Khi sinh thường thì cơn đau chuyển dạ là nỗi sợ hãi của đa số mẹ bầu, còn khi sinh mổ thì những cơn đau sau phẫu thuật cũng là nỗi lo lắng của không ít sản phụ. Tuy nhiên hiện nay, dịch vụ đẻ mổ không đau là lựa chọn tuyệt vời, giúp các sản phụ xua tan nỗi lo này. Vậy dịch vụ đẻ mổ không đau là thế nào và cần lưu ý những gì sau khi sinh mổ?
Bạn đang đọc: Đẻ mổ không đau và những điều sản phụ cần lưu ý
1. Tìm hiểu về đẻ mổ không đau là gì?
Đẻ mổ không đau được xem là một phương pháp sử dụng thuốc giảm đau can thiệp vào quá trình chuyển dạ và sinh con của người mẹ, giúp cho người mẹ vượt qua được cơn đau vượt can dễ dàng hơn và giảm thiểu đến mức tối đa cảm giác đau đớn khi phẫu thuật. Các phương pháp sinh mổ không đau được áp dụng hiện nay đó là: gây tê tủy sống, gây tê ngoài màng cứng và đặt thuốc hậu môn.
Với mỗi phương pháp sẽ mang hiệu quả giảm đau cho mẹ bầu ở từng giai đoạn khác nhau. Ví dụ với gây tê tủy sống sẽ giúp mẹ mất đi cảm giác đau khi bác sĩ tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên, khi cuộc phẫu thuật kết thúc, em bé chào đời khỏe mạnh thì mẹ sẽ tiếp tục phải đối mặt với cơn đau sau sinh do vết phẫu thuật lớn ở bụng. Cơn đau vết mổ sẽ khiến cho người mẹ có cảm giác rất đau và chỉ muốn nằm yên trên giường, không dám di chuyển hay là xoay người. Lúc này, để giúp mẹ vượt qua được cơn đau sẽ cần có sự hỗ trợ của gây tê ngoài màng cứng và quá trình gây tê này cũng được tiến hành luôn trong quá trình chuẩn bị trước khi phẫu thuật. Sau khi thuốc tê hết tác dụng, nếu như cơn đau vết mổ vẫn khiến cho người mẹ cảm thấy vô cùng khó chịu thì có thể bác sĩ sẽ chỉ định thêm đặt thuốc hậu môn cho mẹ.
Có thể thấy rằng, nhờ vào những phương pháp này đã giúp cho sản phụ xóa tan được mọi nỗi lo về cơn đau vượt cạn, giúp cho quá trình hồi phục nhanh hơn, nhu động ruột sớm hoạt động trở lại, mẹ có thể tập vận động cũng như đi lại được sớm.
Đẻ mổ không đau là một phương pháp sử dụng thuốc giảm đau can thiệp vào quá trình sinh con, sau sinh của người mẹ, giúp cho người mẹ vượt qua được cơn đau vượt can dễ dàng hơn
2. Các phương pháp giúp đẻ mổ không đau
Có 3 phương pháp giúp đẻ mổ không đau thường được áp dụng trong quá trình sinh mổ đó là: gây tê tủy sống, gây tê ngoài màng cứng và đặt thuốc hậu môn.
2.1 Gây tê tủy sống
Gây tê tủy sống là phương pháp giảm đau bắt buộc cần phải thực hiện trong quá trình mổ lấy thai, giúp cho sản phụ đón con yêu chào đời thành công và không có cảm giác đau trong quá trình phẫu thuật. Bác sĩ sẽ tiến thành tiêm thuốc gây tê khiến cho sản phụ mất hoàn toàn cảm giác ở nửa thân dưới, tuy nhiên đau óc vẫn tỉnh táo, nhìn thấy được, nghe thấy được và cảm nhận được từng thao tác của bác sĩ khi mổ lấy thai, chỉ là không phải trải qua cảm giác đau. Tuy nhiên, sau khi hết thuốc tê thì sản phụ vẫn phải tiếp tục đối mặt với cơn đau vết mổ.
Quá trình gây tê sẽ được tiến hành như sau: Đầu tiên bác sĩ sẽ sát trùng cẩn thận ở vị trí gây tê nhằm đảm bảo vô trùng tuyệt đối, tránh tình trạng nhiễm trùng và nhiễm khuẩn. Sau đó, thuốc tê sẽ được tiêm vào vùng khoang dưới nhện, gần vị trí tủy sống của sản phụ. Thuốc tê khi được bơm vào cơ thể sẽ gây tê thần kinh, giúp giảm đau tại phần thân dưới của sản phụ, đặc biệt là tại các bộ phận liên quan trực tiếp đến quá trình sinh đẻ. Quá trình diễn ra gây tê tủy sống không gây nhiều cảm giác đau, sản phụ chỉ cảm thấy hơi nhói một chút và hoàn toàn nằm trong ngưỡng có thể chịu được. Gây tê tủy sống là phương pháp đòi hỏi người thực hiện phải có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao thì thuốc tê mới phát huy được hiệu quả tối đa trong thời gian sớm nhất.
Gây tê tủy sống là phương pháp giúp sản phụ mất cảm giác ở toàn bộ thân dưới và vẫn hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình mổ lấy thai
2.2 Gây tê ngoài màng cứng giúp giảm đau sau sinh
Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp giúp làm giảm cơn đau do vết mổ hoặc co dạ con cho sản phụ. Đây là kỹ thuật sử dụng thuốc tê tại chỗ để bơm vào các khoang ngoài màng cứng. Mục đích là giúp giảm đau khi thuốc tê ngấm trực tiếp vào rễ thần kinh hoặc ổ nhận cảm đặc hiệu.
Cảm giác đau khi thực hiện gây tê ngoài màng cứng dễ chịu hơn rất nhiều so với cơn đau gây ra bởi kim tiêm chuyền dịch hay thậm chí với một cơn co thắt tử cung khi sinh. Quá trình tiêm thuốc tê chỉ diễn ra trong vòng 5 giây và mất khoảng 15 phút để thuốc tê bắt đầu phát huy tác dụng. Với phương pháp này, sẽ giúp mẹ vượt qua được cơn đau vết mổ từ 48-72h sau khi sinh và mẹ có thể sinh hoạt, đi lại vận động cũng như cho con bú được bình thường.
Khi gây tê ngoài màng cứng sẽ khiến cho nhiệt độ cơ thể của sản phụ tăng lên bởi tác dụng của thuốc tê gây dãn mạch máu, tuy nhiên sẽ không làm ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé. Thuốc tê giúp ngăn chặn tín hiệu cơn đau trước khi nó được truyền vào cột sống và đi lên não, gây ra những cơn đau sau mổ cho sản phụ. Cũng giống như gây tê tủy sống, phương pháp giảm đau sau sinh mổ bằng gây tê ngoài màng cứng cũng đòi hỏi bác sĩ gây tê phải có trình độ chuyên môn cao.
Tìm hiểu thêm: Nhận biết u xơ tử cung qua những triệu chứng điển hình
Gây tê ngoài màng cứng có tác dụng giảm đau sau sinh từ 48-72 giờ
2.3 Đặt thuốc hậu môn
Sau 48 hoặc 72h khi thuốc gây tê hết tác dụng, sản phụ vẫn sẽ phải tiếp tục đối mặt với cơn đau vết mổ, tuy nhiên mức độ đau lúc này đã bắt đầu có xu hướng giảm dần và thường kết thúc khoảng 2 tuần sau sinh. Lúc này, sau khi hết thuốc tê nếu như cơ thể của sản phụ vẫn đang còn cảm thấy vô cùng khó chịu thì có thể bác sĩ sẽ chỉ định thêm đặt thuốc hậu môn. Tác dụng của thuốc đặt hậu môn có khả năng kéo dài từ 5-6 tiếng giúp mẹ có thể dễ dàng di chuyển nhẹ nhàng và đẩy nhanh quá trình hồi phục. Tuy nhiên, nhiều trường hợp mẹ bầu với cơ địa nhạy cảm có thể sẽ chịu một số tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn. Cho nên, các bác sĩ luôn khuyến cáo sản phụ sau sinh không nên phụ thuộc quá nhiều vào thuốc giảm đau,
3. Một số lưu ý cho mẹ bầu sau sinh mổ
Chăm sóc sản phụ sau khi sinh mổ là một việc hết sức quan trọng, bởi vì việc hồi phục sau sinh mổ sẽ thường kéo dài lâu hơn so với sinh thường, ngoài ra nguy cơ bị hậu sản cũng như nhiễm trùng cũng cao hơn. Một số lưu ý dành cho sản phụ sau sinh mổ đó là:
– Không nên nằm quá nhiều 24 tiếng sau khi sinh: Mặc dù, sau khi sinh thì việc nghỉ ngơi tại giường là cần thiết, tuy nhiên sản dịch sẽ bị tích tụ ở tử cung. Thay vì nằm một chỗ, mẹ có thể thực hiện một vài động tác vận động nhẹ nhàng như là cố gắng trở mình, xoay người, tập ngồi dậy nhẹ nhàng để giúp khôi phục sự hoạt động của ruột, dạ dày sớm. Làm cách này sẽ giúp sản phụ tránh khỏi tình trạng bị dính ruột cũng như tắc tĩnh mạch chi.
– Nên cho con bú sữa sớm để kích thích dạ con co bóp, giúp tống sản dịch ra ngoài.
– Sản phụ nên nằm nghiêng thay vì nằm ngửa và kê gối chăn cao sau lưng để lưng và giường có khoảng cách 20-30 độ nghiêng, giúp vết mổ bớt đau và nhanh lành hơn.
– Khi vết mổ liền da là sản phụ đã có thể tắm được rồi, không nên để một tháng như những quan niệm như trước đây. Bởi vì như thế sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, miễn sao sản phụ cố gắng không tắm nước lạnh và để cho cơ thể bị nhiễm lạnh.
>>>>>Xem thêm: Giảm triệu chứng khó chịu của bệnh đau mắt đỏ khi mang thai
Sản phụ nên cho con bú sữa sớm để kích thích dạ con co bóp, giúp tống sản dịch ra ngoài.
Có thể thấy rằng, những phương pháp như đẻ mổ không đau đóng góp một phần vô cùng lớn đồng hành cùng quá trình vượt cạn với mẹ bầu. Tuy nhiên, có nhiều mẹ lo lắng rằng sau khi tiêm thuốc giảm đau vào cơ thể sẽ khiến cho cơ thể bị di chứng đau lưng sau này. Nhưng sự thật lại cho thấy rằng, cho dù mẹ không áp dụng biện pháp gì thì nguy cơ đau lưng vẫn luôn thường trực. Vậy nên, mẹ hãy yên tâm và hoàn toàn có thể sử dụng những phương pháp này vào hành trình vượt cạn của mình nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.