Men gan là chỉ số quan trọng thể hiện tình trạng hoạt động của gan – nội tạng có kích thước lớn nhất trong cơ thể. Nguyên nhân men gan cao rất đa dạng, bắt nguồn từ nhiều bệnh lý và vấn đề sức khỏe khác nhau. Bài viết sau đây sẽ tổng hợp các căn nguyên khiến men gan tăng phổ biến.
Bạn đang đọc: Điểm mặt nguyên nhân men gan cao thường gặp
1. Tình trạng men gan cao
1.1. Khái niệm men gan
Men gan, hay còn gọi là enzyme xúc tác, có chức năng hỗ trợ, thúc đẩy các phản ứng sinh hóa trong cơ thể. Sau đây là các enzyme thường gặp ở gan:
– Alanine aminotransferase – ALT (tên gọi khác là SGPT) và Aspartate aminotransferase – AST (tên gọi khác là SGOT), thuộc nhóm enzyme transaminase (hay aminotransferase). Đây là các enzyme nội bào, xuất hiện trong tế bào của nhiều cơ quan khác nhau. Trong đó, ALT hiện diện nhiều nhất ở tế bào gan, cùng với thận và tế bào cơ vân. Còn AST có nhiều ở tế bào gan, tế bào cơ vân, cơ tim, tụy, phổi, hồng cầu và não.
– Alkaline phosphatase – ALP (còn gọi là phosphatase kiềm) thuộc nhóm enzyme tham gia chuyển hóa kẽm. Ns được coi là chất chỉ điểm cảnh báo tổn thương gan có ứ mật. ALP có mặt ở đường mật và xoang mạch gan, đồng thời cũng hiện diện ở xương, ruột, thận và rau thai.
– Gamma-glutamyl transpeptidase – GGT thuộc nhóm phức hợp cấu trúc glycoprotein màng. Enzyme này đảm nhiệm chức năng xúc tác, chuyển hóa nhóm gamma glutamyl thành các chuỗi peptide, amino acid và nước. Độ nhạy cảm của GGT cao hơn nhiều so với các enzyme khác. Do đó, các thay đổi của nồng độ GGT trong máu biểu hiện rất sớm. GGT hiện diện ở gan (trong đó có mạng lưới nội bào của tế bào nội mô đường mật), tụy, ruột, thận, tuyến tiền liệt. Đây cũng là loại men gan có giá trị đánh giá tổn thương ứ mật, tuy nhiên không đặc hiệu bằng ALP.
Men gan cao cho thấy gan đang gặp phải tổn thương, được phát hiện thông qua xét nghiệm máu
1.2. Thế nào là men gan cao?
Enzyme trong tế bào gan được giải phóng và hòa tan vào trong máu. Vì vậy, máu sẽ chứa một lượng men gan nhất định. Thông thường, chỉ số ALT thấp hơn 37 IU/L (nữ giới) và 40 IU/L (nam giới); AST thấp hơn 37 IU/L. Nồng độ ALP bình thường ở mức 30 – 110 IU/L. Còn GGT bình thường ở mức dưới 60 IU/L (nam giới) và 7 – 32 IU/L (nữ giới).
Men gan cao là tình trạng nồng độ trong máu của các enzyme kể trên tăng lên vượt ngưỡng giá trị bình thường. Chỉ số men gan tăng mức độ nhẹ khi tăng gấp 2 lần, mức độ trung bình tăng gấp 3 – 5 lần, mức độ cao khi gấp trên 5 lần.
Đây là dấu hiệu cho biết tế bào gan đang bị tổn thương, đồng thời cũng phản ứng ngược lại gây hại cho gan. Có thể các tổn thương tại gan chỉ là cấp tính, nhưng chúng có thể tiến triển thành bệnh lý nguy hiểm như viêm gan, xơ gan, ung thư gan nếu không được can thiệp kịp thời.
Khi men gan tăng cao, người bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng. Các biểu hiện của bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ cao của men gan. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng dễ nhầm lẫn như chán ăn, ngứa da, dấu hiệu rối loạn tiêu hóa,…
2. Nguyên nhân khiến men gan tăng cao thường gặp
Dưới đây là 9 căn nguyên gây men gan cao thường gặp hàng đầu:
2.1. Viêm gan virus
Virus viêm gan A (HAV), viêm gan B (HBV) và viêm gan C (HCV) là 3 loại virus gây bệnh viêm gan phổ biến nhất. Chúng xâm nhập vào cơ thể và gan, tấn công và hủy hoại tế bào gan. Điều này khiến lượng men gan giải phóng tăng lên. Tế bào gan bị hủy hoại càng nhiều thì chỉ số men gan sẽ càng cao.
Bệnh viêm gan virus hiện còn gặp nhiều khó khăn trong điều trị do tác nhân gây bệnh khó tiêu diệt hoàn toàn. Vì vậy, điều trị viêm gan siêu vi gần như chỉ điều trị triệu chứng. Người bệnh cần theo dõi chỉ số men gan thường xuyên để đánh giá tình trạng bệnh, ngăn ngừa xảy ra các biến chứng nặng.
2.2. Gan nhiễm mỡ
Lượng mỡ dư thừa trong gan có thể là “thủ phạm” đứng sau tình trạng men gan tăng. Rượu là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên, những người không uống hoặc ít uống đồ cồn vẫn có thể mắc bệnh, đặc biệt là trường hợp bị béo phì, tiểu đường type 2,…
Bên cạnh đó, gan nhiễm mỡ còn liên quan đến chế độ ăn uống dư thừa chất béo và tác dụng phụ của một số loại thuốc như: Aspirin, Steroids, Tamoxifen hay Tetracycline.
Tìm hiểu thêm: Cách khám xơ gan pháp điều trị bệnh kịp thời
Men gan tăng cao có thể liên quan đến bệnh lý gan nhiễm mỡ
2.3. Phản ứng phụ của thuốc – Nguyên nhân men gan cao
Những người phải điều trị bằng thuốc tân dược liên tục trong thời gian dài có nguy cơ tăng men gan. Lượng độc tố tích tụ trong gan tăng dần theo liều lượng thuốc, làm tổn thương gan, khiến men gan cao hơn. Các loại thuốc gây men gan cao cần chú ý gồm thuốc kháng sinh, thuốc giảm viêm, thuốc giảm đau,…
Khi dùng thuốc điều trị, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ liệu trình và liều lượng theo chỉ định của bác sĩ. Hãy trao đối với bác sĩ ngay khi xảy ra tình trạng men gan tăng. Bác sĩ sẽ đưa ra giải pháp thay thế thuốc hoặc kiểm soát men gan hiệu quả, tránh gây hại cho gan.
2.4. Lạm dụng đồ uống có cồn
Uống nhiều thức uống có cồn như rượu, bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về gan như: viêm gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan,… Chất độc trong các đồ uống này gây tổn thương và suy giảm chức năng gan, khiến chỉ số men gan tăng cao.
Lạm dụng rượu bia trong thời gian càng dài thì tổn thương gan càng nghiêm trọng. Với trường hợp mắc bệnh gan do rượu, việc điều trị tổn thương kết hợp kiểm soát đồ uống có cồn là rất quan trọng.
>>>>>Xem thêm: Sán lá gan kí sinh ở đâu và những điều cần biết
Tình trạng men gan cao thường gặp ở những người uống nhiều rượu bia
2.5. Viêm gan tự miễn
Bệnh xuất phát từ bất thường trong hoạt động của hệ miễn dịch, tấn công “nhầm” vào các tế bào gan, có thể xảy ra độc lập. Ngoài ra, bệnh cũng có thể đi kèm với các rối loạn tự miễn khác như: viêm khớp dạng thấp, bệnh Celiac,…
Điều trị viêm gan tự miễn đòi hỏi sự kiên trì. Người bệnh cần kết hợp điều trị triệu chứng để giảm tổn thương gan, đẩy nhanh quá trình phục hồi và duy trì men gan ổn định.
2.6. Nhiễm trùng Cytomegalo
Virus Cytomegalo tấn công mạnh vào gan và nhiều cơ quan khác ở những người có hệ miễn dịch yếu. Triệu chứng của bệnh thường âm thầm, khó nhận biết cho đến khi tổn thương nghiêm trọng.
2.7. Rối loạn sắt – nguyên nhân men gan cao
Hội chứng rối loạn Hemochromatosis có thể xảy ra ở những người bị thiếu máu hoặc phụ nữ mang thai sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung sắt trong thời gian dài. Lúc này, người bệnh sẽ có chỉ số men gan cao bất thường, đặc biệt là chỉ số AST và ALT.
2.8. Bệnh Wilson
Đây là bệnh lý không thường gặp nhưng đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh bắt nguồn từ sự rối loạn chuyển hóa chất đồng. Ngoài men gan cao, Wilson có thể gây ra nhiều biến chứng khác như: xơ gan, suy gan, ung thư gan,…
2.9. Bệnh về đường mật
Sỏi mật, nhiễm trùng đường mật, viêm túi mật và các bệnh lý đường mật khác cũng có thể dẫn tới tình trạng men gan tăng cao.
Như vậy, có rất nhiều nguyên nhân men gan cao, trong đó phổ biến nhất là các bệnh lý về gan và ảnh hưởng của rượu bia cũng như thuốc điều trị. Việc xác định rõ căn nguyên là vô cùng cần thiết để có hướng điều trị hiệu quả tình trạng này. Người bệnh cần thăm khám gan mật đình kỳ để kiểm soát chỉ số men gan, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.