Cơn tăng huyết áp với tình trạng huyết áp tăng cao ở mức bất thường có thể dẫn tới các biến cố gây nguy hiểm cho người bệnh. Hiểu rõ các đặc điểm của cơn tăng huyết áp sẽ giúp cấp cứu và điều trị bệnh kịp thời. Cùng tìm hiểu về chứng bệnh tăng huyết áp qua bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Cơn tăng huyết áp: Nguy hiểm nhưng có thể chẩn trị sớm
1. Cơn tăng huyết áp là gì?
Cơn tăng huyết áp (Hypertensive Crsis) là tình trạng huyết áp tăng cao kịch phát, cụ thể huyết áp tâm thu >180mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương >120 mmHg.
Dựa trên đặc điểm và mức độ tổn thương cơ quan đích (não, tim, thận…), cơn tăng huyết áp (THA) được chia thành 2 thể: tăng huyết áp cấp cứu (Hypertensive Emergencies) và tăng huyết áp khẩn trương.
1.1 Tăng huyết áp cấp cứu
Là tình trạng huyết áp tăng cao kịch phát, thường >180/120 mmHg kèm theo các tổn thương cơ quan đích mới xuất hiện hoặc tiến triển. Cơn tăng huyết áp này thường đe dọa đến tính mạng. Tỷ lệ tử vong đối với các trường hợp tăng huyết áp cấp cứu là > 79%, thời gian sống sót trung bình là 10,4 tháng. Các tổn thương cơ quan đích thường gặp gồm: bệnh não tăng huyết áp, xuất huyết nội sọ, nhồi máu não, nhồi máu cơ tim cấp, suy thất trái, phù phổi cấp, phình tách động mạch chủ, suy thận cấp, sản giật.
1.2 Tăng huyết áp khẩn trương
Tình trạng huyết áp tăng cao kịch phát nhưng không có tổn thương cơ quan đích. Đối tượng mắc thường là các bệnh nhân tăng huyết áp mạn, không tuân thủ điều trị. Bệnh nhân tăng huyết áp khẩn trương thường không có triệu chứng. Một số có thể kèm theo đau đầu, khó thở, chóng mặt, chảy máu mũi, lo lắng.
Mặc dù tăng huyết áp rất phổ biến nhưng chỉ khoảng 1-3% bệnh nhân này có cơn tăng huyết áp. Trong đó, số bệnh nhân tăng huyết áp cấp cứu chỉ bằng 1/3 số bệnh nhân tăng huyết áp khẩn trương.
Tình trạng huyết áp tăng cao dù có kèm tổn thương cơ quan đích hay không cũng rất nguy hiểm.
2. Các yếu tố làm tăng nguy cơ gây ra cơn tăng huyết áp
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ và nguyên nhân liên quan đến việc huyết áp đột ngột tăng cao.
– Đau hoặc stress đột ngột: Bệnh nhân có cơn đau cấp tính hoặc có stress đột ngột có thể dẫn đến tăng huyết áp cấp tính. Trong những trường hợp này, huyết áp sẽ dần trở lại bình thường khi hết cơn đau hoặc hết stress mà không cần dùng thuốc hạ áp.
– Nữ giới
– Béo phì
– Bệnh động mạch vành
– Bệnh tim do tăng huyết áp
– Bệnh lý tâm thần
– Do không không tuân thủ dùng thuốc và phác đồ điều trị tăng huyết áp
– Ngộ độc thuốc: Một số loại thuốc như cocaine, amphetamin, phencyclidine hydrochloride, các thực phẩm bổ sung có chất kích thích có thể gây tăng huyết áp nghiêm trọng. Ngoài ra, không tuân thủ chế độ điều trị, ngừng thuốc đột ngột, tương tác không mong muốn giữa các thuốc với nhau hoặc thuốc với thức ăn có thể làm huyết áp tăng cao.
– Do bệnh u tủy thượng thận (pheochromocytoma)
– Mang thai
– Các bệnh hệ thống
Tìm hiểu thêm: Cấp cứu bệnh nhồi máu cơ tim tại nhà hiệu quả
Tình trạng huyết áp đột ngột tăng cao có thể do những cơn đau hoặc tình trạng stress.
3. Chẩn đoán cơn tăng huyết áp bằng cách nào?
3.1 Mục tiêu thăm khám
Mục tiêu của việc chẩn đoán tình trạng tăng huyết áp kịch phát gồm:
– Tìm kiếm các yếu tố liên quan đến tình trạng khởi phát tăng huyết áp đột ngột.
– Xác định có hay không bằng chứng tổn thương cơ quan đích, từ đó phân biệt tăng huyết áp cấp cứu hay khẩn trương.
3.2 Các bước thăm khám
Khám lâm sàng
– Hỏi bệnh: Khai thác các dấu hiệu, đặc biệt là các triệu chứng của tổn thương cơ quan đích như yếu liệt, mất thị lực, nôn, đau đầu, rối loạn tâm thần…
– Khai thác bệnh sử gồm: Tiền sử tăng huyết áp, số đo huyết áp gần nhất, thuốc điều trị đang sử dụng), tình trạng tuân thủ điều trị, thói quen hút thuốc, uống rượu, dùng các loại thuốc khác. Ngoài ra, nếu có tiền sử đột quỵ, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp, đau ngực, đau chân cách hồi, suy thận, tiểu đường, suy giáp, hội chứng Cushing… hoặc đang mang thai thì bạn cần báo với bác sĩ.
– Khai thác tiền sử gia đình: Đặc biệt là với các bệnh lý di truyền như bệnh tim mạch, đái tháo đường.
Các bước thăm khám và các dấu hiệu cần tìm kiếm các tổn thương đích bao gồm:
– Đo huyết áp: Đo huyết áp cả 2 tư thế nằm và đứng, đo cả 2 tay.
– Khám thần kinh: Nhằm đánh giá tri giác, dấu hiệu thần kinh khu trú
– Soi đáy mắt: Tìm kiếm các dấu hiệu xuất huyết, xuất tiết, phù gai thị…
– Khám cổ: Xác định các vấn đề tuyến giáp, các bất thường ở động mạch cảnh, tĩnh mạch cổ nổi
– Khám tim mạch: Kiểm tra tình trạng tim to, tiếng T3, rối loạn nhịp, hoạt động của mạch 2 bên, …
– Khám phổi: Tìm kiếm tiếng ran ở phổi, chẩn đoán suy tim trái
– Khám thận: Kiểm tra, phát hiện tiếng thổi, hoặc khối ở bụng
Khám cận lâm sàng
Một số xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng có giá trị trong chẩn đoán cơn tăng huyết áp gồm
– Xét nghiệm máu: Troponin, CK-MB, NT-proBNP,…
– X quang phổi: Trong trường hợp nghi ngờ ứ dịch
– Siêu âm tim: Thường dùng trong các trường hợp nghi ngờ lóc tách động mạch chủ, suy tim hoặc thiếu máu…
– Chụp cắt lớp: Bạn có thể được chỉ định lồng ngực và/hoặc bụng khi nghi ngờ bệnh động mạch cấp. Chụp CT hoặc MRI não nếu nghi ngờ tổn thương não.
– Siêu âm thận: Trong trường hợp bệnh nhân suy thận hoặc nghi ngờ hẹp đông mạch thận.
>>>>>Xem thêm: Hở van tim 1/4 là mức độ nào của bệnh? Có nguy hiểm không?
Khi thấy huyết áp đột ngột tăng cao, bệnh nhân cần đi khám chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán chính xác và điều trị đúng hướng
4. Điều trị cơn tăng huyết áp như thế nào?
Đối với bệnh nhân tăng huyết áp khẩn cấp, người bệnh cần được đánh giá xác định các trường hợp cần có chỉ định điều trị riêng đặc biệt như đột quỵ, tăng huyết áp cấp tính ở phụ nữ mang thai, lóc tách động mạch chủ….
Đối với các trường hợp tăng huyết áp cấp cứu nói chung, mục tiêu điều trị là giảm huyết áp tâm thu không quá 25% trong 60 phút đầu tiên. Các trường hợp đặc biệt cần điều trị cũng như có chỉ định thuốc ưu tiên riêng.
4.1 Điều trị tăng huyết áp cấp cứu
Điều quan trọng khi điều trị tăng huyết áp cấp cứu là xác định các cơ quan đích bị tổn thương và các yếu tố làm tình trạng tăng huyết áp nặng thêm.
Giống như mục tiêu của việc điều trị cấp cứu tăng huyết áp nói chung, điều trị tăng huyết áp cấp cứu cũng nhằm giảm huyết áp tâm thu không quá 25% trong khoảng 1 giờ đầu, xuống 160/100mmHg trong 2-6 giờ tiếp theo nếu ổn định và đưa huyết áp về bình thường một cách thận trọng sau 24 – 48 giờ.
Một số trường hợp đặc biệt có chỉ định riêng biệt như sau:
– Bệnh nhân lóc tách động mạch chủ cần hạ huyết áp tâm thu xuống
– Bệnh nhân có tiền sản giật, sản giật, bệnh nhân tăng huyết áp do u tủy thượng thận: Cần làm cho huyết áp tâm thu giảm xuống
Hiện nay, các loại thuốc điều trị tăng huyết áp thể này thường là các loại thuốc có tác dụng nhanh, hiệu lực mạnh, tăng khả năng hồi phục, không gây nhịp nhanh, ít tác dụng phụ. Thuốc được truyền tĩnh mạch như sodium nitroprusside, nicardipine, nitroglycerine, labetalol, hydralazine…
Ngoài việc hạ huyết áp, cần chẩn đoán các nguyên nhân gây khiến huyết áp tăng cao để có biện pháp điều trị phù hợp.
4.2 Điều trị tăng huyết áp khẩn trương
Đối với các bệnh nhân được chẩn đoán là tăng huyết áp khẩn trương, huyết áp nên được giảm dần bằng các thuốc hạ áp đường uống trong vòng 24 – 48 giờ và cần theo dõi sát. Huyết áp cần hạ từ từ nhằm tránh gây tổn thương cơ quan đích. Các loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị tăng huyêt áp khẩn trương là: Captopril, Labetalol, Amlodipine, Felodipine, Isradipine, Prazosin. Các loại thuốc này giúp giảm lo âu cho các bệnh nhân.
Thuốc lợi tiểu quai (Furosemide) chỉ được sử dụng trong các trường hợp chỉ định bắt buộc dùng lợi tiểu. Nifedipine ngậm dưới lưỡi trước đây thường được các bác sĩ chỉ định sử dụng trong điều trị tăng huyết áp khẩn trương. Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy Nifedipne có thể khởi phát các biến cố thiếu máu não và thiếu máu cơ tim nên không được khuyến cáo sử dụng.
Như vậy, cơn tăng huyết áp dù xảy ra dưới dạng nào cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Những thông tin tham khảo trong bài viết tuy không thể thay thế các chẩn đoán và điều trị y khoa nhưng hi vọng đã giúp bạn có thêm những kiến thức bổ ích về căn bệnh này để kịp thời phòng tránh, phát hiện, giảm thiểu những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.