Mất ngủ không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống, công việc mà còn có thể tác động lâu dài tới sức khỏe người bệnh, tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh lý như tim mạch, đột quỵ, ung thư,… Càng nhận diện sớm và điều trị đúng hướng thì càng giảm thiểu được những nguy hiểm kể trên. Bài viết sau đây sẽ bật mí các dấu hiệu mất ngủ thường gặp giúp phát hiện sớm căn bệnh này.
Bạn đang đọc: Dấu hiệu mất ngủ: Dễ nhận biết nhưng chớ chủ quan!
1. Vai trò của giấc ngủ và việc nhận diện sớm bệnh mất ngủ
Giấc ngủ ngon có vai trò quan trọng đối với con người trên cả phương diện sức khỏe và tinh thần. Một giấc ngủ ngon sẽ giúp bộ não được nghỉ ngơi. Bên cạnh đó lọc sạch những chất chuyển hóa tích tụ trong hệ thần kinh, giúp não bộ được phục hồi. Do vậy, giấc ngủ ngon vào đêm hôm trước sẽ mang đến cho bạn một buổi sáng tràn đầy năng lượng, sáng tạo, tăng hiệu quả làm việc và cảm xúc.
Lúc bạn ngủ cũng là thời gian não bộ tổ chức lại các luồng xung động thần kinh bị rối loạn, chuyển dần sang trạng thái thức tỉnh để chuẩn bị tiếp nhận các thông tin mới. Lúc này, trí nhớ ngắn hạn được chuyển thành trí nhớ dài hạn, giúp bạn ghi nhớ mọi thứ chính xác hơn.
Ngoài ra, giấc ngủ say và ngon sẽ giúp bạn có làn da đẹp hơn, tăng miễn dịch, cải thiện chỉ số cảm xúc. Các chuyên gia cho biết những người ngủ ít hơn 7 giờ/đêm có khả năng bị cảm lạnh cao gần gấp 3 lần so với những người ngủ đủ giấc.
Tuy nhiên nhiều người lại gặp những rối loạn trong khi ngủ, phổ biến nhất là mất ngủ. Mất ngủ chiếm đến 50% các trường hợp rối loạn giấc ngủ, có thể làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh, thậm chí gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe. Vì vậy, căn bệnh này cần sớm được nhận diện để có phương pháp điều trị kịp thời.
2. Những dấu hiệu mất ngủ chớ nên chủ quan
Các triệu chứng thường gặp của bệnh mất ngủ có thể bao gồm:
2.1 Khó đi vào giấc ngủ – Dấu hiệu mất ngủ thường gặp
Không buồn ngủ, khó đi vào giấc ngủ, nằm trên giường nhưng thao thức mãi không ngủ được dù đã đến giờ ngủ… là những dấu hiệu dễ nhận thấy của chứng mất ngủ. Tình trạng này có thể xảy ra do những thói quen xấu của cơ thể trước khi ngủ như ăn quá no, sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ,… hoặc do các bệnh lý.
2.2 Thời gian ngủ ít
Tùy vào từng độ tuổi mà mỗi người có thời gian ngủ khác nhau. Trung bình, mỗi người trưởng thành cần 6 – 8 tiếng/ngày để ngủ. Đối với trẻ em, thanh thiếu niên là 10 -12 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên khi bị mất ngủ, người bệnh chỉ ngủ được 3 – 4 tiếng/đêm, thậm chí nhiều người thức trắng đêm, không thể chợp mắt một chút nào.
2.3 Chất lượng giấc ngủ kém
Không chỉ có thời gian ngủ ít mà ở những người bị mất ngủ, chất lượng giấc ngủ cũng có thể kém đi. Biểu hiện là:
– Ngủ không sâu giấc
– Giấc ngủ bị không liền mạch, thường đứt đoạn, chập chờn
– Người bệnh tỉnh dậy nhiều trong đêm, mỗi lần thức dậy thường dài hơn 30 phút và khó ngủ lại
– Thường xuyên mơ ác mộng, hoảng loạn hoặc có những hành động lạ trong khi ngủ
2.4 Thức dậy sớm là dấu hiệu mất ngủ cần cảnh giác
Do cảm thấy khó chịu, trằn trọc cả đêm, tỉnh dậy và không ngủ lại được nên những người bị mất ngủ thường có xu hướng dậy từ rất sớm. Có những người 3 – 4 giờ sáng đã thức dậy. Điều này đặc biệt dễ thấy ở những người trung niên và cao tuổi.
2.5 Mệt mỏi sau khi thức dậy
Hậu quả của việc không đảm bảo thời gian và chất lượng giấc ngủ là người bệnh cảm thấy mệt mỏi, uể oải sau khi thức dậy. Họ thậm chí có cảm giác như chưa được ngủ và luôn buồn ngủ vào ngày hôm sau, dẫn đến mất tập trung và giảm hiệu quả trong công việc.
Tình trạng mệt mỏi sau khi ngủ dậy còn có thể đi kèm các vấn đề khác như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn,…
2.6 Thay đổi tính tình, thường xuyên cáu gắt
Việc không có giấc ngủ trọn vẹn mỗi đêm có thể gây ảnh hưởng lớn đến tâm trạng, khiến người bệnh thay đổi tính tình, thường xuyên cáu gắt với đồng nghiệp, người thân, gây ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ xã hội.
Tùy vào mức độ bệnh và khả năng thích ứng của cơ thể mà các biểu hiện này có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân.
Tìm hiểu thêm: Đau đầu như kim châm là bệnh gì?
3. Cần làm gì khi thấy các dấu hiệu thiếu ngủ, mất ngủ?
3.1 Mất ngủ có nguy hiểm không?
Việc mất ngủ trong một thời gian ngắn rồi tự hết (mất ngủ cấp tính) có thể không gây nguy hiểm đối với sức khỏe. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài trên 1 tháng hoặc với tần suất trên 3 lần/tuần (mất ngủ mạn tính) và không được điều trị kịp thời thì có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ra các biến chứng như:
– Rối loạn sức khỏe tâm thần, phổ biến nhất là trầm cảm, rối loạn lo âu
– Tăng nguy cơ mắc và mức độ nghiêm trọng của các bệnh mạn tính như huyết áp cao, bệnh tim…
– Giảm khả năng phản ứng khi lái xe, do đó làm tăng nguy cơ tai nạn
3.2 Biện pháp ứng phó
Khi thấy các dấu hiệu mất ngủ, bạn cần chủ động theo dõi sức khỏe. Nếu chứng mất ngủ kéo dài và khiến bạn gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động vào ban ngày, hãy đi khám chuyên khoa Nội thần kinh để xác định nguyên nhân gây ra vấn đề về giấc ngủ và được tư vấn cách điều trị phù hợp.
Một số thay đổi trong lối sống có thể tác động tích cực, giúp cải thiện chứng mất ngủ như:
– Thiết lập và duy trì kế hoạch ngủ khoa học, cố gắng đi ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc
– Tránh việc ăn no, dùng chất kích thích, hoạt động thể chất quá mạnh, sử dụng các thiết bị điện tử,…trước khi ngủ
– Bố trí phòng ngủ thoải mái, hạn chế ánh sáng và tiếng ồn
– Tập luyện thể dục thể thao, tăng tuần hoàn, giảm căng thẳng
– Ăn uống điều độ, đặc biệt bổ sung các loại thực phẩm tốt cho não bộ và giấc ngủ
>>>>>Xem thêm: Tìm hiểu bệnh đau đầu và cách điều trị hỗ trợ hiệu quả
Tóm lại, các dấu hiệu mất ngủ không quá khó để nhận biết nhưng đòi hỏi mỗi chúng ta phải “lắng nghe cơ thể” và không chủ quan trước những thay đổi nhỏ nhất, như vậy mới tránh để lọt bệnh và có hướng khắc phục kịp thời.