Viêm tai giữa được phân loại vào nhóm những bệnh lý viêm đường hô hấp trên. Bệnh lý này có thể xuất hiện ở mọi đối tượng nhưng ở trẻ em vẫn là thường xuyên nhất. Viêm tai giữa rất dễ tái phát. Không điều trị tốt, bệnh lý này có thể khiến trẻ mất thính lực vĩnh viễn. Trong bài viết sau, Thu Cúc TCI xin chia sẻ những điều bố mẹ cần biết trong điều trị viêm tai giữa ở trẻ em, đừng bỏ lỡ bố mẹ nhé!
Bạn đang đọc: Điều trị viêm tai giữa ở trẻ em, những điều bố mẹ cần biết
1. Viêm tai giữa ở trẻ em là bệnh lý gì?
Tai bao gồm tai ngoài, tai giữa, tai trong; trong đó, tai giữa nằm phía sau màng nhĩ, lại bao gồm hòm tai, vòi nhĩ (vòi nối tai giữa và mũi họng) và sào bào (tế bào lớn nhất trong xương chũm). Theo đó, viêm tai giữa là tình trạng nhiễm trùng tồn tại tại niêm mạc tai giữa.
Viêm tai giữa là tình trạng nhiễm trùng tồn tại tại niêm mạc tai giữa.
2. Đâu là nguyên nhân khiến trẻ em viêm tai giữa?
Tai giữa và mũi họng được nối với nhau bởi vòi nhĩ. Khi chúng ta nuốt, vòi nhĩ sẽ mở ra, giúp dẫn lưu các tạp chất trong tai giữa ra ngoài. Khi vòi nhĩ tắc, các tạp chất đó không thoát được, tác nhân gây viêm tai giữa chứa trong nó sẽ tích tụ trong tai giữa, gây nhiễm trùng.
Ở trẻ, vòi nhĩ thường ngắn, hẹp, nên nếu nó sưng, phù nề thì rất dễ tắc. Trẻ lại thường xuyên bị viêm đường hô hấp trên (viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm VA, viêm amidan) hay thường xuyên bị những tình trạng có thể khiến vòi nhĩ sưng, phù nề. Đây là lý do khiến trẻ dễ viêm tai giữa hơn những đối tượng còn lại.
3. Nhận biết viêm tai giữa ở trẻ em như thế nào?
Viêm tai giữa phát triển qua 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn viêm tai giữa lại biểu hiện khác nhau:
– Giai đoạn 1: Trẻ đau tai, ù tai nhẹ. Trước đó, trẻ có thể có những triệu chứng viêm mũi, viêm họng như ho, đau họng, sổ mũi, ngạt mũi…
– Giai đoạn 2, giai đoạn ứ mủ: Trẻ đau tai nhiều, trẻ lớn có thể nói còn trẻ nhỏ không thể nói thì lấy tay gãi hoặc vò tai. Ngoài ra, trẻ còn có thể sốt cao (39 – 40 độ C), đau đầu, nôn/trớ, tiêu chảy…
– Giai đoạn 3, giai đoạn vỡ mủ: Mủ trong tai giữa chảy ra ngoài, mủ có mùi hôi. Lúc này triệu chứng đau tai, ù tai giảm dần.
Tìm hiểu thêm: Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy sau khi uống Rota
Tình trạng sốt cao (39 – 40 độ C) có thể xuất hiện khi trẻ viêm tai giữa.
4. Viêm tai giữa ở trẻ em nguy hiểm không?
Viêm tai giữa nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì ít biến chứng. Ngược lại, nếu phát hiện không sớm và điều trị không kịp thời, viêm tai giữa có thể gây thủng màng nhĩ, làm giảm sức nghe, khiến trẻ rối loạn ngôn ngữ. Chưa hết, viêm tai giữa có một biến chứng rất phổ biến là viêm tai xương chũm. Viêm tai xương chũm có thể đưa đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như viêm tắc tĩnh mạch bên, liệt dây thần kinh mặt (dây thần kinh số 7), viêm màng não, áp xe ngoài màng cứng, nhiễm trùng máu…
5. Bố mẹ nên điều trị viêm tai giữa ở trẻ em ra sao?
Trẻ có dấu hiệu được chia sẻ trong mục 3 bố mẹ cần đưa đến cơ sở y tế uy tín gần nhất càng sớm càng tốt. Tại đó, thông qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng (chủ yếu là nội soi tai mũi họng), bác sĩ sẽ chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị viêm tai giữa phù hợp cho trẻ.
5.1. Điều trị viêm tai giữa ở trẻ em: Điều trị nội khoa
Điều trị viêm tai giữa bao gồm điều trị nguyên nhân và điều trị triệu chứng. Nguyên nhân viêm tai giữa được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Một số trường hợp viêm tai giữa cần sử dụng kháng sinh ngay còn một số trường hợp thì không. Những trường hợp không cần sử dụng kháng sinh ngay, việc điều trị viêm tai giữa chủ yếu tập trung vào triệu chứng. Sau 48 – 72 giờ, nếu viêm tai giữa không thuyên giảm, trẻ cần sử dụng kháng sinh. Kháng sinh sử dụng để điều trị nguyên nhân có thể là kháng sinh dạng uống hoặc dạng nhỏ. Trong tất cả các nhóm, cần tránh điều trị viêm tai giữa bằng kháng sinh nhóm aminoglycosid (gentamycin), bởi kháng sinh nhóm này gây độc cho tai, có thể đưa đến biến chứng vĩnh viễn, ảnh hưởng đến khả năng nói của trẻ.
Điều trị triệu chứng viêm tai giữa thường là nỗ lực hạ sốt, giảm đau do ứ mủ bằng các thuốc chống viêm, chống phù nề…
>>>>>Xem thêm: Trẻ bị sốt siêu vi cần lưu ý gì?
Một số trường hợp viêm tai giữa cần sử dụng kháng sinh ngay còn một số trường hợp thì không.
5.2. Điều trị viêm tai giữa ở trẻ em: Điều trị ngoại khoa
Nếu điều trị bằng thuốc không hiệu quả, trẻ cần được đặt ống thông màng nhĩ. Bằng cách này, tạp chất trong tai giữa sẽ được dẫn lưu ra ngoài. Sau tháo ống, viêm tai giữa có thể tự khỏi. Ngay cả phương pháp đặt ống thông màng nhĩ cũng không hiệu quả thì trẻ viêm tai giữa cần được phẫu thuật.
6. Một số lưu ý cốt lõi trong dự phòng viêm tai giữa ở trẻ em
Để dự phòng viêm tai giữa cho trẻ, bố mẹ cần:
– Điều trị sớm các bệnh lý viêm đường hô hấp trên như viêm VA, viêm amidan, viêm mũi, viêm họng… cũng như giải quyết dứt điểm các tình trạng vẹo vách ngăn, quá phát cuốn mũi…
– Vệ sinh mũi họng đúng cách cho trẻ: Không lạm dụng nước muối sinh lý 0.9% để vệ sinh mũi họng cho trẻ, vì vệ sinh mũi họng cho trẻ không đúng cách có thể đẩy dịch từ mũi họng vào tai giữa, làm tai giữa viêm.
– Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng một chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt khoa học…
Phía trên là những điều bố mẹ cần biết trong điều trị viêm tai giữa ở trẻ em và một số thông tin quan trọng cơ bản khác về bệnh lý này. Theo đó, viêm tai giữa là bệnh lý phát sinh khi vòi nhĩ tắc, làm tạp chất tích tụ trong tai giữa. Trẻ thường xuyên mắc các bệnh lý viêm đường hô hấp, khiến vòi nhĩ sưng, phù nề mà vòi nhĩ của trẻ lại ngắn, hẹp nên một khi sưng, phù nề thì sẽ tắc. Đây là lý do khiến trẻ em là đối tượng mắc viêm tai giữa phổ biến nhất. Khi viêm tai giữa, trẻ thường sốt, đau đầu, đau tai, nghe kém, nôn/trớ, tiêu chảy…; trẻ có các dấu hiệu này cần được đưa đến cơ sở y tế uy tín gần nhất để bác sĩ khám và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Trong hầu hết các trường hợp, trẻ viêm tai giữa sẽ được điều trị bằng kháng sinh. Nếu điều trị kháng sinh không hiệu quả, các phương pháp điều trị khác mới được bác sĩ xem xét và áp dụng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.