Theo ước tính trên thế giới có khoảng 500 triệu người bị đau mắt hột, trong đó, có ít nhất 2 triệu người bị mất khả năng nhìn vĩnh viễn do các biến chứng của bệnh. Đây là bệnh lý nhiễm trùng mắt nguy hiểm và khá phổ biến nhưng nhiều người còn chủ quan.
Bạn đang đọc: Đau mắt hột: Nguyên nhân và cách phòng ngừa
1. Đau mắt hột là bệnh gì?
Bệnh mắt hột là tình trạng viêm mãn tính của lớp mô bên ngoài mắt và mí mắt (kết mạc) với các triệu chứng thường gặp là đau, sưng, chảy mủ,…Bệnh do vi khuẩn viêm nhiễm có tên là Chlamydia trachomatis gây ra, chúng có khả năng lây lan rất nhanh chóng khi tiếp xúc trực tiếp qua các bộ phận như mắt, mũi, miệng và làm ảnh hưởng tới thị lực. Do đó, bệnh có thể lây từ người sang người thông qua việc dùng chung các đồ dùng cá nhân như khăn mặt, khăn tay,…
Vi khuẩn Chlamydia Trachomatis là tác nhân đặc trưng gây bệnh mắt hột
Triệu chứng tổn thương cơ bản thường gặp khi mắc bệnh là nổi hột ở mí mắt. Khi tình trạng bệnh diễn biến nặng hơn, các hột phát triển to lên và nổi trên bề mặt. Những hột này có thể sẽ bị vỡ và tạo thành sẹo kết mạc, làm cho sụn mi ngắn lại và bờ bị mi lộn vào trong.
Bệnh nhân bị mắt hột thường chủ quan để tình trạng này kéo dài nhiều năm cho đến khi khu vực tổn thương giác mạc thành sẹo, bị mờ đi, không đồng nhất và phát triển những mạch máu bất thường, dẫn tới loét giác mạc, thủng giác mạc, viêm nội nhãn gây ảnh hưởng tới thị lực, cuối cùng có thể dẫn tới mù lòa. Ngoài ra, một số biến chứng do bệnh mắt hột gây ra cũng ảnh hưởng tới thị lực như khô mắt, viêm bờ mi…
2. Tổng quan giai đoạn phát triển của bệnh đau mắt hột
Bệnh mắt hột phát triển qua 5 giai đoạn
– Giai đoạn 1 – Viêm nang: đây là giai đoạn đầu vi khuẩn xâm nhập vùng mắt khiến người bệnh cảm thấy ngứa và đỏ quanh mắt. Ở giai đoạn này, nếu người bệnh dụi mắt thường xuyên sẽ làm mắt bị tổn thương và đau nhiều hơn.
– Giai đoạn 2 – Viêm cường độ cao: Bệnh lúc này phát triển sau 5 – 12 ngày, mí mắt sẽ có hiện tượng sưng đỏ và mưng mủ. Khả năng lây nhiễm ở giai đoạn này cực kỳ cao thông qua mắt, mũi miệng, đặc biệt xảy ra ở những người có thói quen dùng chung đồ.
Tìm hiểu thêm: Viêm bờ mi là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Bệnh mắt hột tiến triển một cách nhanh chóng gây hư tổn cho giác mạc
– Giai đoạn 3 – Thành sẹo: Đa phần người bệnh chủ quan nghĩ đây là nhiễm trùng bình thường, để tình trạng này kéo dài dẫn tới sẹo hóa ở mí mắt. Vết sẹo nằm bên trong mí mắt gây cộm và khó chịu, tuy nhiên có nhiều trường hợp sẹo biến dạng còn làm mất thẩm mỹ.
– Giai đoạn 4 – Lông mi mọc ngược: Ở giai đoạn này, mí mắt tổn thương dẫn tới biến dạng bởi sẹo và lộn ngược vào trong, lông mi cũng bị mọc ngược theo gây tổn thương cho mắt, làm trầy xước lớp giác mạc mắt.
– Giai đoạn 5 – Đục giác mạc: Lông mi liên tục cọ xát khiến giác mạc bị tổn thương, viêm mí trên dễ nhận thấy nhất. Người bệnh bị ngứa do viêm nên gãi liên tục dẫn đến tổn thường và đục giác mạc. Nhiễm trùng thứ phát là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của vết loét trên giác mạc và có thể gây mù một phần hoặc hoàn toàn.
3. Nguyên nhân gây đau mắt hột
Nguyên nhân chính gây ra bệnh là do vi khuẩn viêm nhiễm, trong đó 1 số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:
3.1. Điều kiện sinh sống ẩm thấp
Chúng ta đều biết, điều kiện sống không đảm bảo là môi trường thuận lợi giúp vi khuẩn dễ sinh sôi và phát triển. Đặc tính của vi khuẩn Chlamydia Trachomatis gây bệnh mắt hột đó là khả năng tồn tại rất tốt trong môi trường lạnh. Chúng có thể sống hàng tuần ở môi trường có nhiệt độ thấp, còn trong môi trường có nhiệt độ cao chúng chết ở 50 độ C trong vòng 15 phút. Và khi ngoài cơ thể người, chúng không tồn tại được quá 24 giờ.
3.2. Sinh hoạt trong môi trường đông đúc, vệ sinh kém
Vi khuẩn gây bệnh đau mắt hột có khả năng lây lan rất nhanh. Căn bệnh này từng bùng thành dịch, chủ yếu xảy ra ở các nước đang phát triển như Đông Nam Á, châu Phi. Khi nhiều người sống tập trung trong không gian hẹp với chất lượng cuộc sống không đảm bảo sẽ là điều kiện lý tưởng để bệnh lan truyền từ người này sang người khác thông qua tay hoặc mắt.
Bệnh lý này có nguy cơ bùng phát thành dịch ở những nơi tập trung đông người như khu dân cư, trường học, bệnh viện. Người có hệ miễn dịch khỏe mạnh có thể tự khỏi bệnh. Tuy nhiên, nếu sống trong khu vực có tỷ lệ nhiễm bệnh cao, ngay cả những người đã khỏi bệnh nguy cơ bị tái nhiễm vẫn cao, chu kỳ mắc bệnh lặp đi lặp lại làm bệnh ngày càng trầm trọng hơn.
3.3. Tuổi tác
Trẻ dưới 10 tuổi là nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh mắt hột. Ở nhóm đối tượng này, vệ sinh cá nhân còn kém do chưa tự chủ được. Bên cạnh đó, sức đề kháng yếu cũng là nguyên nhân vi khuẩn dễ dàng xâm nhập.
4.Cách điều trị bệnh đau mắt hột
Ở giai đoạn sớm bệnh mắt hột có thể được chữa khỏi nhưng nếu không phát hiện sớm và xử lý kịp thời thì việc điều trị thường phức tạp và khó thành công.
Theo phác đồ của Tổ chức y tế thế giới, ở giai đoạn hoạt tính của bệnh cần tra thuốc mỡ tetraxyclin 1% (hoặc erythromyxin) 8 giờ/lần ít nhất trong 6 tuần. Điều trị bệnh theo phác đồ cách quãng được coi là cơ sở để phòng chống bệnh đau mắt hột ở những vùng có dịch bệnh. Tra mỡ tetracyclin 1% 12 giờ một lần trong 5 ngày liên tục, có thể sử dụng mỗi ngày 1 lần trong 10 ngày liền, 1 năm dùng ít nhất 6 tháng liên tục.
5. Cách phòng ngừa bệnh mắt hột
Bệnh đau mắt hột hầu như không có miễn dịch nên sau khi khỏi bệnh khả năng tái nhiễm vẫn rất cao. Do đó, đây là căn bệnh cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa để hạn chế thấp nhất khả năng mắc bệnh, nâng cao ý thức cộng đồng chung tay đẩy lùi bệnh.
5.1. Ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân
Mỗi người cần có thói quen tự giác vệ sinh sạch sẽ như rửa mặt bằng nước sạch, khăn lau mặt phơi ở nơi khô ráo, thoáng mát; đặc biệt hạn chế sử dụng chung các đồ vật như khăn mặt, chậu rửa; Không đưa tay lên mắt tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập
5.2. Cải tạo môi trường xung quanh trong lành
Sử dụng nguồn nước sạch có nguồn gốc đảm bảo. Dọn dẹp vệ sinh thường xuyên, diệt ruồi muỗi đảm bảo không gian sống thoáng đãng, trong lành. Ở nông thôn, xây chuồng gia súc xa nhà, chôn, đốt rác thải đúng nơi quy định.
5.3. Không dùng các biện pháp tự điều trị phản khoa học
Trường hợp người không may mắc bệnh mắt hột tuyệt đối không tự ý điều trị gây viêm nhiễm nặng hơn.Lưu ý, tuyệt đối không dùng phương pháp day kẹp hột. Phương pháp điều trị này không loại bỏ được tác nhân gây bệnh mà gây chấn thương nặng nề cho kết mạc, tạo sẹo giác mạc, tổn thương sâu.
>>>>>Xem thêm: Kính hai tròng và đặc điểm kính hai tròng
Cần có thói quen đi thăm khám mắt định kì để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh mắt hột
5.4. Thăm khám mắt định kỳ tại các bệnh viện, chuyên khoa uy tín
Hiện nay, chuyên khoa Mắt – Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI là một trong những địa chỉ uy tín được nhiều quý khách hàng lựa chọn để thăm khám các bệnh lý về mắt, trong đó có bệnh đau mắt hột. Nếu như bạn muốn tìm hiểu thêm về các gói thăm khám và điều trị tại Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn kịp thời nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.