Số lượng người bị đau dạ dày tá tràng đang ngày một tăng lên. Bệnh không gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe ngay lập tức nhưng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống hàng ngày. Vì thế việc phát hiện và điều trị bệnh sớm vô cùng quan trọng.
Bạn đang đọc: Đau dạ dày tá tràng và những điều bạn cần biết
1. Đau dạ dày tá tràng là gì?
Đau dạ dày tá tràng là bệnh lý thường gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ trẻ em cho tới người lớn. Tình trạng viêm dạ dày ban đầu rất khó nhận biết và dễ nhầm lẫn với những cơn đau bụng khác.
Đau dạ dày, tá tràng được chẩn đoán do các vết viêm loét trên niêm mạc của đầu ruột non (dạ dày tá tràng). Những ổ loét này xuất hiện khi lớp niêm mạc bị bào mòn và để lộ lớp dưới của ruột. Nếu bệnh để lâu không được điều trị sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh.
2. Các nguyên nhân dẫn đến bệnh dạ dày tá tràng
Bệnh dạ dày tá tràng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra:
2.1 Vi khuẩn HP
Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori là nguyên nhân phổ biến gây ra tổn thương ở tá tràng, dạ dày. Khi xâm nhập vào cơ quan tiêu hóa chúng sản sinh men urease nhằm trung hòa dịch vị. Vi khuẩn phá vỡ màng nhầy, kích thích phản ứng viêm ở niêm mạc. Loại vi khuẩn này còn được xem là tác nhân chính gây viêm loét dạ dày tá tràng, ung thư,…
2.2 Sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau
Việc sử dụng các thuốc kháng viêm NSAID và corticoid cũng là nguyên nhân gây bệnh. Nhóm thuốc này sẽ gây ức chế prostaglandin ở dạ dày khiến lớp màng nhầy bị phá vỡ. Tạo điều kiện thuận lợi cho HCI trong dịch vị ăn mòn và xâm lấn mô.
2.3 Lạm dụng đồ uống có cồn
Ethanol trong rượu làm cho nồng độ acid dịch vị tăng, gây kích thích và bào mòn niêm mạc. Sử dụng nhiều bia rượu có thể gây ổ loét ở dạ dày, ruột non và làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở đường tiêu hóa.
2.4 Hội chứng Zollinger-Ellison
Hội chứng xảy ra khi cơ thể có các khối u gastrin. Khối u này sản sinh ra hormone gastrin và kích thích dạ dày tiết dịch vị. Acid dạ dày được bài tiết quá mức chính là nguyên nhân gây bệnh.
2.5 Đau dạ dày tá tràng do ăn uống không khoa học
Việc thường xuyên bỏ bữa, nhịn đói, ăn quá no, vận động ngay sau khi ăn,…cũng ảnh hưởng khá nhiều tới dạ dày tá tràng. Bên cạnh đó việc ăn nhiều thức ăn nhanh, đồ đóng hợp, thưc ăn chua cay, nhiều dầu mỡ,…sẽ làm cho dạ dày tá tràng phải hoạt động quá sức gây ra viêm đau.
Ngoài những nguyên nhân chính nêu trên thì đau dạ dày tá tràng có thể do một số yếu tố cộng hưởng khác như:
– Ảnh hưởng từ các bệnh lý: Viêm ruột thừa, cúm, viêm phế quản, xơ gan, suy thận,…
– Người có thói quen dùng chất kích thích và thuốc lá
– Người nhóm máu O sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
– Do di truyền
– Tiếp xúc với kim loại nặng, các loại hóa chất có tính ăn mòn
3. Triệu chứng thường gặp khi bị đau dạ dày tá tràng
Phát hiện sớm các triệu chứng là điều vô cùng quan trọng để có thể chữa bệnh kịp thời. Một số dấu hiệu đau dạ dày, tá tràng rất dễ nhầm lẫn sang bệnh khác vì vậy bạn cần hết sức chú ý.
3.1 Đau vùng thượng vị
Vùng thượng vị nằm ở dưới xương ức và vùng bụng trên rốn. Cơn đau được biểu hiện khác nhau ở mỗi người. Có người chỉ đau âm ỉ nhưng có người đau quặn từng cơn dữ dội. Thời gian xảy ra cơn đau cũng khác nhau: Người bị đau âm ỉ cả ngày hoặc cơn đau chỉ xuất hiện liên quan đến bữa như đau lúc đói hoặc ăn no mới đau. Cơn đau bụng có thể xuyên ra sau lưng, lên vai hoặc ngực nên dễ bị nhầm tưởng sang bệnh lý khác.
3.2 Chướng bụng, ăn nhanh no
Khi bị bệnh, chức năng co bóp đẩy thức ăn từ dạ dày tá tràng bị suy giảm khiến thức ăn bị ứ đọng tại dạ dày gây gây đầy bụng. Người bệnh luôn cảm thấy nặng nề như kiểu vẫn còn thức ăn trong dạ dày. Triệu chứng này thường xuất hiện trong hoặc sau bữa ăn vì vậy khiến người bệnh không muốn ăn.
3.3 Ợ hơi nhiều là triệu chứng đau dạ dày tá tràng
Thông thường triệu chứng đầy bụng sẽ đi kèm ợ hơi. Hơi được sản sinh trong hệ tiêu hóa được thải ra ngoài bằng 2 đường là: Hậu môn và theo đường miệng. Người bị bệnh sẽ ợ hơi rất nhiều lần trong ngày, ngay cả sau khi đã ăn xong rất lâu.
3.4 Nôn hoặc buồn nôn
Rối loạn tiêu hóa khiến người bệnh luôn cảm giác khó chịu, muốn tống các chất trong dạ dày ra ngoài. Sau khi nôn cảm giác khó chịu ở dạ dày sẽ giảm đi. Tuy nhiên bạn cần lưu ý, nếu nôn ra dịch có màu đỏ hoặc đen sẫm thì khả năng cao bạn đã bị chảy máu trong rất nguy hiểm. Khi này bạn cần tới các bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để điều trị.
3.5 Chán ăn và sụt cân có thể là triệu chứng đau dạ dày tá tràng
Niêm mạc dạ dày bị viêm loét khiến hoạt động của hệ tiêu hóa kém đi, khó hấp thụ chất dinh dưỡng. Cộng thêm việc bệnh luôn bị đầy bụng, ợ hơi, buồn nôn nên ăn uống không ngon miệng dẫn tới sụt cân. Những người bị đau dạ dày tá tràng nếu thấy sụt cân quá nhanh không rõ nguyên do nên đi khám ngay vì đó là dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày.
Người bệnh không nên chủ quan với những dấu hiệu đau tá tràng, dạ dày bởi bệnh này không khó chữa nhưng nếu để lâu dài sẽ sinh ra nhiều biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.
Tìm hiểu thêm: Nội soi đại tràng ở đâu tốt nhất?
4. Các phương pháp điều trị đau dạ dày, tá tràng phổ biến nhất
Bệnh dạ dày tá tràng việc điều trị phụ thuộc nhiều vào phân loại, nguyên nhân và giai đoạn phá triển của bệnh. Trước khi điều trị bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán bằng: Nội soi, chụp X – Quang và xét nghiệm vi khuẩn HP. Sau khi có kết quả chẩn đoán bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chữa bệnh phù hợp.
4.1 Sử dụng thuốc Tây y
Sử dụng thuốc là biện pháp hiệu quả và thông dụng nhất hiện nay. Bác sĩ sẽ xem xét mức độ tổn thương và nguyên nhân gây bệnh để kê loại thuốc phù hợp.
– Kháng sinh nhằm tiêu diệt vi khuẩn HP nếu bệnh nhân dương tính với vi khuẩn này.
– Thuốc kháng acid
– Thuốc bảo vệ niêm mạc.
– Thuốc ức chế bơm proton.
– Thuốc kháng histamine H2.
Bệnh nhân nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn. Các triệu chứng và vết loét sẽ được cải thiện sau khoảng 1 tới 2 tháng điều trị.
4.2 Thay đổi lối sống
Lối sống khoa học có thể giảm nhẹ các triệu chứng ở đường tiêu hóa. Đồng thời giúp cải thiện hoạt động của dạ dày, ruột non và hạn chế sự phát triển của ổ viêm loét.
– Thay đổi thói quen ăn uống không khoa học như: Ăn quá nhanh, nhịn ăn, ăn khuya, nằm sau khi ăn, ăn đồ sống,…
– Hình thành thói quen lành mạnh như: Ăn chín uống sôi, chia nhỏ bữa ăn, ăn chậm nhai kỹ, nghỉ ngơi ít nhất nữa tiếng sau ăn.
– Tăng cường bổ sung các thực phẩm có lợi cho hệ tiêu hóa: Rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, sữa chua,…
– Hạn chế sử dụng đồ uống có gas, rượu bia và các thức ăn khiến tăng acid trong dạ dày
– Mỗi ngày nên dành khoảng nửa tiếng để luyện tập thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe
– Nên suy nghĩ tích cực, tránh căng thẳng, stress kéo dài bằng cách nghe nhạc, đọc sách để thư giãn.
>>>>>Xem thêm: Cách trị HP dạ dày bằng nghệ mật ong có thực sự hiệu quả?
Việc thay đổi lối sống chỉ góp phần cải thiện triệu chứng và hoạt động của hệ tiêu hóa chứ không thể chữa bệnh. Vì vậy bạn nên kết hợp điều trị bằng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa nếu cần.
Mong rằng các vấn đề liên quan tới bệnh đau dạ dày tá tràng sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh lý này. Tuy bệnh không quá nguy hiểm nhưng vẫn cần được điều trị càng sớm càng tốt để tránh xảy ra biến chứng.