Dây thần kinh tọa chi phối vận động và cảm giác của chi dưới, điều khiển việc di chuyển và phối hợp các động tác. Khi dây thần kinh này bị tổn thương có thể gây ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động của người bệnh. Vậy dây thần kinh tọa nằm ở đâu và có thể gặp những vấn đề gì?
Bạn đang đọc: Dây thần kinh tọa nằm ở đâu và bệnh lý liên quan
1. Dây thần kinh tọa nằm ở đâu và có chức năng gì?
1.1 Dây thần kinh tọa nằm ở đâu trong hệ thống các dây thần kinh?
Dây thần kinh toạ hay dây thần kinh hông to là dây thần kinh dài và dày nhất trong cơ thể, kéo dài từ phần dưới thắt lưng đến tận các ngón chân.
Dây thần kinh này được tạo thành từ 5 rễ thần kinh, bao gồm:
– 2 rễ từ vùng lưng dưới, còn được gọi là cột sống thắt lưng.
– 3 rễ từ phần cuối cùng của cột sống, còn được gọi là xương cùng.
5 rễ thần kinh này kết hợp lại với nhau để tạo thành dây thần kinh hông phải và trái. Ở mỗi bên, dây thần kinh tọa sẽ chạy qua hông, mông, sau đó kéo dài xuống chân và kết thúc ngay dưới đầu gối. Tiếp đó, bó sợi sẽ phân nhánh và tiếp tục chạy theo chân xuống đến bàn chân, ngón chân.
1.2 Dây thần kinh tọa nằm ở đâu và có chức năng gì?
Do có vị trí đặc biệt, đây cũng là dây thần kinh chi phối vận động và cảm giác của chi dưới, điều khiển việc di chuyển và phối hợp các động tác.
Dây thần kinh tọa kéo dài từ phần dưới thắt lưng đến tận các ngón chân.
2. Các vấn đề liên quan đến dây thần kinh tọa và biểu hiện thường gặp
Đau dây thần kinh tọa là vấn đề thường gặp nhất của dây thần kinh này. Đây là trạng thái đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Tình trạng này thường gặp ở độ tuổi từ 30 – 50 tuổi nhưng ngày càng có xu hướng trẻ hóa do lối sống và sinh hoạt thiếu hợp khoa học.
Dấu hiệu lớn nhất là cơn đau ở nhiều mức độ khác nhau, từ đau nhẹ, đau nhói đến dữ dội, xuất phát từ lưng dưới lan tỏa ra lưng hoặc xuống chân.
Đôi khi người bệnh có thể cảm thấy cơn đau như một cú điện giật. Tình trạng đau có thể tồi tệ hơn khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi. Thậm chí việc ngồi ngồi lâu cũng có thể làm cho triệu chứng của bệnh trở nên nặng hơn.
Một số trường hợp khác, người bệnh có thể gặp tình trạng tê, nóng rát, ngứa ran, hoặc yếu cơ ở chân và bàn chân, đau một phần ở chân và tê ở một số bộ phận khác của cơ thể. Người bệnh có thể khó đứng dậy khi gặp cơn đau này.
3. Đau dây thần kinh tọa có gây đe dọa đến tính mạng người bệnh không?
Tình trạng đau thần kinh tọa nhẹ thường biến mất theo thời gian và hiếm khi gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, nếu triệu chứng đau ngày càng tăng lên và kéo dài, bạn cần gặp bác sĩ chuyên khoa để có phác đồ điều trị phù hợp. Điều này giúp giảm những tác động đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt là khả năng vận động của người bệnh và tránh những biến chứng nguy hiểm như gây yếu, teo cơ.
Thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp đau thần kinh tọa không được điều trị kịp thời dẫn đến chứng thả bàn chân (tổn thương thần kinh mác, bàn chân rớt, foot drop) khiến chân người bệnh thường xuyên bị tê và không thể đi lại bình thường. Nghiêm trọng hơn, tình trạng này có thể gây tổn thương dây thần kinh vĩnh viễn, dẫn đến mất cảm giác hoàn toàn ở chân.
Tìm hiểu thêm: Tai biến mạch máu não khi tập thể dục
Đau dây thần kinh tọa là vấn đề rất phổ biến, với triệu chứng đau lan tỏa từ thắt lưng xuống dọc theo dây thần kinh, đến các đầu ngón chân.
4. Các yếu tố tác động làm tăng nguy cơ đau thần kinh tọa
Có nhiều yếu tố tác động làm tăng nguy cơ đau dây thần kinh tọa gồm:
4.1 Tuổi tác
Tình trạng thoát vị đĩa đệm và gai cột sống do lão hóa là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến đau thần kinh tọa.
4.2 Cân nặng
Việc cân nặng vượt quá mức bình thường có thể gây áp lực cho cột sống. Do vậy, những người thừa cân béo phì hoặc phụ nữ mang thai có nhiều nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm và đau dây thần kinh tọa hơn so với người bình thường.
4.3 Bệnh tiểu đường
Đặc trưng của bệnh này là tình trạng rối loạn sử dụng đường trong máu, làm tăng nguy cơ tổn thương các dây thần kinh, trong đó có dây thần kinh tọa.
4.4 Đặc thù của công việc
Những công việc đòi hỏi phải xoay lưng nhiều, mang vác nặng hoặc việc lái xe trong một thời gian dài đều có thể gây tổn thương dây thần kinh tọa.
5. Chẩn đoán đau thần kinh tọa
Để chẩn đoán chứng đau thần kinh tọa, đầu tiên các bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh, những triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải. Ngoài ra, người bệnh có thể được yêu cầu:
– Đi bằng mũi chân và gót chân nhằm kiểm tra sức mạnh của cơ bắp chân
– Nâng cao chân để ghi lại điểm bắt đầu cơn đau, xác định dây thần kinh bị ảnh hưởng và một số vấn đề về đĩa đệm
– Thực hiện kéo giãn để xác định cơn đau, kiểm tra độ dẻo dai và sức mạnh cơ bắp.
Nếu nghi ngờ đau dây thần kinh tọa, bệnh nhân cần thực hiện các chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang cột sống, chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT), đo điện cơ, chụp tủy đồ…
>>>>>Xem thêm: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất ngủ chán ăn
Để chẩn đoán đau thần kinh tọa, có thể cần dùng đến nhiều phương pháp khác nhau như đau chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính…
6. Bệnh có chữa khỏi được không và điều trị như thế nào?
Chứng đau thần kinh tọa nhẹ có thể tự biến mất theo thời gian hoặc khi người bệnh áp dụng một số phương pháp chăm sóc tại nhà. Có khoảng 80 – 90% trường hợp khỏi bệnh mà không cần can thiệp phẫu thuật. Khoảng 50% trong số này hồi phục hoàn toàn trong vòng 5 tuần. Các phương pháp điều trị đau thần kinh tọa thường được sử dụng gồm:
– Dùng thuốc để điều trị cơn đau thần kinh tọa.
– Vật lý trị liệu giúp giảm đau, giãn cơ.
– Tiêm cột sống.
– Các liệu pháp thay thế.
Lưu ý các phương pháp trên cần được thực hiện theo chỉ định và có sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa. Nếu các phương pháp này không mang lại hiệu quả, tình trạng bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn hoặc gây biến chứng, người bệnh có thể phải thực hiện can thiệp phẫu thuật để kiểm soát bệnh, ngăn những diễn tiến xấu đe dọa tính mạng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.