bảo tồn được chức năng cơ vận mí, vận động của mí mắt và nhãn cầu được đảm bảo đồng bộ nên phẩu thuật cho kết quả có tính thẩm mỹ cao. Bên cạnh ưu điểm thì phẫu thuật này cũng có nhược điểm, đó là chúng thường điều chỉnh thiếu nên tình trạng sụp mí dễ tái phát.
– Phẫu thuật sử dụng sự hỗ trợ của các cơ lân cận: Những phẫu thuật thuộc nhóm này được chỉ định cho bệnh nhân có chức năng cơ vận mí kém hoặc không còn chức năng cơ vận mí. So với phẫu thuật làm ngắn mí trên thì phẫu thuật sử dụng sự hỗ trợ của các cơ lân cận có nhược điểm là không cải thiện được sự động bộ vận động của mí mắt và nhãn cầu, nên sau phẫu thuật, mí mắt bệnh nhân khó đóng kín.
>>>>>Xem thêm: Viêm kết mạc dị ứng: Chẩn đoán và cách điều trị
Để điều trị sụp mí, chúng ta có nhiều phương pháp.
Như vậy, bài viết đã chia sẻ với bạn nhiều thông tin hữu ích về sụp mí, trong đó có sụp mí mắt và cách khắc phục. Hy vọng rằng với chúng, bạn có thể thành công chế ngự sụp mí nếu chẳng may sụp mí ghé thăm bạn. Để biết thêm thông tin chi tiết về bệnh lý nhãn khoa này, liên hệ Thu Cúc TCI, bạn nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.