Kiết lỵ là bệnh đường tiêu hóa đem đến rất nhiều hậu quả nghiêm trọng thậm chí gây tử vong cho trẻ khi không được điều trị kịp thời và nhanh chóng. Trẻ em với hệ tiêu hóa non yếu và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên rất dễ mắc bệnh. Bố mẹ hãy nắm rõ các kiến thức cơ bản của bệnh để có biện pháp xử trí kịp thời khi trẻ bị kiết lỵ.
Bạn đang đọc: Dấu hiệu nhận biết và xử trí kịp thời khi trẻ bị kiết lỵ
Bệnh kiết lỵ đem đến nhiều khó chịu cho trẻ em, có thể dẫn đến biến chứng tử vong.
1. Bệnh kiết lỵ là gì?
Đầu tiên cần lưu ý, bệnh kiết lỵ là hiện tượng nhiễm trùng ở ruột già do một số loại vi khuẩn và ký sinh trùng gây nên. Một số loại vi khuẩn có thể đề cập đến như: shigella, E. coli, salmonella,… Các loại vi khuẩn này tấn công đường ruột của trẻ bằng các đường: lây truyền khi tiếp xúc với vi khuẩn có trong phân, thực phẩm, đồ uống không đảm bảo vệ sinh, bơi lội trong bể có nguồn nước ô nhiễm, nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm,… Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là trẻ từ 2 – 4 tuổi. Đây là một bệnh nặng, chiếm tới 25% nguyên nhân tử vong do tiêu chảy.
2. Trẻ bị kiết lỵ có triệu chứng như thế nào?
Giai đoạn đầu trẻ bị kiết lỵ thường không có biểu hiện rõ ràng, trẻ chỉ có biểu hiện tiêu chảy nhẹ, bố mẹ thường bị nhầm lẫn với chứng tiêu chảy thông thường và khiến tình trạng bệnh của trẻ trở nên nặng hơn. Bệnh kiết lỵ thường có các biểu hiện như:
– Trẻ bị tiêu chảy, phân có thể bắt đầu là trạng thái nước rồi chuyển thành máu hoặc có máu xuất hiện trong phân khi trẻ bị tiêu chảy
– Nhiệt độ cơ thể thất thường, có thể bị sốt hoặc hạ nhiệt
– Biểu hiện đau bụng
– Trẻ cố gắng quá sức khi đi đại tiện khiến đau rát hậu môn khiến trẻ khó chịu, quấy khóc
– Trẻ khát nước hơn do bị mất nước hoặc không uống được
– Da khô, môi khô, mắt trũng
Bệnh kiết lỵ được chia làm 2 dạng với các biểu hiện đặc trưng như:
– Kiết lỵ amip: trẻ có các cơn đau bụng quặn thắt từng cơn, đa số trẻ không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ, cơ thể có cảm giác ớn lạnh, phân có kèm chất nhầy hoặc máu
– Kiết lỵ trực trùng: trẻ mắc thể bệnh này có các cơn sốt cao, tình trạng tiêu chảy nhẹ, luôn có cảm giác muốn đại tiện
Đa số trẻ nhỏ dưới 5 tuổi không thể mô tả được các biểu hiện nên bố mẹ cần đặc biệt chú ý tới các biểu hiện bất thường của con. Các biến chứng của bệnh kiết lỵ kéo dài có thể kể đến như: lồng ruột, viêm ruột thừa, xuất huyết tiêu hóa,…
Tìm hiểu thêm: Trẻ bị sốt phải làm sao cho hết? Lời khuyên cho mẹ
Trẻ bị kiết lỵ thường khó chịu, quấy khóc.
3. Nguyên nhân gây nên bệnh kiết lỵ
Bệnh kiết lỵ đã được các nhà khoa học nghiên cứu và tìm ra được nguyên nhân gây bệnh từ đó có tác dụng rất lớn trong quá trình điều trị bệnh. Nguyên nhân khiến trẻ bị kiết lỵ có thể điểm qua như:
– Khuẩn amip: đây là nguyên nhân chính gây bệnh về đường tiêu hóa trong đó có cả tiêu chảy
– Các vi khuẩn khác như: shigella amigua, paradystenteria,…
Ngoài ra còn có các yếu tố liên quan đến môi trường sống và chế độ sinh hoạt khiến trẻ mắc kiết lỵ:
– Đồ ăn, đồ uống không đảm bảo vệ sinh dễ khiến trẻ bị nhiễm khuẩn. Đồ ăn không được rửa sạch hoặc đã ôi, thiu, không còn tươi có thể là ổ vi khuẩn gây hại tiêu hóa bé.
– Tiếp xúc với động vật không được vệ sinh sạch sẽ
– Không giữ vệ sinh tay, dùng tay bốc thức ăn gia tăng nguy cơ mắc kiết lỵ ở trẻ
– Mắc bệnh do tiếp xúc với tay, đồ dùng cá nhân của người mắc bệnh sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với phân mà không vệ sinh sạch sẽ
4. Cần kịp thời điều trị bệnh kiết lỵ cho trẻ
Việc điều trị bệnh kiết lỵ cần đảm bảo càng sớm càng tốt để đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Rất nhiều trường hợp nhiễm khuẩn nặng khi đến các cơ sở y tế đã đe dọa đến tính mạng. Khi được thăm khám, trẻ có thể được chỉ định xét nghiệm phân và máu để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
– Dùng kháng sinh: thuốc kháng sinh sẽ rút ngắn thời gian bị bệnh và thuyên giảm triệu chứng. Trong đó, tình trạng mất nước là nghiêm trọng nhất. Trẻ bị mất nước lâu, nhiều sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Việc sử dụng kháng sinh cần cẩn trọng bởi vi khuẩn có thể sẽ không phản ứng gây hại rộng hơn cho đường ruột có thể gây nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Việc sử dụng kháng sinh còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, thể trạng bệnh nhân. Bố mẹ tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh khi trẻ bị tiêu chảy. Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi có thể khiến trẻ bị rối loạn vi khuẩn, ngộ độc thuốc. Bên cạnh đó, nếu trẻ có biểu hiện nôn thì bố mẹ cũng không được cho trẻ uống thuốc chống nôn vì có thể gây nên tình trạng khỏi bệnh giả tạo làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
>>>>>Xem thêm: Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết: Việc nên và không nên
Trẻ có dấu hiệu bất thường cần được đưa đến cơ sở y tế để tiếp nhận chẩn đoán và điều trị kịp thời.
– Chú ý bù nước, bù dịch trong suốt quá trình điều trị. Nếu bù nước bằng oresol thì nên đảm bảo pha đúng nồng độ, dùng đúng liều lượng và bảo quản đúng cách. Oresol an toàn và có hiệu quả bù nước nhưng nếu dùng sai cách có thể khiến tình trạng mất nước nghiêm trọng hơn.
– Chú ý chế độ dinh dưỡng khi trẻ bị kiết lỵ: trẻ có xu hướng biếng ăn, bỏ bữa khi bị kiết lỵ. Vì vậy, bố mẹ nên thay đổi chế độ ăn sang các loại thức ăn lỏng, dễ nuốt và chia nhỏ bữa. Bố mẹ không nên kiêng khem chặt chẽ vì có thể khiến trẻ bị suy kiệt. Trong suốt quá trình điều trị (nội trú hoặc ngoại trú) bố mẹ luôn phải theo dõi trẻ sát sao để kết hợp cùng bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh.
5. Phương pháp phòng ngừa cho trẻ
Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, phòng tránh nguy cơ mắc kiết lỵ, bố mẹ có thể áp dụng các biện pháp phòng bệnh dưới đây:
– Xây dựng thói quen sinh hoạt tốt: vệ sinh tay sạch sẽ với xà phòng hoặc nước rửa tay khô
– Đảm bảo không gian sống luôn sạch sẽ và cách ly người bệnh khỏi những ng khỏe mạnh hoặc đảm bảo vệ sinh sạch sẽ sau khi chăm sóc cho người bệnh
– Ăn uống đủ chất, bù nước cho trẻ bằng cách cho bú đều đặn hoặc uống nước, ăn hoa quả, uống oresol
– Đảm bảo ăn chín uống sôi
Bệnh kiết lỵ có thể cướp đi mạng sống của trẻ chỉ trong vòng vài giờ nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, bố mẹ đừng chủ quan trước mọi biểu hiện dù là nhỏ nhất. Hãy đảm bảo chế độ ăn uống, sinh hoạt sạch sẽ ở mức cao nhất để bảo vệ con khỏi bệnh tật. Khi trẻ có dấu hiệu bất thường, hãy lựa chọn cơ sở y tế uy tín, gần nhất để điều trị cho trẻ. Nhi khoa Thu Cúc TCI đồng hành cùng bạn 24/24 tạo lá chắn bảo vệ sức khỏe con yêu.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.