Đau bụng vùng thượng vị là tình trạng khá phổ biến, gặp ở mọi độ tuổi. Có nhiều nguyên nhân gây đau bụng vùng thượng vị, cả lành tính và ác tính. Do vậy, đừng nên chủ quan khi thấy triệu chứng này!
Bạn đang đọc: Đau bụng vùng thượng vị – đừng chủ quan
Có nhiều nguyên nhân gây đau vùng thượng vị
Cơn đau có thể cấp tính, có thể âm ỉ kéo dài nhiều giờ, nhiều ngày, thậm chí kéo dài nhiều tuần tuỳ từng trường hợp. Các nguyên nhân phổ biến là:
- Nhiễm giun: đau vùng thượng vị cũng có thể gặp ở một số trẻ em bị nhiễm giun gây đau bụng. Đau bụng do giun thường là đau quanh rốn nhưng cũng có trường hợp ngoài đau quanh rốn có kèm theo đau vùng thượng vị.
- Bệnh ho nhiều (cả trẻ em cả người lớn) gây co thắt cơ hoành cũng gây đau vùng thượng vị hoặc trong bệnh áp-xe cơ hoành cũng gây nên đau vùng thượng vị.
Có nhiều nguyên nhân gây đau vùng thượng vị.
- Hội chứng dạ dày – tá tràng: cơn đau thượng vị có khi cấp tính như đợt cấp của viêm dạ dày – tá tràng trên một người bệnh đã mắc bệnh về dạ dày từ lâu, nay vì một lý do nào đó làm xuất hiện cơn đau cấp, ví dụ như đau sau khi uống rượu, bia, ăn thức ăn có vị chua như dấm, chanh, bún, bánh cuốn… hoặc bị viêm dạ dày cấp lần đầu do ngộ độc thực phẩm cấp tính. Cơn đau quằn quại, đau nhói, bụng trướng, đôi khi làm cho người bệnh vã mồ hôi, miệng khô, buồn nôn hoặc nôn… Trong trường hợp này nếu nôn được (nôn tự nhiên hay móc họng để nôn) thì cơn đau thượng vị có thể lắng xuống (kể cả trường hợp ngộ độc thực phẩm cấp tính).
- Viêm dạ dày – tá tràng mạn tính hoặc loét dạ dày – tá tràng hoặc hẹp môn vị thì cơn đau thường âm ỉ, kéo dài gây khó chịu cho người bệnh, làm cho người bệnh hay cáu gắt, bộ mặt lúc nào cũng buồn chán (bộ mặt của người viêm loét dạ dày – tá tràng mạn tính). Đặc biệt của đau vùng thượng vị trong thủng dạ dày thì đau như dao đâm, bụng cứng như khúc gỗ, dáng đi của người bệnh cúi lom khom và bệnh nhân có thể bị choáng.
- Bệnh của gan hay bệnh của mật (đường dẫn mật, túi mật) cũng gây nên triệu chứng đau thượng vị như áp-xe gan, viêm gan làm cho gan sưng to, đau hoặc suy tim cũng làm gan sưng to do ứ máu ở gan cũng gây đau vùng thượng vị.
- Sỏi túi mật hoặc sỏi đường dẫn mật hoặc viêm đường mật cũng gây nên đau vùng thượng vị nếu không có kinh nghiệm thì rất dễ chẩn đoán nhầm là bệnh của dạ dày – tá tràng.
Tìm hiểu thêm: Giá cấy ghép Implant – Cập nhật chi tiết
>>>>>Xem thêm: Phụ nữ mổ đẻ dán keo sinh học có an toàn không?
Đau vùng thượng vị cũng là triệu chứng của ung thư dạ dày
- Giun chui ống mật cũng gây đau vùng thượng vị. Cơn đau vùng thượng vị trong bệnh giun chui ống mật thường đau rất dữ dội, chổng mông lên, vã mồ hôi…
- Bệnh của tụy như viêm tụy cấp, viêm tụy cấp chảy máu hoặc đôi khi đau thượng vị âm ỉ gặp trong viêm tụy mạn tính, ung thư đầu tụy.
- Viêm đại tràng cấp hoặc mạn tính cũng có thể gây đau thượng vị kèm theo đầy hơi trướng bụng, đi ngoài nhiều lần nhất là viêm đại tràng cấp tính. Trong một số trường hợp viêm đại tràng mạn tính có kèm theo táo bón kéo dài thường có thể có đau vùng thượng vị một cách âm ỉ, không rầm rộ.
- Bệnh về tim mạch tuy rất ít nhưng cũng có thể biểu hiện cơn đau vùng thượng vị như bệnh mạch vành (thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim), suy tim nặng gây gan to, tim to…
- Viêm ruột thừa là bệnh mà nhiều người đều biết rằng triệu chứng điển hình là đau hố chậu phải nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, nhất là trẻ em thì sau khi đau ở thượng vị mới khu trú đau ở vùng hố chậu phải.
Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh không tự ý đọc và áp dụng cho mình. Khi có triệu chứng trên cần đến cơ sơ y tế uy tín để thăm khám.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.