Đau thận thường có biểu hiện là đau âm ỉ ở lưng dưới (khu vực giữa phần dưới của khung xương sườn và hông). Cơn đau có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên. Đau thận còn có thể đi kèm các triệu chứng khác và thường cần phải điều trị khẩn cấp.
Đau thận là do những nguyên nhân nào?
Thận nằm ở vị trí nào?
Thận là cặp cơ quan hình hạt đậu, có kích thước bằng nắm tay, nằm ở khoang bụng sau phúc mạc, bên dưới lồng ngực và đối xứng hai bên cột sống.
Chức năng chính của thận là lọc chất thải từ máu và tạo ra nước tiểu để đào thải chất thải cùng với nước dư thừa ra khỏi cơ thể.
Đau ở khu vực thận thường là dấu hiệu cho thấy thận đang có vấn đề. Điều quan trọng là phải xác định xem cơn đau đến từ thận hay từ vị trí nào khác để điều trị đúng cách.
Xung quanh thận có các cơ, xương và các cơ quan khác. Vì vậy đôi khi rất khó xác định nguồn gốc của cơn đau. Đặc điểm, vị trí của cơn đau và các triệu chứng đi kèm sẽ giúp phần nào xác định nguồn gốc gây đau.
Đau thận có biểu hiện như thế nào?
Đau thận thường có biểu hiện là cơn đau âm ỉ liên tục ở sâu bên trong khu vực hạ sườn phải hoặc trái hoặc cả hai bên. Cơn đau thường tăng lên khi chạm vào khu vực này.
Hầu hết các vấn đề chỉ ảnh hưởng đến một quả thận nên cơn đau thường chỉ xảy ra ở một bên hạ sườn. Nhưng nếu vấn đề xảy ra ở cả hai quả thận thì cả hai bên hạ sườn đều sẽ bị đau.
Các triệu chứng thường đi kèm với đau thận gồm có:
- Tiểu ra máu
- Sốt và ớn lạnh
- Đi tiểu nhiều lần
- Buồn nôn và nôn mửa
- Đau lan đến bẹn
- Cảm giác nóng rát hoặc đau khi đi tiểu
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nguyên nhân gây đau thận
Đau thận là dấu hiệu cho thấy có vấn đề với một hoặc cả hai quả thận. Thận có thể bị đau do những nguyên nhân sau đây:
- Sỏi thận: Sỏi thận hình thành do sự tích tụ khoáng chất trong thận. Sỏi thận có thể hình thành ở một hoặc cả hai quả thận và thường không gây đau cho đến khi di chuyển vào niệu quản (ống nối thận và bàng quang). Sỏi thận nhỏ thường di chuyển qua đường tiết niệu và ra ngoài mà không gây triệu chứng rõ rệt nhưng đa phần, sỏi thận gây đau dữ dội. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị buồn nôn và nôn.
- Viêm thận bể thận (nhiễm trùng thận): Viêm thận bể thận là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở một hoặc cả hai quả thận. Nguyên nhân là nhiễm trùng đường tiết niệu lan đến thận. Viêm thận bể thận thường gây sốt, buồn nôn, cảm giác nóng rát khi đi tiểu và đau ở vùng hạ sườn.
- Xuất huyết: Chảy máu ở một hoặc cả hai quả thận có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, gồm có chấn thương, nhiễm trùng và một số bệnh lý. Chảy máu ở thận gây tiểu ra máu, thường kèm theo đau ở bụng hoặc lưng dưới.
- Huyết khối tĩnh mạch thận: Đây là tình trạng hình thành cục máu đông ở một trong hai hoặc cả hai tĩnh mạch nối với thận. Nếu cục máu đông hình thành từ từ thì thường không có triệu chứng nhưng nếu cục máu đông hình thành đột ngột, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như đau dữ dội ở vùng hạ sườn và nhức xung quanh sườn.
- Thận ứ nước: Đây là tình trạng nước tiểu chảy ngược và ứ lại trong thận, khiến thận giãn nở và sưng lên. Thận ứ nước thường chỉ xảy ra ở một quả thận nhưng đôi khi xảy ra ở cả hai quả thận. Thận ứ nước gây đau âm ỉ dai dẳng nhưng thi thoảng sẽ xuất hiện những cơn đau dữ dội. Các triệu chứng khác của thận ứ nước còn có buồn nôn, buồn tiểu liên tục, đau khi đi tiểu, sốt, ớn lạnh, toát mồ hôi.
- Khối u lành tính hoặc ác tính: Đau thận có thể là biểu hiện của khối u lành tính hoặc khối u ác tính (ung thư) ở một hoặc cả hai quả thận. Khối u có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, bụng phình to và bị đau dai dẳng ở lưng dưới hoặc hạ sườn.
- Nang thận: Nang thận là những khối chứa dịch hình thành ở một hoặc cả hai quả thận. Nang thận thường không gây triệu chứng nhưng nếu nang thận có kích thước lớn và chèn ép các cơ quan lân cận thì sẽ gây đau bụng. Nang thận bị vỡ sẽ gây đau dữ dội ở hạ sườn.
- Bệnh thận đa nang: Đây là một bệnh di truyền trong đó có nhiều u nang hình thành ở cả hai quả thận và có thể làm hỏng thận. Khi bệnh thận đa nang tiến triển và u nang phát triển to lên, người bệnh sẽ bị đau dữ dội ở lưng và hai bên hạ sườn. Bệnh thận đa nang còn có thể gây sỏi thận, tăng huyết áp và tiểu ra máu.
- Phình động mạch thận: Xảy ra khi một phần thành động mạch ở một hoặc cả hai quả thận trở nên suy yếu và phồng lên. Thông thường, phình động mạch thận không có triệu chứng. Nhưng khi túi phình bị vỡ, người bệnh sẽ cảm thấy đau dữ dội ở vùng hạ sườn.
- Xơ vữa động mạch thận: Chất béo, cholesterol và các chất khác tích tụ tạo thành mảng xơ vữa trên thành động mạch thận. Mảng xơ vữa có thể vỡ ra và gây cản trở sự lưu thông máu trong các động mạch nhỏ dẫn đến thận. Điều này sẽ gây đau bụng cùng với các triệu chứng khác, chẳng hạn như tiêu chảy và sốt.
Điều trị đau thận
Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau thận. Các phương pháp điều trị gồm có các biện pháp khắc phục tại nhà, dùng thuốc và phẫu thuật.
Các vấn đề như sỏi thận và nang thận đôi khi tự khỏi.
Biện pháp khắc phục tại nhà
Sỏi thận có kích thước nhỏ sẽ tự trôi ra ngoài theo nước tiểu. Người bệnh nên uống nhiều nước để sỏi nhanh trôi ra ngoài hơn.
Thuốc
Tùy vào bệnh lý cụ thể mà bác sĩ sẽ kê các loại thuốc sau đây:
- Thuốc kháng sinh để điều trị viêm thận bể thận và các dạng nhiễm trùng thận khác
- Thuốc chống đông máu để điều trị huyết khối tĩnh mạch thận
- Thuốc nhắm trúng đích, ví dụ như sunitinib (Sutent) và sorafenib (Nexavar) để ngăn chặn sự phát triển của khối u ác tính
- Thuốc điều trị cao huyết áp để điều trị bệnh thận đa nang
- Thuốc hạ mỡ máu để điều trị xơ vữa động mạch thận
Phẫu thuật
Đôi khi, bệnh thận cần điều trị bằng phẫu thuật. Ví dụ, chứng phình động mạch thận có thể cần phẫu thuật nếu túi phình bị giãn ra hoặc rách.
Nang thận cũng có thể cần phẫu thuật loại bỏ. Với sự trợ giúp của kính hiển vi có kèm chiếu sáng, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ và cắt bỏ nang thận.
Sỏi thận lớn, không thể tự trôi ra ngoài cũng có thể phải phẫu thuật. Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi qua niệu đạo, bàng quang và vào trong thận, sau đó tán nhỏ sỏi rồi hút ra ngoài. Một phương pháp khác là tán sỏi qua da, trong đó bác sĩ rạch một đường trên da để tiếp cận thận và loại bỏ sỏi.
Nếu một quả thận bị hỏng nặng, chẳng hạn như do thận ứ nước hoặc ung thư thì có thể sẽ phải cắt bỏ hoàn toàn. Nếu quả thận còn lại hoạt động tốt thì người bệnh vẫn có thể sống bình thường.
Nếu ung thư mới ở giai đoạn đầu thì có thể chỉ cần cắt bỏ đi phần thận có khối u hoặc sử dụng liệu pháp áp lạnh hay đốt bằng sóng cao tần để phá hủy khối u.
Phòng ngừa đau thận
Các biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp ngăn ngừa một số nguyên nhân gây đau thận.
Dưới đây là các cách để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu:
- Uống nhiều nước
- Đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn
- Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục
- Lau từ trước ra sau khi đi vệ sinh (đối với phụ nữ)
Tuy nhiên, những người bị suy thận không nên uống nhiều nước.
Các cách để giảm nguy cơ ung thư thận:
- Không hút thuốc lá
- Tập thể dục đều đặn
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng
- Giữ cân nặng vừa phải
Câu hỏi thường gặp về đau thận
Làm thế nào để biết cơn đau bắt nguồn từ thận?
Rất khó phân biệt giữa đau thận và đau lưng.
Đau lưng phổ biến hơn đau thận. Nói chung, đau lưng đa phần là do đau cơ, thường xảy ra ở khu vực lưng dưới và cơn đau âm ỉ dai dẳng.
Đau thận xảy ra ở vị trí cao hơn (gần xương sườn). Tùy vào nguyên nhân mà người bệnh có thể bị đau dữ dội. Đau thận thường đi kèm các triệu chứng khác như sốt, ớn lạnh. Đau thận đa phần chỉ xảy ra ở một bên.
Cần làm gì khi bị đau thận?
Đau ở khu vực thận là dấu hiệu cho thấy có vấn đề đang xảy ra với thận. Hãy đi khám càng sớm càng tốt khi bị đau thận để xác định nguyên nhân gây đau.
Một số nguyên nhân gây đau thận có thể khiến thận ngừng hoạt động nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Hãy đến bệnh viện ngay lập tức nếu đột ngột bị đau dữ dội. Điều này thường là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như huyết khối tĩnh mạch thận hoặc chảy máu vào thận. Những tình trạng này cần được điều trị khẩn cấp.