Suy tim thường là hậu quả của một hoặc rất nhiều bệnh lý tim mạch khác nhau. Nắm được các dấu hiệu suy tim sẽ giúp bạn nhận diện và chẩn đoán sớm căn bệnh này.
Bạn đang đọc: Dấu hiệu suy tim và cách chẩn đoán, điều trị
1. Các dấu hiệu suy tim cần phải biết
Suy tim là tình trạng tim suy yếu do sự xuất hiện của các tổn thương thực thể hay tình trạng rối loạn chức năng tim. Lúc này tâm thất không có đủ khả năng tiếp nhận máu hoặc giảm khả năng tống máu. Tùy từng giai đoạn và mức độ suy yếu mà người bệnh có các triệu chứng biểu hiện sau:
1.1 Khó thở là dấu hiệu suy tim thường gặp
Khó thở là một trong những triệu chứng suy tim thường gặp. Khi tim suy yếu, khả năng cung cấp máu giàu oxy giảm đi khiến người bệnh gặp tình trạng khó thở. Khó thở có thể chỉ xảy ra ngay khi người bệnh hoạt động nhưng cũng có những trường hợp xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi. Ở giai đoạn suy tim nặng, người bệnh có thể khó thở khi nằm đầu thấp. Tình trạng khó thở kịch phát về đêm khiến người bệnh thức dậy.
Khó thở là dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân có tim suy yếu.
1.2 Mệt mỏi, chóng mặt hoặc choáng váng
Đây là hậu quả của việc tim không cung cấp đủ lượng máu cần thiết cho các cơ quan trong cơ thể. Nếu đột nhiên cảm thấy mệt mỏi, thậm chí kiệt sức sau khi làm những việc quen thuộc như leo cầu thang, lấy đồ ra khỏi xe,… thì rất có thể bạn đã bị suy tim. Dấu hiệu suy tim này thường gặp ở phụ nữ.
Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể bị choáng váng, chóng mặt. Triệu chứng này có thể do bạn không uống đủ nước hay không ăn đủ chất, đứng lên quá nhanh nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo suy tim, đặc biệt nếu có thể kèm với tức ngực hoặc khó thở.
1.3 Sưng phù chân, bàn chân và cổ chân
Sưng phù chân là triệu chứng cảnh báo vấn đề ở hoạt động bơm máu của tim. Khi tim không bơm đủ nhanh hoặc không đủ sức hút máu về, máu đọng lại trong các tĩnh mạch và gây phù. Tình trạng suy tim cũng khiến hoạt động của thận bị ảnh hưởng, khó loại bỏ nước và natri thừa ra khỏi cơ thể. Đây là cơ chế gây phù thứ 2 ở các bệnh nhân suy tim. Sưng phù do suy tim thường nhẹ vào buổi sáng và nặng hơn vào cuối ngày.
1.4 Ho liên tục
Ho không phải dấu hiệu đặc trưng của suy tim nhưng có thể là một yếu tố cảnh báo trong nhiều trường hợp. Nếu bản thân bị bệnh tim hoặc biết mình có nguy cơ mắc bệnh, bạn cần cảnh giác với triệu chứng này.
Ho do suy tim thường kéo dài kèm theo đờm trắng hoặc hồng. Ho kéo dài có thể khiến người bệnh bị mất ngủ, mệt mỏi, khàn tiếng. Bệnh càng nặng, tần suất ho càng nhiều, nhất là khi nằm xuống. Có khi người bệnh phải ngồi hẳn dậy cho thoải mái hơn.
1.5 Đau tức ngực, cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực
Tình trạng đau thắt ngực là một trong những triệu chứng cảnh báo suy tim, thường gặp ở những trường hợp suy tim do các vấn đề tim mạch như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim. Cảm giác này thường sẽ tồn tại trong vài phút và có thể xuất hiện lúc bạn nghỉ ngơi hoặc lúc bạn hoạt động thể chất, kèm theo khó thở, ho hoặc không.
Hồi hộp, đánh trống ngực, rối loạn nhịp tim bởi việc giảm công suất bơm máu, khiến tim phải hoạt động nhiều hơn.
1.6 Buồn nôn, khó tiêu, ợ nóng hoặc đau dạ dày
Khi tim suy yếu, lượng máu cung cấp cho hệ tiêu hóa cũng có thể giảm đi, gây rối loạn chức năng tiêu hóa và gây ra các triệu chứng buồn nôn, ợ nóng, đau dạ dày,… Triệu chứng này thường gặp ở các bệnh nhân nữ nhiều hơn bệnh nhân nam. Vì vậy, nếu cảm thấy có dấu hiệu như trên kèm theo bất cứ triệu chứng suy tim nào khác, hãy đến gặp bác sĩ kiểm tra.
1.7 Ngáy – Dấu hiệu suy tim ít được chú ý
Ngáy to, âm thanh như tiếng thở hổn hển hoặc nghẹt thở có thể là biểu hiện của chứng ngưng thở khi ngủ. Tình trạng ngưng thở trong có thể là dấu hiệu cho thấy tim phải gánh nhiều áp lực và suy yếu.
Tìm hiểu thêm: Mất ngủ ăn rau gì và lưu ý khi điều trị
Ngủ ngáy có thể là triệu chứng cảnh báo suy tim?
1.8 Giảm khả năng suy nghĩ
Người bệnh suy tim còn bị giảm trí nhớ hoặc mất phương hướng. Nguyên nhân là do sự thay đổi nồng độ của một số chất trong máu, chẳng hạn như natri.
2. Nguyên nhân gây suy tim
Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy tim là:
– Tăng huyết áp
– Bệnh lý mạch vành như: Các trường hợp thiếu máu cục bộ cơ tim, hội chứng vành cấp,…
– Hẹp van tim: Bệnh hẹp van 2 lá hay hẹp van động mạch chủ,…
– Hở van tim: Có thế là hở van hai lá, hở van động mạch chủ…
– Bệnh tim bẩm sinh: điển hình thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch, cửa sổ phế chủ,..
– Tiền sử gia đình có rối loạn về di truyền hoặc người thân có tiền sử mắc bệnh
– Rối loạn do thâm nhiễm
– Các tổn thương xảy ra do thuốc hoặc nhiễm độc
– Các bệnh chuyển hóa như bệnh lý tuyến giáp, đái tháo đường
– Do nhiễm virus hoặc ảnh hưởng của các tác nhân gây nhiễm trùng khác
– Rối loạn nhịp và tần số tim
3. Chẩn đoán bệnh suy tim
Để chẩn đoán suy tim, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, tiền sử gia đình, khám lâm sàng, kết hợp các phương pháp cận lâm sàng như:
– Điện tâm đồ ECG
– X-quang tim phổi
– Siêu âm tim qua thành ngực
– Holter điện tâm đồ 24 giờ
– Chụp CT động mạch vành
– Chụp MRI tim
– Xét nghiệm máu tổng quát, NT- Pro BNP
>>>>>Xem thêm: Phòng bệnh tim mạch bằng cách… ngủ trưa
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ suy tim, người bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị sớm.
4. Điều trị suy tim
Suy tim là một bệnh mạn tính cần được quản lý suốt đời. Việc điều trị có thể giúp các dấu hiệu và triệu chứng được cải thiện, tim trở nên khỏe hơn, chức năng tim hồi phục, giúp người bệnh có cuộc sống chất lượng hơn, sống thọ hơn và giảm nguy cơ đột tử.
Đa phần các trường hợp mắc bệnh này, bác sĩ sẽ sử dụng kết hợp các loại thuốc hoặc thiết bị hỗ trợ.
Phác đồ điều trị bằng thuốc có thể là sự kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau tùy theo thể trạng bệnh nhân. Thông thường nitrat được dùng để giảm cơn đau thắt ngực, statin giúp giảm cholesterol hoặc thuốc làm loãng máu để giúp ngăn ngừa cục máu đông… Người bệnh cần tuân thủ đơn thuốc để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu.
Nếu người bệnh không đáp ứng điều trị nội khoa hoặc nguyên nhân gây suy tim do bệnh van tim, hẹp động mạch vành, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn nhịp nghiêm trọng thì bác sĩ có thể gợi ý phẫu thuật.
Như vậy, chúng ta vừa tìm hiểu các dấu hiệu suy tim, nguyên nhân gây bệnh, cách chẩn đoán và điều trị cơ bản. Nếu có dấu hiệu ngghi ngờ, hãy đi khám chuyên khoa tim mạch sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.