Phù là một triệu chứng thường thấy ở những người bệnh suy tim, thường gặp ở bệnh nhân bị suy tim phải, gây ra nhiều khó chịu và tiềm ẩn những nguy cơ không nhỏ đối với sức khỏe. Cùng tìm hiểu cơ chế phù trong suy tim và cách điều trị qua bài viết sau.
Bạn đang đọc: Cơ chế phù trong suy tim và cách kiểm soát
1. Phù – Triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân suy tim
Phù là tình trạng sưng lên của một hoặc một số bộ phận do dịch trong cơ thể không được thải trừ hết mà tích tụ lại bên trong các mô. Tình trạng phù nề có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể nhưng thường thấy ở tay, cánh tay, bàn chân, mắt cá chân và cẳng chân.
Phù là một triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân suy tim với các đặc điểm:
– Phù ở chi dưới, phần bị phù mềm, trắng, khi ấn xuống tạo thành vết lõm. Vết lõm này không gây đau, có thể tồn tại vài phút, ngay cả khi đã bỏ tay ra.
– Người bệnh cảm thấy sưng ở chân và mắt cá chân, đi giày, dép thấy chật hơn bình thường.
– Triệu chứng thường xuất hiện về chiều, sau khi người bệnh đứng lâu. Tình trạng phù sẽ giảm bớt khi người bệnh nằm xuống nghỉ ngơi hoặc lúc sáng sớm khi người bệnh mới ngủ dậy.
– Phù nhiều hơn và rõ ràng hơn tương ứng với mức độ nặng của bệnh. Thậm chí người bệnh có thể phù toàn thân trong suốt cả ngày.
Ở giai đoạn suy tim nặng (độ 3, 4), tình trạng phù xảy ra thường xuyên hơn, xuất hiện cổ trướng do dịch tích tụ ở bụng. Các triệu chứng suy tim điển hình khác như khó thở, mệt mỏi, ho khan, ho lẫn bọt hồng… cũng có thể xuất hiện trong giai đoạn này.
Phù là một triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân suy tim
2. Cơ chế phù trong suy tim
2.1 Cơ chế phù trong suy tim liên quan đến sự suy giảm khả năng bơm và hút máu
Khi bị suy tim, tim sẽ co bóp kém đi khiến một hoặc cả hai tâm thất giảm khả năng bơm máu. Đồng thời, khả năng hút máu từ các cơ quan trở về tim cũng giảm. Khi đó máu ứ đọng tại các tĩnh mạch ngoại biên và dịch thoát ra các mô xung quanh gây phù nề.
Tình trạng này biểu hiện rõ nhất ở cẳng chân, bàn chân và mắt cá chân. Bên cạnh đó, tình trạng phù do suy tim cũng có thể xuất hiện ở bụng hoặc phổi, do đó người bệnh thường thấy khó thở.
2.2 Cơ chế phù trong suy tim do thận giảm khả năng đào thải
Tim hoạt động kém hiệu quả khiến cho lượng máu giàu oxy cung cấp, nuôi dưỡng các cơ quan không đủ, trong đó bao gồm cả thận. Tình trạng này kéo dài gây tổn thương cho thận, khiến thận giảm khả năng đào thải dịch và các chất độc dư thừa ra khỏi cơ thể. Đây cũng là yếu tố góp phần gây phù trong suy tim, khiến người bệnh tăng cân.
3. Phù do suy tim có nguy hiểm không?
Phù do suy tim là triệu chứng nguy hiểm cảnh báo bệnh đang có xu hướng tiến triển nặng, đặc biệt là khi tình trạng phù ngày càng trở nên rõ ràng.
Khi phù, thể tích tuần hoàn tăng kéo theo huyết áp cũng tăng. Lúc này, tim phải hoạt động nhiều hơn bình thường, vượt qua áp lực trong lòng mạch máu để bơm máu đi xa và nhiều hơn. Hậu quả là suy tim ngày càng trầm trọng.
Hơn nữa, phù do suy tim có thể bị nhầm lẫn với phù do nhiều bệnh lý khác như bệnh về gan thận, dị ứng, suy giáp… khiến người bệnh khó nhận diện dẫn tới điều trị sai.
Tìm hiểu thêm: Bệnh sa sút trí tuệ và dấu hiệu cảnh báo chớ coi thường
Khi tim suy yếu, khả năng bơm và hút máu giảm khiến máu ứ trệ, dịch thoát ra gây phù.
4. Cách kiểm soát tình trạng phù trong suy tim
Mục tiêu của việc điều trị suy tim là giảm nhẹ triệu chứng phù và ngăn chặn suy tim tiến triển nặng thêm bằng thuốc và các biện pháp thay đổi lối sống.
4.1 Sử dụng thuốc lợi tiểu để hạn chế tình trạng phù trong suy tim
Thuốc lợi tiểu có tác dụng kích thích cơ thể tăng đào thải nước và muối dư thừa ra ngoài thông qua nước tiểu, vì thế thường được sử dụng trong điều trị suy tim, đặc biệt là những trường hợp suy tim có phù.
Các nhóm thuốc lợi tiểu thường được sử dụng trong điều trị suy tim bao gồm:
– Thuốc lợi tiểu quai
– Thuốc lợi tiểu thiazid
– Thuốc lợi tiểu giữ kali
Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc và kết hợp cho phù hợp để mang lại hiệu quả tốt nhất. Bạn nên tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ, nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào như đau đầu, chóng mặt, chuột rút, tiêu chảy,… hãy nhanh chóng liên lạc với bác sĩ để được hỗ trợ.
4.2 Giảm lượng muối tiêu thụ
Ăn nhiều muối sẽ khiến nồng độ natri tăng cao, làm gia tăng tình trạng tích nước và khiến triệu chứng phù nề trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, người bệnh suy tim cần hạn chế lượng muối nạp vào cơ thể hàng ngày.
Theo khuyến cáo, người bị suy tim mỗi ngày không nên ăn quá 5g muối (khoảng 2000mg natri) để ổn định huyết áp và giảm nguy cơ tim mạch.
Các thực phẩm chứa nhiều muối nên tránh là đồ chiên xào; thức ăn chế biến sẵn như thịt nguội, lạp xưởng, xúc xích…; đồ muối chua, lên men,…
>>>>>Xem thêm: Chủ động bảo vệ sức khỏe khi số ca đột quỵ tăng
Ăn ít muối sẽ giúp giảm gánh nặng cho tim, thận, từ đó giảm tình trạng phù do suy tim.
4.3 Tập luyện thể dục vừa phải
Luyện tập thể dục thường xuyên, vừa sức là cách hữu hiệu giúp máu lưu thông, giảm bớt tình trạng ứ trệ tuần hoàn và phù ở người suy tim. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn bài tập và cường độ phù hợp với tình trạng suy tim của bản thân.
Trong khi tập luyện, nếu bạn cảm thấy khó thở, đổ mồ hôi, tim đập nhanh hơn bình thường một chút thì không cần quá lo lắng bởi đó là phản ứng sinh lý hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên nếu bạn cảm thấy các dấu hiệu sau, hãy liên lạc ngay với bác sĩ:
– Khó thở nhiều, mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng khi tập luyện
– Nhịp tim nhanh và không đều sau khi đã nghỉ ngơi
– Nhịp tim tăng, thậm chí lên đến 120 – 150 nhịp/phút
– Đau hoặc tức ngực, đau cánh tay, cổ, hàm hay vai
Tóm lại, phù là một triệu chứng khá phổ biến ở bệnh nhân suy tim, có thể xảy ra ở phần chi dưới hay gây phù phổi. Cơ chế phù trong suy tim thường liên quan đến sự suy giảm hoạt động của tim và thận. Nếu không điều trị sớm, mức độ suy tim sẽ ngày một trầm trọng hơn. Khi thấy các triệu chứng suy tim, bạn cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm theo phác đồ của bác sĩ. Bên cạnh đó thay đổi lối sống, chế độ ăn uống để giữ cho trái tim khỏe mạnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.