Viêm tai giữa hay còn được biết đến với tên gọi nhiễm trùng tai là một bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa hoặc khi thời tiết trở lạnh đột ngột, bệnh có xu hướng gia tăng mạnh mẽ. Thông thường, viêm tai giữa hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu như được xử lý đúng cách. Tuy nhiên, đối với bệnh viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh việc điều trị thường phức tạp hơn bởi các dấu hiệu khó nhận biết so với trẻ lớn.
Bạn đang đọc: Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh
1. Tìm hiểu về bệnh viêm tai giữa
Viêm tai giữa là sự tổn thương và viêm nhiễm xuất hiện ở trong tai giữa do tác nhân gây ra là virus, vi khuẩn sinh sôi ở tai hoặc các yếu tố ở bên ngoài môi trường tác động. Viêm tai giữa bao gồm viêm tai giữa cấp tính và viêm tai giữa có dịch tiết.
Viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh thường rất dễ mắc phải nhưng lại không hề dễ chữa, bố mẹ cần lưu ý một số nguyên nhân gây bệnh dưới đây để có biện pháp điều trị cũng như phòng ngừa hiệu quả nhất:
– Đối với trẻ sơ sinh, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện gây khó khăn trong việc chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn
– Trẻ sơ sinh có cấu trúc tai chưa hoàn thiện. Tai trong của trẻ được kết nối với mặt sau của cổ họng thông qua ống thính giác, thông thường, ống thính giác sẽ mở để các chất lỏng và tạp chất có thể thoát ra ngoài. Tuy nhiên, khi ống này bị kẹt và đóng lại, các chất thải không được thoát ra ngoài khiến vi khuẩn cũng sẽ bị mắc kẹt trong tai, lâu dần có thể gây nhiễm trùng.
– Trẻ sơ sinh có cấu tạo màng nhĩ ngắn, rộng và nằm ngang nên vi khuẩn rất dễ xâm nhập vào trong tai.
– Bố mẹ không vệ sinh tai sạch sẽ cho trẻ, điều này làm cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập làm tổn thương màng nhĩ dễ gây ra tình trạng tắc và viêm
– Sự thay đổi của yếu tố thời tiết hoặc trẻ dễ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp
Bệnh viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh là tình trạng tổn thương và viêm nhiễm xuất hiện ở trong tai giữa do virus, vi khuẩn hoặc các yếu tố bên ngoài môi trường gây ra
2. Dấu hiệu trẻ mắc bệnh viêm tai giữa
Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của viêm tai giữa là đau, nhức tai và suy giảm thính lực, trẻ không nghe thấy rõ. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh lại chưa biết nói đòi hỏi bố mẹ phải đặc biệt để ý đến các biểu hiện ở trẻ. Một số dấu hiệu trẻ sơ sinh mắc bệnh viêm tai giữa bao gồm:
– Trẻ bị sốt, có khi lên tới 39 độ C
– Trẻ thường xuyên quấy khóc, khó ngủ hoặc cáu gắt không rõ nguyên nhân
– Trẻ tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa
– Trẻ sổ mũi, ho nhiều
– Trẻ thường kéo tai hoặc túm vào tai
Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh bị viêm tai giữa cũng có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như: Chảy mủ, dịch từ ống tai ngoài, trở nên kém phản ứng với âm thanh…
Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân trẻ bị hôi miệng nhiệt miệng
Khi mắc bệnh viêm tai giữa, trẻ thường có biểu hiện quấy, khóc liên tục
3. Chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh
3.1. Phương pháp chẩn đoán viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh
Để chẩn đoán viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh, bác sĩ sẽ kết hợp giữa biểu hiện lâm sàng của người bệnh cùng với việc soi tai để kiểm tra xem tai giữa có xuất hiện dịch, xung huyết, mủ hay thủng màng nhĩ không. Trong quá trình chẩn đoán, bác sĩ sử dụng đèn cầm tay gọi là kính soi tai để quan sát màng nhĩ hoặc có thể làm sạch ráy tai để có thể quan sát.
3.2. Phương pháp điều trị viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh
Nhìn chung, bệnh có xu hướng thuyên giảm và sẽ tự khỏi sau khoảng từ 4 đến 7 ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, ở trường hợp trẻ sơ sinh còn quá bé hay những triệu chứng không thể cải thiện trong một thời gian dài, lúc này bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc kháng sinh hoặc các loại thuốc giảm đau, hạ sốt (trẻ sốt trên 38,5 độ C).
Trường hợp trẻ xuất hiện thêm triệu chứng chảy mủ tai, phụ huynh cần lưu ý làm sạch tai kết hợp với sử dụng thuốc nhỏ tai, làm sạch tai theo chỉ định của bác sĩ. Lưu ý trong quá trình điều trị, trẻ cần được theo dõi và tái khám sau khoảng từ 1 đến 4 tuần để kiểm tra xem tình trạng nhiễm trùng và dịch ở trong tai đã khỏi hay chưa, nếu tình trạng trên vẫn còn tiếp diễn thì có thể điều chỉnh đơn thuốc sao cho phù hợp.
4. Các biện pháp phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh
Để phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh từ sớm, phụ huynh có thể thực hiện một số biện pháp sau đây:
– Không cho trẻ tiếp xúc với trẻ mắc bệnh cảm lạnh
– Tuyệt đối tránh để nước nhỏ vào tai, đặc biệt là khi trẻ đang bị viêm nhiễm bởi điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và xâm nhập
– Không để trẻ tiếp xúc với tiếng ồn mạnh gây ảnh hưởng đến thính lực của trẻ
– Cho trẻ bú sữa mẹ để giúp tăng cường khả năng miễn dịch cho trẻ. Trường hợp trẻ bú sữa công thức, mẹ điều chỉnh tư thế cho trẻ bú sao cho phù hợp, lưu ý chỉ cho trẻ bú ở tư thế ngồi và nhớ giúp trẻ ợ hơi sau khi bú
– Hạn chế cho trẻ ngậm vú giả, trường hợp bắt buôc phải dùng, nhớ chú ý thời gian và không cho trẻ ngậm quá lâu
– Tiêm vắc xin ngừa phế cầu hoặc vắc xin ngừa cúm để đề phòng viêm tai giữa cũng như các bệnh lý hô hấp khác
– Trường hợp ở tai trẻ có dị vật rơi vào tai thì cần đưa trẻ đi gặp các bác sĩ Chuyên Khoa Tai Mũi Họng để được gắp dị vật ra ngoài
>>>>>Xem thêm: Viêm phế quản co thắt ở trẻ em và cách điều trị
Bác sĩ đang công tác tại Khoa Nhi- Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI là những bác sĩ đầu ngành giàu kinh nghiệm và chuyên môn cao
Hi vọng rằng với những thông tin trên, bố mẹ đã nắm được các kiến thức hữu ích về bệnh viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh để qua đó có thể chủ động phòng ngừa và điều trị sớm.
Khoa Nhi – Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc luôn được đánh giá là một trong những khoa uy tín nhất bệnh viện. Không chỉ là nơi quy tụ nhiều bác sĩ giỏi trong lĩnh vực Nhi khoa từng làm việc tại các bệnh viện lớn và có nhiều năm kinh nghiệm, khoa Nhi Thu Cúc còn chú trọng đầu tư vào cơ sở vật chất bằng việc trang bị máy móc và những thiết bị hiện đại, tân tiến để có thể đáp ứng nhu cầu thăm khám ở mọi lứa tuổi. Ngoài ra thì khoa Nhi cũng luôn chủ động phối hợp với hầu hết các khoa khác như Tai-Mũi-Họng để có thể kịp thời phát hiện, chẩn đoán các bệnh lý như: Viêm tai giữa, viêm họng, viêm mũi xoang. Bên cạnh đó, với phương châm “Thăm khám tận tình – Hạn chế khán sinh”, các bác sĩ tuyệt đối không lạm dụng kháng sinh để có thể xây dựng phác đồ điều trị đảm bảo sức khỏe của con yêu một cách tốt nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.