Đau đầu là một trong những dấu hiệu phổ biến nếu có sự xuất hiện của khối u trong não. Đau đầu trong u não có đặc điểm nhận biết riêng, tuy không quá rõ ràng, dễ nhầm lẫn với bệnh thông thường khác, nhưng cơn đau đầu trong u não cũng có những triệu chứng điển hình cùng các biểu hiện đi kèm.
Bạn đang đọc: Đau đầu trong u não có gì khác biệt?
1. Đau đầu trong u não thường có đặc điểm gì?
Tùy thuộc vào vị trí và kích thước của khối u não mà các biểu hiện trên từng người bệnh cũng khác nhau. Ở giai đoạn đầu khối u não có thể không có triệu chứng hoặc các triệu chứng rất mờ nhạt. Chỉ đến khi khối u phát triển đủ lớn, chèn ép các mô não gây áp lực lên não (tăng áp lực bên trong hộp sọ) hoặc các dây thần kinh thì mới xuất hiện tình trạng đau đầu hay triệu chứng đau đầu mới rõ rệt hơn.
1.1 Đau đầu trong u não – đau thường xuyên vào sáng sớm
Nếu bạn thường xuyên bị đau đầu khi thức dậy hoặc cơn đau đầu thường xuyên xuất hiện gây thức giấc vào ban đêm, tuyệt đối đừng chủ quan vì đây có thể là dấu hiệu của khối u não.
1.2 Đau đầu thường xuyên
Nếu như bạn thường xuyên bị đau đầu (cơn đau kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần, hay cơn đau bỗng nhiên trở nặng hơn) thì đây có thể tiềm ẩn sự xuất hiện của một khối u trong não.
1.3 Đau đầu trong u não – đau đầu dữ dội, khác thường, chưa từng xuất hiện
Nếu như đột nhiên bạn thấy xuất hiện cơn đau đầu dữ dội dội hoặc âm ỉ kéo dài mà trước đây bạn chưa từng trải qua thì hãy đến thăm khám với bác sĩ ngay, vì đây có thể là cơn đau đầu do u não hoặc do một số bệnh lý nguy hiểm khác như thiếu máu não, tai biến mạch máu não, dị dạng mạch máu não (túi phình mạch não),…
1.4 Đau đầu và cảm thấy rất mệt
Cơn đau đầu kèm cảm giác mệt mỏi như kiệt sức, dù bạn có sử dụng thuốc giảm đau như aspirin, acetaminophen hay ibuprofen cũng không khỏi thì nên đi khám với chuyên gia nội thần kinh để loại trừ nguyên nhân đau đầu trên là do u não.
1.5 Đau đầu trong u não – đầu đau như có vật gì đó đè nặng
Khi một khối u não đang phát triển, sẽ làm tăng áp lực bên trong hộp sọ làm cho cơn đau đầu dữ dội hơn. Đặc biệt khi hắt hơi hoặc ho bạn sẽ cảm nhận thấy sự tăng áp lực trong đầu, khi thay đổi vị trí hay như cúi người tập thể dục, khi la to,… thì cơn đau đầu cũng sẽ càng dữ dội hơn.
Nếu thấy cơn đau đầu có biểu hiện này, bạn cần đi khám ngay.
Tìm hiểu thêm: Vỡ mạch máu não: Triệu chứng, nguyên nhân và cách xử trí
2. Các triệu chứng khác đi kèm
Ngoài đau đầu có đặc điểm như trên, thì nếu có khối u não sẽ thường có các triệu chứng đi kèm khác như sau:
– Chóng mặt và mất thăng bằng
– Động kinh, co giật
– Thay đổi tinh thần hoặc hành vi: suy giảm trí nhớ, thay đổi tính cách, tâm trạng thất thường dễ nổi nóng.
– Thường xuyên cảm thấy buồn nôn, nôn và buồn ngủ.
– Thị lực yếu: mờ mắt, nhìn đôi, mất thị lực
– Khó nói hoặc không nói được
– Ngày càng yếu liệt dần một bên
– Mất thính lực
– Sụt cân không rõ nguyên nhân
Các triệu chứng này cũng có thể báo hiệu bệnh lý tai biến mạch máu não (đột quỵ). Cho dù là đột quỵ hay tai biến mạch máu não thì bạn cũng nên đi khám ngay, tránh để lâu bệnh trở nặng hơn gây khó khăn trong việc điều trị.
Nhiều người có thể không có bất kỳ dấu hiệu nào khi mới chớm bệnh, chỉ đến khi bệnh nặng thì các triệu chứng mới bộc lộ và đi thăm khám thì đã ở giai đoạn muộn. Tuy nhiên, may mắn rằng phần lớn khối u não là khối u lành tính (không ung thư) nên phát hiện sớm và phẫu thuật loại bỏ khi cần thiết là biện pháp hiệu quả nên thực hiện sớm.
>>>>>Xem thêm: Nguyên nhân gây ra hiện tượng suy giảm trí nhớ ở người trẻ
3. Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc u não
3.1 Tiếp xúc với bức xạ
Với những bệnh nhân đang phải thực hiện xạ trị để điều trị ung thư ở các vị trí khác trong cơ thể, nếu thấy xuất hiện triệu chứng đau đầu dữ dội hãy báo ngay cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ kiểm tra và loại trừ khả năng ung thư ở các vị trí khác đã lan đến não hay sự hình thành của khối u não nguyên phát hoặc do tác dụng phụ của thuốc điều trị ung thư ảnh hưởng đến cơ quan thần kinh,…
3.2 Tiền sử gia đình có người bị u não
Theo thống kê, có một tỷ lệ rất nhỏ bệnh nhân bị u não có tiền sử gia đình từng có người bị u não. Nhưng tỷ lệ này rất hiếm nên được coi gần như là không di truyền.
4. Lời khuyên từ chuyên gia
Các chuyên gia trong lĩnh vực Nội thần kinh cho rằng, ngay cả khi không có tiền sử ung thư trong gia đình nhưng bạn thấy xuất hiện cơn đau đầu kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần, không thuyên giảm (uống hết thuốc giảm đau lại đau), cơn đau đầu ngày càng nặng, điều trị thông thường vẫn không khỏi. Đau đầu có thể kèm theo sụt cân, tê cơ, suy giảm thị lực hoặc thính giác thì hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để được kiểm tra, chẩn đoán đúng và có biện pháp xử trí kịp thời.
Cho đến hiện nay, nguyên nhân gây u não vẫn chưa được xác định. Bạn chỉ có thể phòng ngừa u não bằng cách giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn dưới đây:
– Từ bỏ các thói quen xấu: uống bia rượu, hút thuốc, làm việc quá sức, thức khuya, ăn uống và sinh hoạt không điều độ,…
– Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: bổ sung nhiều rau củ quả và vitamin C; hạn chế ăn các thực phẩm giàu nitrit như thịt xông khói, đồ hộp, thức ăn nhanh, đồ chiên rán, đồ ăn nướng,…
– Tăng cường vận động thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe và khả năng đề kháng của cơ thể.
– Tránh xa nguồn phóng xạ bằng cách hạn chế tiếp xúc với thuốc trừ sâu, máy chụp X quang, máy chụp CT,… và các máy móc khác.
Đau đầu có thể là bệnh lý hoặc là biểu hiện các bệnh lý khác như u não, thiếu máu não, rối loạn tiền đình, mất ngủ, cúm, dị dạng mạch máu não,… Nếu có biểu hiện đau đầu nên đi khám ngay, chớ chủ quan để lâu bệnh biến chứng nặng gây khó khăn cho việc điều trị và đe dọa đến sức khỏe, tính mạng.