Chàm sữa, hạt kê, bớt tím, rôm sảy,… là những bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ nhỏ mà phụ huynh phải đặc biệt lưu ý. Ngoài chúng, trẻ còn có thể bị những bệnh ngoài da nào, cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu trong bài viết sau, bố mẹ nhé!
Bạn đang đọc: Điểm danh 7 bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ nhỏ
1. Chàm sữa
Chàm sữa, còn được gọi là lác sữa, thường xuất hiện ở trẻ từ 2 tháng tuổi với tỷ lệ 20/100. Bệnh có đặc tính viêm da dị ứng và có thể được nhận biết thông qua những mụn nhỏ li ti mọc ở hai bên má trước rồi mọc ở cằm và trán sau. Những mụn nhỏ này sẽ nhanh chóng vỡ ra, làm da trở nên đỏ và bị rớm dịch. Nếu có nhiễm trùng đi kèm, da sẽ đỏ hơn, đóng mày màu vàng, khiến trẻ ngứa nhiều. Chàm sữa có 3 loại là: Chàm sữa cấp tính, chàm sữa mạn tính và chàm sữa bán cấp. Trong đó:
– Chàm sữa cấp tính là chàm sữa có biểu hiện được mô tả phía trên.
– Chàm sữa mạn tính là chàm sữa gây tổn thương một vùng da rộng và dày của trẻ, khiến chúng trở nên khô ráp, bong tróc, có nhiều rãnh ngang dọc.
– Chàm sữa bán cấp là chàm sữa bao gồm đặc điểm của cả chàm sữa cấp tính và chàm sữa mãn tính.
Chàm sữa thường tái đi tái lại nhiều lần, đến khoảng 2 tuổi có thể biến mất mà không để lại dấu vết gì.
Chàm sữa có thể được nhận biết thông qua những mụn nhỏ li ti mọc ở hai bên má
2. Mụn hạt kê
Mụn hạt kê là những mụn nhỏ hơn 3mm, màu trắng hoặc hồng, nổi rải rác hoặc tập trung thành mảng trên da trẻ sơ sinh bất cứ vùng nào (đặc biệt là ở mí mắt và má). Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mụn hạt kê xuất hiện ở gần 50% trẻ sơ sinh. Được biết, về bản chất, mụn hạt kê là các nang chứa chất nhờn hay Keratin. Mụn hạt kê có thể được phân loại thành mụn hạt kê nguyên phát và mụn hạt kê thứ phát. Mụn hạt kê sẽ tự biến mất sau vài tuần lễ. Khi tắm cho trẻ sơ sinh bị mụn hạt kê, bố mẹ không nên kỳ cọ mạnh những vùng da có mụn để tránh làm da trẻ tổn thương.
3. Bớt tím
Bớt là vùng da sẫm màu, xuất hiện trên da khi trẻ chào đời hoặc khi trẻ vài tháng tuổi. Tỷ lệ trẻ sơ sinh có bớt là khá cao, khoảng 80%; trong đó bớt ở hầu hết trẻ sẽ mờ dần và biến mất theo thời gian; số ít còn lại, trẻ sẽ phải chung sống với bớt suốt đời. Có 2 loại bớt là bớt mạch máu (bớt mạch máu bao gồm bớt đốm cá hồi, bớt mạch máu, bớt rượu vang đỏ) và bớt sắc tố (bớt sắc tố bao gồm bớt xanh hay còn gọi là bớt mông cổ, bớt mụn mủ hắc tố, mụn hạt kê; bớt ban nhiệt, bớt ban đỏ, nốt ruồi). Trong đó, bớt mạch máu hình thành do sự sai vị trị hoặc quá phát của mạch máu còn bớt sắc tố hình thành do sự quá phát của các tế bào sắc tố dưới da.
Tìm hiểu thêm: Xét nghiệm cúm A: Chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời
Bớt là vùng da sẫm màu
4. Rôm sảy
Rôm sảy là tình trạng viêm da hình thành do tuyến mồ hôi tắc nghẽn, biểu hiện thông qua các mụn nước li ti, mọc thành mảng trên nền da mẩn đỏ, ở các vị trí có nhiều tuyến mồ hôi, như trán, cổ, vai, ngực và lưng. Nguyên nhân gây tắc nghẽn tuyến mồ hôi ở trẻ chủ yếu là thời tiết; cụ thể, là thời tiết nóng nực. Rôm sảy có 3 loại: Rôm dạng tinh thể (là loại rôm nhẹ nhất, chỉ ảnh hưởng đến các ống tuyến trên cùng của da, không biểu hiện ngứa hay đau và thường xảy ra do trẻ sốt cao), rôm đỏ (là loại rôm xảy ra sâu trong da, biểu hiện ngứa và thường xảy ra do thời tiết) và rôm sâu (là loại tổn thương ở lớp sâu nhất của da, ít gặp nhất trong 3 dạng).
5. Viêm da tã lót
Viêm da tã lót hay còn gọi là chứng hăm tã, là 1 trong 7 bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh lý này thường phát sinh do: Trẻ kích ứng da vì tiếp xúc thời gian dài với nước tiểu và phân; trẻ dị ứng với các thành phần cấu tạo tã lót; trẻ nhiễm các tác nhân tiêu cực từ môi trường, như vi khuẩn, nấm Candida Albicans,… Khi viêm da tã lót do vi khuẩn, nấm; da vùng nhạy cảm trẻ ngứa ngáy, dát, đỏ với các tổn thương vệ tinh nhỏ như đầu đinh ghim. Viêm da do dị ứng tã lót ở trẻ thường biểu hiện bằng tình trạng vùng da bị chà xát bởi tã lót của trẻ, bao gồm mặt trong đùi, mông, bụng,… bị đỏ. Trẻ viêm da tã lót do kích ứng với nước tiểu và phân, cũng đỏ vùng da tại các nếp lằn mông, mông và quanh hậu môn, nhưng tình trạng đỏ này nghiêm trọng hơn so với tình trạng đỏ do dị ứng tã lót.
6. Nhọt
Nhọt là tình trạng viêm toàn bộ nang lông và tổ chức xung quanh, phát sinh chủ yếu tại các vùng mặt, cổ, nách, vai, mông và thường hình thành do liên cầu hoặc tụ cầu vàng. Trẻ sống trong môi trường nóng nực, vệ sinh da kém, sử dụng nhiều chất ngọt, bị tiểu đường, eczema, thiếu máu thiếu sắt, miễn dịch kém hoặc suy giảm miễn dịch,… dễ bị nhọt hơn so với những trẻ còn lại. Khi mới xuất hiện, nhọt chỉ là các nốt đỏ trên da. Sau đó, các nốt đỏ này lan rộng, sưng, phù nề, mưng mủ, gây đau đớn cho trẻ.
>>>>>Xem thêm: Chuyên gia giải đáp: Trẻ bị ho gà phải làm sao?
Tình trạng viêm toàn bộ nang lông và tổ chức chung quanh gọi là nhọt
7. Nấm Candida albicans
Ngoài gây viêm da tã lót, nấm Candida albicans còn có thể gây một bệnh ngoài da khác ở trẻ, gọi là bệnh nấm Candida albicans. Bệnh hay xuất hiện ở bộ phận sinh dục ngoài và vùng bẹn của trẻ, đặc biệt là trẻ nữ. Môi trường ẩm ướt, mồ hôi ra nhiều, nước tiểu ứ đọng là các yếu tố thúc đẩy sự phát triển của bệnh. Bệnh có thể được nhận biết bằng các dấu hiệu rõ ràng, như: Một vùng da rộng bị đỏ bóng, có ít bợn trắng, kèm theo ngứa.
Khi trẻ gặp những vấn đề về da đã được chia sẻ thông tin phía trên, bố mẹ tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia để được chuyên gia hướng dẫn cách chăm sóc trẻ đúng đắn, sao cho các vấn đề về da đó của trẻ nhanh chóng được kiểm soát hiệu quả.
Nếu còn thắc mắc cần được giải đáp chi tiết về 7 bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ nhỏ, liên hệ ngay Thu Cúc TCI, bố mẹ nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.