Nếu như trước đây, độ tuổi nguy cơ cao có polyp ở đại tràng được cảnh báo là từ 45-50 tuổi ở cả nam và nữ giới thì hiện tại, con số này ngày một trẻ hóa khi tỷ lệ có polyp ở người từ 35-45 tuổi ngày một gia tăng. Vậy người bệnh có polyp đại tràng cần làm gì và điều trị đúng cách như thế nào?
Bạn đang đọc: Có polyp ở đại tràng cần làm gì và điều trị như thế nào?
1. Thông tin cần biết về polyp đại tràng
1.1. Polyp đại tràng là gì?
Polyp đại tràng là tổ chức lồi lên bất thường ở niêm mạc lòng đại tràng có hình dạng giống khối u. Polyp có nhiều kích thước, có thể có cuống hoặc không cuống.
Nguyên nhân hình thành polyp đại tràng đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các yếu tố làm tăng nguy cơ có polyp phải kể tới là:
– Người từ 50 tuổi thường có nguy cơ gặp polyp cao hơn. Nhưng hiện nay, độ tuổi này ngày một trẻ hóa khi tỷ lệ có polyp ở người từ 35-45 tuổi ngày một gia tăng.
– Người bệnh từng có tiền sử điều trị ung thư đại tràng.
– Người béo phì, những người lười vận động.
– Người uống nhiều rượu bia.
– Người hút thuốc lá.
– Yếu tố bệnh sử gia đình.
Polyp phát triển bất thường tạo thành một khối lồi ra ở lòng đại tràng.
1.2. Có polyp ở đại tràng nguy hiểm không?
Polyp đại trực tràng đa phần đều là lành tính và được điều trị tốt nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, nhiều trường hợp polyp vẫn có thể tăng sinh kích thước hoặc biến đổi tế bào làm tăng nguy cơ phát triển thành ác tính. Đây là diễn tiến của ung thư hóa và theo thống kê, có tới 50% ca ung thư đại tràng phát triển từ polyp đại tràng.
Vì vậy, chủ động thăm khám và tầm soát ung thư đường tiêu hóa là yêu cầu cần thiết nhất là ở những đối tượng có nguy cơ cao hoặc người từ 45 tuổi trở lên. Nếu phát hiện có polyp đại tràng, tốt nhất nên tiến hành điều trị ngay khi cần thiết để loại bỏ khả năng phát triển ác tính về sau.
2. Chẩn đoán và điều trị có polyp ở đại tràng
2.1. Chẩn đoán phát hiện có polyp ở đại tràng
Hiện nay,có thể thực hiện nhiều phương pháp để chẩn đoán polyp đại tràng như:
– Xét nghiệm phân.
– Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh bao gồm chụp Xquang đại tràng có cản quang, chụp CT scan, nội soi đại tràng.
Trong đó, nội soi đại tràng là phương pháp tối ưu cả trong chẩn đoán và điều trị polyp đại tràng. Thông qua hình ảnh nội soi, bác sĩ có thể phát hiện, quan sát, đánh giá chi tiết về polyp từ vị trí, kích thước, ranh giới tổn thương cùng mức độ xâm lấn. Sau đó, bác sĩ có thể thực hiện can thiệp cắt polyp qua nội soi để loại bỏ khối polyp ngay mà không cần mổ mở.
Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân gây loét đường tiêu hóa
Nội soi là phương pháp tiêu chuẩn trong chẩn đoán phát hiện polyp đại tràng.
2.2. Điều trị polyp đại tràng
Polyp đại tràng tùy thuộc vào kích thước cũng như mức độ nguy cơ mà bác sĩ sẽ chỉ định phương án xử lý phù hợp.
– Với những polyp kích thước nhỏ hơn 0,2cm, ngoại hình bình thường sẽ chỉ định theo dõi chưa cần can thiệp cắt bỏ.
– Với những polyp kích thước từ 0,2-2cm hoặc polyp nhỏ hơn 0,2cm nhưng có dấu hiệu bất thường (bề mặt sần sùi, sung huyết, chia múi,…) sẽ can thiệp cắt bỏ ngay qua nội soi.
– Với những polyp kích thước lớn hơn 2cm hoặc polyp gây biến chứng, bác sĩ sẽ sử dụng các công nghệ nội soi hiện đại để đánh giá tình trạng polyp và chỉ định có thể cắt qua nội soi hay phải thực hiện mổ mở cắt polyp.
Như vậy, polyp đại tràng được phát hiện sớm sẽ tốt hơn cho quá trình điều trị. Chủ động nội soi dạ dày đại tràng định kỳ là cách tốt nhất giúp kiểm tra, tầm soát và nhanh chóng điều trị tốt bệnh lý đường tiêu hóa bao gồm cả polyp và ung thư dạ dày đại tràng.
3. Những câu hỏi liên quan cắt polyp đại tràng qua nội soi
3.1. Nội soi cắt polyp có an toàn không?
Nội soi cắt polyp là thủ thuật can thiệp xâm lấn tối thiểu, có thể kiểm soát tốt tình trạng chảy máu, hạn chế biến chứng và không để lại sẹo. Thủ thuật an toàn với người bệnh khi được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ nội soi giỏi giàu kinh nghiệm cùng hệ thống máy nội soi hiện đại.
3.2. Nội soi cắt polyp có đau không?
Để có thể thực hiện cắt polyp qua nội soi, người bệnh bắt buộc phải được tiến hành gây mê. Gây mê sẽ đảm bảo thủ thuật được diễn ra an toàn, thao tác của bác sĩ được chính xác và nhanh chóng hơn. Cùng nhờ gây mê, người bệnh hoàn toàn không cảm thấy đau đớn, không khó chịu trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật.
>>>>>Xem thêm: Khó nuốt khi nằm và trào ngược dạ dày: Liên quan gì với nhau?
Nội soi dạ dày đại tràng gây mê giúp người bệnh không đau đớn khi thực hiện cắt polyp.
3.3. Sau cắt polyp có cần nằm viện không?
Như đã nói ở trên, cắt polyp qua nội soi là thủ thuật an toàn, xâm lấn tối thiểu. Phần lớn các ca nội soi cắt polyp diễn ra thuận lợi thì người bệnh không cần lưu viện, có thể về nhà ngay và trở lại sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, với những trường hợp cắt polyp to hoặc được đánh giá có nguy cơ tiềm ẩn thì bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh cần lưu viện theo dõi 1-3 ngày để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
3.4. Sau cắt polyp cần lưu ý những gì trong chế độ ăn và sinh hoạt?
Sau cắt polyp, hầu hết các hoạt động của người bệnh đều không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn phải căn dặn kỹ lưỡng 5 yêu cầu người bệnh cần tuân thủ trong thời gian đầu sau cắt polyp như sau để không ảnh hưởng tới vết cắt:
– Người bệnh chỉ ăn cháo và uống sữa, ăn những loại thức ăn mềm lỏng, thức ăn dễ tiêu hóa để tránh táo bón, tránh rối loạn tiêu hóa trong vòng 3 ngày đầu tiên sau cắt.
– Không ăn những thức ăn hay đồ uống có vị chua, cay. Tuyệt đối không uống rượu bia và hạn chế các đồ uống có gas.
– Người bệnh cần thực hiện tuân thủ đúng đơn thuốc theo đơn kê mà bác sĩ điều trị chỉ định.
– Người bệnh cần được nghỉ ngơi nhiều hơn, không làm việc quá sức, không bê vác vật nặng trong vòng 14 ngày.
– Đặc biệt lưu ý với trường hợp người bệnh có các biểu hiện như sốt cao, đau bụng, đại tiện ra máu cần liên hệ tái khám ngay.
Người bệnh có polyp ở đại tràng cần thăm khám sớm chuyên khoa tiêu hóa tại các đơn vị y tế uy tín để được tiến hành nội soi chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt với những người có nguy cơ cao, người lớn tuổi thì yêu cầu nội soi dạ dày đại tràng tầm soát ung thư là rất cần thiết.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.