Đau đầu là triệu chứng mà hầu như mỗi người ai cũng đã và đang gặp phải. Nhiều người lo lắng đau đầu là bệnh gì, có nguy hiểm không? Thông tin sẽ được giải đáp ở bài viết sau đây của Thu Cúc TCI.
Bạn đang đọc: Đau đầu là bệnh gì và cách xử lý
1. Tìm hiểu về triệu chứng đau nhức đầu
Đau đầu, nhức đầu được chia thành 2 loại chính:
– Nguyên phát: là những cơn đau không do một tình trạng bệnh lý nào khác gây ra.
– Thứ phát: là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe ví dụ như sốt, biểu hiện của một bệnh lý thần kinh nào đó.
2. Tìm hiểu đau đầu là bệnh gì? – Nhóm nguyên nhân do bệnh lý
2.1. Đau đầu là bệnh gì? – Đau nửa đầu Migraine
Là một trong những nguyên nhân gây đau đầu thường gặp, căn bệnh này còn được biết đến với tên gọi đau đầu vận mạch, rối loạn vận mạch não.
Đặc điểm của đau đầu Migraine như sau:
– Đau nửa đầu tái diễn từng cơn, lúc đau bên phải, lúc bên trái
– Mức độ đau từ vừa đến dữ dội
– Mạch da đầu căng giật liên hồi
Đau đầu Migraine ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, làm suy giảm chất lượng công việc, cuộc sống. Bệnh lý này cần được điều trị phù hơp để ngăn chặn biến chứng thần kinh nghiêm trọng.
Đau đầu cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng cần được điều trị sớm, phù hợp
2.2. Thiếu máu nặng
Các triệu chứng đau đầu kèm biểu hiện chóng mặt, mệt mỏi, … có thể bắt nguồn từ tình trạng thiếu máu nghiêm trọng. Bệnh nhân cần thăm khám để bác sĩ tư vấn các loại thuốc bổ sung phù hợp. Từ đó, triệu chứng đau đầu cũng dần được cải thiện.
2.3. Các bệnh mạn tính khác
Nếu triệu chứng đau đầu liên tục xuất hiện có thể là dấu hiệu của một số bệnh mạn tính như:
– Tăng huyết áp
– Đái tháo đường
– Lupus ban đỏ
– Đau cứng cơ
Do đó, nếu bị đau đầu trong thời gian dài, người bệnh cần đến cơ sở y tế thăm khám, làm các xét nghiệm, chụp chiếu cần thiết để bác sĩ kết luận nguyên nhân chính xác.
2.4. Đau đầu là bệnh gì? – Tai biến mạch máu não (đột quỵ não)
Khi cục máu đông hình thành, người bệnh có thể bị đau đầu liên tục. Những người thuộc nhóm nguy cơ cao tai biến mạch máu não cần lưu ý các triệu chứng sau:
– Đau đầu dữ dội, liên tục
– Nôn mửa
– Thay đổi ý thức
– Mất thăng bằng
– Giảm thị lực
– Giảm khả năng nói
– Tê bì vùng mặt hoặc toàn thân
Tai biến mạch máu não gây ra nhiều biến chứng với sức khỏe người bệnh thậm chí đe dọa tính mạng. Bên cạnh đó, chi phí điều trị và hồi phục rất tốn kém, do đó không nên chủ quan với các dấu hiệu cảnh báo này.
2.5. Khối u não
Khối u não cũng gây ra triệu chứng đau đầu dai dẳng nhiều tháng liền, cơn đau nghiêm trọng hơn vào nửa đêm về sáng. Theo thời gian, cơn đau đầu càng dữ dội, người bệnh không thể chịu được.
Lúc này, người bệnh cần được chụp CT hoặc MRI não để xác định đúng tình trạng và tư vấn cách điều trị phù hợp.
2.6. Nhiễm trùng não – màng não
Nếu đau đầu kéo dài kèm các biểu hiện sau, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để thăm khám:
– Sốt
– Căng cứng vùng gáy
– Sợ ánh sáng
– Sợ tiếng động
Đây có thể là triệu chứng nhiễm trùng não, màng não hết sức nguy hiểm. Người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm sau để chẩn đoán tình trạng bệnh:
– Chọc dò dịch não tủy xét nghiệm
– Xét nghiệm máu
– Chụp MRI sọ não
2.7. Di chứng chẩn thương, tai nạn
Tiền sử chấn thương hoặc tai nạn xảy ra ở quá khứ dù nặng hay nhẹ đều có thể gây ảnh hưởng tới não bộ và trở thành nguyên nhân đau đầu sau này.
Khi có biểu hiện đau đầu tăng dần kèm theo nôn, người bệnh được chỉ định chụp CT hoặc MRI sọ não để xác định tổn thương máu tụ mạn tính. Nếu có, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp xử trí phù hợp, an toàn.
3. Nhóm nguyên nhân đau đầu không do bệnh lý
Sau đây là một số nguyên nhân gây đau đầu kéo dài và thường xuyên không liên quan đến bệnh lý mà mỗi người cần hạn chế bao gồm:
– Thường xuyên lo âu trong cuộc sống khiến đầu óc căng thẳng.
– Tình trạng áp lực, stress kéo dài cũng là nguyên nhân.
– Cơ thể mất nước gây thiếu máu, oxy lên não.
– Hormone thay đổi ở chu kỳ kinh nguyệt, thời kỳ tiền mãn kinh, phụ nữ mang thai.
– Rối loạn giờ giấc do di chuyển giữa các múi giờ khác nhau, thói quen sinh hoạt không khoa học như thức khuya, ngủ không đủ giấc.
– Ăn uống không hợp lý, thiếu các chất quan trọng.
Dạng đau đầu này thường xuất phát từ thói quen sinh hoạt, lặp đi lặp lại trong một số điều kiện nhất định, tính chất không quá nghiêm trọng. Người bệnh nên sớm thay đổi để triệu chứng đau đầu sớm cải thiện. Bên cạnh đó, nên chú ý những thay đổi bất thường trong cơ thể có nghi ngờ liên quan đến đau đầu do bệnh lý, từ đó có biện pháp thăm khám và điều trị phù hợp.
Tìm hiểu thêm: Kiểm tra huyết áp cho người cao tuổi có cần thiết không?
Cần thăm khám để tìm ra nguyên nhân đau đầu, tránh tự ý sử dụng thuốc điều trị
4. Phương pháp điều trị, cải thiện triệu chứng đau đầu
4.1. Điều trị
Với trường hợp bị đau đầu kéo dài, bác sĩ sẽ chỉ định thăm khám, xét nghiệm và chụp chiếu chi tiết.
Một số xét nghiệm cận lâm sàng để xác định nguyên nhân gây đau nhức đầu gồm:
– Chụp cắt lớp CT
– Chụp cộng hưởng từ MRI
– Chụp X-quang
Sau khi có kết quả chụp chiếu, bác sĩ sẽ dựa vào đó để xác định nguyên nhân gây đau đầu là bệnh gì và có phác đồ điều trị phù hợp. Phổ biến nhất là điều trị đau đầu bằng các loại thuốc. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ tư vấn cách ăn uống, sinh hoạt phù hợp để cải thiện cơn đau đầu. Nếu tình trạng nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.
>>>>>Xem thêm: Từ A – Z những điều cần biết về bệnh động mạch vành
Chụp cộng hưởng từ MRI có ý nghĩa lớn trong việc chẩn đoán, điều trị các bệnh lý đau đầu
4.2. Lưu ý trong điều trị
Tuyệt đối không nên chủ quan với các cơn đau đầu và vội vàng quy chụp là đau đầu do thiếu máu não, do hội chứng tiền đình, do thời tiết thay đổi, … mà sử dụng các loại thuốc không phù hợp.
Sử dụng sai mục đích sẽ khiến cơn đau đầu ngày càng nghiêm trọng, khó điều trị và tốn nhiều thời gian, công sức.
Ngay khi có triệu chứng đau đầu, bạn nên đến chuyên khoa Nội thần kinh để được bác sĩ chẩn đoán, tư vấn điều trị sớm để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.