Tình trạng đau nửa đầu hoa mắt chóng mặt rất thường gặp, ở mọi lứa tuổi. Đây có thể là dấu hiệu phản ánh cơ thể đang bị suy nhược, nhưng cũng có thể tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm. Mời bạn cùng theo dõi bài viết để biết, đau nửa đầu hoa mắt chóng mặt là khởi nguồn của những bệnh lý nguy hiểm nào?
Bạn đang đọc: Đau nửa đầu hoa mắt chóng mặt là bệnh gì?
1. Đau nửa đầu hoa mắt chóng mặt được hiểu như thế nào?
Đau nửa đầu, chóng mặt là tình trạng người bệnh cảm thấy đau/nhức/nặng nề ở nửa đầu (có thể là nửa đầu bên trái, nửa đầu bên phải, nửa đầu phía trước, nửa đầu phía sau). Có kèm theo cảm giác mọi thứ xung quanh chuyển động quay vòng vòng trước mặt, rồi một lúc thấy mắt thấy tối sầm lại, bản thân khó có thể đứng vững. Thường những lúc như thế này, người bệnh phải vịn (bám) vào một thứ gì đó để không bị ngã, cũng có những trường hợp không kịp bám vào vật gì đó dẫn đến bị té ngã.
Hoa mắt khác với chóng mặt (rất nhiều người bị không phân biệt được thế nào là hoa mắt và thế nào là chóng mặt, thường bị nhầm lẫn giữa hai khái niệm này).
Hoa mắt là tình trạng xuất hiện ảo giác trước mặt và người bị hoa mắt không nhìn rõ vật thể trong một khoảng thời gian ngắn. Ảo giác đó có thể là hình bông hoa chuyển động hoặc một hình thù nào đó không xác định được. Bạn có thể dễ thấy tình trạng này nếu đang đi lâu dưới trời nắng và đột ngột bước vào một chỗ râm mát, hoặc đói quá cũng dễ làm xuất hiện tình trạng hoa mắt.
Thông thường, tình trạng hoa mắt chóng mặt thường xuất hiện khi bạn thay đổi tư thế một cách đột ngột hoặc vận động quá sức. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người mà cơn đau nửa đầu, hoa mắt chóng mặt sẽ diễn ra từ vài giây, vài phút, cho đến vài giờ.
2. Đau nửa đầu hoa mắt chóng mặt cảnh báo cơ thể bị suy nhược
Có những trường hợp đau nửa đầu hoa mắt chóng mặt phản ánh sức khỏe đang bị suy giảm. Nguyên nhân có thể do ốm nghén, do say tàu xe, mang thai, ngộ độc thực phẩm, trong thời kỳ kinh nguyệt (hội chứng tiền kinh nguyệt), rối loạn tiêu hóa, các dụng phụ của thuốc, sau khi sử dụng chất kích thích,… Nếu tình trạng đau nửa đầu hoa mắt chóng mặt do các nguyên nhân trên, thì bạn không cần quá lo lắng. Bạn nên cố gắng dành thời gian nghỉ ngơi và điều chỉnh thói quen sinh hoạt, tình trạng này sẽ được cải thiện.
3. Đau nửa đầu hoa mắt chóng mặt tiềm ẩn bệnh lý nguy hiểm ở não, tim
Trong một số trường hợp, cơn đau nửa đầu hoa mắt chóng mặt có thể tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt là các bệnh lý ở hệ thần kinh, não bộ như sau:
3.1 Bệnh đau nửa đầu migraine (đau đầu vận mạch)
Đây là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ, có độ tuổi từ 30-45 tuổi, đặc biệt hay gặp ở dân văn phòng. Tình trạng đau nửa đầu migraine thường diễn ra đột ngột ở một nửa (bên trái hoặc bên phải) hoặc cả hai bên đầu. Cơn đau đầu thường kèm theo biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, khiến người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, thiếu sức sống.
Đau nửa đầu migraine khiến cơ thể mệt mỏi, khó chịu, hay hoa mắt, chóng mặt,….
3.2 Thiểu năng tuần hoàn não (thiếu máu não) gây đau nửa đầu hoa mắt chóng mặt
Khi lượng máu cung cấp lên não không đủ, sẽ khiến các tế bào não trì trệ hoạt động kém. Khi hệ thần kinh bị kích thích làm phát sinh các triệu chứng như chóng mặt, đau đầu/đau nửa đầu, mệt mỏi, hoa mắt, mất ngủ, giảm tập trung,…
Ngoài các triệu chứng này, người bệnh còn có biểu hiện xanh xao, khó thở, tức ngực. Máu lưu thông kém không chỉ ảnh hưởng tới não bộ dễ gây đột quỵ thiếu máu não. Mà còn ảnh hưởng tới sự hoạt động của rất nhiều cơ quan khác. Thiếu máu trong thời gian dài rất nguy hiểm, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám sớm, có biện pháp khắc phục kịp thời để cải thiện tình trạng này.
3.3 Chóng mặt tư thế
Chóng mặt tư thế là bệnh lành tính và thường không gây biến chứng nặng. Theo thống kê thì có tới khoảng 30% người được phát hiện bị đau nửa đầu chóng mặt hoa mắt buồn nôn là do bệnh chóng mặt tư thế.
3.4 U não, U màng não gây đau nửa đầu hoa mắt chóng mặt
Bệnh lý u não, u màng não có thể gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nhưng các biểu hiện này ban đầu rất mờ nhạt, cho đến khi khối u to chèn ép nhiều thì các triệu chứng mới nổi trội rõ rệt. Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn do u màng não có thể đến đột ngột, dữ dội nhưng cũng có thể âm ỉ trong một thời gian dài, khi đến giai đoạn muộn thì các triệu chứng này càng nặng hơn.
3.5 Rối loạn tiền đình
Khi dây thần kinh số 8 (dây thần kinh tiền đình) bị tổn thương, sẽ làm xuất hiện các triệu chứng như đau đầu/đau nửa đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, dễ té ngã, mất ngủ. Rối loạn tiền đình ảnh hưởng tới tâm lý và chất lượng cuộc sống của người nên cần phải được thăm khám và điều trị sớm.
Tìm hiểu thêm: Lưu ý khi lựa chọn “Khám thần kinh ở đâu” và khi nào cần đi khám
Người mắc bệnh rối loạn tiền đình thường chóng mặt dữ dội, đau đầu, buồn nôn, nôn,…
3.6 Bệnh về tim mạch cũng gây đau nửa đầu hoa mắt chóng mặt
Trong nhiều trường hợp, đau đầu hoa mắt chóng mặt là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về tim mạch như: bệnh về cơ tim, viêm tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ, huyết áp cao. Các bệnh lý về tim ngoài đau đầu, hoa mắt, chóng mặt còn thường kèm theo triệu chứng tức ngực, đổ mồ hôi, mệt mỏi,…
3.7 Huyết áp thấp
Người có cơ địa huyết áp thấp hoặc bị tụt huyết áp rất dễ đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. Nếu được hỗ trợ y tế kịp thời làm ổn định lại chỉ số huyết áp người bệnh sẽ mau chóng ổn định lại sức khỏe. Nhưng nếu huyết áp xuống quá thấp sẽ dễ gây tình trạng ngất xỉu, suy tim,…
>>>>>Xem thêm: Nhận biết các dấu hiệu của đột quỵ nhồi máu não
Huyết áp thấp dễ gây đau đầu, hoa mắt, chóng mặt
4. Làm gì khi bị đau đầu hoa mắt chóng mặt?
Nếu như tình trạng đau nửa đầu/đau đầu, hoa mắt, chóng mặt diễn ra thường xuyên trong một thời gian dài bạn tuyệt đối không nên chủ quan. Đặc biệt là có kèm với một số triệu chứng như buồn nôn, mệt mỏi, mất ngủ,… Cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám với bác sĩ chuyên khoa, để được chẩn đoán đúng và có biện pháp điều trị kịp thời.
Bởi đây có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý ở não, ở tim mạch,… nêu trên, nếu chần chừ để lâu bệnh dễ dẫn đến suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, ngất xỉu và các bệnh lý về huyết áp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.