Khi thời tiết giao mùa, trẻ em do sức đề kháng còn yếu nên dễ mắc các bệnh lý về đường hô hấp. Trong đó, phổ biến là bệnh viêm phế quản với các dấu hiệu như ho, nghẹt mũi, khó thở…Điều trị viêm phế quản ở trẻ tuy không quá khó nhưng nếu chủ quan, không theo dõi và điều trị kịp thời sẽ dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, suy hô hấp, thậm chí có thể gây tử vong. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn các kiến thức cơ bản về bệnh viêm phế quản để bạn chủ động chữa trị và phòng ngừa bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe cho bé yêu.
Bạn đang đọc: Dấu hiệu và các phương pháp điều trị viêm phế quản ở trẻ
1. Khái niệm bệnh viêm phế quản là gì?
Viêm phế quản là bệnh nhiễm trùng các ống dẫn khí trong phổi dẫn đến tổn thương các lớp bề mặt phế quản, gây phù nề các tổ chức dưới niêm mạc, co thắt cơ trơn, tiết dịch vào lòng ống phế quản. Điều này khiến trẻ có các biểu hiện như ho, khò khè, có đờm…Đây là bệnh có thể diễn tiến cấp tính hoặc mạn tính. Đối với viêm phế quản mạn tính có thể kéo dài tới vài năm, trong khi đó đối với viêm phế quản cấp tính thường diễn ra trong thời gian ngắn và dễ điều trị dứt điểm hơn. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là trẻ em từ 6 tháng đến 1 tuổi.
Viêm phế quản là bệnh nhiễm trùng các ống dẫn khí trong phổi.
2. Nguyên nhân dẫn đến viêm phế quản ở trẻ
Viêm phế quản thường do virus gây ra như virus cúm A, B, adenovirus, RSV, rhinovirus, influenza virus…Ngoài ra có thể do vi khuẩn gây bệnh nhưng ít gặp hơn như chlamydia pneumonia, mycoplasma pneumonia…
Trẻ có thể bị nhiễm các virus, vi khuẩn trong môi trường không khí bị ô nhiễm, có nhiều ẩm mốc trong thời gian dài. Ngoài ra, trẻ có hệ miễn dịch kém, gia đình có bố mẹ bị hen suyễn, trẻ có cơ địa dị ứng đường hô hấp khi tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên như phấn hoa, khói bụi, lông động vât, khói thuốc lá… đều làm tăng nguy cơ trẻ bị viêm phế quản. Bệnh trở nên phổ biến hơn vào lúc thời tiết giao mùa, thích hợp cho sự phát triển của virus, dẫn đến dễ lây lan và phát tán mầm bệnh.
3. Một số dấu hiệu thường gặp của bệnh viêm phế quản ở trẻ
– Ho: Đây là một triệu chứng không đặc hiệu vì nó khá phổ biến cho các bệnh viêm đường hô hấp. Tuy nhiên, đối với các bác sĩ có kinh nghiệm lâu năm dựa vào kiểu ho như ho có đờm, ho khan, ho từng tiếng hay ho theo cơn mà có thể chuẩn đoán được trẻ bị ho do viêm phần nào của đường hô hấp.
– Khó thở hoặc thở rít trong thanh quản: Ít gặp đối với viêm phế quản thông thường, có thể gặp ở các bệnh lý nghiêm trọng hơn như hen, viêm phổi…
– Khò khè: Tiếng khò khè phát ra do không khí qua lòng phế quản bị thu hẹp. Ngoài ra, bạn cần phân biệt khò khè do viêm phế quản sẽ không đáp ứng với thuốc khí dung salbutamol khác với khò khè trong hen suyễn.
– Sốt: Ban đầu sốt nhẹ hoặc không sốt, về sau sốt cao, sốt từng cơn hoặc liên tục.
– Tiết dịch đờm: Tùy vào tình trạng bệnh mà đờm tiết ra có thể đặc hoặc lỏng, màu trắng, vàng hoặc xanh…
– Viêm long hô hấp trên: Chảy nước mũi, sổ mũi, nghẹt mũi.
– Một số triệu chứng khác ít gặp hơn như phát ban, mắt đỏ, sưng hạch bạch huyết, nôn ói…
Trẻ bị bệnh viêm phế quản với các dấu hiệu như ho, nghẹt mũi, khó thở.
4. Điều trị viêm phế quản ở trẻ khi nào cần gặp bác sĩ?
Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà các triệu chứng của viêm phế quản ở dạng nhẹ hoặc trầm trọng. Thường là sau 3 ngày khởi phát bệnh, tình trạng bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn, đặc biệt là vào ban đêm. Bạn cần lưu ý đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay nếu trẻ có các dấu hiệu nghiêm trọng sau đây:
– Trẻ thở nhanh, khó thở: Dịch bị tắc nghẽn trong lòng thanh quản khiến trẻ bị khó thở. Bạn có thể đánh giá mức độ khó thở của trẻ bằng cách đặt trẻ nằm yên, sau đó đếm nhịp thở của trẻ trong vòng 1 phút. Dựa theo tiêu chuẩn của Tổ chức y tế thế giới WHO, có thể đánh giá ngưỡng thở nhanh của trẻ như sau:
+ Đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi: Nhịp thở >= 60 lần/phút.
+ Đối với trẻ từ 2 tháng – 12 tháng tuổi: Nhịp thở >= 50 lần/phút.
+ Đối với trẻ từ 1- 5 tuổi: Nhịp thở >= 40 lần/phút .
– Trẻ sốt cao: Trẻ sốt cao trên 39 độ C, thậm chí có thể kèm theo co giật, mất ý thức. Khi cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng vẫn không có tác dụng thì nên lập tức đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay.
– Cơn ho ngày càng tồi tệ hơn: Trẻ ho ngày càng nhiều, mỗi cơn kéo dài không ngừng, thậm chí có thể ho ra máu hoặc khiến trẻ đỏ bừng mặt.
– Trẻ mệt mỏi quá mức: Trẻ bị kiệt sức thường ngủ li bì, khó đánh thức.
– Một số dấu hiệu khác: cơ thể thiếu nước, mặt tím tái, chân tay lạnh…
Đầu tiên, để chẩn đoán tình trạng của trẻ, bác sĩ sẽ dùng ống nghe để thăm khám phổi và phát hiện ra một số dấu hiệu bất thường như nghe tiếng rale ẩm do đờm tiết ra trong lòng phế quản. Ngoài ra, tùy vào tình trạng của bệnh mà bác sĩ có thể làm thêm một số xét nghiệm như công thức máu, CRP, Procalcitonin đồng thời chụp X-quang tim phổi, nội soi phế quản…
Tìm hiểu thêm: Làm gì khi bé bị loét miệng và sốt?
Khi có các dấu hiệu nghiêm trọng cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để điều trị viêm phế quản ở trẻ đúng cách.
5. Điều trị viêm phế quản ở trẻ
Bệnh viêm phế quản ở trẻ có thể được chữa khỏi dứt điểm hoàn toàn nếu phát hiện và điều trị kịp thời. Thông thường, bệnh này sẽ tự cải thiện trong vòng 7 – 10 ngày. Tùy vào tình trạng và nguyên nhân gây bệnh mà sẽ có các cách điều trị khác nhau. Cách tốt nhất là bạn nên đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Sau đó, bạn có thể áp dụng một số cách dưới đây để giúp trẻ giảm triệu chứng và mau hồi phục bệnh:
– Dùng thuốc hạ sốt: Để hạ sốt và giảm đau cho trẻ, hiện nay có hai loại thuốc hay dùng cho trẻ là paracetamol và ibuprofen với liều lượng thích hợp. Đối với ibuprofen chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, đối với trẻ có các bệnh lý khác kèm theo như tim, phổi, thần kinh… nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng cho trẻ. Một lưu ý quan trọng bạn cần nhớ đó là tuyệt đối không dùng Aspirin để hạ sốt cho trẻ vì có thể khiến trẻ mắc hội chứng Reye rất nguy hiểm. Đồng thời, bạn nên chườm ấm toàn thân, lau mát hạ sốt và theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ thường xuyên.
– Không tự ý cho trẻ dùng kháng sinh: Dù là bất kỳ trường hợp nào, khi dùng kháng sinh phải theo chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý dùng thuốc gây ra đề kháng kháng sinh. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ cân nhắc việc dùng thuốc kháng sinh. Đối với bệnh viêm phế quản do virus gây ra thì kháng sinh không được khuyến cáo.
– Không tự tiện cho bé dùng thuốc ho bừa bãi: Ho là một phản xạ sinh lý có lợi giúp tống đờm và vi khuẩn ra ngoài. Vì vậy, bạn không nên tùy ý dùng thuốc giảm ho khiến việc bài tiết đờm trở nên khó khăn càng làm chậm quá trình phục hồi của trẻ. Bạn có thể dùng thuốc long đờm như N-acetylcystein, bromhexin, carbocystein… theo kê toa của bác sĩ nhằm giúp trẻ đẩy đờm ra khỏi đường dẫn khí dễ dàng hơn.
– Khi trẻ bị sổ mũi, nghẹt mũi, không khuyến cáo dùng các thuốc kháng histamine, các thuốc chống sung huyết vì nguy cơ tác dụng phụ cao.
– Đối với trẻ bị hen suyễn, bác sĩ có thể kê thêm thuốc giãn phế quản, thuốc corticosteroid. Tuy nhiên, đối với trẻ chỉ bị viêm phế quản thông thường có thể dùng thuốc giãn phế quản khí dung nếu tình trạng khò khè cải thiện hiệu quả sau khi dùng thuốc khí dung. Đối với thuốc giãn phế quản đường uống không được khuyến cáo vì hiệu quả thấp lại có nhiều tác dụng phụ.
– Cho trẻ dùng mật ong: Đối với trẻ bị viêm phế quản, việc dùng mật ong có thể làm dịu cổ họng và tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ nhờ vào đặc tính tính kháng khuẩn và kháng virus. Bạn có thể pha mật ong với nước ấm cho bé uống để giảm đờm, giảm ho. Tuy nhiên, bạn không nên dùng mật ong đối với trẻ em dưới 1 tuổi vì có thể gây ngộ độc thực phẩm cho bé.
– Cho trẻ dùng các loại thảo dược: Bạn có thể cân nhắc sử dụng một số loại thảo dược như cam thảo, gừng…bởi chúng lành tính và ít gây tác dụng phụ cho trẻ. Việc sử dụng các loại thảo dược không chỉ có tác dụng giúp giảm ho, chống viêm, tống xuất đờm nhầy mà còn tăng cường hệ miễn dịch đối với trẻ.
– Cho trẻ vệ sinh bằng nước muối sinh lý: Khi trẻ bị sổ mũi, viêm họng bạn có thể cho trẻ vệ sinh mũi hoặc súc miệng bằng nước muối sinh lý nhiều lần trong ngày giúp rửa trôi chất nhầy và chống viêm đường hô hấp.
– Cho trẻ uống nhiều nước: Khi trẻ có đờm nhiều, cách đơn giản nhất là cho trẻ uống nhiều nước. Điều này sẽ giúp làm loãng chất nhầy ở cổ họng, dễ dàng tống đờm ra khỏi cơ thể. Đồng thời, việc uống nhiều nước giúp trẻ bù đủ nước cần thiết khi trẻ bị sốt làm cơ thể mất nhiều lượng nước.
– Dùng máy tạo độ ẩm, xông hơi tinh dầu: Việc hít hơi nước, tinh dầu có thể giúp trẻ giảm tắc nghẽn đường hô hấp. Bạn có thể sử dụng máy xông tinh dầu hoặc máy tạo độ ẩm đặt trong phòng trẻ. Một cách đơn giản hơn là bạn chuẩn bị chậu nước nóng có chứa các loại thảo dược có tinh dầu kèm khăn trùm đầu để trẻ hít hơi tinh dầu bốc lên.
– Xây dựng chế độ ăn phù hợp cho trẻ bị viêm phế quản: Theo lời khuyên của các chuyên gia, việc chăm sóc trẻ bị viêm phế quản cần chú ý xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp để giúp trẻ mau hồi phục cơ thể. Bạn nên cho trẻ ăn nhạt với các dạng thức ăn lỏng để dễ tiêu hóa. Ngoài ra, bạn nên khuyến khích trẻ ăn nhiều các loại rau củ quả, ngũ cốc, các loại vitamin A, C, E,…nhằm tăng hệ miễn dịch cho trẻ đồng thời bổ sung oresol bù điện giải đối với trẻ bị sốt cao. Ngược lại, đối với một số loại thức ăn có nhiều đường, nhiều dầu mỡ, nhiều vị cay nên hạn chế tránh dùng cho trẻ viêm phế quản.
>>>>>Xem thêm: Giải đáp có nên tự điều trị bệnh viêm tai giữa cho trẻ không
Vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý là một cách điều trị viêm phế quản ở trẻ hiệu quả.
Như vậy, việc điều trị viêm phế quản ở trẻ không quá phức tạp, thậm chí trẻ có thể tự khỏi nếu phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách. Ngoài ra, bạn nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin cúm để giúp trẻ chống lại một số virus gây bệnh viêm phế quản. Đồng thời bạn cũng nên tạo cho trẻ một môi trường sống trong lành, hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bụi, phấn hoa, lông động vật…Qua bài viết này, hi vọng bạn có đầy đủ thông tin cần thiết về bệnh viêm phế quản để có thể bảo vệ sức khỏe cho trẻ hiệu quả.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.