Viêm loét dạ dày là bệnh lý tiêu hóa rất phổ biến xảy ra ở nhiều đối tượng. Bệnh thường không được phát hiện sớm do tâm lý chủ quan của nhiều người bệnh mà bỏ qua các dấu hiệu viêm loét dạ dày đầu tiên. Đến khi được chẩn đoán thì bệnh của đã nặng dần và gây khó khăn hơn trong việc điều trị.
Bạn đang đọc: Dấu hiệu viêm loét dạ dày – Nhận biết sớm bệnh, điều trị ngay
1. Bệnh viêm loét dạ dày
1.1. Viêm loét dạ dày là gì?
Viêm loét dạ dày là tình trạng khi lớp niêm mạc dạ dày bị tổn thương, viêm sưng và lâu dần tạo thành các vết loét. Những vết loét nhỏ khi mới được hình thành ở giai đoạn đầu có thể tự lành lại mà không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên, với các vết loét lớn thì tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn, cần được phát hiện sớm và tiến hành điều trị kịp thời.
1.2. Các giai đoạn tiến triển bệnh viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày được chia thành 2 giai đoạn là viêm loét cấp tính và mạn tính.
Viêm loét cấp tính
Khi bệnh ở giai đoạn viêm loét dạ dày cấp tính, các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột, biểu hiện rõ ràng và diễn ra trong thời gian ngắn. Ở giai đoạn này, nếu bệnh được phát hiện và điều trị đúng cách thì tỷ lệ chữa khỏi triệt để là rất cao. Tuy nhiên, đa số người bệnh thường chủ quan mà bỏ qua các triệu chứng, khiến bệnh tình trở nên phức tạp hơn.
Viêm loét mạn tính
Viêm loét dạ dày cấp tính khi không được tiến hành điều trị sẽ khiến tình trạng viêm sưng kéo dài và dần chuyển qua giai đoạn mãn tính. Ở giai đoạn này, các tổn thương lan rộng, nguy cơ biến chứng cao như viêm teo, hẹp môn vị, xuất huyết, thủng dạ dày, thậm chí là ung thư dạ dày,…
Như vậy, bệnh viêm loét dạ dày nên được phát hiện sớm từ giai đoạn cấp tính nếu không bệnh sẽ trở nặng nhanh chóng và gây nhiều khó khăn trong điều trị.
2. Nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo viêm loét dạ dày
Ở thời điểm đầu của bệnh, lớp niêm mạc dạ dày chỉ có những tổn thương nông trên bề mặt, mức độ nguy hiểm không cao. Tuy nhiên, chúng vẫn sẽ gây ra những triệu chứng nhất định và nếu để ý thì sẽ sớm nghi ngờ và phát hiện đúng bệnh.
Các triệu chứng của viêm loét dạ dày cấp tính thường khởi phát một cách đột ngột. Các triệu chứng sẽ rầm rộ trong 3-4 ngày đầu và giảm dần trong 1-2 tuần tiếp theo. Cụ thể là các dấu hiệu điển hình sau đây:
2.1. Đau thượng vị là dấu hiệu viêm loét dạ dày đầu tiên
Đau thượng vị dữ dội là triệu chứng điển hình và đầu tiên giúp nhận biết viêm loét dạ dày cấp tính. Lưu ý tính chất của cơn đau thượng vị thường có đặc điểm như sau:
– Thường xuất hiện sau khi ăn 2-3 tiếng, đau nhiều hơn sau những bữa ăn nhiều dầu mỡ, ăn đồ chua hoặc cay nóng;
– Đôi khi cũng có thể đau lúc bụng đói, lúc nửa đêm, gần sáng. Điều này khiến người bệnh bị mất ngủ, ngủ kém và người càng thêm mệt mỏi;
– Một số trường hợp chỉ đau thượng vị âm ỉ kèm cảm giác rát bỏng, thỉnh thoảng có cơn đau quặn lên;
– Một số dấu hiệu gợi ý khác như cảm giác tức ngực, cơn đau lan ra sau lưng,…
Tìm hiểu thêm: Tránh xa các thực phẩm này khi bị trào ngược dạ dày
2.2. Buồn nôn hoặc nôn
Rất nhiều trường hợp bệnh sẽ nôn ngay sau bữa ăn, người bệnh thường bị đau bụng và nôn hết thức ăn. Sau đó, tình trạng đau bụng bắt đầu giảm dần nhưng được một lúc lại quay trở lại. Hậu quả của việc nôn ói sau ăn là khiến người bệnh bị mất nước, mất điện giải, người mệt mỏi, da mặt xanh xao, nhợt nhạt.
2.3. Rối loạn tiêu hóa và dẫn tới sụt cân
Người bệnh viêm loét dạ dày thường có các biểu hiện của rối loạn tiêu hóa như ợ hơi, ợ chua, đầy hơi, trướng bụng, đầy bụng, chán ăn. Trường hợp nặng hơn có thể bị tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài. Do việc tiêu hóa không ổn định nên người bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng thường bị sụt cân.
2.4. Xuất huyết dạ dày – dấu hiệu viêm loét dạ dày nguy hiểm
Xuất huyết dạ dày là tình trạng gặp phải nếu người bệnh viêm loét dạ dày không có biện pháp điều trị bệnh kịp thời. Các biểu hiện thường gặp như nôn ra máu đỏ tươi, đau bụng thượng vị nghiêm trọng hoặc đi tiêu ra phân đen. Dấu hiệu này cảnh báo mức độ vô cùng nguy hiểm của bệnh và cần tiến hành thăm khám ngay lập tức.
3. Chẩn đoán và tiến hành điều trị bệnh viêm loét dạ dày
3.1. Chẩn đoán bệnh bằng cách nào?
Nội soi tiêu hóa
Nội soi dạ dày sẽ giúp bác sĩ quan sát một cách rõ ràng và chi tiết tình trạng của dạ dày. Từ đó giúp phát hiện bệnh cũng như đánh giá chính xác về mức độ bệnh. Nội soi cũng giúp tiên lượng khả năng điều trị dựa theo hình ảnh phản ánh. Cụ thể, với những ổ loét đơn giản thì việc điều trị sẽ đơn giản hơn. Còn những ổ loét xấu, xù xì, lồi lõm,.. thì chỉ định điều trị sẽ phức tạp hơn rất nhiều, thậm chí cần thực hiện cả sinh thiết tế bào để chẩn đoán nghi ngờ ung thư dạ dày sớm.
>>>>>Xem thêm: Những triệu chứng ung thư dạ dày dễ nhầm lẫn
Làm xét nghiệm kiểm tra sự hiện diện vi khuẩn HP
Sau khi chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm cần thiết khác như:
– Xét nghiệm máu nhằm tìm kháng thể HP trong máu
– Xét nghiệm phân
– Test hơi thở hoặc test nước bọt
Các xét nghiệm này sẽ giúp đánh giá tốt tình trạng thiếu máu, tìm ra nguyên nhân gây bệnh, cho biết có hay không biến chứng xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày gây ra, xác định nồng độ các enzym niêm mạc dạ dày và nồng độ hồng cầu trong phân,… Từ đó, đưa ra chẩn đoán cuối cùng kết luận về bệnh.
3.2. Điều trị viêm loét dạ dày
Như đã nói trước đó, việc điều trị viêm loét dạ dày sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều nếu bệnh được phát hiện ngay từ sớm. Khi đó, người bệnh thường được chỉ định điều trị bằng thuốc cùng kết hợp chế độ ăn lành mạnh và sinh hoạt đúng cách.
Trong trường hợp, tình trạng viêm loét trở nên nghiêm trọng, xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như chảy máu, thủng dạ dày, hẹp môn vị ngăn cản thức ăn đi xuống ruột non… thì có thể cần tiến hành phẫu thuật cắt dạ dày.
Nhận biết sớm các dấu hiệu viêm loét dạ dày là cách tốt nhất giúp người bệnh đối phó hiệu quả với bệnh. Trong các trường hợp nghi ngờ các triệu chứng của viêm loét dạ dày, tuyệt đối không được chủ quan mà cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để tiến hành thăm khám trực tiếp và nhanh chóng có phương án xử lý đúng cách.