Trong cơn động kinh toàn thể, người bệnh có thể gặp tình trạng co giật, cứng cơ, mất trương cơ lực trong những khoảng thời gian nhất định, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày và sức khỏe của họ. Cùng tìm hiểu động kinh toàn thể là gì, cách nhận biết và điều trị ra sao qua bài viết sau đây.
Bạn đang đọc: Động kinh toàn thể: Triệu chứng, chẩn đoán, điều trị
1. Động kinh toàn thể là gì?
Thông thường các cơn động kinh xảy ra khi có sự kích thích điện và hóa chất trong não một cách quá mức.
Động kinh thường được chia làm 2 loại là động kinh toàn thể và động kinh cục bộ. Trong đó, động kinh dạng toàn thể là tình trạng xảy ra các cơn động kinh có liên quan đến toàn bộ khu vực não bộ. Động kinh thể này tiếp tục được chia thành các dạng nhỏ hơn với biểu hiện lâm sàng đặc trưng.
2. Các dạng động kinh toàn thể và triệu chứng
2.1 Động kinh toàn thể dạng co giật
Một số trường hợp, cơn động kinh co giật có triệu chứng báo trước như: giật nhẹ ở ngón tay một bên, nóng ran nửa người, “nổ đom đóm” mắt, ù tai, cảm thấy mùi khó chịu, hay lo lắng, bồn chồn,…
Còn lại, đa số cơn động kinh xuất hiện đột ngột với các biểu hiện:
Co cứng
– Bệnh nhân đột ngột kêu rống lên một tiếng rồi ngã vật xuống, rơi vào mất ý thức
– Chân tay duỗi cứng đờ, hai bàn tay nắm chặt
– Cơ hô hấp cứng lại, cơ thanh quản khép, xuất hiện cơn ngừng thở ngắn
– Da tím tái do thiếu oxy
Giai đoạn co cứng này kéo dài 20-30 giây.
Co giật toàn thân
Sau đó, bệnh nhân co giật các cơ toàn thân. Giai đoạn này thường kéo dài 30-60 giây. Đặc điểm là tay chân người bệnh co giật nhịp nhàng, ngày càng nhanh dần, thưa dần về cuối cơn sau đó ngừng hẳn. Cùng với cơ chân tay, các cơ ở mặt cũng co giật, bệnh nhân trợn ngược mắt, hai hàm nghiến chặt, sùi bọt mép…
Ngừng co giật
Khi ngừng co giật, các cơ bắt đầu mềm ra nhưng bệnh nhân vẫn mất ý thức, thở sâu, đồng tử hai bên giãn nhẹ. Giai đoạn này kéo dài khoảng 1 phút.
Hồi tỉnh
Bệnh nhân tỉnh lại, có thể đáp lại lời gọi hỏi nhưng vẫn lú lẫn trong một vài phút. Lúc này, bệnh nhân gặp phải tình trạng đau đầu, mệt mỏi, tăng phản xạ gân xương ở tứ chi. Sau đó, bệnh nhân sau khi hồi phục ý thức trở lại và chuyển sang ngủ sâu.
Như vậy, một cơn động kinh thường thường kéo dài khoảng 2-3 phút, ít khi quá 5 phút. Sau cơn co giật, bệnh nhân sẽ không nhớ gì.
2.2 Cơn vắng ý thức
Loại động kinh này thường chủ yếu xảy ra ở trẻ em. Biểu hiện: bệnh nhân bị gián đoạn ý thức và hành động trong khoảng thời gian rất ngắn, thường khoảng 3-5 giây. Có khi bệnh nhân đang ăn thì đột ngột ngưng nhai, làm rơi bát đũa, đang nói chuyện thì ngừng nói, ngơ ngác. Nhưng sau đó bệnh nhân có ý thức trở lại và tiếp tục công việc được ngay. Trong trường hợp này, những người bên cạnh thường tưởng là bệnh nhân chỉ ngủ gật hoặc mất tập trung, không chú ý vào công việc.
2.3 Cơn giật cơ
Người bệnh thường xuất hiện những động tác giật cơ đột ngột, ngắn, đối xứng hai bên. Vị trí xảy ra cơn giật có thể ở tay, đầu hoặc toàn thân với cường độ khác nhau. Tình trạng này không kèm rối loạn tri giác.
Thông thường, cơn giật xảy ra ở tuổi thanh niên, vào buổi sáng. Đôi khi bệnh nhân có thể ngã nhưng lại hồi phục ngay lập tức.
2.4 Cơn mất trương lực cơ
Nhóm bệnh này chiếm khoảng 1% số các trường hợp động kinh. Biểu hiện là việc người bệnh đột ngột mất trương lực cơ, ngã xuống đất nhưng có thể hồi phục ngay.
2.5 Hội chứng West – Một dạng của động kinh toàn thể
West là cơn động kinh rất ngắn, chỉ diễn ra trong 2-3 giây. Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 1 tuổi, phổ biến ở bé trai hơn. 80% các trường hợp động kinh này có tình trạng co thắt gấp người đối xứng hai bên cơ thể. Trẻ có thể đang nằm bỗng nhấc bổng đầu lên khỏi giường, gấp đôi người lại. Các tay bắt chéo trước ngực, chi chân ở tư thế gấp hoặc 2 chi trên duỗi thẳng và khép bắt chéo.
Tìm hiểu thêm: Làm thế nào để phòng ngừa đột quỵ tái phát?
3. Chẩn đoán và điều trị bệnh động kinh
3.1 Chẩn đoán bệnh động kinh
Bệnh động kinh được chẩn đoán chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng theo từng dạng kể trên.
Bên cạnh đó, các bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp hỗ trợ chẩn đoán như:
– Điện não đồ (EEG): Phương pháp ghi lại sự thay đổi của sóng não. Trong cơn động kinh thường ghi được sóng động kinh điển hình, ngoài cơn có thể không có sóng động kinh điển hình. Cũng rất nhiều trường hợp động kinh nhưng điện não hoàn toàn giống người bình thường.
– Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này giúp chẩn đoán các trường hợp động kinh do u não, đột quỵ não, tràn dịch não,…
>>>>>Xem thêm: Các triệu chứng bệnh động kinh, bạn đã biết?
3.2 Điều trị bệnh động kinh
Mục tiêu của việc điều trị bệnh động kinh gồm điều trị trong cơn co giật và điều trị duy trì dự phòng tái phát.
– Điều trị trong cơn co giật
Cơn co giật trông có vẻ đáng sợ nhưng thực chất bệnh nhân không đau. Sau cơn co giật bệnh nhân thường không nhớ gì và không tổn thương nặng. Do vậy, cấp cứu trong trường hợp này đôi khi là không cần thiết.
Tuy nhiên, vẫn nên để bệnh nhân nằm ở nơi thoáng mát, bằng phẳng, nên kê gối ở đầu và nới lỏng quần áo. Không cố mở miệng bệnh nhân hay cho bệnh nhân ăn uống bất cứ thứ gì vì nếu hít vào có thể gây tổn thương phổi thứ phát. Sau khi hết cơn co giật, hãy đưa bệnh nhân đi kiểm tra đường thở tại các cơ sở y tế gần nhất.
– Điều trị duy trì
Để cắt cơn động kinh và dự phòng nguy cơ tái phát, bệnh nhân thường cần phải dùng thuốc đều đặn lâu dài. Nhất là trong những trường hợp có rối loạn chức năng não hoặc bất thường trên điện não đồ.
– Những trường hợp động kinh không cần điều trị
+ Khoảng cách 2 cơn động kinh kéo dài hơn 2 năm
+ Bệnh nhân có nhiều hơn 2 cơn co giật nhưng nguyên nhân gây bệnh có liên quan đến tai nạn, sốt cao hoặc rượu.
Một số loại thuốc có thể được dùng để điều trị duy trì nhằm cắt cơn động kinh và dự phòng tái. Tuy nhiên cần phải xác định loại động kinh để dùng thuốc cho đúng. Thông thường thời gian dùng thuốc phải kéo dài ít nhất 3 năm, người bệnh cần được tư vấn, giải thích đầy đủ để tự giác tham gia vào quá trình điều trị. Khi dùng thuốc cần tuân theo đầy đủ hướng dẫn của bác sĩ.
Trên đây là những thông tin về bệnh động kinh toàn thể và cách điều trị. Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho những chẩn đoán và điều trị chuyên môn. Nếu thấy dấu hiệu động kinh, người nhà nên đưa bệnh nhân đi khám để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn.