Hôn mê do tiểu đường có thể xảy ra khi lượng đường trong máu không kiểm soát được. Có ba nguyên nhân chính dẫn đến hôn mê ở người bệnh tiểu đường.
Dấu hiệu và cách phòng ngừa hôn mê do tiểu đường
Hôn mê do tiểu đường là gì?
Hôn mê là một trong những biến chứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng của bệnh tiểu đường. Hôn mê là tình trạng bất tỉnh kéo dài, người bệnh không thể tỉnh lại nếu không được điều trị y tế. Hầu hết các trường hợp hôn mê do tiểu đường đều xảy ra ở người mắc bệnh tiểu đường type 1. Tuy nhiên, người mắc các loại bệnh tiểu đường khác cũng có nguy cơ hôn mê.
Người mắc bệnh tiểu đường cần hiểu rõ về tình trạng hôn mê, bao gồm nguyên nhân và các dấu hiệu. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm này và giúp người bệnh được điều trị kịp thời khi bị hôn mê.
Tại sao bệnh tiểu đường có thể dẫn đến hôn mê?
Hôn mê do tiểu đường có thể xảy ra khi lượng đường trong máu không kiểm soát được. Có ba nguyên nhân chính dẫn đến hôn mê ở người bệnh tiểu đường:
- Lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết) nghiêm trọng
- Nhiễm toan ceton
- Tăng áp suất thẩm thấu máu do tăng đường huyết ở người bị tiểu đường type 2
Hạ đường huyết
Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường hay glucose trong máu ở mức thấp. Đường trong máu thấp có thể xảy ra với bất kỳ ai vào bất kỳ thời điểm nào. Điều trị kịp thời khi bị hạ đường huyết nhẹ đến vừa sẽ giúp đưa lượng đường trong máu về mức bình thường và ngăn ngừa hạ đường huyết nghiêm trọng. Những người sử dụng insulin có nguy cơ bị hạ đường huyết cao nhất nhưng các loại thuốc điều trị tiểu đường đường uống làm tăng lượng insulin trong cơ thể cũng làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Hạ đường huyết không được phát hiện và điều trị sẽ dẫn đến hạ đường huyết nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng hôn mê do tiểu đường. Nếu gặp khó khăn trong việc phát hiện các triệu chứng của hạ đường huyết, người bệnh nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa hạ đường huyết. Tình trạng người bệnh không nhận thấy các dấu hiệu hạ đường huyết được gọi là hạ đường huyết vô thức (hypoglycemia unawareness).
Nhiễm toan ceton
Nhiễm toan ceton xảy ra khi cơ thể bị thiếu insulin và đốt cháy chất béo thay vì glucose để tạo năng lượng. Quá trình đốt cháy chất béo sản sinh ra một chất hóa học gọi là ceton (ketone). Lượng ceton trong máu tăng cao sẽ dẫn đến nhiễm toan ceton. Nhiễm toan ceton có thể xảy ra ở cả hai loại tiểu đường nhưng phổ biến hơn ở tiểu đường type 1. Có thể kiểm tra mức ceton trong cơ thể bằng máy đo đường huyết đặc biệt hoặc bằng que thử ceton nước tiểu. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến nghị đo mức ceton khi đường huyết trên 240 mg/dL để kiểm tra nhiễm toan ceton. (1) Nếu không được điều trị, nhiễm toan ceton có thể dẫn đến hôn mê do tiểu đường.
Hội chứng tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết
Hội chứng này chỉ xảy ra ở bệnh tiểu đường type 2 và phổ biến nhất ở người lớn tuổi. Tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu quá cao và có thể dẫn đến mất nước. Ở những người bị tình trạng này, lượng đường trong máu vượt quá 600 mg/dL.
Dấu hiệu và triệu chứng hôn mê do tiểu đường
Hôn mê do tiểu đường không chỉ có một vài dấu hiệu điển hình. Các dấu hiệu ở mỗi một ca bệnh là khác nhau do còn tùy thuộc vào loại bệnh tiểu đường. Thông thường, người bệnh sẽ có một số dấu hiệu cảnh báo trước khi rơi vào trạng thái hôn mê. Các dấu hiệu cũng sẽ thay đổi tùy vào nguyên nhân gây hôn mê là do lượng đường trong máu thấp hay cao.
Các dấu hiệu cho thấy lượng đường trong máu đang ở mức thấp và có nguy cơ tiến triển thành hạ đường huyết nghiêm trọng gồm có:
- Mệt mỏi đột ngột
- Run tay
- Lo âu, bồn chồn
- Cáu kỉnh
- Đột nhiên cảm thấy đói cồn cào
- Buồn nôn
- Đổ mồ hôi, đặc biệt là ở lòng bàn tay
- Chóng mặt
- Đầu óc mơ hồ, thiếu tỉnh táo
- Giảm khả năng phối hợp động tác (mất điều hòa)
- Nói năng khó khăn
Các triệu chứng thường gặp của nhiễm toan ceton gồm có:
- Khát nước cực độ và khô miệng
- Đi tiểu nhiều lần
- Lượng đường trong máu cao
- Có ceton trong máu hoặc nước tiểu
- Ngứa ngáy
- Đau bụng có hoặc không kèm theo nôn mửa
- Thở gấp
- Hơi thở có mùi trái cây
- Mơ hồ, thiếu tỉnh táo
Các triệu chứng của hội chứng tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết gồm có:
- Mơ hồ, thiếu tỉnh táo
- Lượng đường trong máu cao
- Co giật
Khi nào cần cấp cứu?
Người mắc bệnh tiểu đường cần phải đo đường huyết khi gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào để tránh bị hôn mê. Hôn mê do tiểu đường là trường hợp khẩn cấp cần được điều trị y tế kịp thời tại bệnh viện. Giống như các triệu chứng, các phương pháp điều trị hôn mê do tiểu đường cũng tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra.
Điều quan trọng là người bệnh phải hướng dẫn những người xung quanh cách ứng phó khi xảy ra hôn mê do tiểu đường. Người xung quanh cần nắm rõ dấu hiệu và triệu chứng của hạ đường huyết, nhiễm toan ceton và tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết để kịp thời hỗ trợ và ngăn ngừa hôn mê.
Đừng chủ quan cho rằng bản thân sẽ không gặp phải các biến chứng nguy hiểm đến mức bị hôn mê. Hôn mê có thể xảy ra với bất kỳ người bệnh tiểu đường nào. Do đó, nói chuyện với người xung quanh về nguy cơ hôn mê và cách xử trí khi bị hôn mê là điều vô cùng cần thiết.
Một khi rơi vào trạng thái hôn mê, người bệnh sẽ không thể tự điều trị. Do đó, người thân trong gia đình và bạn bè cần biết cách giúp đỡ người bệnh trong trường hợp khẩn cấp. Người xung quanh phải gọi cấp cứu ngay khi thấy người bệnh bị bất tỉnh hoặc có các dấu hiệu cảnh báo hôn mê do tiểu đường. Người bệnh nên chỉ cho người thân cách đo đường huyết và sử dụng glucagon trong trường hợp hôn mê do hạ đường huyết. Luôn đeo vòng tay y tế để mọi người biết về tình trạng bệnh và kịp thời giúp đỡ trong trường hợp bị bất tỉnh.
Nếu được điều trị kịp thời, người bệnh thường sẽ tỉnh lại sau khi lượng đường trong máu trở về mức bình thường.
Phòng ngừa hôn mê do tiểu đường
Có nhiều biện pháp giúp giảm nguy cơ hôn mê do tiểu đường. Cách hiệu quả nhất là kiểm soát tốt tình trạng bệnh. Người mắc bệnh tiểu đường type 1 có nguy cơ hôn mê cao hơn nhưng người mắc tiểu đường type 2 cũng có nguy cơ gặp phải biến chứng này. Thực hiện theo các phương pháp điều trị mà bác sĩ đưa ra để duy trì lượng đường trong máu luôn ở mức an toàn và phải đi khám nếu cảm thấy các phương pháp điều trị không hiệu quả.
Người bị bệnh tiểu đường cần theo dõi đường huyết hàng ngày, đặc biệt là những người đang sử dụng các loại thuốc làm tăng insulin. Đo đường huyết thường xuyên sẽ giúp phát hiện vấn đề trước khi trở nên nghiêm trọng. Nếu không muốn phải đo đường huyết hàng ngày hoặc thường hay quên đo thì có thể sử dụng máy đo đường huyết liên tục (continuous glucose monitor – CGM). Thiết bị này theo dõi lượng đường trong máu suốt 24 giờ mỗi ngày và thông báo khi phát hiện đường trong máu tăng cao hoặc giảm thấp. Máy đo đường huyết liên tục đặc biệt hữu ích cho những người thường bị hạ đường huyết vô thức.
Ngoài ra còn có các cách khác giúp ngăn ngừa hôn mê do tiểu đường:
- Phát hiện triệu chứng từ sớm
- Tuân thủ chế độ ăn kiêng
- Tập thể dục thường xuyên
- Hạn chế rượu bia và phải ăn khi uống rượu
- Uống đủ nước, tốt nhất là uống nước lọc
Hậu quả của hôn mê do tiểu đường
Hôn mê do tiểu đường là một biến chứng nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong. Càng trì hoãn điều trị lâu thì nguy cơ tử vong sẽ càng cao. Hôn mê không được điều trị kịp thời còn gây tổn thương não. Mặc dù hôn mê là một biến chứng hiếm gặp của bệnh tiểu đường nhưng có thể để lại hậu quả nặng nề nên tất cả bệnh nhân tiểu đường đều phải đề phòng.
Tóm tắt bài viết
Hôn mê là một biến chứng nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh tiểu đường. Nguy cơ hôn mê phụ thuộc chủ yếu vào việc điều trị của người bệnh. Người bệnh cần nhận biết được dấu hiệu và triệu chứng của các tình trạng có thể dẫn đến hôn mê và có biện pháp can thiệp trước khi tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Một điều quan trọng nữa là phải trang bị kiến thức cho cả những người xung quanh để được hỗ trợ kịp thời khi bị hôn mê. Kiểm soát bệnh tiểu đường là cách tốt nhất để giảm nguy cơ hôn mê và các biến chứng khác.
Xem thêm: