Ống cổ tay là một cấu trúc đặc biệt nhằm bảo vệ dây thần kinh giữa ở bàn tay. Cơ quan này rất dễ bị tổn thương và gặp phải các bệnh lý, trong đó phổ biến nhất là hội chứng ống cổ tay. Cùng tìm hiểu về cơ quan này và những vấn đề thường gặp phải trong bài viết sau đây.
Bạn đang đọc: Đặc điểm của ống cổ tay và các bệnh lý thường gặp
1. Đặc điểm của ống cổ tay
Ống cổ tay có cấu trúc đặc biệt như một đường hầm nhỏ có chức năng bảo vệ dây thần kinh giữa. Bề rộng đường hầm khoảng 2,5cm (tương đương 1 inch). Mặt nền và hai bên thành đường hầm là các xương cổ tay. Một dải mô liên kết chặt chẽ, được gọi là dây chằng ngang làm nên mái của đường hầm. Đi trong ống cổ tay là dây thần kinh giữa và gân gấp các ngón tay lên bám vào cẳng tay.
Dây thần kinh giữa là một trong những dây thần kinh quan trọng ở bàn tay. Dây thần kinh ngoại biên này bắt nguồn từ nhóm rễ thần kinh ở tủy cổ, đi xuống cánh tay và cẳng tay, luồn qua đường hầm ống cổ tay và đi vào bàn tay. Dây thần kinh giữa có chức năng là cảm nhận cảm giác ở các ngón tay gồm ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và 1/2 ngón đeo nhẫn. Đồng thời, chịu trách nhiệm vận động cho các cơ ở xung quanh gốc ngón tay cái.
Thực tế, đường hầm ống cổ tay tương đối chật hẹp và có rất ít khả năng thay đổi kích thước. Trong khi đó, phần dây thần kinh giữa lại rất mềm mại và nằm nông nhất nên rất dễ bị chèn ép và tổn thương, gây ra nhiều bệnh lý và triệu chứng khó chịu cho người bệnh.
Ở cổ tay có một cấu trúc đặc biệt bảo vệ dây thần kinh giữa.
2. Bệnh lý thường gặp ở ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay là vấn đề thường gặp nhất ở cơ quan này. Khi bị chèn ép, các chức năng của dây thần kinh giữa bị hạn chế, biểu hiện ra thành các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay, bao gồm:
– Cảm giác sưng phồng các ngón tay
– Tê bì, ngứa ran, nóng rát và đau đớn ở tay, xảy ra chủ yếu ở các ngón tay cái, trỏ, giữa và 1 phần ngón đeo nhẫn
– Cảm giác đau, ngứa ran, tê bì có thể lan lên cẳng tay về phía vai
– Tay yếu và vụng về, cơ đau, xuất hiện tình trạng chuột rút
– Có thể gặp khó khăn cho việc thực hiện các động tác cầm nắm đồ vật, cài nút quần áo, sử dụng điện thoại, lái xe hoặc đọc sách… – những việc vốn dĩ người bệnh làm rất tốt
– Đánh rơi đồ vật, chủ yếu do mất cảm giác bàn tay hoặc mất nhận thức về vị trí của tay trong không gian
Thông thường, những triệu chứng của hội chứng ống cổ tay xuất hiện từ từ mà không có một chấn thương cụ thể nào xảy ra trước đó. Thậm chí các triệu chứng xảy ra vào ban đêm khi người bệnh ngủ và để cổ tay bị cong, khiến dây thần kinh giữa bị chèn ép.
Lúc đầu, các dấu hiệu thường không rõ rệt, người bệnh đôi khi không nhận biết được. Đến khi tình trạng xấu đi, các triệu chứng thường xuyên xảy ra hoặc kéo dài hơn, bệnh nhân thấy bất thường và đi khám thì tình trạng chèn ép dây thần kinh giữa thường đã nặng nề.
Tìm hiểu thêm: Những điều cần biết về thoát vị đĩa đệm cổ
Đau cổ tay, tê bì, khó cầm nắm là những biểu hiện tổn thương cổ tay điển hình.
3. Nên làm gì khi bị hội chứng ống cổ tay?
Khi gặp tình trạng khó chịu, đau nhức hoặc tê bì do bệnh lý ống cổ tay, bạn nên:
3.1 Nghỉ ngơi sau khi thực hiện các động tác lặp lại trong thời gian nhất định
Các công việc như chơi guitar, đánh máy hay làm việc nặng như sử dụng máy khoan, cuốc đất,… dù khác nhau về yêu cầu sức lực đối với bàn tay nhưng nếu thực hiện trong thời gian dài thì đều làm tăng áp lực cho dây thần kinh cánh tay, gây cảm giác tê, mỏi, đau ống cổ tay. Vì vậy, giữa các khoảng làm việc, bạn nên hãy dành thời gian để tay được nghỉ ngơi.
3.2 Giữ cho cổ tay thẳng
Ở những người mắc hội chứng ở ống cổ tay, phần cổ tay thường khó hoạt động. Người bệnh nên tránh các động tác khiến cổ tay uốn cong quá nhiều về cả hai hướng. Thay vào đó, nên giữ cho tay thẳng càng nhiều càng tốt để ngăn tình trạng chèn ép dây thần kinh.
3.3 Giữ ấm ống cổ tay
Thực tế cho thấy các cơn đau, tê nhức ống cổ tay thường có xu hướng nặng hơn khi người bệnh tiếp xúc với không khí lạnh. Do vậy, giữ ấm cổ tay là một cách đơn giản mà hiệu quả để giảm các triệu chứng của bệnh. Cách làm phổ biến nhất là dùng găng tay không che ngón hoặc găng tay cho riêng lòng bàn tay.
3.4 Thư giãn ống cổ tay
Các chuyên gia khuyên rằng không nên chỉ thư giãn cổ tay khi có dấu hiệu mỏi sau thời gian dài làm việc hay giữ nguyên 1 tư thế mà việc này nên thực hiện thường xuyên 1 – 2 giờ mỗi lần.
Một số bài tập có thể cải thiện triệu chứng của hội chứng ống cổ tay hiệu quả mà đơn giản gồm:
– Bài tập cầu nguyện
Ban đầu, bạn chắp 2 tay giống như cầu nguyện, sau đó tách các ngón tay ra xa hết mức có thể, rồi “gác chuông” các ngón tay lại. Ở lượt tiếp theo, lòng bàn tay tách ra trong khi các ngón tay giữ lại với nhau.
Tác dụng của bài tập này là kéo căng gân gan bàn tay và cấu trúc ống cổ tay, giảm chèn ép dây thần kinh giữa.
– Bài tập lắc tay
Đây là bài tập giúp tăng cường, giữ cho các cơ gấp của bàn tay và dây thần kinh giữa không bị chèn ép, căng cứng hay chuột rút, từ đó giảm các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay. Việc thực hiện động tác này rất đơn giản, giống như tư thế lắc tay khi vừa rửa tay xong. Người bệnh có thể thực hiện động tác này nhiều lần mỗi khi có thời gian trong ngày.
>>>>>Xem thêm: Tìm hiểu ngay: Mật độ xương bao nhiêu là bị loãng xương?
Khi thấy tê bì, đau nhức cổ tay, bạn cần dành thời gian nghỉ ngơi để cổ tay có thời gian phục hồi.
– Bài tập xòe ngón tay kết hợp duỗi cổ tay
Đặt một cánh tay thẳng ra trước mặt, sau đó duỗi thẳng khuỷu tay, mở rộng cổ tay sao cho các ngón tay hướng xuống sàn.
Xòe các ngón tay ra, dùng tay còn lại bóp nhẹ nhàng lên cổ tay, bàn tay hướng xuống, cổ tay và các ngón tay duỗi ở mức tối đa.
Giữ tư thế này khoảng 20 giây rồi đổi bên tay và lặp lại tư thế. Thực hiện động tác xòe – duỗi cổ tay 2 – 3 lần mỗi bên cánh tay và lặp lại hàng giờ.
Khi cảm thấy bản thân đang bị căng thẳng quá mức, nên điều tiết lại công việc, tăng thời gian nghỉ ngơi và luyện tập nhiều hơn để giảm áp lực cho cổ tay.
Việc thay thế bằng các loại bút mềm, bàn phím nhẹ hơn, hạn chế công việc nặng dùng tay cũng rất có lợi cho những người gặp vấn đề ở cổ tay.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.