Tiêm BCG phòng bệnh lao cho trẻ là việc làm rất cần thiết. Đặc biệt, khoảng thời gian phù hợp để thực hiện tiêm loại vắc xin này cho trẻ là từ thời điểm mới sinh đến dưới một tháng tuổi. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về hoạt động này.
Bạn đang đọc: Đối tượng chỉ định và chống chỉ định tiêm BCG
1. Tổng quan về vắc xin phòng bệnh lao BCG
Lao là căn bệnh truyền nhiễm ở người, gây nên bởi trực khuẩn lao. Trực khuẩn này có thể gây bệnh tại nhiều bộ phận trong cơ thể như lao phổi, lao màng não, lao xương, lao hạch… Trong đó, lao phổi là thể bệnh phổ biến trong các loại lao, chiếm đến 80 – 85% các trường hợp mắc bệnh.
BCG (bacille Calmette – Guerin) được biết tới là một loại vắc xin giúp phòng ngừa bệnh lao (TB). Trong vắc xin BCG có chứa một dạng vi khuẩn gây nên căn bệnh này. Tuy nhiên, chúng đã được làm yếu đi, vì vậy nó không có khả năng dẫn tới bệnh và có tác dụng bảo vệ.
Vắc xin BCG thường được khuyến cáo sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nó đặc biệt hiệu quả trong việc giúp phòng ngừa các hình thái lao nguy hiểm, trong đó có lao viêm màng não với độ bảo vệ lên tới 70%. Đối với người lớn không mắc bệnh lao và chưa được chủng ngừa trước đây nhưng thường xuyên tiếp xúc với yếu tố phơi nhiễm cũng nên được tiêm ngừa.
Ngoài ra, vắc xin BCG cũng rất hiệu quả trong việc giúp ngăn ngừa nhiễm loét Buruli và các khuẩn lao không điển hình khác. Tuy nhiên, loại vắc xin ngừa lao này chỉ cần tiêm chủng ngừa một liều duy nhất mà không cần phải tiêm thêm các liều bổ sung.
Vắc xin BCG giúp phòng ngừa bệnh lao hiệu quả
2. Đối tượng chỉ định và chống chỉ định tiêm BCG phòng bệnh lao
2.1. Các trường hợp được chỉ định tiêm BCG
Vắc xin BCG giúp phòng và kiểm soát lao, tạo miễn dịch chủ động đối với căn bệnh này. Tiêm BCG được chỉ định cho trẻ có cân nặng từ 2kg trở lên và nên được tiêm càng sớm càng tốt trong 30 ngày sau khi sinh.
Các bé trên 1 tháng tuổi và dưới 1 tuổi vẫn có thể được tiến hành tiêm vắc xin BCG nhưng khả năng xảy ra các phản ứng sau tiêm thường mạnh hơn, bao gồm các phản ứng như: sốt, hạch nách bị sưng to,…
2.2. Các trường hợp chống chỉ định tiêm BCG
Không sử dụng vắc xin lao BCG cho những trường hợp sau đây:
– Trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV bởi khả năng lây truyền bệnh từ mẹ sang con sẽ rất cao.
– Trẻ có dấu hiệu hoặc triệu chứng mắc bệnh AIDS.
– Bé sinh non dưới 34 tuần tuổi.
– Trẻ đang sốt hoặc đang mắc phải các bệnh nhiễm trùng cấp tính khác.
– Trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc cân nặng chưa đủ 2kg.
– Trẻ đang điều trị bệnh hoặc vừa kết thúc việc điều trị các bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch.
Tìm hiểu thêm: Giá vacxin bạch hầu và những điều cần biết về bệnh bạch hầu
Bạn cần nắm rõ các trường hợp được chỉ định và chống chỉ định tiêm vắc xin để đảm bảo an toàn cho sức khỏe
3. Khuyến cáo về liều lượng và cách sử dụng vắc xin BCG
3.1. Đường dùng
Vắc xin ngừa lao BCG được chỉ định tiêm ở trong da, mặt ngoài phía trên cánh tay hoặc tại vai trái. Nhân viên y tế cần sử dụng bơm kim tiêm riêng biệt khi tiến hành tiêm.
3.2. Cách sử dụng và liều lượng vắc xin BCG
Trước khi pha tiêm vắc xin, nhân viên y tế cần cẩn thận khi mở ống vắc xin, tránh để thuốc bị bật ra ngoài.
Khi pha tiêm vắc xin, nhân viên y tế phải thực hiện vô khuẩn:
– Đối với trẻ dưới 1 tuổi: pha 1 ml nước muối đẳng trương vào mỗi ống có chứa 0,5 mg BCG, sau đó lắc cho tới khi tan đều. Thực hiện tiêm ở trong da 0,1 ml (như vậy sẽ có 0,05 mg BCG).
– Đối với trẻ trên 1 tuổi: pha 0,5 ml nước muối đẳng trương vào mỗi ống có chứa 0,5 mg BCG lắc cho tới khi tan đều. Sau đó, thực hiện tiêm ở trong da 0,1 ml (như vậy sẽ có 0,1 mg BCG).
Sau khi pha, thuốc cần được bảo quản trong điều kiện lạnh ở mức nhiệt độ 2 – 8 độ C trong 6 giờ. Phần vắc xin còn lại sau mỗi buổi tiêm hoặc sau 6 giờ phải được hủy bỏ.
3.3. Một số phản ứng sau khi tiêm BCG
Hầu hết trẻ em sau khi được tiêm đều có phản ứng ngay tại chỗ tiêm. Một số biểu hiện phổ biến đó là bị đỏ, sưng và đau nhẹ tại vị trí tiêm. Ngay sau khi tiêm thường sẽ xuất hiện các nốt nhỏ tại vị trí tiêm và biến mất sau khoảng 30 phút.
Sau 2 tuần, một vết loét nhỏ, tuy nhiên, vết thương này sẽ tự lành và để lại sẹo nhỏ đường kính 5mm. Đây là minh chứng cho thấy trẻ có miễn dịch. Ở người có chức năng miễn dịch kém, tác dụng phụ sẽ thường gặp và nặng hơn.
Sau khi tiêm vắc xin lao BCG có thể gặp một số tác dụng phụ bao gồm sốt nhẹ nổi hạch hoặc bị áp xe tại chỗ. Các phản ứng hiếm gặp hơn (chỉ có 1/1.000.000 trường hợp mắc phải) là nhiễm trùng BCG toàn thân, viêm tủy, viêm hạch bạch huyết có mủ (xuất hiện từ 2 – 6 tháng sau khi tiêm BCG). Nhìn chung, rất hiếm xảy ra các phản ứng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm loại vắc xin này.
4. Một số lưu ý khi thực hiện tiêm chủng vắc xin lao BCG
Dưới đây là một số vấn đề cần lưu ý khi thực hiện tiêm BCG đó là:
– Vắc xin lao BCG được khuyến nghị cho trẻ trong vòng 30 ngày sau sinh càng sớm càng tốt.
– Vắc xin BCG được tiêm 1 liều duy nhất, không phải tiêm nhắc lại và thể tích tiêm là 0,1 ml.
– Tiêm trong da chính xác và sử dụng bơm kim tiêm riêng biệt khi tiến hành tiêm.
– Không tiêm vắc xin quá hạn, bị ẩm hoặc dính.
>>>>>Xem thêm: Bệnh bạch bầu: biến chứng và cách phòng ngừa bạn cần biết
Vắc xin BCG sẽ được tiêm 1 liều duy nhất
5. Chăm sóc sau khi tiêm vắc xin lao BCG
Sau khi tiêm BCG, bạn cần lưu ý thực hiện những điều sau đây:
– Vị trí được tiêm cần được giữ gìn sạch sẽ và khô thoáng.
– Chỉ nên sử dụng nước sạch hoặc nước ấm để tiến hành sạch vết tiêm nếu cần thiết.
– Tuyệt đối không sử dụng các loại chất sát trùng, thuốc mỡ hoặc kem bôi vào vị trí tiêm.
– Không dùng băng dán vết thương trực tiếp lên vị trí vết tiêm. Trong trường hợp cần băng bó thì nên sử dụng băng khô với băng dính dán dọc hai bên để cho phép không khí được lưu thông.
Trên đây là những thông tin cần thiết về việc tiêm BCG để bạn tham khảo. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, hãy liên hệ ngay tới Thu Cúc TCI để được hỗ trợ giải đáp tận tình ngay nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.