Điều trị tuyến giáp: những điều bạn cần biết

Tuyến giáp hoạt động bình thường đảm bảo quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra ổn định. Khi xuất hiện bệnh lý, chức năng tuyến này có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe liên quan. Vậy khi nào cần điều trị tuyến giáp và điều trị như thế nào? Những thông tin trong bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho bạn. 

Bạn đang đọc: Điều trị tuyến giáp: những điều bạn cần biết

1. Khi nào cần điều trị tuyến giáp?

Ở giai đoạn khởi phát, các bệnh tuyến giáp thường diễn biến âm thầm, không gây triệu chứng nên chưa cần phải điều trị. Bệnh được kiểm soát chủ yếu qua thăm khám định kỳ (6 tháng/ lần).

Khi tuyến giáp gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị dựa trên các bệnh lý tương ứng.

Dưới đây là các triệu chứng cảnh báo bạn cần thăm khám và điều trị bệnh:

– Thay đổi cân nặng đột ngột: sụt cân khi mắc cường giáp và tăng cân mất kiểm soát khi mắc suy giáp.

– Nhạy cảm với sự thay đổi của nhiệt độ: thường xuyên cảm thấy quá nóng hoặc quá lạnh.

– Mệt mỏi, mất ngủ, trầm cảm, lo âu

– Vùng cổ sưng, đau gây nuốt nghẹn, khó thở, khàn giọng…

– Da tóc khô, dễ gãy rụng. Móng tay giòn, dễ gãy.

– Xuất hiện các triệu chứng tiêu hóa như táo bón dai dẳng hoặc tiêu chảy…

– Rối loạn kinh nguyệt, khó thụ thai, thậm chí vô sinh.

– Mắt sưng, đỏ, nhạy cảm với ánh sáng, thường bị chảy nước mắt.

– Trí nhớ kém, khó tập trung

– Đau cơ, xương, khớp (như hội chứng ống cổ tay)

Điều trị tuyến giáp: những điều bạn cần biết

Vùng cổ trước lớn là dấu hiệu xuất hiện ở hầu hết các bệnh lý tuyến giáp.

2. Các bệnh tuyến giáp thường gặp

2.1 Bướu lành tuyến giáp

Hay còn gọi là bướu cổ, là loại bệnh thường gặp nhất của tuyến giáp, hình thành do kích thước tuyến giáp gia tăng hoặc phát triển tế bào tuyến giáp bất thường.

Bướu giáp kích thước nhỏ hầu hết không biểu hiện triệu chứng, không gây trở ngại trong sinh hoạt do đó thường khó được phát hiện. Chỉ khi bệnh gây ra các triệu chứng như vùng cổ phình lớn, xuất hiện khối chèn ép các cơ quan lân cận, khó nuốt, khó thở, ho khan kéo dài… người ta mới ý thức được sự tồn tại của bệnh.

2.2 Suy tuyến giáp

Xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone tuyến giáp, làm chậm quá trình trao đổi chất của cơ thể.

Triệu chứng bệnh suy giáp thường mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các tình trạng sinh lý của cơ thể. Người bệnh có thể cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi, trí nhớ kém, khàn tiếng, táo bón… Bệnh tiến triển nặng hơn có thể gây tăng cân không kiểm soát; giảm khả năng gắng sức; da, lông, tóc khô, dễ bong tróc, gãy rụng; suy nghĩ và vận động thiếu linh hoạt…

2.3 Cường tuyến giáp

Là hệ quả khi tuyến giáp tăng tiết hormone quá mức, làm đẩy nhanh tốc độ trao đổi chất của cơ thể.

Bệnh gây ra các triệu chứng như sụt cân bất thường, tim đập nhanh, đánh trống ngực; run không tự chủ; thường xuyên cảm thấy căng thẳng và kích thích; tăng tần suất đi cầu hoặc bị tiêu chảy; khó ngủ, mất ngủ; kích ứng mắt kèm với tăng tiết nước mắt; nhìn đôi; lồi mắt…

2.4 Ung thư tuyến giáp

Xảy  ra khi tế bào ung thư phát triển từ các tế bào của tuyến giáp. Đây là tình trạng tuyến giáp gây nguy hiểm.

Ngay khi có biểu hiện như: Tuyến giáp to nhanh trong thời gian ngắn, xuất hiện hạch bất thường vùng cổ, sút cân không rõ nguyên nhân, tăng tiết mồ hôi, chịu nóng kém, thường xuyên căng thẳng, hồi hộp, tay chân run, khó thở, mệt mỏi, mất ngủ…  cần đi khám ngay để có phương án điều trị hiệu quả.

3. Cách chẩn đoán bệnh tuyến giáp

Sau khi thực hiện thăm khám lâm sàng với các bước như khai thác triệu chứng, tiền sử bệnh lý, các loại thuốc đang dùng, chế độ sinh hoạt, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp cận lâm sàng đi kèm nhằm xác định chẩn đoán.

Siêu âm tuyến giáp: Là phương pháp sử dụng sóng âm thanh để quan sát hình ảnh của tuyến giáp giúp phát hiện các bất thường tại tuyến này.

Xét nghiệm chức năng tuyến giáp: xét nghiệm máu kiểm tra T3, FT4, TSH. Chỉ số số nằm ngoài ngưỡng tham chiếu được xem là bất thường. Các xét nghiệm máu bổ sung: anti Tg, Calcitonin, Thyroglobulin, anti – TPO, Tg và TgAb…

Xạ hình tuyến giáp: là phương pháp đánh giá hình thái, hoạt động tuyến giáp thông qua đo lượng i-ốt tập trung tại tuyến này sau khi người bệnh uống một lượng nhỏ i-ốt phóng xạ (I-131) hoặc tiêm (I-123).

Sinh thiết tuyến giáp: được thực hiện khi nghi ngờ có nhân giáp ác tính. Bác sĩ sẽ sử dụng kim nhỏ khi lấy tế bào và dịch nhân ra ngoài dưới hướng dẫn siêu âm. Sau đó sẽ soi dưới kính hiển vi để xem có bất thường hay không.

Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu nang tuyến giáp là gì

Điều trị tuyến giáp: những điều bạn cần biết

Siêu âm tuyến giáp là phương pháp thường dùng để xác định các tổn thương tuyến giáp.

4. Điều trị tuyến giáp như thế nào?

4.1 Điều trị tuyến giáp bằng thuốc

Điều trị nội khoa (sử dụng thuốc) là phương pháp phổ biến áp dụng cho cả trường hợp tăng tiết hormone tuyến giáp quá mức và giảm tiết hormone tuyến giáp.

Một số loại thuốc thường được bác sĩ kê đơn điều trị bệnh lý tuyến giáp bao gồm:

Thuốc uống thay thế hormone tuyến giáp sử dụng trong điều trị suy giáp. Thời gian sử dùng thuốc thường là dài hạn.

Thuốc kháng giáp giúp điều trị bệnh cường giáp. Phác đồ điều trị cũng được cá thể hoá nhắm đảm bảo hormone tuyến giáp duy trì ở mức ổn định.

Thuốc chẹn beta thường được chỉ định kèm với thuốc kháng giáp. Loại thuốc này ko có khả năng điều trị bệnh nhưng có thể hạn chế sự ảnh hưởng của các triệu chứng.

4.2 Điều trị tuyến giáp bằng đốt sóng cao tần

Thường được chỉ định trong điều trị bướu nhân tuyến giáp tăng sinh kích thước gây chèn ép thực quản, khí quản như nuốt nghẹn, ho, khó thở, mất thẩm mỹ; nhân nóng tuyến giáp gây tình trạng cường giáp; ung thư tuyến giáp tại chỗ giai đoạn sớm hoặc sau mổ…

Quá trình thực hiện đốt sóng, bác sĩ sử dụng một đâu kim siêu nhỏ tác động trực tiếp vào mô mục tiêu dưới hướng dẫn siêu âm. Dòng điện từ máy đốt sóng truyền đến đầu kim sẽ tạo ra nhiệt lượng cao giúp phá huỷ mô bệnh. Phương pháp đảm bảo xâm lấn tối thiểu, bảo toàn tối đa mô lành, người bệnh không cần lưu viện.

Điều trị tuyến giáp: những điều bạn cần biết

>>>>>Xem thêm: Điều trị bệnh tiểu đường type 2

Thu Cúc TCI là đơn vị uy tín giúp điều trị tuyến giáp bằng phương pháp đốt sóng cao tần RFA.

4.3 Phẫu thuật

Áp dụng cho trường hợp tuyến giáp to hoặc bướu cổ lớn; gặp vấn đề về mắt do tác động từ sự tăng tiết hormone; không đáp ứng các phương pháp điều trị khác.

Tuỳ vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp.

4.4 Iod phóng xạ

Thường được sử dụng để kiểm soát triệu chứng bệnh và nguy cơ tái phát sau phẫu thuật tuyến giáp. Phương pháp này cũng có thể được chỉ định trong điều trị bệnh Basedow…

Hy vọng các thông tin trong bài viết đã giúp bạn giải đáp các thắc mắc xung quanh việc điều trị tuyến giáp. Người bệnh nên đi khám ngay khi nghi ngờ các triệu chứng để có hướng điều trị hiệu quả, đảm bảo chất lượng cuộc sống.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *