Dấu hiệu viêm cột sống dính khớp giai đoạn đầu thường mờ nhạt, khó phát hiện. Chỉ khi bệnh tiến triển nặng, triệu chứng nghiêm trọng thì người bệnh mới thăm khám và phát hiện ra.
Bạn đang đọc: Dấu hiệu viêm cột sống dính khớp cần lưu ý
1. Giải đáp: Viêm cột sống dính khớp là gì?
Viêm cột sống dính khớp là hiện tượng viêm, vị trí xảy ra ở mối nối giữa các đốt sống của cột sống lưng hay giữa cột sống và xương chậu. Tình trạng này gây đau mỏi cột sống, hạn chế khả năng vận động cột sống. Theo thời gian, một số đốt sống dính lại với nhau.
Đây là bệnh lý xu hướng tiến triển mạn tính kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến cột sống và nhiều cơ quan khác.
2. Dấu hiệu viêm cột sống dính khớp phổ biến
Triệu chứng của viêm cột sống dính khớp khá tương đồng với những bệnh viêm khớp khác. Do đó, việc chẩn đoán gặp khó khăn và dễ nhầm lẫn.
Tuy nhiên, bệnh vẫn gây ra một số triệu chứng đặc trưng. Nếu bạn đang gặp phải một số dấu hiệu dưới đây thì cần thăm khám và điều trị sớm.
2.1. Dấu hiệu viêm cột sống dính khớp là đau lưng
Đây là một triệu chứng xuất hiện sớm nhất và thường gặp ở căn bệnh này. Những cơn đau kéo dài trong nhiều tháng và dần trở thành mãn tính. Vùng cột sống, thắt lưng đau nặng hơn khi thời tiết thay đổi. Cơn đau xuất hiện nhiều hơn vào sáng sớm và tối.
Vị trí cơn đau có thể lan rộng đến cả vùng cùng chậu. Cơn đau càng kéo dài khiến phần dưới của xương cột sống kém linh hoạt hơn.
Đau lưng là dấu hiệu của viêm cột sống dính khớp và nhiều bệnh xương khớp khác
2.2. Dấu hiệu viêm cột sống dính khớp là đau các khớp ngoại biên
Đôi khi triệu chứng đau không chỉ xuất hiện ở khung xương chính mà còn xuất hiện ở các vùng xương ngoại biên. Đặc trưng đó là các vùng khớp ngoại biên bao gồm:
– Khớp tay
– Khớp gối
– Khớp háng
Ở các khớp này sẽ thường sưng lên cùng với cảm giác đau nhức kéo dài.
2.3. Bất thường về tư thế
Viêm cột sống dính khớp thường làm tư thế của cơ thể trở nên bất thường. Biểu hiện là gu lưng, lưng bị khòm ra phía trước.
Bên cạnh đó, dấu hiệu viêm cột sống dính khớp còn có thể là rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân trong thời gian ngắn. Ngay khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng kể trên, hãy đến ngay chuyên khoa Cơ xương khớp để phát hiện kịp thời và điều trị bệnh phù hợp.
Tìm hiểu thêm: Đau thần kinh tọa và cách chữa trị hiệu quả nhất
Lưng gù, tư thế đi đứng khác thường cũng cảnh báo bạn có thể đang bị viêm cột sống dính khớp
3. Cảnh báo viêm cột sống dính khớp gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng
Nếu lơ là điều trị, bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như sau:
3.1. Khớp và đốt sống dính lại
Khi tình trạng viêm tiến triển nặng, cơ thể sẽ thúc đẩy quá trình hình thành xương mới. Đoạn xương mới xuất hiện làm thu hẹp khoảng cách giữa các đốt sống hoặc khớp, khiến chúng dính lại. Khi đó, cột sống bị cứng và mất đi độ linh hoạt vốn có, người bệnh luôn trong tư thế gập người.
3.2. Xương nứt hoặc gãy
Ở giai đoạn đầu của bệnh, xương bị yếu đi. Các đốt sống suy yếu làm tăng mức độ nghiêm trọng của tư thế khom lưng. Gãy đốt sống gây áp lực và làm tổn thương tủy sống, các dây thần kinh đi qua cột sống.
3.3. Viêm màng bồ đào
Đây là biến chứng khá phổ biến với người bệnh viêm cột sống dính khớp. Lưu ý biểu hiện của biến chứng này là:
– Mắt đau, giảm thị lực
– Nhạy cảm với ánh sáng
3.4. Bệnh viêm cột sống dính khớp ảnh hưởng tim mạch
Một số người mắc căn bệnh này có thể gây ảnh hưởng đến động mạch chủ. Do đó, van động mạch chủ bị suy giảm chức năng hoặc biến dạng.
3.5. Chất lượng cuộc sống giảm sút
Bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe đồng thời làm chất lượng cuộc sống giảm sút vì:
– Người bệnh mất dần khả năng tự chăm sóc bản thân, luôn cần sự hỗ trợ của người khác.
– Cơn đau ảnh hưởng đến công việc khiến hiệu suất giảm sút.
– Thu hẹp các mối quan hệ vì tự ti, ngại giao tiếp.
4. Chẩn đoán, điều trị và lưu ý chăm sóc người bệnh viêm cột sống dính khớp
4.1. Phương pháp thăm khám, chẩn đoán viêm cột sống dính khớp
Như đã đề cập ở trên, viêm cột sống dính khớp khó phát hiện vì triệu chứng thường là đau lưng – đây lại là dấu hiệu của nhiều bệnh xương khớp.
Do đó, sau khi hỏi bệnh, khai thác tiền sử, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu thêm để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh:
– Xét nghiệm máu, dịch khớp
– Chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI khớp cùng chậu
– Đo mật độ xương
– Xét nghiệm di truyền để khảo sát sự có mặt của gen HLA B27
4.2. Phương pháp điều trị viêm cột sống dính khớp là gì?
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, sức khỏe người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp. Thông thường sẽ kết hợp điều trị nội khoa (điều trị bằng thuốc), vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật.
– Thuốc được sử dụng trong phác đồ điều trị viêm cột sống dính khớp
Thuốc chống viêm không steroid là loại thuốc cải thiện bệnh lý này. Nếu tình trạng bệnh nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn loại thuốc có tác dụng mạnh hơn như thuốc sinh học. Loại thuốc này có công dụng bảo vệ khớp. Tuy nhiên giá thuốc thường cao và gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng nên không dành cho tất cả mọi người.
– Vật lý trị liệu
Người bệnh sẽ được luyện tập tư thế đứng, học cách kéo căng các cơ và giữ cột sống ổn định. Đồng thời sử dụng kỹ thuật để giảm đau nhức, cải thiện triệu chứng.
– Điều trị ngoại khoa
Nếu các phương pháp trên không đem lại hiệu quả, phẫu thuật sẽ được cân nhắc.
>>>>>Xem thêm: 3 Nguyên nhân đau dây thần kinh tọa bạn cần biết
Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu liên quan, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp
4.3. Lưu ý khi điều trị bệnh viêm cột sống dính khớp
Bên cạnh tuân thủ chỉ định của bác sĩ, có thể thực hiện một số cách sau để cải thiện tình trạng đau và giúp tinh thần thoải mái hơn:
– Dành thời gian tập thể dục, vận động mỗi ngày, thậm chí chỉ cần vài phút. Có thể tự thực hiện các bài giãn cơ, duỗi chân tay nhẹ nhàng.
– Giữ cân nặng ở mức vừa phải để tránh gây áp lực lên các khớp, khiến bệnh trở nặng.
– Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, nên tăng cường bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin D và axit béo omega-3.
– Chườm nóng cho các khớp, cơ bị căng cứng. Chườm lạnh cho các vùng sưng viêm.
Trên đây là một số thông tin về dấu hiệu, cách chẩn đoán, điều trị bệnh viêm cột sống dính khớp. Hi vọng bạn đọc đã có thêm kiến thức tham khảo để đồng hành trong quá trình điều trị để có kết quả khả quan nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.