Mất ngủ thường gặp ở nhiều người, đặc biệt là ở người lớn tuổi (từ 65 tuổi trở lên); người mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, bệnh thận, bệnh cơ xương khớp… Đọc bài viết dưới đây để hiểu được: đêm mất ngủ thì không nên làm điều gì để tránh trằn trọc tới sáng? Nên làm gì để mỗi tối có ngủ ngon hơn.
Bạn đang đọc: Đêm mất ngủ không nên làm những điều sau
1. Đêm mất ngủ bạn không nên điều sau
1.1 Cố nằm ngủ
Bạn đừng cố nằm nếu như nằm mãi mà không ngủ được. Nếu đêm mất ngủ, bạn không nên quá lo lắng vì lo lắng sẽ càng khiến bạn khó ngủ. Hãy bình tĩnh và ngồi dậy 1 lúc trong bóng tối, đừng cố với bật điện vì ánh sáng đột ngột có thể kích thích thị giác khiến bạn dễ tỉnh ngủ không ngủ được nữa.
Nếu ngồi một lúc trong bóng tối mà vẫn thấy không có triệu chứng buồn ngủ tiếp, bạn hãy bước xuống giường sau đó tìm đến một chiếc ghế sofa hoặc một vị trí thoải mái nhất. Cần đảm bảo là vị trí đó yên tĩnh và ánh sáng phù hợp, không bị chói mắt, sau đó ngồi thư giãn thoải mái đầu óc. Việc thay đổi vị trí, tâm trạng thoải mái có thể giúp bạn dễ đi vào trạng thái buồn ngủ tiếp theo.
1.2 Đêm mất ngủ đừng xem đồng hồ
Nhiều người có thói quen bị mất ngủ hoặc giật mình tỉnh giấc lúc giữa đêm, thường hay vơ lấy đồng hồ xem lúc đó là mấy giờ. Điều này là hoàn toàn không nên. Bởi nếu xem giờ bằng điện thoại, ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại sẽ gây tác động không tốt tới mắt. Hơn nữa việc xem giờ bằng đồng hồ để bàn hay điện thoại sẽ càng làm cho bạn cảm thấy căng thẳng, lo lắng “rằng tại sao còn sớm vậy mà mình lại bị tỉnh giấc”. Sự lo lắng sẽ càng khiến bạn trằn trọc, khó ngủ tiếp.
Xem giờ khị bạn bị mất ngủ càng làm căng thẳng, lo lắng khiến bạn trằn trọc, khó ngủ tiếp.
1.3 Uống bia, rượu
Có một thói quen của nhiều đàn ông Việt Nam là cho rằng việc uống bia, rượu sẽ dễ buồn ngủ hơn. Nhưng thực chất, đây chỉ là một sự đánh lừa não bộ. Khi chất kích thích như bia, rượu vào “nạp” cơ thể, chúng tạo hiện tượng “thèm ngủ giả”. Tức là ban đầu bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ và muốn đi ngủ. Nhưng khi ngủ rất hay bị giật mình tỉnh giấc, “mê sảng”, trằn trọc khó ngủ, nhiều người thậm chí còn mất ngủ. Đây gọi là hiện tượng rối loạn giấc ngủ do sử dụng chất kích thích như bia, rượu,…
1.4 Hút thuốc lá
Đêm mất ngủ khiến cơ thể chúng ta dễ cảm thấy stress, nên những người nghiện thuốc lá thường hút thuốc như một cách để giảm stress. Tuy nhiên, điều này vừa không tốt cho sức khỏe lại dễ dẫn đến nguy cơ lạm dụng thuốc.
1.5 Đêm mất ngủ đừng rửa mặt hoặc tắm
Sai lầm nghiêm trọng của người bị mất ngủ là không ngủ được đi rửa mặt, đi tắm. Họ cho rằng rửa mặt hay tắm sẽ khiến cơ thể tỉnh táo, thoải mái, dễ chịu sau đó sẽ dễ ngủ tiếp. Nhưng thực chất việc làm này sẽ khiến cơ thể bị mất nhiệt, mà khi bị mất nhiệt thì cơ thể sẽ lại càng tỉnh táo hơn, khó đi vào giấc ngủ tiếp.
Các chuyên gia khuyên người bị mất ngủ: nếu cảm thấy khó ngủ tuyệt đối không nên đi rửa mặt hay tắm. Điều này còn dễ khiến bạn bị cảm lạnh, bởi nhiệt độ môi trường về đêm thường xuống thấp hơn so với ban ngày. Cơ thể bạn về đêm cũng sẽ hạ nhiệt hơn ban ngày, do đó việc tắm đêm có thể khiến cơ thể bị nhiễm lạnh, co thắt mạch máu đột ngột rất nguy hiểm.
Tìm hiểu thêm: Đi tìm nguyên nhân tại sao mất ngủ?
Rửa mặt hoặc tắm khi bị mất ngủ sẽ khiến cơ thể bị mất nhiệt, càng tỉnh táo hơn, khó đi vào giấc ngủ tiếp.
1.6 Xem tivi, nghịch điện thoại
Thói quen này thường gặp nhiều ở giới trẻ nhiều hơn. Khi đêm mất ngủ, dễ sinh tâm lý buồn chán, muốn tìm một thứ gì đó để thư giãn nên nhiều bạn trẻ lựa chọn bật một tập phim hoặc lướt điện thoại. Ngoài sự nguy hiểm từ ánh sáng xanh màn hình tới mắt. Thì việc xem phim hay lướt điện thoại còn khiến bạn dễ tỉnh ngủ, vì chúng kích thích não bộ của bạn phải hoạt động, khi mà nó lại đang muốn được nghỉ ngơi.
Nhất là những bộ phim hài, phim kinh dị,.. có thể khiến bạn hưng phấn quá mức, sợ hãi, càng khiến bạn tỉnh ngủ. Cũng có trường hợp bạn bị “cuốn” vào phim quá, dẫn tới ngủ lúc nào không biết hoặc tỉnh táo đến sáng hôm sau mà không buồn ngủ. Ngày hôm sau mới bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, uể oải, thèm ngủ,… lâu dài gây rối loạn nhịp sinh học giấc ngủ.
Ngoài ra, việc sử dụng thuốc ngủ, thuốc an thần khi chưa có chỉ định của bác sĩ sẽ rất dễ bị lạm dụng thuốc gây hàng loạt vấn đề không tốt cho sức khỏe.
>>>>>Xem thêm: Người bị mất ngủ uống gì để cải thiện giấc ngủ?
Xem phim, lướt điện thoại khiến bạn dễ tỉnh ngủ vì chúng kích thích não bộ của bạn phải hoạt động, khi mà nó lại đang muốn được nghỉ ngơi.
2. Đêm mất ngủ hãy làm những điều sau
– Đi ngủ đúng giờ nếu không ngủ được thì ngày hôm sau cũng sẽ thức giấc đúng giờ. Không ngủ muộn để bù đắp cho giấc ngủ đã mất vì điều này có thể làm xáo trộn nhịp thức – ngủ, dễ gây rối loạn giấc ngủ.
– Thử tìm cách giảm tiếng ồn bằng cách đóng cửa sổ và cửa chính.
– Hãy ra khỏi giường: Nếu nằm trên giường mà không thể ngừng suy nghĩ về các sự việc, hãy thức dậy và làm việc gì đó để giúp mình phân tâm và thư giãn (ví dụ đọc sách, nghe nhạc cổ điển). Đừng trở lại giường cho đến khi cơn buồn ngủ trở lại. Nếu trở lại giường mà vẫn cảm thấy như trước, hãy ra khỏi giường lần nữa và làm lại điều gì giúp mình thư giãn và phân tâm.
– Không làm mất nhiệt cơ thể như không được rửa mặt, rửa chân tay, uống nước lạnh, tắm,…
– Hãy cố gắng thư giãn, thoải mái; không nên cố suy nghĩ và cũng đừng quá lo lắng căng thẳng.
– Với những người có bệnh lý nền thì chính những triệu chứng của bệnh có thể ảnh hưởng trực tiếp tới giấc ngủ. Hãy cố gắng kiểm soát bệnh thật tốt các triệu chứng này, bạn có thể nhờ bác sĩ của mình tư vấn để làm giảm tối đa các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra. Chính điều này sẽ hỗ trợ giúp bạn có được giấc ngủ ngon hơn.
Nếu bạn áp dụng các biện pháp trên mà vẫn bị mất ngủ, hãy đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để được tư vấn và điều trị hiệu quả. Bởi mất ngủ kéo dài sẽ vô cùng nguy hiểm.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.