Điều trị tuỷ răng cho bé có nguy hiểm không?

Các bệnh lý răng miệng luôn đem đến cho người bệnh những cơn đau nhức khó chịu. Trong đó, bệnh sâu răng và viêm tủy răng là 2 bệnh lý dễ mắc, cơn đau rất dữ dội và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Trẻ em là đối tượng rất dễ mắc bởi chưa có kiến thức về vệ sinh răng miệng cũng như chế độ ăn hợp lý. Khi điều trị tuỷ răng cho bé, nhiều bậc phụ huynh băn khoăn rằng việc điều trị này gây hại gì đến sức khỏe lâu dài của trẻ hay không? Cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây của Thu Cúc TCI.

Bạn đang đọc: Điều trị tuỷ răng cho bé có nguy hiểm không?

Điều trị tuỷ răng cho bé có nguy hiểm không?

Cần điều trị tuỷ răng cho bé kịp thời để chấm dứt các cơn đau do bệnh lý tủy răng.

1. Khái niệm cơ bản về tủy răng

Tủy răng là mô liên kết gồm các mạch máu và thần kinh, nằm bên trong hốc tủy, xung quanh được bao bọc bởi men răng và ngà răng. Hốc tủy nằm ở giữa răng, tại phần thân răng gọi là buồng tủy, tủy răng nằm trong đó gọi là tủy buồng. Hốc ở chân răng là ống tủy và tủy nằm trong đó là tủy chân. Trong mỗi chân răng có 1 hoặc nhiều ống tủy tạo thành hệ thống ống tủy. Tủy răng có chức năng nuôi dưỡng và sửa chữa ngà răng.

2. Dấu hiệu răng cần điều trị tủy

Điều trị tủy răng hay còn có tên gọi khác là điều trị nội nha, là quá trình loại bỏ hết tủy răng, tức là cả tủy buồng và tủy chân. Sau đó bác sĩ tiến hành làm sạch, phục hình và hàn kín. Đây là phương pháp giúp bảo tồn tối đa răng của bệnh nhân. Bệnh nhân không còn bắt buộc nhổ bỏ răng khi bị các bệnh lý tủy răng nữa. Tuy nhiên, không phải bất cứ trường hợp nào cũng có thể và cũng nên dùng phương pháp này.

Khi trẻ có các biểu hiện bất thường ở răng như dưới đây thì bố mẹ có thể đưa con đi khám để xác định tình trạng bệnh lý trước khi tiến hành điều trị tủy răng cho bé:
– Sâu răng vào tủy gây nên các cơn đau xuất hiện khi ăn nóng lạnh, đau giật theo nhịp đập, có thể ở tại chỗ, tại vị trí răng hoặc đau lan ra xung quanh, đau lên đầu
– Tủy suy yếu do chất hàn răng
– Răng bị mài quá sâu
– Răng bị hở tủy do tai nạn, va đập gây vỡ răng
– Biểu hiện ở mặt trẻ: sưng mặt, sưng lợi như cục mụn, có dịch vàng do nhiễm trùng chóp răng gây chết tủy răng. Nhiễm trùng có thể lan rộng ra các vùng xung quanh.

Tủy răng là bộ phận không có khả năng phục hồi, khi đã có viêm nhiễm, tủy răng sẽ chết dần. Viêm nhiễm từ tủy răng sẽ gây viêm nhiễm cuống răng, tiêu xương quanh răng làm răng lung lay, yếu đi và có nguy cơ mất răng. Mất răng sữa sớm sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình mọc răng vĩnh viễn của trẻ, răng vĩnh viễn sẽ mọc thưa, lệch, mất thẩm mỹ. Viêm tủy răng còn mang đến những cơn đau dữ dội, đau lên đầu mà thuốc giảm đau gần như không có tác dụng.

Tìm hiểu thêm: Chảy máu cam – dấu hiệu ung thư vòm họng cần cảnh giác

Điều trị tuỷ răng cho bé có nguy hiểm không?

Sâu răng đem đến nguy cơ các bệnh lý tủy răng.

3. Phương pháp điều trị tủy răng

3.1. Các phương pháp điều trị tủy răng cho bé

Phương pháp điều trị cần dựa vào mức độ bệnh, tình trạng sức khỏe của bé. Trong đó, có 2 phương pháp được sử dụng phổ biến và đem lại hiệu quả tốt:
– Nhổ răng: trẻ được chỉ định nhổ răng để điều trị viêm tủy răng sữa khi răng bị vỡ nghiêm trọng gây viêm nhiễm có mủ và kết quả chụp X Quang cho thấy có khả năng mọc răng vĩnh viễn trong 6 tháng tới. Việc nhổ răng sữa cần có chỉ định của bác sĩ nếu không sẽ ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn của trẻ.
– Điều trị tủy răng là phương pháp hàng đầu khi điều trị viêm tủy răng. Lấy tủy răng áp dụng với trẻ đã bị viêm tủy răng. Trẻ được chỉ định lấy tủy răng sẽ được gây tê nên không mang lại quá nhiều đau đớn. Sau khi thực hiện, bố mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn của trẻ, thực hiện nghiêm túc các biện pháp chăm sóc và vệ sinh răng.

Sau khi điều trị, bố mẹ lưu ý:
– Điều chỉnh chế độ ăn hạn chế đồ ngọt, đồ uống có gas, đồ uống lạnh
– Thực hiện nghiêm chỉnh biện pháp chăm sóc và vệ sinh răng miệng
– Thăm khám định kỳ 6 tháng/lần

3.2. Nguyên tắc điều trị tủy răng

Việc điều trị tủy răng hay bất cứ phương pháp điều trị bệnh lý răng bệnh lý nào thì cũng cần ưu tiên đảm bảo chức năng ăn nhai cho bệnh nhân rồi mới tới tính thẩm mỹ. Điều trị tuỷ cần đảm bảo nguyên tắc:
– Vô trùng: mọi vật dụng, khí cụ nha khoa dùng trong quá trình thăm khám, điều trị đều cần vô trùng
– Hệ thống ống tủy của bé cần đảm bảo làm sạch và lấy toàn bộ tủy viêm ra ngoài
– Các ống tủy cần được trám bít kín, kỹ thuật thực hiện cần chính xác, tạo hình phù hợp

4. Có điều trị tủy răng cho bé nhỏ tuổi được không?

Trẻ dưới 3 tuổi có nguy cơ rất cao bị sâu răng, tai nạn làm nứt vỡ răng khiến cho tủy bị viêm và cần các can thiệp nha khoa cần thiết. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh băn khoăn về mức độ an toàn của phương pháp này với trẻ nhỏ.

Các bác sĩ nha khoa giải đáp cho bố mẹ như sau: Việc điều trị tủy răng phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý, trong trường hợp cần điều trị tủy răng thì sẽ không ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn và sức khỏe của trẻ. Việc điều trị tủy răng hay lấy tủy răng không hề gây nguy hiểm hay bất cứ nguy hại nào. Đây là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe của trẻ và bảo tồn răng kịp thời. Từ đó bảo vệ được chức năng ăn nhai và tính thẩm mỹ. Sau khi lấy tủy răng, trẻ sẽ không còn các cơn đau nhức khó chịu, không bị kích ứng với đồ ăn, cuộc sống hoàn toàn trở về bình thường. Với trường hợp trẻ mới bị viêm nhẹ thì không cần điều trị tủy.

Điều trị tuỷ răng cho bé có nguy hiểm không?

>>>>>Xem thêm: Những dấu hiệu sắp sinh ở thai phụ

Trẻ cần được thăm khám để xác định phương pháp điều trị phù hợp.

Như vậy, điều trị tuỷ răng kịp thời cho bé là điều cần thiết để chấm dứt cơn đau, bảo tồn hàm răng và bảo đảm chức năng ăn nhai cho bé. Để quá trình điều trị của bé được an toàn và thuận lợi hơn, bố mẹ hãy chú ý tìm hiểu và lựa chọn các cơ sở y tế uy tín. Thu Cúc TCI tự hào là địa chỉ uy tín, top 3 bệnh viện tư nhân có chất lượng xuất sắc, đồng hành cùng bố mẹ bảo vệ sức khỏe con yêu. Tại đây, bé sẽ được các bác sĩ Răng Hàm Mặt với chuyên môn cao và bề dày kinh nghiệm thăm khám, đưa ra phác đồ điều trị rõ ràng, an toàn và triệt để.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *