Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân đột quỵ khi ngủ được ghi nhận. Tình trạng này xảy ra cả ở những người trẻ tuổi. Vì sao đột quỵ có thể xảy ra khi cơ thể đang trong trạng thái nghỉ ngơi và thư giãn? Bài viết sẽ giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân gây đột quỵ trong khi ngủ, biểu hiện và cách phòng ngừa. Đừng bỏ qua những kiến thức hữu ích có thể giúp bạn phòng tránh căn bệnh vô cùng nguy hiểm này.
Bạn đang đọc: Coi chừng đột quỵ khi ngủ do 4 thói quen xấu sau
1. Đột quỵ khi ngủ là như thế nào ?
Đột quỵ là tình trạng một phần não bộ bị tổn thương do không được cung cấp máu và oxy kịp thời. Điều này xảy ra là do mạch máu não bị tắc đột ngột do các cục máu đông di chuyển vào phần mạch đang bị hẹp khiến các tế bào não bị hoại tử dần dần, gây mất khả năng kiểm soát cơ thể, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Đột quỵ thực sự rất nguy hiểm, nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề. Nguy hiểm nhất chính là trường hợp người bệnh bị đột quỵ khi ngủ, bởi khả năng được phát hiện và cấp cứu sẽ thấp hơn rất nhiều so với ban ngày. Thậm chí có nhiều trường hợp người bệnh bị đột quỵ trong đêm nhưng người nhà không hề phát hiện ra nên đã vô tình bỏ qua “thời gian vàng” để cấp cứu người bị đột quỵ.
Mặc dù vẫn có trường hợp được cứu sống, nhưng khoảng 90% người bị đột quỵ phải gánh chịu những di chứng nặng nề như: liệt nửa người, méo miệng, mất trí nhớ,… Không chỉ gây ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhà mà còn cả của những người thân trong gia đình.
2. “Điểm mặt” 4 thói quen xấu gây đột quỵ trong lúc ngủ
Đột quỵ trong khi ngủ thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu đến từ những thói quen “xấu” hàng ngày. Sau đây là 4 thói quen bạn cần từ bỏ, nếu không muốn bị đột quỵ.
2.1 Thường xuyên uống rượu trước khi ngủ coi chừng đột quỵ khi ngủ
Uống 1 chén rượu vào mỗi bữa ăn tối hàng ngày có thể gây tổn thương mạch máu, đẩy nhanh quá trình hình thành xơ vữa động mạch và các cục máu đông. Khi bạn uống rượu trước khi ngủ có thể làm tăng huyết áp đột ngột trong thời gian ngắn, dễ dẫn đến đột quỵ trong khi ngủ.
2.2 Ăn khuya làm tăng nguy cơ đột quỵ khi ngủ
Nhiều người thường có thói quen ăn khuya và hay ăn các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ không tốt cho sức khỏe. Ăn khuya có thể khiến bạn thừa cân, thậm chí khiến nồng độ mỡ máu tăng cao, dẫn tới xơ vữa động mạch, hình thành các cục máu đông và gây đột quỵ.
2.3 Sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều
Mặc dù các thiết bị điện tử không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe hay mạch máu não. Thế nhưng, việc sử dụng thiết bị điện tử như vi tính, smartphone lại gián tiếp khiến người bệnh thức khuya, thiếu ngủ, mất ngủ và ảnh hưởng tới sức khỏe. Rất nhiều trường hợp đột quỵ do sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều đã được ghi nhận.
Tìm hiểu thêm: Những hệ lụy do mất ngủ cả đêm gây ra
2.4 Lo lắng, căng thẳng
Lo âu, căng thẳng, stress khiến hệ thần kinh luôn căng thẳng, là nguyên nhân gây đột quỵ khá phổ biến. Việc tâm trạng phấn khích trước thời điểm ngủ có thể khiến trung tâm thần kinh bị kích thích gây mất ngủ. Hơn nữa, việc phấn khích khiến cơ thể tiết ra hormone làm tăng huyết áp, co thắt mạch máu trong thời gian ngắn. Từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ lên cao hơn.
3. Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ khi ngủ
Mặc dù đột quỵ là tình trạng cấp, có thể xảy ra đột ngột bất cứ lúc nào. Thế nhưng, bạn vẫn có thể phát hiện những dấu hiệu cảnh báo trước đột quỵ để phòng ngừa kịp thời. Các dấu hiệu này có thể xảy ra trước khi bạn đi ngủ, lặp đi lặp lại nhiều lần như:
– Cơ thể mệt mỏi, đột nhiên cảm thấy không có sức lực, tê cứng một bên mặt hoặc cả mặt.
– Cử động khó khăn hoặc liệt 1 bên cơ thể, không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc.
– Khó phát âm, nói không rõ ràng, bị ngọng bất thường. Hãy nói một câu đơn giản với người đối diện và yêu cầu họ lặp lại, nếu không thể nói chứng tỏ người bệnh đang có dấu hiệu đột quỵ.
– Chóng mặt, hoa mắt đột ngột.
– Đau đầu dữ dội, cơn đau xuất hiện nhanh chóng và có thể kèm theo buồn nôn.
– Thị lực giảm bất thường, mắt mờ không nhìn rõ.
Những dấu hiệu đột quỵ này thường diễn ra rất nhanh. Bạn cần phải lắng nghe cơ thể, nếu các dấu hiệu này xảy ra thì cần chủ động đến gặp bác sĩ ngay để được kiểm tra và không bỏ lỡ thời gian “vàng”.
4. Làm gì để phòng ngừa đột quỵ trong khi ngủ?
Việc phát hiện dấu hiệu bất thường ở bản thân hay ở những người xung quanh chỉ là biện pháp ứng phó khi bệnh sắp xuất hiện hoặc đã xảy ra. Do vậy, cách tốt nhất để phòng tránh đột quỵ chính là dựa vào các yếu tố phòng ngừa. Các chuyên gia khuyên mọi người nên loại bỏ những thói quen xấu, tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh như:
– Hạn chế uống rượu bia vào buổi tối, không ăn khuya với các thực phẩm nhiều dầu mỡ, đường.
– Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, tivi trước khi đi ngủ.
– Nên tập luyện thể dục thể thao thường xuyên ít nhất 30 phút mỗi ngày.
– Tăng cường ăn rau xanh, trái cây, ăn đủ, đúng bữa trong ngày.
Đặc biệt, đối với trường hợp những người có tiền sử mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch, thần kinh nên tầm soát nguy cơ đột quỵ sớm 6 tháng một lần để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời các bệnh lý liên quan. Đồng thời sàng lọc nguy cơ đột quỵ và phòng ngừa hiệu quả.
>>>>>Xem thêm: Triệu chứng mất ngủ buồn nôn cảnh báo bệnh lý gì?
Đột quỵ khi ngủ có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi, giới tính nào và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Nếu bạn đang có những thói quen xấu trước khi ngủ như trong bài đã nêu, hãy thay đổi ngay và thăm khám tại các chuyên khoa tim mạch, thần kinh để được thăm khám, tầm soát và phòng ngừa hiệu quả trước khi quá muộn.