Đa ối và dư ối đều là tình trạng lượng nước ối nhiều hơn mức bình thường. Tuy nhiên đa ối và dư ối có khác nhau không vẫn là câu hỏi nhiều mẹ bầu thắc mắc. Cùng tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Đa ối và dư ối có khác nhau không? – Kiến thức thai sản
1. Vai trò quan trọng của nước ối với thai nhi
Nước ối có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi
Trong tuần thứ 2 của thai kỳ, túi ối bắt đầu được hình thành trong tử cung của mẹ. Nước ối là môi trường chất lỏng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi:
– Là chiếc đệm nước êm ái bảo vệ thai nhi trước tác động bên ngoài.
– Điều hòa thân nhiệt cho bé.
– Giúp bé trao đổi nước và chất điện giải với mẹ.
– Giúp thai nhi di chuyển dễ dàng hơn trong tử cung.
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, lượng nước ối sẽ thay đổi khoảng 350 – 375 ml mỗi giờ thông qua sự thẩm thấu của thành mạch và sự bài tiết của màng ối.
Qua từng giai đoạn của thai kỳ, lượng nước ối cũng sẽ có sự thay đổi. Ở tam cá nguyệt thứ nhất, nước ối sẽ giống với huyết tương của mẹ và đẳng trương. Bước sang giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai, nước ối sẽ tăng dần và dừng lại khi bước sang ba tháng cuối thai kỳ. Vào thời điểm tuần 37, lượng nước ối trong tử cung của mẹ bắt đầu giảm. Càng gần ngày sinh, lượng nước ối càng giảm nhanh hơn.
2. Đa ối và dư ối có khác nhau không?
Các em bé sinh từ mẹ bầu đa ối thường có cân nặng lớn hơn mức bình thường
Tất cả những bất thường thừa hay thiếu nước ối đều ảnh hưởng không tốt tới thai nhi. Dư ối và đa ối đề chỉ tình trạng nước ối nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, đa ối và dư ối được dùng để phân biệt hai trạng thái thừa ối khác nhau về lượng.
2.1. Lượng ối bình thường
Chỉ số nước ối dao động từ 300 đến 800 ml tương đương với chỉ số AFI từ 6 – 18cm.
2.2. Mẹ bầu dư ối
Lượng nước ối trong khoảng 800 – 1500ml. Chỉ số AFI tương đương là 12 – 25 cm. Trong trường hợp này mẹ bầu có thể yên tâm và chỉ cần theo dõi, điều chỉnh thông qua chế độ ăn nghỉ để nước ối trở về bình thường.
2.3. Mẹ bầu đa ối
Lượng nước ối nhiều hơn 1500ml. Chỉ số AFI tương đương trên 25cm. Mẹ bầu bị đa ối có thể gây ra nhiều dị tật cho thai nhi, cần theo dõi và điều trị
3. Nhận biết dư ối và đa ối
Hầu hết các trường hợp dư ối rất khó nhận biết. Các trường hợp đa ối thường diễn ra từ từ và biểu hiện mang thai to bất thường. Tuy nhiên để chính xác mẹ bầu phải thăm khám bác sĩ. Với tình trạng đa ối cấp, mẹ bầu có thể nhận biết rõ ràng thông qua một số dấu hiệu như:
– Thường xuất hiện nhiều nhất khi thai nhi từ tuần 16 đến 20.
– Bụng to lên nhanh chóng kèm theo biểu hiện đau nhức đột ngột.
– Mẹ bầu khó thở, không thể ngồi.
– Chân tay bị phù nặng, tiểu niệu,…
Tìm hiểu thêm: Khám phá địa chỉ có bác sĩ chữa vô sinh giỏi ở Hà Nội
Siêu âm là cách kiểm tra chính xác lượng ối có ở mức bình thường hay không
4. Những nguy hiểm cho mẹ và bé khi đa ối
Khi nước ối gia tăng gây đa ối, mẹ và bé cũng sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong thai kỳ:
– Đa ối khiến túi ối căng, áp lực lên màng ối lớn. Nguy cơ vỡ màng ối lúc này là rất cao. Bên cạnh đó, màng ối căng gây tác động lên nhau thai, có thể dẫn đến bong nhau bất cứ lúc nào gây sảy thai, nhất là trong những tháng đầu của thai kỳ.
– Mẹ bầu đa ối có tỷ lệ thai nhi ngôi ngang, ngôi ngược hoặc gặp phải các trường hợp không thuận lợi cho việc vượt cạn.
– Tình trạng sa dây rốn là biến chứng nguy hiểm của đa ối. Dây rốn bị sa trước ngôi thai, sa ra ngoài âm đạo khiến suy thai cấp.
– Theo thống kê, mẹ bầu đa ối có tỷ lệ băng huyết sau sinh rất cao.
– Đa ối ảnh hưởng đến quá trình vượt cạn. Phần lớn mẹ bầu sẽ không thể sinh thường do: nguy cơ vỡ màng ối đột ngột, thai nhi cân nặng lớn, ngôi thai không thuận,….Chính vì thế, mẹ bầu thường được chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn khi điều kiện sinh thường không đảm bảo.
5. Nguyên nhân của đa ối và dư ối
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thừa nước ối. Theo thống kê, có tới 91% các ca đa ối nặng liên quan tới bệnh lý, song chỉ có 17% trong các ca đa ối nhẹ không liên quan tới bệnh lý nào. Các nguyên nhân bệnh lý thường gặp dẫn đến đa ối là:
5.1. Rối loạn di truyền và dị tật thai nhi
Các bệnh lý di truyền gây nên đa ối gồm có:
– Dị tật liên quan phản xạ nuốt của thai như hẹp thực quản, hẹp tá tràng;rối loạn hệ thần kinh trung ương (dị tật ở hộp sọ, khuyết tật ống thần kinh,…)
– Dị tật ở thận: hội chứng Bartter, chức năng nang thận và thận bị rối loạn.
– Rối loạn nhiễm sắc thể, phổ biến gây hội chứng Down ( trisomy 21), hội chứng Edward (trisomy 18).
– Hội chứng truyền máu song thai. Theo thống kê 15% bà mẹ mang song thai gặp tình trạng đa ối ở thai nhận máu. Thai nhi này thường sẽ bị sinh non và tiên lượng xấu.
5.2. Nguyên nhân do mẹ bầu
Ngoài các nguyên nhân do dị tật thì các bệnh lý ở mẹ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đa ối, dư ối:
– Mẹ bầu bị tiểu đường. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến dư ối, đa ối. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khi lượng đường huyết tăng cao sẽ khiến tăng thẩm thấu ở thai nhi gây ra dư ối và đa ối.
– Mẹ bầu bị nhiễm khuẩn trong thai kỳ. Nhiễm khuẩn thai kỳ tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây thương tổn bánh rau có thể dẫn tới tình trạng gia tăng ối.
– Ngoài ra, mẹ bầu bị u mạch máu màng đệm, nhiễm virus (viêm gan B, rubella, ….) đều có thể dẫn đến tình trạng đa ối.
6. Cần làm gì khi mẹ bầu bị đa ối và dư ối?
>>>>>Xem thêm: Bật mí một số điều cần biết về khả năng sinh sản của nữ giới
Một khoảnh khắc của mẹ bầu sau sinh mổ tại BV ĐKQT Thu Cúc
Mẹ bầu bị dư thừa nước ối là tình trạng khá phổ biến ở các giai đoạn khác nhau của thai kỳ. Mẹ cần phát hiện sớm những bất thường để có các phương pháp điều trị phù hợp. Tuy nhiên dư ối và đa ối thường không có biểu hiện bên ngoài nên rất khó để phát hiện. Cách tốt nhất để theo dõi lượng ối là thực hiện đầy đủ các mốc khám thai định kỳ. Trong quá trình siêu âm, các bác sĩ sẽ giúp mẹ kiểm tra lượng ối có ổn định hay không. Từ đó đưa ra lời khuyên hoặc phương án điều trị phù hợp:
– Trong trường hợp dư ối ở mức bình thường mẹ sẽ được tư vấn điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt. Trong đó, mẹ cần bổ sung lượng nước đủ mỗi ngày. Bên cạnh đó, chế độ ăn cần giảm lượng muối.
– Mẹ bầu tiểu đường cần giảm lượng đường bột, chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày. Đồng thời kết hợp với các phương pháp điều trị được chỉ định.
– Trong trường hợp mẹ bầu đa ối, cần theo dõi thường xuyên và liên tục để tránh những biến chứng xấu có thể xảy ra. Mẹ bầu bị đa ối cấp (lượng nước ối tăng đột ngột), các bác sĩ có thể chỉ định chọc hút ối để giảm bớt áp lực lên màng ối.
– Trong trường hợp đa ối nhưng đã đủ điều kiện sinh, mẹ bầu có thể được kích thích để sinh luôn.
7. Kết luận
Về bản chất, đây đều là tình trạng lượng ối nhiều hơn bình thường. Dư ối có thể hiểu chính là giai đoạn nhẹ của đa ối. Để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu nên duy trì thói quen tích cực, xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp với thể trạng và sức khỏe của mình. Song song với đó, cần thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ để theo dõi liên tục sức khỏe.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.