Dấu hiệu bị mắt hột và các giai đoạn bệnh

Bệnh đau mắt hột là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng suy giảm thị lực. Bệnh gây ra do vi khuẩn nên có thể phát triển và nhanh chóng lây lan thành dịch. Nhận biết sớm các dấu hiệu bị mắt hột và có phương án điều trị đúng cách là biện pháp tốt để tránh những biến chứng do bệnh gây ra.

Bạn đang đọc: Dấu hiệu bị mắt hột và các giai đoạn bệnh

1. Định nghĩa cơ bản về bệnh đau mắt hột

Dấu hiệu bị mắt hột và các giai đoạn bệnh

Bệnh đau mắt hột gây ra bởi vi khuẩn Chlamydia Trachomatis

Bệnh đau mắt hột là một loại bệnh viêm kết mạc, giác mạc gây ra bởi Chlamydia Trachomatis – loại vi khuẩn là tác nhân gây bệnh viêm đường tiết niệu – sinh dục có hột ở người. Vi khuẩn này có tới 15 tuýp huyết thanh khác nhau. Trong đó các tuýp A, B, Ba, C có khả năng truyền bệnh từ mắt sang mắt và gây bệnh đau mắt hột lưu địa (có thể gây mù).

Do nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn nên rất dễ lây lan thành dịch do sự tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của mắt hoặc tiếp xúc gián tiếp qua dùng chung đồ vật với người mắc bệnh.

Bệnh đau mắt hột nếu được phát hiện sớm có thể được điều trị khỏi mà không gây ảnh hưởng nhiều đến người bệnh, tuy nhiên nếu bệnh không được điều trị kip thời có thể dẫn đến các biến chứng, bao gồm:

– Viêm lớp kết mạc bờ mi

– Sẹo bên trong mí mắt

– Biến dạng mí mắt như mí mắt gấp bên trong hoặc lông mi mọc ngược

– Viêm loét giác mạc, sẹo giác mạc

– Lông xiêu, lông quặm chọc vào mắt

– Đục giác mạc mắt

– Thủng giác mạc, loét giác mạc

– Viêm nội nhãn, mù vĩnh viễn

2. Dấu hiệu bị mắt hột

Tổn thương cơ bản của bệnh đau mắt hột là xuất hiện các hột ở mắt. Diễn biến bệnh trở nặng, các hột sẽ to lên và nổi lên bề mặt, các hột này khi to đến một mức độ nhất định có thể sẽ vỡ và gây biến chứng. Việc xác định dấu hiệu bị mắt hột sớm phần nào cũng giúp việc điều trị bệnh dễ dàng hơn.

Các triệu chứng và biểu hiện của bệnh đau mắt hột thường ảnh hưởng đến cả hai mắt chia thành 2 loại là: triệu chứng cơ năng và triệu chứng thực thể

2.1 Dấu hiệu bị mắt hột cơ năng

– Mí mắt ngứa nhẹ và có kích ứng

– Ghèn mắt có chứa chất nhầy hoặc mủ

– Mí mắt sưng

– Nhạy cảm với ánh sáng đèn, ánh sáng mặt trời

– Đau mắt, nhức mắt

2.2 Dấu hiệu bị mắt hột thực thể

Tìm hiểu thêm: U nguyên bào võng mạc: Nguy hiểm ra sao – Điều trị thế nào

Dấu hiệu bị mắt hột và các giai đoạn bệnh

Người bị bệnh đau mắt hột ban đầu thường xuất hiện các hột nhỏ dưới mí mắt

– Xuất hiện hột ở mắt: Là những tổ chức hình tròn, màu xám trắng, hơi nổi lên và có mạch máu, kích thước có thể không đều, từ 0,5-1mm.

– Xuất hiện nhú gai: Là những tổ chức có hình đa giác không cụ thể, màu hồng, có trục mạch máu ở giữa gai và toả ra các mao mạch ở xung quanh.

– Thẩm lậu kết mạc

– Màng máu giác mạc: màng máu khu trú tại lớp nông, phần trên giác mạc.

– Sẹo và lõm dạng hột trên giác mạc.

3. Các giai đoạn của bệnh đau mắt hột

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh đau mắt hột chia thành 5 phân loại, tương ứng với 5 giai đoạn phát triển bệnh:

Giai đoạn viêm – nang/Phân loại TF (Trachoma Follicle): đau mắt hột có hột. Ở giai đoạn này sự nhiễm trùng mới chỉ bắt đầu, mi mắt có thể xuất hiện 5 hoặc nhiều nang nhỏ có chứa tế bào lympho.

Giai đoạn viêm – cường độ cao/Phân loại TI (Trachomatous Inflammation): đau mắt hột nặng với thâm nhiễm lan trên kết mạc sụn mi trên, che khuất tối thiểu 50% hệ mạch kết mạc sâu. Ở giai đoạn này bệnh rất dễ lây nhiễm và mắt người bệnh trở nên khó chịu, mí mắt trên có thể bị sưng nề.

Giai đoạn sẹo mí mắt/Phân loại TS (Trachomatous conjunctival Scar): đau mắt hột có sẹo mí mắt bên trong. Các vết sẹo thường xuất hiện dưới dạng các vạch trắng, hình sao, mạng lưới.

Giai đoạn lông mi mọc ngược/Phân loại TT (Trachomatous Trichiasis): đau mắt hột có biến chứng lông quặm cọ vào giác mạc. Xảy ra do sẹo mí mắt làm cho lông mi mọc ngược vào trong và cọ vào giác mạc.

Giai đoạn đục giác mạc/Phân loại CO (Corneal Opacity): đau mắt hột biến chứng đục giác mạc. Ở giai đoạn này giác mạc bị tổn thương bởi tình trạng viêm. Viêm mắt kéo dài kết hợp với tác động gãi dẫn đến bị đục giác mạc. Biến chứng này nặng hơn có thể dẫn đến loét giác mạc, thậm chí mù một phần hoặc hoàn toàn.

4. Cẩn trọng vì nguy cơ lây nhiễm bệnh mắt hột

Dấu hiệu bị mắt hột và các giai đoạn bệnh

>>>>>Xem thêm: 2 Trường hợp có hạt trong mắt cần phân biệt rõ, tránh nguy hiểm

Trẻ em là đối tượng dễ bị đau mắt hột

Bệnh đau mắt hột có nguyên nhân từ vi khuẩn, chính vì vậy bệnh có khả năng lây truyền từ người này sang người khác một cách dễ dàng và có thể tạo thành dịch khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch mắt của người mắc bệnh. Các con đường làm tăng nguy cơ lây lan bệnh là:

– Lây giữa người trong cùng gia đình: Bệnh đau mắt hột có nguy cơ lây lan cao trong gia đình. Đặc biệt, trẻ em dưới 10 tuổi có nguy cơ cao bị đau mắt hột hoạt tính, phụ nữ từ 35 tuổi trở lên nguy cơ cao mắc đau mắt hột quặm mi. Theo nghiên cứu, trẻ em bị đau mắt hột hoạt tính thường là ổ lây truyền bệnh chủ yếu trong cộng đồng.

– Dùng chung khăn mặt, đồ vải dính dịch từ mắt của người bệnh: người khỏe mạnh khi dùng chung khăn mặt với người bị đau mắt hột có khả năng nhiễm bệnh cao, do tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn gây bệnh.

– Lây truyền bệnh do ruồi: Ruồi là vật lây truyền bệnh đau mắt hột do chúng có thể mang vi khuẩn có trong gỉ mắt người bệnh đậu vào mắt hoặc tay người lành, dẫn đến bị bệnh do chạm tay lên mắt.

– Do tay không vệ sinh: Người bệnh dụi tay lên mắt bệnh sau đó không rửa tay lại mà vô tình đưa tay sang mắt lành sẽ khiến mắt còn lại bị lây bệnh (tự lây truyền) hoặc vô tình tiếp xúc, chạm vào tay, mắt người lành.

5. Các biện pháp phòng ngừa đau mắt hột

Bệnh đau mắt hột có khả năng lây lan nhanh và tái nhiễm nếu không biết bảo vệ mắt đúng cách. Để hạn chế khả năng lây và nhiễm bệnh, chúng ta cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cộng đồng để tránh lây nhiễm bệnh cho người khác hoặc bị lây nhiễm bệnh từ bên ngoài.

Vì khả năng lây lan của bệnh, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra chiến lược SAFE về bệnh đau mắt hột như sau:

– S (Surgery – phẫu thuật): Người bị bệnh đến giai đoạn mi mọc ngược nên mổ quặm sớm vì đây là nguyên nhân trực tiếp gây biến chứng mù lòa hoặc xử lý lông xiêu bằng cách nhổ bỏ.

– A (Antibiotics – kháng sinh): Khi bị đau mắt hột hoạt tính cần điều trị sớm bằng kháng sinh nhằm tiêu diệt ổ nhiễm khuẩn giúp bệnh nhanh khỏi và hạn chế tình trạng lây lan xung quanh.

– F (Face Washing – Rửa mặt): Người bệnh nên rửa mặt 3 lần mỗi ngày nhẹ nhàng bằng nước sạch và sử dụng khăn riêng nhằm loại bỏ chất tiết kết mạc ở mắt và hạn chế lây bệnh trong gia đình và ra ngoài cộng đồng.

– E (Environment Improvements – cải thiện môi trường): Để ngăn ngừa bệnh lây lan ngoài cộng đồng cần cải thiện tình trạng vệ sinh môi trường, sử dụng nguồn nước sạch, dọn dẹp nơi ở sạch sẽ, thoáng mát.

Đau mắt hột là bệnh lý lây lan nhanh và gây biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Do đó, chúng ta cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường và đi khám nay khi phát hiện dấu hiệu bị mắt hột để điều trị sớm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *